Thứ Năm, 26 tháng 12, 2024

Phản bác luận điệu xuyên tạc về tự do báo chí ở Việt Nam

 Tự do báo chí là một trong những quyền cơ bản của con người đã được Việt Nam cam kết và nghiêm túc thực hiện theo nguyên tắc chung của Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền. Thế nhưng, các thế lực thù địch, phản động, bất mãn chính trị luôn xuyên tạc thực tế đó nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Vẫn “nhai lại” mớ luận điệu cũ rích.

Như thường lệ, nhân Ngày Tự do Báo chí thế giới (03/5) năm nay, Tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF)1 đã đăng tải cái gọi là “Chỉ số tự do báo chí Thế giới năm 2024”; trong đó, xếp Việt Nam đứng thứ 174/180 quốc gia, kèm theo vô số những lời “bình luận”, như: “Việt Nam vẫn là quốc gia “tồi tệ nhất” về tự do báo chí”, “Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia giam giữ nhiều nhà báo nhất thế giới”, v.v.

Và “té nước theo mưa”, một số website, trang mạng xã hội của các tổ chức phản động, chống phá Việt Nam thi nhau đưa tin, viết bài xuyên tạc về tự do báo chí ở Việt Nam với những luận điệu, như: “Vì sao Việt Nam luôn bị “đội sổ” về tự do báo chí trên thế giới?”;  “Độc đảng thì không thể tự do báo chí”,… rồi chúng cho rằng: báo chí  ở Việt Nam “bị” Đảng, Nhà nước “đăng ký”, “kiểm duyệt”, “hà khắc”,... nhằm xuyên tạc sự nghiệp lãnh đạo, quản lý đúng đắn của Đảng, Nhà nước Việt Nam về báo chí. Mục đích cuối cùng của những luận điệu đó luôn hướng tới việc đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng ta, kêu gọi thay đổi thể chế chính trị ở nước ta. Để hà hơi, tiếp sức cho những luận điệu xuyên tạc của bọn phản động, cơ hội chính trị, một số đài, báo phương Tây vốn định kiến với Việt Nam, như: BBC, RFI, RFA, VOA,... thi nhau la lối, suy diễn, xuyên tạc tình hình tự do báo chí của Việt Nam. Từ đó, chúng đẩy mạnh các hoạt động cổ xúy cho cái gọi là “tự do báo chí”, “xã hội dân sự” với mục đích chính trị phản động.

Song, điều đáng nói là tất cả những cái gọi là “nhận định, đánh giá” mà họ đưa ra đều dựa trên những nhận xét, đánh giá sai lệch, thiếu khách quan, “nhai đi nhai lại” những điều bịa đặt về tình hình tự do báo chí ở Việt Nam của RSF trong nhiều năm qua. Cả RSF và các website, trang mạng xã hội nói trên đều cố tình phớt lờ thực tế sinh động về tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam được thể hiện trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và trong chính hoạt động thực tiễn của các phóng viên, cơ quan báo chí.

Bản thân RSF thực chất cũng chỉ là một tổ chức “nửa mùa”, nhuốm màu chính trị. Bởi, lấy danh nghĩa là tổ chức bảo vệ nền báo chí thế giới theo phương thức khoa học, “bảo vệ tự do báo chí trên thế giới, chống kiểm duyệt và tạo áp lực, giúp đỡ những nhà báo đang bị giam giữ” và hành động trên cơ sở của Điều 19, Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền của Liên hợp quốc, nhưng RSF thường xuyên có những luận điệu quy chụp, xuyên tạc tình hình tự do báo chí, tự do ngôn luận của các nước, đi ngược lại chủ trương của Liên hợp quốc và trái với tôn chỉ của chính mình. Để khuếch trương uy tín, RSF ra sức bênh vực công khai những đối tượng lấy danh nghĩa báo chí để thực hiện các hành vi phạm tội, đã bị các quốc gia xử lý hình sự để chính trị hóa, quốc tế hóa vấn đề tự do báo chí ở Việt Nam, tìm cách hạ uy tín, kêu gọi quốc tế can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, trong đó có các đối tượng, như: Phạm Đoan Trang, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Lân Thắng, Lê Trọng Hùng, v.v. Thật nực cười khi trong số những “nhà báo độc lập” theo cách gọi của RSF có cả những người chưa từng làm báo, chưa qua trường lớp báo chí, họ mới chỉ viết bài chống đối chính quyền trên mạng xã hội đã được RFS tung hô, xưng tụng. Điểm qua một vài ví dụ để chúng ta hiểu và tỏ tường bản chất thật của RFS là gì? Câu trả lời là lợi dụng cái gọi là quyền “tự do báo chí” để dựng chuyện, xuyên tạc, chống phá Việt Nam.

Không thể phủ nhận thành tựu tự do báo chí ở Việt Nam.

Việt Nam luôn tôn trọng và bảo vệ quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, đó là sự thật không thể phủ nhận. Về mặt pháp lý, ngay sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tại Điều 10 của bản Hiến pháp đầu tiên được Quốc hội thông qua ngày 09/11/1946 nêu rõ: “Công dân Việt Nam có quyền: tự do ngôn luận; tự do xuất bản; tự do tổ chức và hội họp; tự do tín ngưỡng; tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài”. Những quyền cơ bản này đã được hiến định xuyên suốt trong các bản hiến pháp của Việt Nam sau đó và việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.

Luật Báo chí (năm 2016) tiếp tục khẳng định: “Báo chí ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; là diễn đàn của nhân dân”. Cũng theo Luật này, công dân được tham gia vào các quy trình sáng tạo, sản xuất sản phẩm báo chí, tiếp nhận báo chí, ngôn luận trên báo chí; các cơ quan báo chí có trách nhiệm bảo đảm công dân thực hiện quyền tự do báo chí theo quy định. Cơ quan báo chí và nhà báo được hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ, không bị kiểm duyệt trước khi in, truyền dẫn và phát sóng; được tạo mọi điều kiện tốt nhất để hoạt động nghề nghiệp, không ai có quyền cản trở nhà báo khai thác và thể hiện thông tin theo đúng quy định của pháp luật. Vì vậy, nền báo chí Việt Nam có sự phát triển lớn mạnh không ngừng, đóng góp to lớn cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thực tiễn đã chứng minh, báo chí Việt Nam luôn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân; luôn bám sát cuộc sống, phản ánh đúng, trúng, nhanh nhạy, sâu sắc mọi mặt đời sống xã hội; kịp thời định hướng dư luận, tích cực đấu tranh với cái sai, điều xấu, phản bác luận điệu sai trái, thù địch. Báo chí còn là diễn đàn ngôn luận mang tính phản biện cao và là cầu nối chuyển tải ý nguyện, công cụ để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân.

Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến tháng 01/2024, cả nước có 127 cơ quan báo, 671 cơ quan tạp chí, 72 cơ quan đài phát thanh, truyền hình; hầu hết đã và đang được chuyển đổi thành cơ quan truyền thông đa phương tiện, đa loại hình, hiện diện trên môi trường internet với các loại hình báo chí di động, báo chí mạng xã hội, báo chí trí tuệ nhân tạo,... mang tính tương tác cao, đáp ứng nhu cầu báo chí mọi lúc, mọi nơi cho mọi giai cấp, tầng lớp, thành phần xã hội. Nhân sự hoạt động trong lĩnh vực báo chí có khoảng 41.000 người; tính đến tháng 12/2023, tổng số người được cấp thẻ nhà báo kỳ hạn 2021 - 2025 là 20.508 trường hợp; trong đó, 7.587 trường hợp có bằng tốt nghiệp đại học trở lên ngành báo chí. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực báo chí cũng đang phát triển mạnh mẽ với gần 40 hãng truyền thông quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam và được tạo điều kiện thuận lợi mà không có bất kỳ rào cản công nghệ hay pháp lý nào trong tiếp cận công chúng, trong đó có nhiều hãng truyền thông lớn, như: CNN, Reuters, TV5, AP, AFP, Kyodo, Hãng thông tấn Asia (Hàn Quốc), Hãng thông tấn Rossiya Segodnya (Nga), Bloomberg, v.v. Các nhà báo quốc tế được Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi trong tác nghiệp; đồng thời, có nhiều cơ chế, chính sách thuận lợi để nhà báo Việt Nam được học tập, tác nghiệp tại nước ngoài. Thực tế đó bác bỏ hoàn toàn mọi luận điệu cho rằng tình hình tự do báo chí tại Việt Nam đang ngày càng xấu đi.

Tuy nhiên, xin được nhắc lại rằng: trong mọi lĩnh vực, ở mọi quốc gia không thể có thứ tự do nào vô giới hạn, vô chính phủ, đứng ngoài pháp luật. Do đó, tự do báo chí ở bất kỳ quốc gia nào cũng phải luôn đặt trong khuôn khổ của pháp luật của quốc gia đó. Luật pháp quốc tế cũng như pháp luật các quốc gia đều khẳng định quyền tự do báo chí không phải là một quyền tuyệt đối, mà phải chịu những hạn chế nhất định nhằm bảo vệ lợi ích chung của xã hội, nhà nước, của người dân. Chẳng hạn như, Điều 18, Hiến pháp của Cộng hòa Liên bang Ðức quy định: “Ai lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, đặc biệt là tự do báo chí, tự do tuyên truyền,… làm công cụ chống lại trật tự của xã hội tự do dân chủ sẽ bị tước bỏ quyền công dân”; Điều 2385, Bộ luật Hình sự của Mỹ nghiêm cấm: “In ấn, xuất bản, biên tập, phát thanh, truyền bá, buôn bán, phân phối hoặc trưng bày công khai bất kỳ tài liệu viết hoặc in nào có nội dung vận động, xúi giục hoặc giảng giải về trách nhiệm, sự cần thiết tham vọng hoặc tính đúng đắn của hành vi lật đổ hoặc tiêu diệt bất kỳ chính quyền cấp nào tại Mỹ bằng vũ lực hoặc bạo lực”. Do đó, không thể lấy danh là “nhà báo tự do” mà có thể đứng ngoài vòng pháp luật. Việc các nhà báo hoặc giả danh nhà báo thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam, như: Phạm Đoan Trang, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Lân Thắng, Lê Trọng Hùng,… đều bị trừng trị thích đáng là điều tất yếu, theo đúng pháp luật Việt Nam, chứ hoàn toàn không có chuyện Việt Nam giam giữ nhà báo “tuỳ tiện” như RSF quy chụp.

Những thông tin sai trái, thù địch, xuyên tạc về tự do báo chí ở Việt Nam là vô cùng nguy hiểm, tạo ra cái nhìn thiên lệch, thiếu thiện cảm của cộng đồng quốc tế về Việt Nam, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư, du lịch, phát triển đất nước. Chính vì vậy, việc nhận diện, phản bác, đấu tranh chống thông tin sai lệch, xuyên tạc về tự do báo chí đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; trong đó đội ngũ nhà báo chân chính là lực lượng nòng cốt. Để hoàn thành trọng trách đó, đòi hỏi đội ngũ nhà báo phải có: (1). Bản lĩnh chính trị vững vàng, không ngừng trao dồi, nâng cao trình độ chuyên môn; thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp trong tác nghiệp. (2). Đề cao tinh thần nhiệt huyết, trách nhiệm xã hội, lòng tự trọng nghề nghiệp để bám sát thực tiễn cuộc sống; tiên phong, khởi tạo, định hướng dư luận bằng ngòi bút sắc bén. (3). Bằng trí tuệ để nhận diện sự thật, bản lĩnh trước những khó khăn, thử thách và dũng cảm bảo vệ lẽ phải, bảo vệ chính nghĩa, kịp thời và kiên quyết phản bác mạnh mẽ, đập tan âm mưu của các thế lực thù địch, phản động, bất mãn chính trị, góp phần cùng cả hệ thống chính trị bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng. (4). Luôn đứng trên tâm thế, trí tuệ và niềm tự hào của nền báo chí cách mạng Việt Nam để tích cực hội nhập, tiếp thu thành tựu của thế giới để phát triển các loại hình, phương thức truyền thông tiên tiến, thỏa mãn nhu cầu báo chí, thông tin ngày càng cao của mọi tầng lớp nhân dân, xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại. Làm tốt những điều trên sẽ góp phần quan trọng bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về tự do báo chí tại Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét