Thứ Năm, 26 tháng 12, 2024

MỘT SỐ GIẢI PHÁP NGĂN CHẶN TIN GIẢ, TIN SAI SỰ THẬT TRÊN MẠNG XÃ HỘI

 Hành vi bịa đặt, lan truyền thông tin sai sự thật (tin giả) là vi phạm pháp luật, tùy thuộc tính chất, mức độ vi phạm, người thực hiện hành vi có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hiện nay, các chế tài hành chính và các quy định của pháp luật đã khá đầy đủ và đồng bộ. Tuy nhiên, tình trạng thông tin sai sự thật vẫn xuất hiện “tràn lan” trên không gian mạng. Đã có nhiều vụ việc được cơ quan chức năng phát hiện, xử lý, nhưng tình trạng vi phạm vẫn diễn biến phức tạp, trở thành vấn đề “nhức nhối”, gây nhiều hệ lụy cho xã hội. Vậy, câu hỏi đặt ra là tại sao những thông tin này lại ngày càng có chiều hướng gia tăng và phức tạp?

Trả lời vấn đề này chúng ta dễ dàng nhận ra nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân đầu tiên đến từ “Sức hút của mạng xã hội”

Sự phát triển của internet nói chung và mạng xã hội nói riêng đã làm thay đổi cuộc sống con người hàng ngày, hàng giờ. Các mạng xã hội có vai trò rất quan trọng, thu hút đông đảo công chúng tham gia. Việc đăng ký tài khoản mạng xã hội rất giản nhất có thể, chỉ cần người dùng có số điện thoại chính chủ, địa chỉ email, chấp nhận chính sách cộng đồng do nhà cung cấp dịch vụ đưa ra là đã có được tài khoản mạng xã hội. Mạng xã hội với tính tương tác cao, không giới hạn khoảng cách địa lý, môi trường sống, tin tức cập nhật liên tục theo thời gian thực với nguồn mở, phong phú, đa dạng trên mọi lĩnh vực. Mạng xã hội đã trở thành môi trường sáng tạo nội dung cho nhiều người. Ngoài ra, mạng xã hội cũng có vai trò quan trọng giúp quảng bá sản phẩm, dịch vụ. Chính vì vậy nên mạng xã hội có sức hút lớn, tăng trưởng số lượng người dùng mạng xã hội luôn ở mức cao.

Hai là, lượng tin giả, tin sai sự thật quá nhiều, tràn lan trên mạng xã hội, khó phân biệt

Mạng xã hội mang lại cho chúng ta rất nhiều lợi ích, thế nhưng nó cũng không ít những mặt trái đan xen. Tình trạng tin giả, tin sai sự thật được tạo ra, phát tán tràn lan, lan truyền rất khó kiểm soát, gây nên nhiều hệ lụy cho các cá nhân, tổ chức. Nhu cầu dùng mạng xã hội của các cá nhân là chính đáng. Họ có quyền được bảo vệ, khuyến cáo hoặc cảnh báo khi tiếp xúc với các tin giả, tin sai sự thật, thậm chí có nội dung xấu độc. Tuy nhiên, vấn đề này đang có nhiều khó khăn, bởi còn có những rào cản về quy định pháp lý và các nền tảng kỹ thuật. Nhiều đối tượng đã đăng tải, tán phát nhiều tin giả, tin sai sự thật liên quan đến kinh tế, tài chính, tiền tệ, mục đích nhằm gây hoang mang dư luận, gây rối loạn, mất an ninh, an toàn thị trường, ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích, hoạt động bình thường của người dân, nhà đầu tư, doanh nghiệp. Tin giả, tin sai sự thật có tác động tiêu cực, gây tâm lý hoang mang, lo lắng trong dư luận quần chúng nhân dân; ảnh hưởng đến an ninh kinh tế, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tác động tiêu cực đến nhiều mặt trong đời sống xã hội.

Ba là, việc kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm của các cơ quan chức năng vẫn còn thiếu tính răn đe

Pháp luật Việt Nam quy định cá nhân phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về nội dung thông tin do mình lưu trữ, cung cấp, truyền đưa trên mạng xã hội. Việc sử dụng mạng xã hội của cá nhân, tổ chức đều chịu sự điều chỉnh của các quy định pháp luật như Luật An ninh mạng năm 2018, Luật An toàn thông tin mạng năm 2015, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng[4] (Nghị định số 72/2015/NĐ-CP). Hành vi tạo ra, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật là hành vi bị nghiêm cấm. Điểm d khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng năm 2018 nghiêm cấm hành vi thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Tùy thuộc vào tính chất, mức độ và hậu quả của việc tung tin thất thiệt, các đối tượng tung tin sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, hoặc bị xử lý trách nhiệm hình sự, trường hợp gây thiệt hại về danh dự, uy tín của cá nhân, tổ chức thì người vi phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015. Hiện nay, trách nhiệm dân sự, chế tài pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí xử lý hình sự đối với hành vi sử dụng mạng xã hội để tạo ra, cố ý lan truyền, bịa đặt thông tin sai sự thật đã khá đầy đủ.

Trên cơ sở đó, để ngăn chặn tình trạng tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng cần tập trung vào một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, hoàn thiện hệ thống pháp luật về chống tin giả, thông tin sai sự thật.

Hiện nay, trong hệ thống pháp luật, chế tài xử lý tin giả, thông tin sai sự thật đang nằm rải rác ở trong các văn bản quy phạm pháp luật như Luật An toàn thông tin mạng năm 2015, Luật An ninh mạng năm 2018, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP. Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội mạng. Điều đó cho thấy hành lang pháp lý về quản lý thông tin trên mạng xã hội đã được xây dựng, chú trọng, thể hiện sự quyết tâm của cơ quan chức năng nhằm làm trong sạch, tạo môi trường an ninh thông tin, an toàn mạng ở nước ta. Tuy nhiên, cho đến nay Việt Nam vẫn chưa có luật về chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng. Theo tác giả, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, ban hành Luật Chống tin giả, thông tin sai sự thật để nhận diện các loại tin giả, tin sai sự thật và áp dụng các biện pháp, chế tài đủ mạnh, đảm bảo tính phòng ngừa và răn đe.

Về chế tài hành chính xử lý, hiện nay, mức xử phạt chưa tương xứng, còn áp dụng chung, chưa phân hóa xử lý mạnh tay đối với những hành vi cố tình bịa đặt, lan truyền thông tin sai sự thật, vì lợi ích kinh tế, tác động xấu đến an ninh kinh tế, trật tự - an toàn xã hội, gây thiệt hại về quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức (tạo scandal, câu view, câu like) để bán hàng, thu lợi bất chính. Do đó, chưa đủ mạnh để răn đe đối với các đối tượng vi phạm.

Ngoài ra, tình trạng phát hiện, xử phạt chưa kịp thời cũng là vấn đề cần xem xét, vì nếu không quyết liệt xử lý sẽ dẫn đến các đối tượng vi phạm coi thường luật pháp, bất chấp vì lợi ích nào đó mà vẫn vi phạm.

Hai là, nghiên cứu xây dựng lực lượng chuyên trách thực hiện chống tin giả, thông tin sai sự thật trên mạng xã hội.

Với lượng thông tin khổng lồ trên mạng xã hội thì việc quản lý, phát hiện để kịp thời xử lý các thông tin sai sự thật không đơn giản. Đây là nguyên nhân số vụ vi phạm được phát hiện và xử lý trong thời gian qua còn khá khiêm tốn. Chúng ta chưa đủ nguồn lực để đấu tranh triệt để, bóc gỡ, ngăn chặn, phòng ngừa hữu hiệu mà chủ yếu là phát hiện và xử lý, bởi các rào cản về nền tảng, hạ tầng kỹ thuật, hệ thống dữ liệu. Do đó, để làm trong sạch, lành mạnh môi trường thông tin mạng vẫn còn nhiều điều cần phải xử lý. Hiện nay, lực lượng chức năng thực thi công tác an ninh, an toàn an ninh mạng, xử lý vi phạm trên không gian mạng có Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông, cơ quan công an. Việc nghiên cứu xây dựng cơ quan điều phối, chuyên trách thực hiện phòng chống tin giả, tin sai sự thật là một giải pháp tính đến khi ban hành luật về chống tin giả, thông tin sai sự thật.

Ba là, quan tâm công tác tuyên truyền pháp luật, ý thức trách nhiệm của người tham gia mạng xã hội.

Người tham gia mạng xã hội vẫn còn thiếu ý thức tuân thủ pháp luật, trách nhiệm xã hội, thiếu kiến thức nền tảng về sử dụng mạng xã hội, cung cấp thông tin nên dẫn đến việc họ cố tình hoặc vô ý tạo hoặc tiếp sức cho việc tạo ra, lan truyền và phát tán tin giả, thông tin sai sự thật. Vì vậy, cần có nhiều chương trình truyền thông, tuyên truyền pháp luật về an ninh mạng, quy định xử lý vi phạm đối với các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng, kỹ năng nhận biết tin giả, tin sai sự thật và cách phòng tránh, không chia sẻ, tương tác để người tham gia mạng xã hội nắm được, xây dựng lối sống văn minh, ứng xử văn hóa, có trách nhiệm, nêu gương sáng, việc tốt để lan tỏa các nội dung lành mạng trên môi trường mạng xã hội./.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét