Thứ Sáu, 27 tháng 12, 2024

Nâng tầm giá trị cây di sản của đồng bào dân tộc Khmer

 Từ lâu, cây thốt nốt đã luôn hiện hữu trong đời sống của đồng bào dân tộc Khmer vùng biên giới miền Tây Nam Bộ. Cây thốt nốt không chỉ tạo cảnh quan thơ mộng và mang tính biểu tượng cao về văn hóa của người Khmer, mà còn là cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao. Trong đó, nghề làm đường thốt nốt của đồng bào Khmer vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Thốt nốt là loại cây thực vật thuộc họ cau. Cây thốt nốt lớn, thân gỗ to, chắc, thẳng đứng, có thể vươn cao 30m, có tuổi thọ trên 100 năm, chịu được khô hạn, ngập nước, ưa nắng, nhưng không chịu rét. Phải hơn 30 năm tuổi, cây mới cho quả nên người dân thường ví là cây “ông trồng - cháu hưởng” và luôn gắn bó với đời sống của người Khmer.

Ông Prach Siên, ở ấp Kà Ốt, xã Tân Đông, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh chia sẻ: “Tôi không biết cây thốt nốt có từ bao giờ, chỉ biết khi sinh ra đã thấy nó rồi. Từ nhỏ, tôi đã được người lớn cho đi theo để lấy nước thốt nốt. Dù đã gắn bó với nghề làm đường thốt nốt rất nhiều năm để có thu nhập nuôi sống gia đình, nhưng hiện nay, do tuổi đã cao nên tôi không thể theo nghề lấy nước thốt nốt về làm đường nữa”. Là một nghề truyền thống được lưu truyền lâu đời, qua bàn tay và khối óc sáng tạo, những người dân Khmer đã giữ gìn được nghề truyền thống, tạo ra sản phẩm độc đáo từ cây thốt nốt. Ông Prach Siên nói thêm: “Cây thốt nốt có rất nhiều lợi ích. Nước thốt nốt làm đường hoặc làm rượu, trái cây chín dùng làm thực phẩm rất thơm ngon, thân cây có thể dùng làm vật liệu xây nhà, thủ công mỹ nghệ, sơ trong tàu lá thì se thành sợi làm dây thừng buộc trâu, bò hoặc dây kéo rất bền, lá thốt nốt non có thể nấu canh. Lá già dùng lợp mái nhà, đan thành nón để đội, làm chất đốt”.

Ông Đào Thái Sơn, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian cho biết: “Cây thốt nốt không phải là đánh dấu lãnh thổ, mà giúp cho mọi người nhận biết nơi đó có bà con dân tộc Khmer sinh sống. Cây thốt nốt có một sức sống dẻo dai, bền bỉ, giống như cuộc sống của bà con dân tộc Khmer, sẵn sàng đối mặt với thiên nhiên khắc nghiệt và với những khó khăn trong cuộc sống để vươn lên. Do đó, cây thốt nốt được coi là một trong những biểu tượng về tâm hồn, tính cách và văn hóa của người Khmer”.

Cây thốt nốt được bà con dân tộc Khmer trồng thành những hàng dài ven xóm, ven ruộng, hoặc những nơi có suối, rạch chảy qua. Tại huyện Tri Tôn và Tịnh Biên của tỉnh An Giang, cây thốt nốt được người dân trồng nhiều nhất, hiện có gần 70.000 cây. Ngoài ra, cây thốt nốt còn được người dân trồng ở một số nơi như khu du lịch, khu vui chơi, quán cà phê hoặc đem về trồng làm cảnh.

Tuy nhiên, người ta biết đến cây thốt nốt nhiều hơn nhờ một loại sản phẩm truyền thống nổi tiếng, có giá trị kinh tế cao, đó là đường thốt nốt. Các khâu trong quá trình sản xuất đường thốt nốt rất nghiêm ngặt. Người lấy mật bắt buộc phải lấy từ sớm để mật không bị chua. Thợ nấu mật thốt nốt sử dụng gỗ sến để hạn chế sự lên men chua của nước hoa thốt nốt. Gỗ sến có vị đắng nên giúp hạn chế được quá trình lên men, nguyên liệu tự nhiên trong gỗ sến chỉ giúp hạn chế tối đa lên men trong 8 giờ và tăng độ béo cho đường thốt nốt. Do đó, sản phẩm phải được nấu liền sau đó.

Nhằm đảm bảo an toàn hương vị tự nhiên và an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, tất cả các khâu đều được sử dụng an toàn, không sử dụng hóa chất hay phụ gia nên đã giữ được hương thơm, vị ngọt thanh đặc trưng. Sản phẩm đường thốt nốt không chỉ ngon thơm, vị thanh ngọt, mà còn giữ nhiều vitamin, khoáng chất tự nhiên có trong hoa thốt nốt, như: Kali, vitamin C, vitamin B, nổi bật nhất là vitamin B12 với hàm lượng rất cao. Mỗi năm thu hoạch khoảng 8.000 tấn đường. Đường được sản xuất an toàn, lấy từ cuống hoa thốt nốt, không hóa chất bảo quản, không pha trộn đã chứng nhận là sản phẩm OCOP 4 sao.

Nhằm nâng tầm giá trị đường của cây thốt nốt, người dân đã có sự kế thừa cách làm truyền thống, quan tâm từ mẫu mã đến chất lượng sản phẩm. Sản phẩm đường thốt nốt hôm nay đã được người làm nghề truyền thống chú trọng hơn, từ bao bì đến chất lượng. Khâu đóng gói được ứng dụng công nghệ mới, như ép chân không để tăng thời gian bảo quản, hướng đến thị trường xa hơn và phân khúc thị trường cao cấp hơn.

Nghề làm đường thốt nốt của đồng bào Khmer được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đó là niềm tự hào dân tộc của đồng bào dân tộc Khmer. Hiện nay, đường thốt nốt đã có thương hiệu và được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường châu Âu. Đường thốt nốt của người dân Khmer cũng dần khẳng định được vị trí trên thị trường trong và ngoài nước.

Thành công đã tạo ra sự phát triển bền vững, góp phần đưa đặc sản của vùng Bảy Núi vươn xa. Ông Prach Siên bày tỏ mong muốn: “Thế hệ trẻ sau này đừng chặt bỏ cây thốt nốt, hãy lưu giữ một loại cây dễ trồng của ông cha ta để lại, cho những người nơi xa tới có thể thưởng thức được hương vị quê hương”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét