Thứ Sáu, 27 tháng 12, 2024

Tô thắm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng nhân dân biên giới

 Trạm xá quân dân y kết hợp là mô hình chăm sóc sức khỏe ban đầu tại các địa bàn biên giới do các đơn vị BĐBP đảm trách. Những năm qua, mô hình này đã giúp đồng bào ở những nơi khó khăn, vùng sâu, vùng xa được tiếp cận y tế; qua đó, thắt chặt hơn tình cảm quân dân, tô thắm hình ảnh "Bộ đội Cụ Hồ" trong lòng nhân dân biên giới.

Ở những địa bàn biên giới khó khăn, giao thông cách trở, các trạm xá khám quân dân y kết hợp của BĐBP trong nhiều năm qua đã và đang trở thành địa chỉ tin cậy, góp phần khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Cùng với đó, đội ngũ y, bác sĩ mang quân hàm xanh thường xuyên phối hợp chặt chẽ với cán bộ, nhân viên y tế địa phương thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh...

Tại huyện Lóng Sập, tỉnh Sơn La, Trạm xá quân dân y hữu nghị biên giới Việt-Lào được đưa vào hoạt động từ tháng 7/2017. Trạm được trang bị các thiết bị y tế hiện đại như máy siêu âm, máy điện tim nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân khu vực biên giới huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La và huyện Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn (Lào). Sau hơn 7 năm đi vào hoạt động, trạm đã thực hiện khám và điều trị cho gần 20.000 lượt người. Từ đầu năm 2024 đến nay, trạm đã khám, cấp phát thuốc miễn phí cho 838 lượt người dân hai nước.

Thiếu tá Phạm Thiện Thuật, Trạm trưởng Trạm xá quân dân y hữu nghị biên giới Việt-Lào cho biết: "Chúng tôi luôn chú trọng học tập nâng cao tay nghề, làm tốt công tác y tế dự phòng và phát huy tốt cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc men để chăm sóc sức khỏe cho người dân hai bên biên giới. Qua đó, góp phần xây dựng biên giới Việt-Lào hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển". Được biết, cùng với việc khám, chữa bệnh tại trạm, cán bộ, chiến sĩ quân y của trạm còn thường xuyên trực tiếp xuống tận các gia đình thăm khám và cấp phát thuốc trị bệnh thông thường như cảm cúm, tiêu chảy, viêm nhiễm hô hấp khi thời tiết chuyển mùa... Đồng thời, tuyên truyền cho người dân đưa con, em đến cơ sở y tế tiêm chủng mở rộng, sử dụng nước sạch, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, hướng dẫn cách phòng tránh các loại dịch bệnh và loại bỏ các hủ tục...

Cũng phát huy hiệu quả như trạm xá quân dân y tại huyện Lóng Sập, tỉnh Sơn La, từ nhiều năm nay, Trạm quân dân y xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng cũng có nhiều đóng góp cho việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân Khmer trên địa bàn. Chúng tôi có mặt tại trạm vào lúc hơn 11 giờ trưa, các cán bộ Trạm quân dân y xã Lai Hòa vẫn thay nhau khám bệnh và điều trị cho người dân. Ông Huỳnh Thon, ấp Prey Chóp B, xã Lai Hòa tiếp tục đến trạm xá điều trị bệnh bằng phương pháp châm cứu. Ông Huỳnh Thon cho biết: “Năm nay tôi hơn 50 tuổi, nhưng sức khỏe yếu, trong người thường xuyên đau nhức. Do hoàn cảnh khó khăn nên hàng ngày, tôi vẫn phải chạy xe ôm kiếm tiền chăm lo cho gia đình. Tôi muốn đi khám bệnh ở các bệnh viện lớn, nhưng không có đủ kinh phí, thật may mắn là có trạm quân dân y ở đây mà tôi và bà con ở vùng quê này được khám bệnh, tiết kiệm chi phí”.

Được biết, Lai Hòa là xã còn nhiều khó khăn của thị xã Vĩnh Châu, tỷ lệ đồng bào Khmer chiếm trên 50%, bà con sống chủ yếu bằng nghề làm nông nghiệp và đánh bắt thủy sản ven biển. Trung bình mỗi tháng, trạm quân dân y tổ chức khám, chữa bệnh và cấp thuốc cho khoảng 1.000 lượt người, có tháng cao điểm lên đến hơn 2.000 lượt người. Trạm có 2 y sĩ và 1 nữ hộ lý là người dân tộc Khmer, am hiểu phong tục tập quán, cùng nói tiếng của đồng bào nên rất thuận tiện trong việc khám, chữa bệnh cho người dân.

Theo báo cáo của Phòng Quân y, Bộ Tham mưu BĐBP, trong năm 2024, các đơn vị BĐBP đã cử 123 đồng chí quân y tham gia làm nhiệm vụ tại 102 phòng khám, trạm y tế quân dân y trên địa bàn biên giới, biển, đảo của cả nước. Lực lượng quân y tuyến đồn Biên phòng tham gia hiệu quả hoạt động củng cố y tế cơ sở, tổ chức khám, chữa bệnh cho nhân dân; tham gia chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bà mẹ, trẻ em; vận động cai nghiện ma túy, phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng, chống dịch bệnh và kịp thời ứng phó với các tình huống đột xuất do thiên tai gây ra ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trên tuyến biên giới; kết hợp hoạt động khám, chữa bệnh với tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Năm 2024, các đơn vị đã tổ chức khám, điều trị tại các tuyến quân y cho 80.652 lượt người, trị giá trên 1,05 tỷ đồng, cấp cứu cho 315 lượt người dân; thường xuyên tổ chức các đợt khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí trên địa bàn biên giới cho 18.165 lượt người, trị giá trên 2,68 tỷ đồng; tham gia tiêm chủng mở rộng tại địa phương cho 10.654 lượt trẻ em.

Bên cạnh đó, lực lượng quân y đồn Biên phòng không ngừng học hỏi, trau dồi kinh nghiệm chuyên môn và kiến thức văn hóa, phong tục tập quán của các nước bạn để phục vụ tốt công tác đối ngoại biên phòng. Năm 2024, quân y các đơn vị đã cấp cứu cho 69 lượt người, khám cho 5.977 lượt người dân nước bạn, trị giá trên 355 triệu đồng; tổ chức 4 đợt khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho 3.730 người dân nước láng giềng, trị giá trên 438 triệu đồng, đem lại hiệu quả cao về tinh thần quốc tế hữu nghị, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Có thể thấy rằng, mô hình trạm xá quân dân y kết hợp của BĐBP trên các tuyến biên giới đã và đang đạt hiệu quả thiết thức, góp phần quan trọng vào việc phòng, chống các loại dịch bệnh, nâng cao sức khỏe nhân dân, nhất là đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới; là địa chỉ y tế tin cậy của nhân dân, góp phần tô thắm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng nhân dân biên giới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét