Bản “Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền”
ra đời cách đây 75 năm là dấu mốc quan trọng khẳng định khát vọng, mục tiêu
chung và nhu cầu phổ quát của nhân loại về quyền con người. Ở Việt Nam, những
tư tưởng và giá trị của Tuyên ngôn nhân quyền luôn được Đảng và Nhà nước ta coi
trọng, thực thi đầy đủ, nghiêm túc, trách nhiệm. Thế nhưng, các thế lực thù địch,
phản động, cơ hội chính trị lại thường xuyên đưa ra những luận điệu sai trái,
xuyên tạc, vu cáo tình hình nhân quyền để chống phá.
Lấy cớ diễn trò lố
Nhân quyền hay quyền
của con người là những quyền tự nhiên của con người và không bị tước bỏ bởi bất
cứ ai và bất cứ chính thể nào. Nhân quyền là danh từ trong sáng, dùng để chỉ
một trong những giá trị căn cốt của loài người. Kỷ niệm Ngày Nhân quyền quốc tế
(10/12) là dịp để Liên hợp quốc và các quốc gia thành viên tôn vinh những giá
trị cao cả cùng những thành tựu đạt được trong thúc đẩy, bảo vệ quyền con
người.
Với Việt Nam, những
thành tựu ấy được minh chứng cụ thể qua việc không ngừng nâng cao đời sống, bảo
vệ các quyền hợp pháp của người dân, đồng thời tích cực đóng góp cho nỗ lực
thúc đẩy quyền con người trên toàn thế giới.
Song bất chấp thực tế
mà nước ta đạt được trong bảo đảm, thúc đẩy quyền con người, hội nhóm, cá nhân
phản động lưu vong ở nước ngoài, những tổ chức mượn danh “nhân quyền”, hãng
truyền thông hải ngoại định kiến với Việt Nam lại dùng những chiêu bài xảo trá
để đả phá. Trong đó cần nhận diện, đấu tranh qua những vấn đề sau:
Thứ nhất, mượn ngày
Nhân quyền quốc tế, một số tổ chức thường ra thông báo, cáo trình bày tỏ quan
điểm đánh giá sai sự thật về bảo đảm nhân quyền ở Việt Nam. Trong đó, tổ chức
Giám sát nhân quyền (HRW) “kêu gọi Việt Nam cải tổ gấp quyền con người trước kỳ
kiểm định phổ quát sắp đến” nhằm xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm các luật lệ
quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Mặc dù mang cái tên rất mỹ miều là “Giám sát
nhân quyền” nhưng mọi hoạt động của tổ chức này đều thể hiện rõ tâm địa xấu xa,
mưu đồ và động cơ chính trị đen tối, thấp hèn. Dù không có mặt ở Việt Nam,
không khảo sát thực tiễn, không có những tài liệu chính thống, không hiểu được
tình hình nhân quyền ở nước ta nhưng HRW lại luôn tự cho mình quyền phán xét về
nhân quyền Việt Nam, kêu gọi Việt Nam “cần khẩn cấp cải tổ quyền con người”.
Các thông tin mà HRW có được thực chất từ một vài tổ chức, cá nhân bất mãn, cơ
hội chính trị cung cấp. Điều này cho thấy rõ âm mưu, thủ đoạn bôi nhọ hình ảnh
đất nước, con người Việt Nam của HRW.
Thứ hai, trao
giải thưởng nhân quyền cho các đối tượng có hoạt động chống phá Tổ quốc, xâm
phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Vào ngày 18/11/2023, tổ chức Mạng lưới nhân
quyền Việt Nam (tiếng Anh: Vietnam Human Rights Network – VHRN) có trụ sở tại
bang California (Mỹ) công bố cái gọi là “Báo cáo nhân quyền 2022-2023” để xuyên
tạc kỳ thị tôn giáo, dân tộc đồng thời cổ vũ cho những đối tượng lợi dụng quyền
tự do dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, dân tộc tiến hành các hoạt động trái pháp
luật, phá hoại đất nước. Đều đặn hằng năm, mạng lưới này còn tiến hành xét họp,
bình chọn, công bố “Giải thưởng nhân quyền Việt Nam” để “tuyên dương thành tích
tranh đấu bất bạo động cho lý tưởng nhân quyền tại Việt Nam”. Đối tượng nào có
“thành tích” chống phá đất nước càng nhiều thì tỷ lệ được trao giải thưởng càng
cao. Năm nay, các đối tượng Trần Văn Bang, Y Wô Niê, Lê Trọng Hùng – những kẻ
đang phải chấp hành án phạt tù về các hoạt động chống phá đất nước được tổ chức
này “vinh danh”, tán dương.
Cùng với tổ chức ngoại
vi của mình là VHRN, lợi dụng ngày Nhân quyền quốc tế, tổ chức phản động Việt
Tân cũng đăng đàn trên mạng xã hội tiến hành trao giải thưởng nhân quyền với
tên gọi “Giải thưởng nhân quyền Lê Đình Lượng” cho các đối tượng vi phạm pháp
luật Việt Nam để ca ngợi, cổ xúy cho các hoạt động chống phá Việt Nam. Năm nay
Việt Tân đã tổ chức bình chọn, trao giải và xướng tên đối tượng Trương Văn
Dũng.
Điểm chung của trò lố
“Giải thưởng nhân quyền” là các đối tượng được các tổ chức này trao giải đều có
các hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc, phỉ bảng, nói xấu chính quyền, thông tin
sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, thể hiện thái độ thù ghét, bất mãn
đối với Đảng, Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xâm phạm lợi
ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Đằng sau trò
lố đó là tìm kiếm nguồn tài chính hỗ trợ, đồng thời để cho các đối tượng trong
nước bấu víu, tiếp tục tiến hành các hoạt động phá hoại Tổ quốc, nhân dân.
Thứ ba, không dừng lại
ở trao “Giải thưởng nhân quyền”, các thế lực thù địch còn lồng ghép với thủ
đoạn đòi thả tự do cho các đối tượng được gọi là “tù nhân lương tâm”. Thực
chất, đây là các đối tượng có hành vi phạm tội, đối tượng phải chịu sự điều
tra, truy tố, xét xử công khai, bị tuyên án và phải chấp hành án phạt tù khi có
hành vi tuyên truyền, chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam, phỉ báng chính quyền
nhân dân, xâm hại đến quyền, lợi ích chính đáng của các tổ chức, cá nhân;
thường xuyên kích động nhân dân chống đối chính quyền; soạn thảo, phát tán
nhiều tài liệu bôi xấu chế độ. Ngoài ra, họ còn tổ chức khảo sát, lấy ý kiến về
tình hình nhân quyền ở Việt Nam trên mạng xã hội; tự cho mình có sứ mệnh giải
quyết những khó khăn, vướng mắc của người dân trên các lĩnh vực của đời sống xã
hội, kêu gọi các tổ chức quốc tế, chính phủ các nước can thiệp vào công việc
nội bộ của Việt Nam; phủ nhận những nỗ lực trong thúc đẩy quyền con người Việt
Nam; đòi thay đổi thể chế chính trị…
Những âm mưu, thủ đoạn
trên được tiến hành đều đặn và bung nở mạnh mẽ khi Liên hợp quốc, các tổ chức
trực thuộc và các quốc gia thành viên tiến hành các hoạt động hướng đến kỷ niệm
ngày Nhân quyền quốc tế. Các thế lực thù địch đã triệt để khai thác các tính
năng của Internet, truyền thông, mạng xã hội nhằm làm méo mó bản chất, giá trị
ngày Nhân quyền quốc tế. Mục đích của họ nhằm gây mất ổn định tình hình an
ninh, trật tự; quy kết, vu cáo “Việt Nam không có nhân quyền”, “chính quyền
không bảo đảm quyền con người”, từ đó muốn đưa Việt Nam đi theo các lối nhân
quyền kiểu phương Tây; phớt lờ những sáng kiến đóng góp của Việt Nam cho các
hoạt động nhân quyền của Liên hợp quốc…
Nhân quyền không phải
là tuyệt đối
Quyền con người là
những quyền tự nhiên của con người mà không có bất cứ ai, tổ chức, thể chế
chính trị nào có thể tước bỏ. Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc đã đưa ra quan
niệm về quyền con người, đó là những bảo đảm pháp lý toàn cầu có tác dụng bảo
vệ các cá nhân và các nhóm chống lại những hành động hoặc sự bỏ mặc mà làm tổn
hại đến nhân phẩm, những tự do cơ bản của con người.
Như vậy, quyền con
người được xác định như là những chuẩn mực được cộng đồng quốc tế thừa nhận và
tuân thủ. Những chuẩn mực này kết tinh những giá trị nhân văn của toàn nhân
loại, chỉ áp dụng với con người và dành cho tất cả mọi người. Nhờ có những
chuẩn mực này, mọi thành viên trong gia đình nhân loại mới được bảo vệ nhân
phẩm và mới có điều kiện phát triển đầy đủ các năng lực của cá nhân với tư cách
là một con người. Cho dù cách nhìn nhận có những khác biệt nhất định, một điều
rõ ràng là quyền con người đều mang tính phổ quát, là những giá trị cao cả cần
được tôn trọng và bảo vệ trong mọi xã hội và trong mọi giai đoạn lịch sử.
Tuy nhiên, dưới mọi
góc độ nghiên cứu quyền con người đều không có tính tuyệt đối, trong lĩnh vực
nhân quyền, giữa quyền và nghĩa vụ luôn song hành, thống nhất với nhau, không
tách rời nhau. Trong bất kỳ thể chế chính trị nào hiện nay, quyền con người
không được xem là quyền tuyệt đối mà bị giới hạn bởi các quy định của pháp luật
để ngăn cản, điều chỉnh, xử lý những hành vi lạm dụng quyền của cá nhân, tổ
chức này xâm hại đến quyền lợi của cá nhân, tổ chức, Nhà nước. Một số tổ chức,
cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nhân quyền nhưng thiếu thiện chí với Việt Nam
đã không hiểu hoặc cố tình phớt lờ các mối quan hệ trên nên thường có cái nhìn
phiến diện, sai lệch, thiếu khách quan đối với vấn đề nhân quyền ở nước ta.
Bàn về vấn đề quyền và
nghĩa vụ, tại khoản 1, Điều 29, Tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1948
quy định: “Tất cả mọi người đều có những nghĩa vụ với cộng đồng mà ở đó nhân
cách của bản thân họ có thể phát triển một cách tự do và đầy đủ”. Theo khoản 2
điều này thì mỗi người trong khi hưởng thụ các quyền và tự do cá nhân đều phải
chịu những hạn chế do luật định nhằm bảo đảm sự thừa nhận và tôn trọng các
quyền và tự do của người khác...
Ở Việt Nam, khái niệm
về quyền con người được thể hiện đậm nét trong bản Tuyên ngôn Độc lập của nước
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, được Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng công bố tại
Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình
đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những
quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Năm
1945, ngay sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được khai sinh (nay là Cộng
hòa XHCN Việt Nam), quyền con người, quyền công dân đã được ghi nhận trong Hiến
pháp năm 1946 và sau đó tiếp tục được khẳng định, mở rộng trong các Hiến pháp
năm 1959, 1980, 1992, 2013. Hiến pháp năm 2013 là đạo luật gốc, là văn kiện
pháp lý cao nhất của Nhà nước Việt Nam đã ghi nhận một cách toàn diện, cụ thể
các quyền con người và nội dung các quyền này đã được trình bày xuyên suốt
trong các chương, mục của Hiến pháp.
Theo đó, tại Điều 14
Hiến pháp năm 2013 quy định: “Ở nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, các quyền con
người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công
nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”. Đồng thời, cũng
tại Điều 14 nêu rõ: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo
quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc
gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Tại Điều
15, Hiến pháp 2013 quy định rõ nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân: “Quyền công
dân không tách rời nghĩa vụ công dân; mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của
người khác; công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã
hội; việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích
quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác”.
Trên cơ sở Hiến pháp, xuất phát từ quan điểm không ngừng thúc đẩy quyền con người, Nhà nước Việt Nam đã từng bước xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật để bảo đảm các quyền con người được tôn trọng và thực thi một cách trọn vẹn nhất. Hệ thống pháp luật Việt Nam đã thể hiện đầy đủ tất cả các quyền cơ bản, phổ biến của con người được nêu trong Tuyên ngôn Nhân quyền thế giới năm 1948 và các công ước quốc tế khác của Liên hợp quốc về quyền con người.
Mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước Việt Nam đều lấy con người là trung tâm, phấn đấu cho mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, phát triển đất nước phồn vinh, tất cả vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Điều này đã được các văn kiện qua các kỳ đại hội Đảng chỉ rõ, đặc biệt Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”.
Sưu tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét