Thứ Năm, 26 tháng 12, 2024

Phản bác luận điệu xuyên tạc quy định về định danh cá nhân trên không gian mạng

Nghị định số 147/2024/NĐ-CP (Nghị định 147) của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng (ban hành ngày 9/11/2024, có hiệu lực ngày 25/12/2024) nhận được sự ủng hộ, đồng tình của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và dư luận xã hội. Thế nhưng, lợi dụng vấn đề trên, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lại tìm cách chống phá, xuyên tạc nhiều nội dung nêu trong Nghị định, vu cáo Nhà nước Việt Nam tiếp tục “đàn áp” tự do ngôn luận, “bịt miệng” người dân…

Nhận diện âm mưu, thủ đoạn chống phá

Trên trang mạng xã hội của các tổ chức thù địch, phản động, trong đó có Việt Tân xuất hiện nhiều thông tin xuyên tạc, đánh đồng việc Chính phủ ban hành Nghị định là “siết” quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Họ rêu rao rằng, định danh tài khoản mạng xã hội sẽ “bóp nghẹt tự do ngôn luận”; vu cáo “chính quyền luôn muốn kiểm soát phát ngôn của người dân”; “đàn áp, bỏ tù những người bất đồng chính kiến”… Một số bài viết cho rằng, “chỉ có ở Việt Nam mới vẽ ra định danh cá nhân”, quy kết “dưới chế độ cộng sản, viễn cảnh u ám bao trùm lên người dân”! Từ đó, kích động người dân “không chấp hành Nghị định”, “bất phục tùng chế độ”, “đấu tranh đòi dân chủ, nhân quyền”. Một số hãng truyền thông định kiến như RFA, VOA… còn làm phóng sự, clip để xuyên tạc, phủ nhận, kêu gọi mọi người “bất tuân Nghị định”.

Mục đích của các thế lực thù địch nhằm tẩy chay việc thực hiện Nghị định 147, lấy cớ bôi nhọ hệ thống pháp luật Việt Nam; cổ xúy cho tư tưởng, hành động sai trái, khuyến khích hành vi bất tuân quy định của pháp luật trên không gian mạng. Họ tìm cách chỉ trích, đả phá, tạo ra sự phân tâm, hoang mang dao động trong một bộ phận người dân về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Từ việc chỉ trích, bôi nhọ, kêu gọi tẩy chay việc thực thi Nghị định, các thế lực thù địch, phản động lấy cớ vu cáo Nhà nước “chỉ tìm cách o ép dân”, tạo ra cái nhìn méo mó, đòi phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý xã hội của Nhà nước, xóa bỏ chế độ XHCN ở nước ta.

Những luận điệu trên là chiêu bài quen thuộc, mang tính quy luật khi Nhà nước Việt Nam ban hành các quy định pháp luật mới, nhất là liên quan đến an ninh, an toàn mạng internet. Trước đó, những văn bản pháp luật, dưới luật được Quốc hội, Chính phủ ban hành quy định về hoạt động, quản lý mạng internet nhằm bảo đảm, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân thì các thế lực thù địch, phản động cũng vin vào đó, tìm đủ mọi cách để công kích, đả phá.

Định danh cá nhân trên mạng xã hội: Không chỉ riêng Việt Nam

Môi trường mạng xã hội bên cạnh những yếu tố tích cực cũng hàm chứa những tiêu cực. Xác thực tài khoản mạng xã hội là một trong những biện pháp hữu hiệu, quan trọng để ngăn ngừa, xử lý tội phạm lừa đảo trực tuyến và có tác dụng đẩy lùi những nhận thức sai lầm của một bộ phận người dùng internet. Mạng xã hội là ảo nhưng tổn hại gây ra là thật. Chính các thế lực thù địch nhận rõ điều đó nên cũng đang triệt để lợi dụng mạng xã hội để chống phá cách mạng Việt Nam. Bên cạnh đó, trên không gian mạng xuất hiện những bình luận gây tranh cãi, thậm chí ác ý, mang tính thù địch, những thông tin xuyên tạc, sai lệch lan tràn trên mạng xã hội dưới những tài khoản ẩn danh, tài khoản ảo. Cùng với đó, những phần tử xấu sử dụng tài khoản với danh tính giả mạo đã lừa đảo nhiều người với số tiền không hề nhỏ.

Trên mạng xã hội Facebook tính từ tháng 9/2024 cho phép người dùng tham gia vào các cuộc thảo luận mà không cần tiết lộ danh tính thật. Bình luận ẩn danh cũng có thể giúp tạo ra không gian mạng an toàn để mọi người có thể chia sẻ những cảm xúc, suy nghĩ mà không sợ bị phán xét. Vì thế, sẽ có nhiều ý kiến đa dạng và khách quan hơn. Song, bên cạnh ưu điểm, việc cho phép những bình luận ẩn danh cũng tồn tại mặt trái, đó là sẽ xuất hiện hiện tượng một số người dùng giấu đi danh tính nhằm tung tin giả mạo, xúc phạm người khác, đe dọa, lừa đảo trực tuyến.

Theo nghiên cứu của hãng bảo mật Kaspersky, ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cứ 10 người dùng thì có 3 người thừa nhận đang sở hữu tài khoản mạng xã hội không dùng tên và ảnh thật, không có thông tin nhận dạng cá nhân. Trong đó, mạng xã hội có số người dùng giấu danh tính nhiều nhất là Facebook (chiếm đến 70%), tiếp theo là Youtube và Instagram. Thông qua khảo sát cũng chỉ ra thực tế, việc tính năng ẩn danh cho phép các cá nhân dễ dàng thực hiện những hành vi bất chính, gây hại cho những tổ chức, cá nhân do người dùng cảm thấy ít phải chịu trách nhiệm hơn với những phát ngôn đi quá giới hạn. Riêng khu vực Đông Nam Á, với lượng người dùng mạng xã hội tương tác nhiều nhất thế giới cũng đang chứng kiến sự gia tăng các vụ lừa đảo trên mạng xã hội và trang thương mại điện tử. Trong đó tại Singapore, theo thống kê của Cảnh sát, tổng số vụ lừa đảo đạt kỷ lục 46.563 vụ vào năm 2023, với tổng thiệt hại lên tới 486 triệu đô la Mỹ.

Trước tình trạng trên, Chính phủ nhiều quốc gia trên thế giới đã có các biện pháp siết chặt việc quản lý tài khoản mạng xã hội, từ giới hạn độ tuổi người sử dụng cho đến định danh người dùng. Cụ thể, vì lo ngại những tác hại đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ em, ngày 28/11/2024, Thượng viện Australia đã thông qua luật cấm người dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội.

Đối với Pháp, năm 2023, nước này cũng đã đề xuất lệnh cấm sử dụng mạng xã hội đối với trẻ em dưới 15 tuổi. Người dùng có thể không phải thực hiện lệnh cấm này nếu có sự đồng ý của cha mẹ, song phụ huynh phải giám sát và chịu trách nhiệm với thông tin đăng tải trên mạng xã hội của con. Còn tại Tây Ban Nha, một thẩm phán đã lên tiếng kêu gọi mọi người chấm dứt tình trạng ẩn danh trên mạng xã hội sau những thông tin sai lệch trực tuyến, với nội dung thù hận nhằm vào người di cư.

Luật Quy định chung về bảo vệ dữ liệu (GDPR) của Liên minh châu Âu đề cập đến cá nhân có thể được nhận. Theo đó, bất kỳ cá nhân nào có thể được phân biệt với người khác thì được coi là có thể nhận diện được. Đây là người có thể được nhận diện một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, đặc biệt qua công cụ nhận diện (identifier) như tên, số chứng minh thư, dữ liệu vị trí, công cụ định danh trực tuyến (online identifier) hoặc qua một hoặc những yếu tố đặc thù về danh tính thể chất, tâm lý, di truyền, tinh thần, kinh tế, văn hóa, xã hội của người đó.

Tại Trung Quốc, để có được tài khoản xã hội, người dân phải đăng ký với cơ quan chức năng với các nội dung: Tên thật, số chứng minh nhân dân, số điện thoại di động thật. Người dân không được sử dụng mạng xã hội nước ngoài mà chỉ được sử dụng mạng xã hội nội địa như Sina Weibo, Wechat, Tencent QQ, Douyin... Thậm chí, nhiều tài khoản mạng xã hội còn liên kết với tài khoản ngân hàng của cá nhân đó để tạo mã quét QR, dùng cho thanh toán các chi phí trong cuộc sống. Người có tài khoản đó phải được định danh cụ thể và phải bảo vệ chặt chẽ tài khoản của mình. Như vậy, việc quy định định danh cá nhân không còn riêng nước ta mà là câu chuyện của nhiều quốc gia trên thế giới, với mục đích bảo vệ quyền con người trước tác động tiêu cực của mạng xã hội.

Ban hành Nghị định 147 là cần thiết

Ở nước ta, mạng xã hội phát triển nhanh chóng, trở thành nhu cầu không thể thiểu của nhiều người. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT), tính đến ngày 30/6/2024, số người dùng Zalo hàng tháng là 76,5 triệu người dùng; số người dùng Facebook là 72 triệu, Youtube đạt 63 triệu và Tiktok là 67 triệu người dùng. Trong đó, nền tảng Zalo có đông tài khoản đăng ký sử dụng hơn 3 nền tảng xuyên biên giới. Cùng với đó thu nhập từ mạng xã hội đang trở thành xu thế, có thể kể đến năm 2024, doanh thu ngành game ước đạt khoảng 12.500 tỷ đồng, số lượng lao động ngành game năm 2024 ước khoảng 4.100 người, tăng 31% so với năm 2023.

 Tuy nhiên, mạng xã hội cũng là “mảnh đất màu mỡ” cho nhiều kẻ xấu lợi dụng giả mạo tài khoản để ăn cắp thông tin, lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay đăng những nội dung không tốt ảnh hưởng xấu đến đời sống người dân, gây mất an ninh, an toàn, vi phạm trật tự quản lý xã hội và pháp luật. Tại nhiều địa phương trên cả nước đã ghi nhận rất nhiều thủ đoạn lừa đảo mới như: Cắt ghép hình ảnh các bác sĩ ở một số bệnh viện để mạo danh, lừa đảo chiếm đoạt tài sản; mời gọi nhà đầu tư tham gia vào các nhóm đầu tư trên mạng xã hội (Facebook, Telegram, Zalo) với lãi suất cao; mạo danh các công ty môi giới lao động hợp pháp bằng cách tạo website giả mạo hoặc cung cấp giấy tờ giả với chi phí xuất khẩu lao động thấp hơn so với mức thông thường và thu nhập rất cao rồi chiếm đoạt phí hồ sơ; mạo danh cán bộ cơ quan Nhà nước, các tổ chức để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân. Ngoài ra, vẫn còn tình trạng game lậu, game cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của thị trường game trong nước, tạo ra sự cạnh tranh bất bình đẳng. Chỉ tính từ tháng 3/2024 đến tháng 8/2024, cơ quan chức năng đã vô hiệu hóa hơn 400.000 website, tài khoản mạng xã hội nghi vấn hoạt động lừa đảo trực tuyến…

Cùng với đó, các hoạt động tuyên truyền xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước đang có xu hướng gia tăng trên các mạng xã hội. Nhiều tổ chức, cá nhân thù địch, định kiến với Việt Nam ở nước ngoài tìm mọi cách kích động, móc nối với các đối tượng bất mãn trong nước thông qua mạng xã hội để chống phá đất nước.

Hiện nay, một số ứng dụng mạng xã hội như Facebok, Youtube, Zalo cũng đã đưa ra các tiêu chuẩn yêu cầu người tham gia phải đáp ứng yêu cầu “chính chủ” tối thiểu như người tham gia phải cung cấp thông tin số điện thoại, email... để xác minh và tăng cường bảo mật. Hơn nữa, rất nhiều mạng xã hội phổ biến hoạt động xuyên biên giới tạo ra những thách thức, trở ngại không nhỏ là bài toán mà các chính phủ, trong đó có Việt Nam tìm ra cách hóa giải để người dùng các nền tảng này tuân thủ quy định, vừa thỏa mãn lợi ích cá nhân, vừa đáp ứng yêu cầu xã hội. Vì vậy, việc ban hành Nghị định tạo khung pháp lý quan trọng để yêu cầu các nền tảng mạng phối hợp hiệu quả với cơ quan chức năng, đồng thời tôn trọng, tuân thủ pháp luật Việt Nam.

Cần thấy rằng, việc xác thực định danh cá nhân đối với người dùng mạng xã hội không có nghĩa mọi người đều phải công khai họ tên thật trên mạng mà chỉ xác thực tính chính danh tài khoản, còn việc lấy tên, nick gì là quyền của mỗi người.

Ngoài việc hạn chế các hành vi vi phạm, định danh cá nhân còn góp phần giúp người dùng nâng cao tinh thần trách nhiệm khi dùng mạng xã hội, hạn chế tình trạng phát ngôn bừa bãi, thông tin xấu độc, sai sự thật... Đồng thời, việc Nghị định ra đời góp phần đẩy lùi hoạt động lợi dụng mạng xã hội để chống phá Việt Nam. Việc xác thực người dùng sẽ tạo thuận lợi cho các cơ quan chức năng phát hiện và xử lý các hành vi sai phạm. Với việc 100% công dân Việt Nam đã có mã số định danh hoặc căn cước công dân gắn chip, việc triển khai định danh trên mạng xã hội sẽ thuận lợi. Vì vậy, Chính phủ ban hành Nghị định 147 nhằm bảo vệ quyền con người, ngăn chặn những hành vi lệch chuẩn trên không gian mạng, gây hại đến tổ chức, cá nhân, lợi ích quốc gia - dân tộc, hoàn toàn không phải “đàn áp, bóp nghẹt tự do ngôn luận” như các thế lực thù địch, phản động rêu rao, xuyên tạc.

Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét