Thứ Năm, 26 tháng 12, 2024

Quân đội tích cực, chủ động hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng trong tình hình mới

     Hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và là một mặt hoạt động quốc phòng nhằm thực hiện mục tiêu bảo vệ vững chắc Tổ quốc bằng biện pháp hòa bình. Quán triệt và triển khai thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng, những năm qua, công tác hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng luôn được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai tích cực, đồng bộ, với nhiều đổi mới, sáng tạo, đạt được kết quả toàn diện trên cả bình diện song phương và đa phương, góp phần củng cố, phát triển quan hệ của Việt Nam với các quốc gia, tổ chức quốc tế; tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài để xây dựng Quân đội, tăng cường tiềm lực quốc phòng, khắc phục hậu quả chiến tranh; thúc đẩy     hợp tác với các nước láng giềng; nâng cao vị thế, vai trò, uy tín của đất nước, Quân đội trên trường quốc tế.

    Trong những năm qua, hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đã phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu, trở thành một trong những trụ cột của đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân; phát huy sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, tạo sức mạnh tổng hợp - nền tảng vững chắc để thực hiện kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; tranh thủ hiệu quả các nguồn lực bên ngoài; nâng cao vai trò, vị thế, uy tín của đất nước nói chung, Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng trên trường quốc tế.

    Về quan hệ song phương, ta tiếp tục xử lý tốt quan hệ quốc phòng với các nước, đặc biệt là với các nước láng giềng, các nước lớn, góp phần xây dựng lòng tin, tạo thế đan xen chiến lược, bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc. Đến nay, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã mở rộng và thiết lập quan hệ hợp tác với trên 100 quốc gia, trong đó có đầy đủ 05 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và tất cả các nước lớn. Các đối tác chủ chốt gồm: 03 nước quan hệ đối tác hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện (Cuba, Lào, Campuchia); 05 nước quan hệ đối tác chiến lược toàn diện (Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ); 13 nước quan hệ đối tác chiến lược; 12 nước quan hệ đối tác hợp tác toàn diện; 03 tổ chức quốc tế (Liên hợp quốc, EU, Tổ chức Thủy đạc quốc tế). Việt Nam đã cử 33 cơ quan Tùy viên quốc phòng trực tiếp và kiêm nhiệm tại 41 nước và Liên hợp quốc; ký kết 426 văn bản hợp tác quốc phòng với các đối tác; có 52 quốc gia đặt cơ quan tùy viên quốc phòng, tùy viên quân sự tại Việt Nam.

Với các nước láng giềng liền kề, ta đã tổ chức thành công 07 lần giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới với Trung Quốc, 01 lần với Lào, 01 lần với Campuchia và chuẩn bị tổ chức Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia cấp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng lần thứ nhất vào trung tuần tháng 12 năm 2023; Giao lưu Hải quân, Cảnh sát biển Việt Nam và những người bạn với 06 nước, nhất là hàng chục cuộc giao lưu Biên giới các cấp của Bộ đội Biên phòng với lực lượng bảo vệ biên giới các nước tiếp giáp, cơ chế phối hợp tổ chức tuần tra chung trên bộ, trên biển; diễn tập phòng, chống tội phạm xuyên biên giới; diễn tập quân y; tăng cường các hoạt động giao lưu, kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới và các hoạt động khám, chữa bệnh, hỗ trợ cho nhân dân ở hai bên biên giới, v.v.

Về đối ngoại quốc phòng đa phương, Quân đội đã tích cực tham gia có trách nhiệm và chủ động đóng góp xây dựng, đề xuất nhiều sáng kiến thiết thực tại các cơ chế hợp tác về quốc phòng, an ninh của khu vực và quốc tế, như: Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN Mở rộng (ADMM+), Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN (ARF), Đối thoại Shangri-La, Hội nghị an ninh quốc tế Moscow, Diễn đàn Hương Sơn - Bắc Kinh, Đối thoại Quốc phòng Seoul, v.v. Đến nay, Việt Nam đã tham gia đầy đủ, liên tục tất cả các cơ chế hợp tác quân sự, quốc phòng do ASEAN dẫn dắt; tham gia đầy đủ ở cấp phù hợp với các diễn đàn an ninh quốc tế lớn trong khu vực; tham gia có trách nhiệm vào các tổ chức đa phương quốc tế và khu vực. Đặc biệt, đối ngoại quốc phòng đa phương đã có sự chuyển biến mạnh về tư duy từ “tham dự” sang “chủ động đóng góp xây dựng, định hình luật chơi chung”, đảm nhận và chủ trì thành công nhiều hoạt động hợp tác thực chất1; tích cực cử lực lượng Quân đội tham gia các hoạt động thực tế trong khuôn khổ ASEAN.

Trong khuôn khổ Liên hợp quốc, Quân đội đã tham mưu với Đảng, Nhà nước chủ động, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế về các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa, được Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Sự tham gia của Việt Nam được mở rộng cả về hình thức, quy mô, lực lượng và địa bàn. Từ năm 2014 đến nay, Việt Nam đã cử trên 780 lượt cán bộ, nhân viên, trong đó có 97 lượt cá nhân, 02 đội công binh và 05 bệnh viện dã chiến cấp 2 làm nhiệm vụ tại các phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Đặc biệt, Việt Nam là quốc gia đi đầu về số quân nhân nữ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình, với tỷ lệ là 16,6% (tỷ lệ trung bình của các nước là gần 10%).

Bộ Quốc phòng đã chủ động, tích cực vận động hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh. Đến nay, Việt Nam đã hợp tác với 16 quốc gia và tổ chức quốc tế và huy động được trên 650 triệu USD để khắc phục hậu quả chất độc dioxin, bom mìn; trong đó, Hoa Kỳ đã cam kết tiếp tục hỗ trợ đủ kinh phí cho khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin tại sân bay Biên Hòa. Theo thống kê, tổng diện tích tồn lưu bom mìn, vật nổ sau chiến tranh khoảng 5,6 triệu ha, khối lượng đất bị nhiễm dioxin cần xử lý gần 01 triệu mét khối. Đến nay, chúng ta đã rà phá được gần 485.000 ha đất bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ trên toàn quốc, hoàn thành xử lý dioxin sân bay Đà Nẵng; đang xử lý tẩy độc đất ô nhiễm dioxin giai đoạn 1 tại sân bay Biên Hòa (đạt khoảng 13%); hoàn thành xử lý toàn bộ đất nhiễm dioxin tại sân bay A Sho/Thừa Thiên Huế.

    Những thành tựu quan trọng của hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng thời gian qua khẳng định đường lối đối ngoại đúng đắn, sáng tạo của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, nhất là trong xử lý các quan hệ quốc tế và làm sâu sắc thêm bài học về nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, luôn đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết, trước hết; kết hợp linh hoạt giữa hợp tác và đấu tranh, xử lý tốt mối quan hệ quốc phòng với các nước trong và ngoài khu vực, đặc biệt là các nước lớn, tạo thế đan xen lợi ích, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, ngăn ngừa xung đột và nguy cơ chiến tranh, phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét