Vừa qua, trên trang “Boxitvn” Chu Hồng Quý đăng tải bài viết “Tăng cường phản biện xã hội để Đảng tiến bộ, Chính phủ hoạt động hiệu quả, Đất nước văn minh hơn”. Quý cho rằng: “chúng ta không có phản biện độc lập”; rằng: “Vì không nghe lời phản biện của giới chuyên gia cảnh báo nên 528 triệu USD mà PVEP/PVN mất trắng đầu tư sang Venezuela như đổ sông đổ biển”. Thực chất đây là những luận điệu xuyên tạc, bóp méo sự thật, nhằm thực hiện âm mưu kích động quần chúng nhân dân, chống phá Đảng và Nhà nước ta. Những âm mưu, thủ đoạn này đối lập hoàn toàn với phản biện xã hội, mà chính là gây phức tạp tình hình xã hội; chúng đội lốt phản biện xã hội để phá bĩnh, thúc đẩy sự đối kháng trong xã hội.
Phản biện xã hội là một hình thức, một biện pháp cụ thể thể hiện quyền của nhân dân và ý thức trách nhiệm của nhân dân đối với công việc chung của đất nước; thể hiện mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và Nhà nước với Nhân dân; thể hiện lòng tin của Đảng, Nhà nước đối với trình độ chính trị, mức độ hiểu biết của nhân dân về lãnh đạo và quản lý.
Đảng, Nhà nước ta luôn coi trọng ý kiến đóng góp phê bình, kiến nghị với Đảng và Nhà nước về các vấn đề quốc kế dân sinh của mọi tầng lớp nhân dân, các tổ chức chính trị, xã hội, tổ chức xã hội. Mọi đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, có sự tham gia ý kiến của nhân dân; phát huy vai trò và tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân tham gia xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội… Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò tự quản của nhân dân” Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 26/10/2022 về “Phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội”.
Đảng và Nhà nước ta luôn khuyến khích các diễn đàn phản biện xã hội với ý thức trách nhiệm và tinh thần xây dựng, các ý kiến đóng góp có tính khoa học, thực tiễn, chỉ ra những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, giải pháp để ngày càng hoàn thiện các chủ trương, chính sách, phục vụ thiết thực cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Trong đời sống chính trị – xã hội của một đất nước luôn tồn tại nhu cầu cá nhân đưa ra những quan điểm, chính kiến của mình, cũng như cơ quan nhà nước lựa chọn, tranh thủ ý kiến, nhận xét của các tổ chức, cá nhân, xã hội để đưa ra những quyết sách đúng đắn, kịp thời, hợp lý nhất trong quá trình nhận diện và giải quyết các vấn đề cuộc sống đặt ra. Phản biện xã hội về thực chất là người dân, các tổ chức chính trị – xã hội, xã hội – nghề nghiệp góp sức với Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng các chủ trương, chính sách, chuẩn bị các quyết định về chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội.
Thực tiễn trong xây dựng các chủ trương, chính sách pháp luật như xây dựng Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023, Luật Đấu thầu 2023, Luật Đất đai 2024,….Văn kiện đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đều lấy ý kiến của nhân dân… để phát hiện những điểm chưa chính xác, chưa phù hợp với đời sống xã hội và lợi ích chính đáng của nhân dân để kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung cho chính xác, phù hợp.
Như vậy, có thể thấy, các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước ta đều được lấy ý kiến đóng góp của đông đảo quần chúng nhân dân. Đây là minh chứng cho thấy Nhà nước ta thực sự là nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Những luận điệu xuyên tạc của Chu Hồng Quý về Việt Nam chúng ta không có phản biện độc lập là không có cơ sở. Mục đích của chúng nhằm kích động, gây chia rẽ, phá hoại mối đoàn kết giữa nhân dân với Đảng, thực hiện mưu đồ chống phá Đảng, Nhà nước ta. Vì vậy, mọi người cần nhận diện, cách giác và đấu tranh với những luận điệu sai trái trên./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét