Xuyên suốt các giai đoạn cách mạng,
nguyên tắc “lấy dân làm gốc”, tất cả vì con người, vì nhân dân và lấy con người
làm trung tâm, là chủ thể, nguồn lực, động lực quan trọng nhất và là mục tiêu của
sự phát triển… được thể hiện, chứng minh trong mọi đường lối, chủ trương
của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước và thực tế thành tựu nước ta đạt được.
Không thể phủ nhận
thành tựu nhân quyền của Việt Nam
Bên cạnh những nỗ lực
xây dựng và hoàn thiện thể chế về quyền con người, Việt Nam đã đạt nhiều thành
tựu trong bảo đảm quyền con người trên các phương diện của đời sống xã hội. Các
quyền con người về dân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa ở Việt Nam được quy định
rõ trong chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Quyền bầu cử, ứng cử và tham gia quản lý nhà nước và xã hội của người dân được
phát huy. Các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và thông tin; quyền tự do
tín ngưỡng, tôn giáo; quyền bình đẳng của các dân tộc; quyền sống, được tôn
trọng về nhân phẩm và bất khả xâm phạm về thân thể; quyền tự do đi lại và cư
trú… của người dân được tôn trọng. Việt Nam đã thành công về phát triển kinh tế
– xã hội, bảo đảm quyền con người. Cụ thể như sau:
Một là, công tác xóa
đói, giảm nghèo đạt kết quả nổi bật; đời sống của người dân ngày càng được nâng
lên. Tỷ lệ hộ nghèo từ gần 60% vào năm 1986 giảm xuống còn dưới 3% vào năm
2022. GDP bình quân đầu người tăng từ 86 USD năm 1986 lên 4.110 USD năm 2022.
Nước ta về đích trước thời hạn theo mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG) và
phát triển bền vững (SDG) của Liên hợp quốc; thực sự trở thành điểm sáng của
thế giới, được nhân dân cả nước và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Hai là, chất lượng an
sinh xã hội ngày càng được nâng cao. Việc bảo đảm an sinh xã hội đã chuyển từ
hỗ trợ nhân đạo sang bảo đảm quyền an sinh của công dân. Số người hưởng trợ
giúp xã hội thường xuyên tăng hằng năm và đạt 3,3 triệu người năm 2022. Trong 3
năm phòng, chống dịch COVID -19 đã hỗ trợ với số tiền trên 120.000 tỷ đồng và
trên 200.000 tấn gạo cho trên 68 triệu lượt người dân gặp khó khăn. Nhà nước
đóng vai trò chủ đạo và huy động, phát huy vai trò quan trọng của cá nhân,
doanh nghiệp, xã hội. Đã dành nguồn lực khoảng 20% tổng chi ngân sách nhà nước
hằng năm cho chính sách xã hội. Việt Nam đã hoàn thành trước hạn nhiều Mục tiêu
phát triển thiên nhiên kỷ (MDG). Theo Liên hợp quốc, chỉ số phát triển con
người (HDI) ở Việt Nam liên tục tăng qua từng năm và hiện lọt vào nhóm phát
triển con người cao, xếp thứ 115/191 quốc gia và vùng lãnh thổ…
Ba là, không ngừng
được mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp. Tỷ lệ tham
gia BHXH năm 2022 đạt 38,08% và bảo hiểm thất nghiệp đạt 31,18% lực lượng lao
động trong độ tuổi; tỉ lệ tham gia BHXH tự nguyện ngày càng tăng đến nay đạt
1,46 triệu người. Người dân tiếp cận ngày càng tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ
bản. Về giáo dục, trẻ em đi học đúng tuổi cấp tiểu học đạt 99% từ năm 2015, cấp
trung học cơ sở đạt trên 95% từ năm 2020. Năm 2022, 92% người dân tham gia
BHYT; 90% trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ... Về nhà ở, đến năm 2020, đã
hỗ trợ chỗ ở cho 648.000 hộ nghèo nông thôn, 323.000 căn nhà cho người nghèo,
người có hoàn cảnh khó khăn.
Bốn là, quyền tự do
tín ngưỡng, tôn giáo được thúc đẩy. Tính đến nay, Việt Nam có 43 tổ chức thuộc
16 tôn giáo khác nhau với trên 26,7 triệu tín đồ, trên 55 nghìn chức sắc,
khoảng 135 nghìn chức việc; trên 29 nghìn cơ sở thờ tự. Ngoài ra, hàng
năm ở nước ta có trên 8.000 lễ hội về tín ngưỡng, tôn giáo, quy tụ hàng vạn
tín đồ tham gia; cơ quan Nhà nước tạo điều kiện tối đa cho các hoạt động tự do
tín ngưỡng tôn giáo, đúng pháp luật.
Năm là, trong thực
hiện bình đẳng giới, phụ nữ là một trong những đối tượng được ưu tiên trong
chiến lược phát triển của Việt Nam. Năm 2022, Việt Nam đứng thứ 60 trên thế
giới, đứng thứ 4 ở châu Á và đứng đầu trong Hội đồng Liên minh nghị viện Hiệp
hội các nước Đông Nam Á về tỷ lệ nữ tham gia cơ quan dân cử; đứng thứ 3 trong
khu vực ASEAN và thứ 47/187 quốc gia trên thế giới tham gia xếp hạng về bình
đẳng giới trong tham chính và trong công tác quản lý. Trong lĩnh vực kinh tế,
cơ hội lao động, việc làm của phụ nữ như nam giới. Đánh giá chung, đời sống vật
chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; diện mạo đất nước có nhiều
thay đổi theo hướng tích cực; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được
giữ vững; kinh tế, xã hội phát triển toàn diện và hài hòa. Chính vì thế đã củng
cố niềm tin của người dân, khẳng định quyền con người dưới chế độ XHCN ở nước
ta luôn được quan tâm, chú trọng, thực thi hiệu quả.
Tích cực đóng góp vào
hoạt động nhân quyền của Liên hợp quốc
Cùng với những thành
tựu trên, Việt Nam còn tham gia tích cực, là thành viên có trách nhiệm trong
các hoạt động của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc từ khi cơ quan này được thành
lập từ năm 2006 đến nay. Trong đó, nổi bật là chúng ta đã tham gia tích cực các
hoạt động của Hội đồng Nhân quyền, thúc đẩy các sáng kiến thể hiện dấu ấn, được
cộng đồng quốc tế đánh giá cao, nhất là việc tham gia Nhóm nòng cốt tại Hội
đồng Nhân quyền về “Biến đổi khí hậu và quyền con người”, đảm nhiệm thành công
vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014 – 2016, góp
phần bảo vệ lợi ích quốc gia, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước Việt Nam
trên trường quốc tế. Không phải ngẫu nhiên cách đây hơn một năm, vào ngày
11/10/2022 tại New York, Việt Nam là ứng cử viên duy nhất đại diện cho ASEAN đã
trúng cử với số phiếu cao, trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp
quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Việt Nam đã thúc đẩy thông điệp ứng cử “Tôn trọng và
hiểu biết, đối thoại và hợp tác, tất cả các quyền con người cho tất cả mọi
người”, được các nước đồng tình, ủng hộ.
Trong những ngày đầu
tháng 4/2023, tại trụ sở Văn phòng Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sĩ), khóa họp
thường kỳ lần thứ 52 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã hoàn thành chương
trình đề ra từ đầu khóa họp với 43 nghị quyết được thông qua, trong đó có Nghị
quyết về kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền. Nghị quyết là một dấu
ấn nổi bật của Việt Nam tại khóa họp trên cương vị thành viên Hội đồng Nhân
quyền nhiệm kỳ 2023-2025, thể hiện đóng góp thực chất, trách nhiệm của Việt Nam
vào công việc của Hội đồng Nhân quyền. Nghị quyết đã truyền tải đi nhiều thông
điệp lớn và tích cực, trong đó có tăng cường hơn nữa sự hợp tác và tinh thần
đoàn kết quốc tế trước tình trạng một số khu vực trên thế giới thời gian qua
xung đột, chia rẽ sâu sắc.
Tham gia vào các công
ước quốc tế về quyền con người là một chủ trương thường xuyên và nhất quán của
Việt Nam, thể hiện cam kết cũng như quyết tâm chính trị mạnh mẽ của Việt Nam
trong việc bảo đảm và thực thi các tiêu chuẩn pháp lý quốc tế về quyền con
người. Đặc biệt, sau khi trở thành thành viên của Liên hợp quốc vào năm 1977,
Việt Nam đã tích cực, chủ động tham gia hầu hết vào các công ước quốc tế về
quyền con người. Đến nay, chúng ta đã phê chuẩn, gia nhập 7/9 công ước cơ bản
của Liên hợp quốc về quyền con người; phê chuẩn, gia nhập 25 công ước của Tổ
chức Lao động quốc tế (ILO), trong đó có 7/8 công ước cơ bản. Việt Nam thực sự
là điểm sáng, tiên phong trong thực hiện cam kết.
Việt Nam tuân thủ
nghiêm chỉnh các nghĩa vụ của các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên
hoặc tham gia. Chúng ta đã trình và bảo vệ thành công tất cả các báo cáo quốc
gia liên quan công ước quốc tế về quyền con người. Những thành tựu về đảm bảo
quyền con người của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Tổng Thư ký
Liên hợp quốc Antonio Guterres đã từng đánh giá: “Việt Nam là một đối tác quan
trọng của Liên hợp quốc, đã có nhiều đóng góp thực chất và hiệu quả vào các
hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Mối quan hệ tốt đẹp này cần được
tăng cường hơn nữa trong thời gian tới để thúc đẩy hòa bình, sự phát triển bền
vững và quyền con người trên thế giới”.
Việt Nam luôn cầu thị
học hỏi và nỗ lực làm tốt nhất trong vấn đề bảo đảm nhân quyền cho mọi người
dân. Trong một số báo cáo chính thức của Việt Nam trước các cơ quan nhân quyền
Liên hợp quốc đã thẳng thắn nêu lên những khó khăn Việt Nam gặp phải trong công
tác nhân quyền, từ đó đề ra những giải pháp để cải thiện trong thời gian tới.
Thực tế không có bất kỳ quốc gia nào trên thế giới tự cho mình là bảo đảm tuyệt
đối về vấn đề nhân quyền.
Mặc dù thực tế chúng
ta đạt nhiều thành tựu về kinh tế - xã hội, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống
chính trị trong nâng cao chất lượng đời sống nhân dân song nguồn lực của đất
nước vẫn còn hạn chế nên việc đầu tư cơ sở vật chất cho văn hóa, giáo dục, khoa
học, y tế... còn thiếu thốn, ảnh hưởng đến việc hưởng thụ đầy đủ quyền của
người dân, nhất là khu vực miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc
thiểu số.
Nhìn về quá khứ, từ
một nước bị chiến tranh tàn phá, bị bao vây cấm vận, qua hơn 37 năm đổi mới,
Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, vươn lên mạnh mẽ, đạt được
những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân
ngày càng cải thiện. Kỷ niệm 75 năm Ngày Nhân quyền quốc tế (10/12/1948 –
10/12/2023) Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam có quyền tự hào về những kết
quả đã đạt được trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người; đẩy lùi những
hành động chống phá, luận điệu sai trái, xuyên tạc.
Sưu tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét