Thứ Hai, 23 tháng 12, 2024

13. Tư tưởng Hồ Chí Minh - ngọn cờ dẫn dắt đất nước đến phồn vinh, hạnh phúc

 

13. Tư tưởng Hồ Chí Minh - ngọn cờ dẫn dắt đất nước đến phồn vinh, hạnh phúc

Tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ là ngọn cờ dẫn dắt sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, mà còn có giá trị bền vững, lâu dài đối với sự nghiệp đổi mới, thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Khác với sự ra đời của nhiều tư tưởng, lý luận trên thế giới, tư tưởng Hồ Chí Minh được hình thành, phát triển trong quá trình đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, từ khát vọng làm cho dân tộc độc lập, đất nước hùng cường, phồn vinh, nhân dân được ấm no, tự do, hạnh phúc. Đó là sự đúc rút, tổng kết từ cuộc đấu tranh cách mạng đầy gian khổ, hy sinh, nhưng vô cùng sôi nổi, phong phú, cao đẹp và trong sáng của Người.

Một là, Chủ tịch Hồ Chí Minh nuôi dưỡng và truyền cảm hứng về khát vọng phát triển đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.

Khi cách mạng vừa thành công, đất nước trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Người đã nêu khát vọng đưa dân tộc Việt Nam “bước tới đài vinh quang”, “sánh vai với các cường quốc năm châu”. Đó chính là nỗi niềm chung, mong muốn chung của cả dân tộc, là cái đích mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phấn đấu đạt tới. Để thực hiện mong muốn này, Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm đề ra các biện pháp giải quyết các nhiệm vụ cấp bách, như nạn đói, nạn mù chữ, xây dựng Hiến pháp dân chủ, bảo đảm tín ngưỡng tự do, lương giáo đoàn kết, thực hiện cần, kiệm, liêm, chính trong đội ngũ cán bộ, đảng viên... Người nêu rõ mong muốn, khát vọng mãnh liệt “...là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Người yêu cầu phải thực hiện ngay “làm cho dân có ăn; làm cho dân có mặc; làm cho dân có chỗ ở; làm cho dân có học hành”.

Hai là, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã định hướng, vạch ra con đường, biện pháp để xây dựng, phát triển đất nước Việt Nam “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, phồn vinh, hạnh phúc.

Trong bản Di chúc thiêng liêng, Người trăn trở, suy nghĩ về kế hoạch xây dựng lại thành phố và làng mạc bị chiến tranh tàn phá; khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế; sửa đổi chế độ giáo dục cho hợp với hoàn cảnh mới của nhân dân; trồng cây thành rừng tốt cho phong cảnh, lợi cho nông nghiệp... Người mong muốn toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.

Ba là, Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng, là tinh hoa của tinh thần khoan dung, nhân ái, yêu chuộng hòa bình, văn minh Việt Nam và tiến bộ của thế giới.

Khoan dung, nhân ái, yêu chuộng hòa bình Hồ Chí Minh cũng chính là biểu hiện của tinh thần tiến bộ, văn minh Việt Nam và thế giới trong thời đại mới. Đó là lòng yêu thương sâu sắc đối với con người, ở cái nhìn rộng lượng đối với những sự khác biệt với mình, ở sự tôn trọng niềm tin của người khác; xa lạ với mọi thái độ cuồng tín, giáo điều. Đối với các tôn giáo, Người tôn trọng đức tin của người có đạo, tìm điểm tương đồng về giá trị giữa lý tưởng của các bậc sáng lập tôn giáo với mục tiêu giải phóng dân tộc và mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân, của Đảng ta. Người được cả dân tộc và nhân loại tôn vinh là chiến sĩ vì hòa bình, đấu tranh chống lại những bất công, tàn bạo, nâng đỡ, giúp đỡ con người được sống một cuộc sống đúng nghĩa của con người.

Hiện thực hóa khát vọng đổi mới, sáng tạo và xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Nhìn lại hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về đường lối đổi mới, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng sáng rõ hơn và từng bước được hiện thực hóa. Đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đây là niềm tự hào, là động lực, nguồn lực quan trọng, là niềm tin để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới toàn diện, đồng bộ; phát triển nhanh và bền vững đất nước. Ý chí và khát vọng về một dân tộc Việt Nam hùng cường của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền móng, từng bước đưa dân tộc Việt Nam tiến cùng nhịp bước với trào lưu tiến bộ trên thế giới và ý nguyện hòa bình, phát triển của nhân loại.

Đại hội XIII của Đảng là sự kiện chính trị có ý nghĩa lịch sử đặc biệt, là dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Đảng ta, dân tộc ta, đất nước ta. Tại Đại hội XIII, lần đầu tiên trong chủ đề của Đại hội và trong các văn kiện chính trị đề cập đến “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Đây là một điểm rất mới và là một dấu ấn rất quan trọng. Khát vọng thịnh vượng đã được khơi dậy, truyền cảm hứng và như một lời hiệu triệu với non sông, đất nước, với gần một trăm triệu người dân Việt Nam mà ở đó, mục tiêu rõ nhất là làm cho người dân được hạnh phúc dưới ánh sáng tư tưởng, đạo đức, phong cách và khát vọng Hồ Chí Minh.

Hiện nay, bên cạnh xu thế tích cực là chủ đạo, tình hình thế giới vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa cường quyền nước lớn, chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa dân túy trong quan hệ quốc tế có xu hướng gia tăng. Các nước đang phát triển, nhất là các nước nhỏ, đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới. Kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng, suy thoái nghiêm trọng và có thể còn kéo dài do tác động của đại dịch COVID-19. Các quốc gia, nhất là các nước lớn, điều chỉnh lại chiến lược phát triển, giảm bớt sự phụ thuộc vào bên ngoài, làm thay đổi các chuỗi cung ứng. Cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại, tranh giành thị trường, các nguồn tài nguyên, công nghệ, nhân lực chất lượng cao giữa các nước ngày càng gay gắt, quyết liệt, tác động mạnh đến chuỗi sản xuất và phân phối toàn cầu. 

Ở trong nước, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, đất nước ta đang phải đối diện với những khó khăn, thử thách và trở ngại không hề nhỏ. Nền kinh tế phát triển chưa bền vững, còn nhiều hạn chế, yếu kém, lại phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức mới do tác động của đại dịch COVID-19 và khủng hoảng kinh tế toàn cầu gây ra. Bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra vẫn còn tồn tại, có mặt còn gay gắt hơn. Các thế lực thù địch tiếp tục tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước và đất nước ta. Bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và thích ứng với biến đổi khí hậu là yêu cầu cấp thiết, đồng thời là những thách thức rất lớn đối với nước ta trong thời gian tới.

Để hiện thực hóa khát vọng đổi mới sáng tạo và xây dựng nước Việt Nam phát triển phồn vinh, hạnh phúc theo tư tưởng Hồ Chí Minh, cần vận dụng sáng tạo tư tưởng của Người trong bối cảnh mới của thời đại, phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước trên những nội dung sau:

Thứ nhất, kiên định, trung thành với lý tưởng, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và dân tộc ta đã lựa chọn. Đổi mới là một quá trình cách mạng toàn diện, sâu sắc và triệt để trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đổi mới không phải là từ bỏ, thay đổi mục tiêu chủ nghĩa xã hội mà là làm cho mục tiêu ấy được thực hiện có hiệu quả, để chủ nghĩa xã hội phát huy được bản chất ưu việt, không giáo điều, trì trệ và xơ cứng trong tư duy và tư tưởng, làm sống động những giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong thực tiễn đổi mới của Việt Nam.

Thứ hai, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, sức mạnh tổng hợp của nền văn hóa, con người Việt Nam, bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút, trọng dụng nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Thứ ba, gắn phát triển kinh tế với phát triển xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững của đất nước và phục vụ cuộc sống, vì cuộc sống bình yên của người dân. Không phải ngẫu nhiên mà trong hệ mục tiêu của đổi mới, Đảng ta đặt “dân giàu, nước mạnh” lên hàng đầu. Các chính sách kinh tế phải thống nhất với các chính sách xã hội, lấy sự phát triển toàn diện của con người làm mục tiêu, là thước đo của sự phát triển.

Thứ tư, tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện; đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là cán bộ cấp chiến lược có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; làm tốt công tác tư tưởng, lý luận; chú trọng công tác bảo vệ Đảng, bảo vệ chính trị nội bộ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng.

Thứ năm, kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, an ninh kinh tế, an ninh mạng, an ninh con người, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương. Chủ động ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; phát hiện sớm và xử lý kịp thời những nhân tố bất lợi, nhất là những nhân tố có thể gây đột biến; đẩy mạnh đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét