Trên những chiếc tàu của Quân chủng Hải quân đưa các đoàn công tác ra thăm quân dân ở huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) và Nhà giàn DK1, mọi người quên đi cảm giác say sóng, bởi trên tàu là không gian văn hóa đa sắc màu, tổ chức nhiều hoạt động phong phú, từ thi chụp ảnh đến sáng tác thơ, nhạc, giúp mọi người thăng hoa cảm xúc và mãi mãi nhớ về biển, đảo Trường Sa, DK1 thân yêu.
Đội văn nghệ 561
"Thông báo, tổ số 5 đề nghị mọi người tập trung xuống tầng 3, D4 để tập văn nghệ... Thông báo, tổ số 3, số 2 tập văn nghệ tại tầng số 3”, đó là thông tin vang lên trên tàu bệnh viện 561 (Lữ đoàn 955, vùng 4 Hải quân) trên đường đưa đoàn công tác số 17 ra thăm quân dân huyện đảo Trường Sa và ra thềm lục địa thăm các chiến sĩ trên nhà giàn DK1. Đó là một buổi luyện tập văn nghệ, sáng tác văn chương trên con tàu vượt sóng ra khơi.
Mỗi chuyến đưa đoàn công tác ra thăm quân dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1, Ban chỉ huy tàu đều tranh thủ thời gian hành trình kết nối mọi người, chia thành nhiều tổ để bắt đầu một chương trình hoạt động. Tổ đầu tiên được thành lập là đội báo chí, phát thanh. Cứ mỗi ngày luân phiên, tổ báo chí sẽ viết một bản tin để phát trên loa nội bộ. Chương trình đầu tiên là nói về cảm xúc trước khi tàu rời bến, cảm nhận của mỗi người khi đứng trước tượng đài Anh hùng Đoàn tàu không số tại khuôn viên Lữ đoàn 125 (phường Cát Lái, thành phố Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh).
Mỗi đoàn công tác ra đảo với số lượng thành viên lên tới 250 người, vì vậy, các thành viên được phân về nhiều đội và kết nối với nhau bằng các hoạt động trong điều kiện tàu đang vượt sóng gió ra đảo. Sau 2 ngày 2 đêm hải trình, tàu cập vào xã đảo Sinh Tồn. Từ thời điểm đó, sức mạnh tiềm tàng trong mỗi con người bắt đầu trỗi dậy, những người ít đi biển cũng bắt đầu thấy trong tâm hồn mình lâng lâng cảm xúc, thương cảm người lính, người dân, những đứa trẻ trên đảo. Đúng vào lúc đó, chỉ huy đoàn công tác bắt đầu phát động chương trình “Thi hát về biển, đảo Trường Sa”.
Đoàn công tác chia làm 8 đội. Lướt qua khuôn mặt các thành viên trong đoàn thì đủ các độ tuổi. Những cựu chiến binh đã ở tuổi ngoài 70 như Thiếu tướng Hoàng Kiền, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; Chuẩn Đô đốc Ngô Văn Phát, nguyên Chính ủy Vùng 5 Hải quân. Những thành viên trung tuổi là cán bộ đến từ các sở, ngành, tổ chức chính trị xã hội của tỉnh Đồng Nai, Đắk Nông, Thủ đô Hà Nội... Phần lớn các đội đều tập bài hát “Khúc quân ca Trường Sa” của nhạc sĩ Đoàn Bổng. Mọi người có lúc ngưng hát, xem chỗ nào ngắt nhịp, trườn nhịp, giọng ca cần phải hùng hồn ra sao. Rồi đến ngày tổ chức thi, trên con tàu đang chao lắc nhẹ từ đảo Cô Lin về Đá Đông A, Đá Tây C, các đội văn nghệ bước lên sâu khấu là mặt boong tàu để biểu diễn: "Ngày qua ngày, đêm qua đêm/Chúng tôi đứng đây gìn giữ quê hương/Biển này là của ta, đảo này là của ta, Trường Sa. Dù phong ba, dù bão tố, dù gian khổ/Ta vẫn vượt qua...”.
Hát giữa sóng gió
Trong mỗi chuyến hành trình dài ngày để đến các điểm đảo, có không ít thành viên say sóng mệt lử. Nhưng rồi nhờ chương trình văn nghệ trên tàu, người này động viên người khác, mọi người cứ như vậy, nở nụ cười và bắt đầu luyện tập văn nghệ, đứng hát trên boong tàu lộng gió. Đây chính là thời điểm các văn nghệ sĩ thăng hoa cảm xúc để sáng tác các bài thơ, bản nhạc hay; còn đối với các nghệ sĩ nhiếp ảnh, đây là khoảnh khắc để sáng tác những đề tài mà trong đất liền không bao giờ có được. Đại tá Hà Ngọc Ngân, Tổ trưởng Tổ công tác Đảng, công tác chính trị trên tàu chia sẻ: “Các hoạt động này sẽ giúp mọi người nhớ mãi Trường Sa”.
Khi tàu trên đường ra đảo, các đội trên tàu tổ chức ghép chương trình, tập văn nghệ. Khi tàu trên đường hành trình trở về, chương trình luyện tập được cô đọng bằng Hội thi văn nghệ. Phía boong sau con tàu là nơi thường diễn ra bữa ăn, bàn ghế được xếp gọn lại. Ban Giám khảo ngồi ở hàng ghế đầu vừa xem văn nghệ, vừa cổ vũ trong tiếng vỗ tay rào rào của khán giả. Trong chương trình văn nghệ bao giờ cũng có tiết mục đặc biệt của lính Hải quân. Chủ đề của chương trình là “Biển đảo và người chiến sĩ Hải quân”.
Trong kế hoạch tổ chức các hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị, trên tàu luôn có nội dung “Khắc phục khó khăn để tổ chức hoạt động”. Khó khăn đó là đôi khi chương trình văn nghệ diễn ra trong lúc con tàu đi vào vùng gió Nam, sân khấu cứ chao lắc liên tục; bên cạnh đó là mọi người luôn động viên nhau, chia sẻ kinh nghiệm chống say sóng để các thành viên trong đội đều có mặt đông đủ trên sâu khấu boong tàu.
Trong đoàn công tác có Thiếu tướng Hoàng Kiền. Giữa tiếng hát dập dồn, tôi thoáng nhớ đến những câu chuyện ông kể trong Chiến dịch CQ 88, đó là bộ đội công binh ra xây dựng đảo, bữa ăn quen thuộc là món rau muống khô nấu canh với thịt hộp, lính đảo tắm nước mặn quanh năm nên nước da ai cũng đen cháy, vậy nhưng đêm về, tiếng đàn ghi ta vẫn vang lên bập bùng. Thiếu tướng Hoàng Kiền tâm sự: “Chính vì sự hy sinh của một thế hệ như vậy thì hôm nay mới có được một Trường Sa sừng sững và mọi người cất lời ca, tiếng hát trên con tàu ra thăm huyện đảo Trường Sa thân yêu”.
Chương trình văn nghệ trên boong tàu gói gọn trong 10 tiết mục. Nghệ sĩ Nhân dân Trần Mạnh Cường cũng đồng hành trong chuyến đi và được cơ cấu làm Trưởng ban Giám khảo. Mỗi tổ tham gia văn nghệ không chỉ gắn với số thứ tự, mà còn được gắn với tên của mỗi hòn đảo. Tổ 1 Sinh Tồn, tổ 2 Cô Lin, tổ 3 Đá Đông, tổ 4 Đá Tây, tổ 5 Trường Sa... Nhiều người đọc bài thơ của tác giả Nguyễn Thế Kỷ đã được phổ nhạc: "Trường Sa ơi, ngày mai tàu cập bến/Ta lại về phố thị thân thương/Vòng tay ấm, bữa cơm sum họp/Và riêng, chung bao chuyện vui buồn".
Giây phút chia tay ở Trường Sa, xúc động nhất là những người lính Hải quân, Không quân và BĐBP cùng bà con nhân dân đứng bên hàng cây có màu xanh pha sắc vàng vẫy tay chào tạm biệt, sau đó hát liên khúc bên đảo xanh. Bài hát đầu tiên là bài “Khúc quân ca Trường Sa”. Trên bờ hát, trên tàu đáp lại, tiếp đến là bài hát “Đời mình là một khúc quân hành” của nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét