Có thể hiểu quá
trình hội nhập quốc tế của một đất nước (quốc gia) là sự tham gia vào hệ thống
thế giới và trở thành một bộ phận cấu thành của chỉnh thể thế giới, trước hết
là bộ phận cấu thành của “nền kinh tế thế giới”, “nền chính trị thế giới” và “nền
văn minh nhân loại”. Sự tham gia ở đây là thông qua các hoạt động tương tác
(hợp tác, cạnh tranh và đấu tranh...) với các bộ phận cấu thành khác nhau trong
“hệ thống”, bao gồm cả việc gia nhập hay rút khỏi các “phân hệ” khác nhau trong
hệ thống. Tất cả các hoạt động này đều là hoạt động có chủ đích, nhằm: 1- Phát
triển quốc gia; 2- Khẳng định bản sắc quốc gia; 3- Giành vị thế xứng đáng cho
quốc gia trong hệ thống; 4- Tham gia hoàn thiện và phát triển hệ thống...
Cần loại bỏ lối
suy nghĩ giản đơn nhưng cũng khá phổ biến hiện nay ở Việt Nam, rằng “hội nhập
quốc tế” là hình thức phát triển cao của “hợp tác quốc tế”. Vấn đề là ở chỗ
“hợp tác quốc tế” và “hội nhập quốc tế” là thuộc các lớp khái niệm khác nhau.
Hợp tác quốc tế chỉ là một trong nhiều phương thức tương tác giữa các nước với
nhau; bên cạnh hợp tác quốc tế còn có cạnh tranh, đấu tranh, liên minh, liên
kết, đối đầu, chiến tranh... Điểm cơ bản là ở chỗ, khác với khái niệm “hội nhập
quốc tế”, khái niệm “hợp tác quốc tế” không đề cập tới việc cấu thành hệ thống
chỉnh thể thế giới.
Để đánh giá thực
trạng hội nhập quốc tế của một quốc gia, cần lấy phạm vi, mức độ tham gia và vị
thế của quốc gia đó trong các mặt đời sống của cộng đồng quốc tế, trong các hệ
thống thế giới làm tiêu chí:
Về chiều “rộng -
hẹp”,
có ba cấp độ hội nhập: Một là, hội nhập hẹp, khi quốc gia hội
nhập chỉ tham gia một vài lĩnh vực trong đời sống cộng đồng quốc tế; hai
là, hội nhập tương đối rộng, khi quốc gia hội nhập tham gia phần lớn
các lĩnh vực trong đời sống cộng đồng quốc tế; ba là, hội nhập
rộng, khi quốc gia hội nhập tham gia tất cả các lĩnh vực trong đời sống cộng
đồng quốc tế.
Về chiều “nông -
sâu”,
cũng có ba cấp độ hội nhập: Một là, hội nhập nông, khi quốc gia hội
nhập hầu như không có vị trí, vai trò trong cộng đồng quốc tế; hai là,
hội nhập tương đối sâu, khi quốc gia hội nhập có vị trí, vai trò nhất định
trong cộng đồng quốc tế; ba là, hội nhập sâu, khi quốc gia hội nhập
có vị trí, vai trò đáng kể trong cộng đồng quốc tế. Nói theo ngôn ngữ của lý
thuyết hệ thống, hội nhập sâu là trường hợp quốc gia hội nhập với tư cách là
một bộ phận cấu thành hệ thống, có ảnh hưởng đáng kể đến việc hình thành và
phát triển “tính trồi” (emergent) của cả hệ thống; còn hội nhập nông là trường
hợp quốc gia hội nhập hầu như không có ảnh hưởng đến việc hình thành và phát
triển “tính trồi” của cả hệ thống.
Với cách tiếp cận
trên, có thể thấy, sau hai thập niên chủ động và tích cực hội nhập quốc tế từ
Đại hội IX của Đảng đến nay, Việt Nam từng bước tham gia tất cả các lĩnh vực
của đời sống chính trị - xã hội quốc tế; trở thành thành viên có trách nhiệm,
có vị trí, vai trò và ảnh hưởng nhất định trong cộng đồng quốc tế, cả về kinh
tế, chính trị, văn hóa - xã hội... Điều đó có nghĩa là Việt Nam tích cực hội
nhập vào chỉnh thể thế giới. Do vậy, để phát triển đất nước trong bối cảnh mới
của “toàn cầu hóa” và giai đoạn mới của “hội nhập quốc tế”, cần quan tâm một số
vấn đề lớn sau:
Thứ nhất,
nhận thức đúng về “toàn cầu hóa” và “hội nhập quốc tế” để làm cơ sở cho việc
hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách phát triển đất nước, kết hợp sức
mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Đặc biệt, cần thấy rõ bước phát triển mới
của toàn cầu hóa trong những năm tới khi cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 bùng
nổ; từ đó, tính toán sách lược, chiến lược trong tiến trình chủ động và tích
cực hội nhập quốc tế.
Thứ hai,
Việt Nam hiện tham gia các mặt đời sống chính trị - xã hội quốc tế, tức là đã
hội nhập rộng vào chỉnh thể thế giới, nhưng mới chỉ dừng ở mức độ hội nhập
tương đối sâu với vị trí, vai trò nhất định trong một số lĩnh vực. Tiến trình
chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam đã đưa Việt Nam trở thành bộ
phận cấu thành của chỉnh thể thế giới. Tới đây, cần xác định việc giành lấy vị
trí, vai trò ngày càng đáng kể trong nền kinh tế thế giới, nền chính trị thế
giới và nền văn minh nhân loại là nội dung chủ yếu của tiến trình chủ động và
tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Về kinh tế,
cần phấn đấu giành chỗ đứng trong các chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu; ưu
tiên thúc đẩy phát triển nhanh các ngành kinh tế số và công nghiệp 4.0. Cơ hội
đang mở ra cho Việt Nam ở thời hậu dịch bệnh COVID-19, không được bỏ lỡ. Muốn
thế, cần ưu tiên phát triển các mạng kết nối Việt Nam với thế giới, cả “kết nối
cứng” và “kết nối mềm”.
Về chính trị,
tiếp tục nâng cao vị thế của Việt Nam trong quan hệ với các nước lớn, nhất là
các nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, trong ASEAN. Chủ
động tham gia xử lý các vấn đề quốc tế và khu vực. Thể hiện vai trò của Việt
Nam “là bạn, đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc
tế, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội
trên thế giới”.
Về văn hóa - xã
hội,
cần đẩy mạnh quảng bá lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ Việt Nam với thế giới; bảo tồn
và phát huy giá trị của các di sản thiên nhiên, công viên địa chất, công viên
sinh thái, di sản văn hóa thế giới, cả vật thể lẫn phi vật thể; khẳng định các
giá trị xã hội và truyền thống tốt đẹp của Việt Nam, bản sắc Việt Nam; tích cực
tham gia sáng tạo các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật, khoa học... có tầm ảnh
hưởng quốc tế; tham gia xử lý các vấn đề nhân đạo trên trường quốc tế; tham gia
đấu tranh với các hiện tượng, hoạt động phi văn hóa, phản văn hóa, chống lại
nhân loại... Cần đặc biệt quan tâm việc nhân thêm và phát huy “sức mạnh mềm”
của đất nước, cạnh tranh về “sức mạnh mềm” trên trường quốc tế. Trong bối cảnh
cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, các phương tiện truyền thông xã hội ngày càng
có vai trò lớn trong quảng bá văn hóa và cả trong “xâm lăng” văn hóa, lan tỏa
các giá trị xã hội và cả làm xói mòn các giá trị xã hội, phát huy “sức mạnh
mềm” và cả hạn chế “sức mạnh mềm” của các quốc gia, phát triển ổn định xã hội
và cả gây bất ổn xã hội... Phương tiện truyền thông xã hội trở thành một hiện
tượng văn hóa, một kênh thông tin, một công cụ quản trị. Bên cạnh việc tăng
cường quản lý nhà nước đối với các phương tiện truyền thông xã hội, một số nước
chủ động sử dụng và phát huy vai trò kênh thông tin, công cụ quản trị của các
phương tiện truyền thông này. Việt Nam cần có cách tiếp cận mới đối với các
phương tiện truyền thông xã hội, không chỉ dừng ở chỗ coi chúng là đối tượng
quản lý.
Thứ ba,
khi triển khai các hoạt động hội nhập quốc tế, luôn nảy sinh những vấn đề cần
xử lý về mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và chủ động, tích cực hội nhập quốc
tế. Đơn cử như, trong tiến trình hội nhập quốc tế, cần luôn điều chỉnh, sửa đổi
hệ thống pháp luật trong nước, tuy nhiên, phải có lộ trình, bước đi cẩn trọng,
để vừa củng cố độc lập, tự chủ, vừa hội nhập quốc tế thành công. Hay là vấn đề
đối phó với nguy cơ lệ thuộc vào thị trường bên ngoài, lệ thuộc kinh tế dẫn đến
lệ thuộc về chính trị...; hoặc vấn đề phải đối phó với sự xâm lăng văn hóa, xử
lý hiện tượng giao thoa văn hóa trong hội nhập quốc tế, những mâu thuẫn trong
xây dựng con người Việt Nam dưới tác động của trào lưu hình thành công dân toàn
cầu, sự xâm nhập của các giá trị xã hội không phù hợp đối với nước ta...
Thứ tư,
Việt Nam cần chủ động và tích cực tham gia vào việc đổi mới, cải tổ, cải cách
hay thiết lập các định chế toàn cầu và khu vực; đóng góp nhiều hơn vào xây dựng
“luật chơi”, coi đây là lợi ích quan trọng của quốc gia.
Thứ năm,
trong quá trình hội nhập quốc tế, luôn nảy sinh ngày càng nhiều những tranh
chấp. Ngoài những cơ chế quốc tế phổ biến, thế giới còn có những cơ chế giải
quyết tranh chấp quốc tế mang tính khu biệt, chuyên ngành mà ta chưa có nhiều
kinh nghiệm. Do đó, vấn đề cấp bách trong quá trình hội nhập là nâng cao năng
lực phòng, chống, xử lý, giải quyết những tranh chấp quốc tế, gắn với đào tạo,
bồi dưỡng cán bộ chuyên sâu về các lĩnh vực này.
HAIVAN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét