Dựa vào những nguồn tin
không chính xác, sai lệch bản chất, thậm chí xuyên tạc, bóp méo sự thật của các
phần tử phản động, cơ hội chính trị và một số tổ chức đội lốt tôn giáo ở hải
ngoại, thời gian gần đây, Ủy ban Tự do Tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) liên tục
đưa ra nhiều nhận định sai lệch, cáo buộc sai sự thật về tình hình tự do tín
ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Điều này không chỉ phủ nhận sự nỗ lực của Việt
Nam trong hợp tác quốc tế về bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo mà
còn thể hiện sự tuỳ tiện trong nhận xét, đánh giá của tổ chức này.
Xuyên tạc chính sách
tôn giáo của Việt Nam
Ngày 27/9/2024, USCIRF công bố cái gọi là “báo cáo Tôn giáo do Nhà nước
kiểm soát và Tự do tôn giáo ở Việt Nam”, trong đó có nhiều nội dung sai sự thật,
xuyên tạc tình hình tôn giáo ở Việt Nam. Tổ chức này cáo buộc không đúng sự thật
rằng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Tôn giáo Chính phủ và Bộ Công an đã sử dụng
“chiến thuật thay thế, kết nạp, thâm nhập các tổ chức tôn giáo được Nhà nước hậu
thuẫn để giám sát, đe dọa và xóa sổ các tổ chức tôn giáo khác”.
Không dừng lại ở việc công bố cái gọi là “báo cáo Tôn giáo do Nhà nước kiểm
soát và Tự do tôn giáo ở Việt Nam”, USCIRE đồng loã với một số tổ chức, cá nhân
phản động được gọi với cái tên mỹ miều là “tổ chức và nhà hoạt động cho tự do
tôn giáo” phát tán, tung hô trên mạng xã hội; tổ chức họp báo, hội luận bàn
tròn rồi livestream trên facebook vào ngày 21/11/2024. Tại buổi livestream
ngày, ông Stephen Schneck, Chủ tịch USCIRF nói rằng “chính quyền Việt Nam
lâu nay sử dụng các tổ chức tôn giáo mà chính quyền hậu thuẫn để khống chế và
đàn áp quyền tự do tôn giáo…”.
Báo cáo của USCIRF cũng như phát biểu của ông Stephen Schneck là hết sức
hồ đồ, vô căn cứ, trắng trợn xuyên tạc tự do tôn giáo ở Việt Nam. Ông Stephen
Schneck và tổ chức do ông đứng đầu đã cố tình phớt lờ một sự thật khách
quan là Nhà nước Việt Nam nhìn nhận tín ngưỡng, tôn giáo là một nhu cầu tinh thần
chính đáng của con người. Việt Nam luôn chủ trương tôn trọng, bảo đảm tự do tín
ngưỡng, tôn giáo và thực hiện đoàn kết tôn giáo; chống vi phạm quyền tự do tín
ngưỡng, tôn giáo dưới mọi hình thức. Trên cơ sở quy định của pháp luật, tất cả
cơ quan, tổ chức nằm trong hệ thống chính trị Việt Nam bao gồm Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam, Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Công an, các cơ quan nhà nước có liên
quan, các tổ chức chính trị-xã hội đều xác định việc bảo đảm quyền tự do tín
ngưỡng, tự do tôn giáo của người dân là nhiệm vụ quan trọng, cho nên rất chú trọng
triển khai trong thực tiễn.
Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Công an là những cơ quan có trách nhiệm quản
lý Nhà nước trong lĩnh vực tôn giáo. Mọi hoạt động quản lý của các cơ quan này
đều phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định của pháp luật Việt Nam, dựa trên tinh thần
tôn trọng, không xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo song song với khuyến
khích phát huy những giá trị phù hợp với nguyện vọng, lợi ích chính đáng của
công dân. Do đó, báo cáo của USCIRF cũng như ông Stephen Schneck quy kết việc
các cơ quan trong hệ thống chính trị Việt Nam “sử dụng các tổ chức tôn giáo này
để “chống” các tổ chức tôn giáo khác” là một sự bôi nhọ, phản ánh lệch lạc thực
tiễn tại Việt Nam.
Cổ xuý cho những hội
nhóm đội lốt tôn giáo
Điều đáng nói là trong khi chỉ trích các hoạt động phù hợp với quy định của
luật pháp thì đồng thời USCIRF lại ra sức cổ súy cho các hội, nhóm đội lốt tôn
giáo, hoạt động trái pháp luật, xâm hại an ninh, quốc phòng của Việt Nam bằng
cách gọi thành phần này là các “tổ chức tôn giáo độc lập”, “tổ chức tôn giáo gốc”.
Thậm chí, Ủy ban này còn lên tiếng bảo vệ cho cả các cá nhân, tổ chức tội phạm,
khủng bố như “Người Thượng vì công lý” (MSFJ), “Hỗ trợ người Thượng” (MSGI) dù
hoạt động khủng bố của những tổ chức này đã bị các cơ quan chức năng Việt Nam
làm rõ.
Đặc biệt, trên thông báo được lan truyền trên mạng xã hội kêu gọi mọi người
xem buổi livestream thảo luận về cái gọi là bản phúc trình của USCIRF, các “tổ
chức, nhà hoạt động về tự do tôn giáo” còn xuyên tạc rằng: “Nhà cầm quyền cấm cản,
đặt ra ngoài vòng pháp luật các nhóm tôn giáo độc lập có từ lâu đời và tạo ra
các tổ chức tôn giáo mới thay thế do nhà nước điều khiển. Các tổ chức này mượn
tên, cơ cấu và chức năng gần giống như các tổ chức tôn giáo gốc, nhưng được Đảng
cộng sản Việt Nam và chính quyền chỉ đạo nhằm phục vụ lợi ích của Đảng và Nhà
nước, không nhất thiết là phục vụ tôn giáo và các tín đồ. Các ví dụ bao gồm:
Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chi phái Cao Đài 1997, và Ban trị sự Trung ương
Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo…”. Đây không chỉ là sự xuyên tạc chính sách tôn giáo
của Việt Nam mà còn là sự xúc phạm đối với các tổ chức tôn giáo chính thống tại
Việt Nam, xúc phạm hàng triệu tín đồ các tôn giáo ở Việt Nam.
Đáng chú ý, trong năm 2024, USCIRF liên tục có những nhận định, đánh giá
thiếu khách quan về tự do tôn giáo của Việt Nam. Nổi bật như trước chuyến thăm
của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Việt Nam, USCIRF đã tổ chức cái gọi là buổi điều
trần trực tuyến về vấn đề “Những thách thức và cơ hội cho tự do tôn giáo
Việt Nam”. Tại “buổi điều trần” này, USCIRF vẫn có cái nhìn phiến diện, thiếu
khách quan: “USCIRF đặc biệt quan ngại về việc chính phủ Hà Nội bỏ tù nhiều người
chỉ vì họ thực hành niềm tin tôn giáo của mình hoặc đấu tranh cho quyền tự do
tôn giáo ở Việt Nam. Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam còn sử dụng các bộ luật để
đàn áp một cách có hệ thống nhiều tổ chức tôn giáo độc lập và tín đồ của các
tôn giáo này”.
Cũng trong năm 2024, USCIRF công bố cái gọi là “Báo cáo tự do tôn giáo
năm 2024”. Tuy có một số khác biệt về tên gọi, hình thức, nhưng nội dung của bản
báo cáo này đều hết sức phiến diện, sai sự thật, dựa trên những nguồn cung cấp
thông tin thiếu kiểm chứng, không chính xác, thiếu thiện chí, vì vậy đã gây bức
xúc dư luận, tạo cớ cho các hội, nhóm chống phá trong nước và ngoài nước lợi dụng
vỏ bọc tôn giáo, tín ngưỡng hòng gây rối loạn, phá vỡ khối đại đoàn kết tôn
giáo, dân tộc, hạ thấp uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, kêu gọi các tổ
chức quốc tế can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.
Đời sống tôn giáo sinh
động ở Việt Nam
Tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân là chủ trương,
chính sách nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước Việt Nam và được Hiến pháp,
pháp luật khẳng định. Hiến pháp 2013 ghi nhận: “Mọi người có quyền tự do tín
ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng
trước pháp luật; Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo;
không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn
giáo để vi phạm pháp luật”. Trên cơ sở đó, Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo và một số
văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam
đã quy định rõ về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi người, mọi tổ chức tôn
giáo cũng như Nhà nước trong việc thực hiện và bảo đảm thực hiện quyền tự do
tín ngưỡng, tôn giáo. Chính vì vậy, số lượng chức sắc, tín đồ, cơ sở thờ tự
ngày càng tăng, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân được đảm bảo tốt
hơn.
Hiện nay, Việt Nam có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được công nhận và cấp
đăng ký hoạt động với 55 ngàn chức sắc, 135 ngàn chức việc, 29 ngàn cơ sở thờ tự;
95% dân số có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó có 27,7 triệu tín đồ, chiếm
hơn 27% dân số cả nước. Việt Nam có đời sống sinh hoạt tôn giáo phong phú với
hơn 8 ngàn lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo hàng năm, thu hút sự tham gia đông đảo của
các tín đồ và quần chúng nhân dân.
Việt Nam cũng tổ chức thành công nhiều hoạt động tôn giáo quốc tế lớn,
trong đó có 3 lần đăng cai Đại lễ Vesak Liên hợp quốc, Tổng hội Dòng Đa minh Thế
giới của Công giáo, lễ Hội Yến Diêu Trì cung của Cao Đài và gần đây là lễ hội
Truyền giảng Xuân yêu thương do các Hội thánh Tin Lành tại Việt Nam hợp tác
cùng Hiệp hội Truyền giáo Billy Graham tổ chức vào tháng 3/2023.
Trong những dịp lễ của các tôn giáo, lãnh đạo Đảng và Nhà nước đều trực
tiếp chúc mừng, đồng thời tạo điều kiện tốt nhất để nhân dân tham gia các ngày
lễ đó. Nhiều năm qua, một số ngày lễ của các tôn giáo như Lễ Giáng sinh,
Lễ Phật đản... không chỉ là ngày lễ của riêng người có tín ngưỡng, tôn giáo mà
đã trở thành ngày lễ chung của mọi người, trở thành nét văn hóa trong đời sống
của người dân. Đây cũng là dịp để người có tín ngưỡng, tôn giáo và mọi người
dân phát huy truyền thống yêu nước, đồng hành cùng dân tộc, nêu cao những mặt
tích cực, giá trị nhân văn, đạo đức tôn giáo, trách nhiệm công dân, đóng góp
vào sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng,
văn minh.
Thực tế trên đã chứng minh các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam
đã và đang đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của đông đảo quần chúng nhân
dân. Các tôn giáo ở Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật, hoàn toàn không có
chuyện chính quyền hậu thuẫn cho tôn giáo này để chèn ép, đàn áp tôn giáo kia
như cáo buộc của USCIRF.
Sưu tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét