Trước Đại hội IX năm 2001, văn kiện
của Đảng chỉ nói đến “quốc tế hóa”, chưa đề cập tới “toàn cầu hóa”. Từ Đại hội
IX của Đảng, Việt Nam đề cập đến “toàn cầu hóa kinh tế”. Khi đó, Báo cáo chính
trị Đại hội IX nhận định: “Toàn cầu hóa kinh tế là một xu thế khách quan, lôi
cuốn ngày càng nhiều nước tham gia; xu thế này đang bị một số nước phát triển
và các tập đoàn kinh tế tư bản xuyên quốc gia chi phối, chứa đựng nhiều mâu
thuẫn, vừa có mặt tích cực vừa có mặt tiêu cực, vừa có hợp tác vừa có đấu
tranh”. Qua hai nhiệm kỳ Đại hội IX và Đại hội X của Đảng, Việt Nam nhấn mạnh
tới “toàn cầu hóa kinh tế”. Đến Đại hội XI của Đảng (năm 2011), Việt Nam chuyển
từ nhận thức về “toàn cầu hóa kinh tế” sang nhận thức về “toàn cầu hóa”. Báo
cáo chính trị Đại hội XI nhận định: “Toàn cầu hóa và cách mạng khoa học - công
nghệ phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy quá trình hình thành xã hội thông tin và kinh
tế tri thức”. Đại hội XII của Đảng (năm 2016) tiếp tục khẳng định: “Toàn cầu
hóa, hội nhập quốc tế, cách mạng khoa học - công nghệ, kinh tế tri thức tiếp
tục được đẩy mạnh”. Báo cáo chính trị Đại hội XIII của Đảng (năm 2021) nhấn
mạnh: “Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục
tiến triển nhưng đang phải đối mặt với sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc...”.
Cùng với nhận thức về toàn cầu hóa,
Việt Nam từng bước tiến hành hội nhập quốc tế. Đại hội IX của Đảng đã đề ra chủ
trương: “Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực theo tinh
thần phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, bảo đảm độc
lập tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích dân tộc, an ninh quốc
gia, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường”. Đại hội X của Đảng
(năm 2006) tiến thêm một bước trong nhận thức và hành động hội nhập quốc tế; đề
ra chủ trương: “Chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở
rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực khác. Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy
của các nước trong cộng đồng quốc tế, tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác
quốc tế và khu vực”. Đến Đại hội XI của Đảng, Việt Nam nhấn mạnh đến hội nhập
quốc tế: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình,
hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực
hội nhập quốc tế; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong
cộng đồng quốc tế; vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì một nước Việt Nam xã hội
chủ nghĩa giàu mạnh”.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong
thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã xác định
8 phương hướng cơ bản của cách mạng Việt Nam, trong đó phương hướng thứ năm là:
“Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và
phát triển; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”. Cương lĩnh đặt ra yêu cầu:
“Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ,
hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động
và tích cực hội nhập quốc tế; nâng cao vị thế của đất nước; vì lợi ích quốc
gia, dân tộc, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh; là bạn, đối tác
tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần vào sự
nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới”.
Ngày 10-4-2013, Bộ Chính trị (khóa XI) đã ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW “Về
hội nhập quốc tế”. Một trong những nhiệm vụ tổng quát mà Đại hội XII của
Đảng đề ra là: “Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa,
đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; giữ vững môi trường hòa
bình, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ
quốc; nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới”. Đại
hội XII đề ra chủ trương: “Nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thực
hiện đầy đủ các cam kết quốc tế, xây dựng và triển khai chiến lược tham gia các
khu vực mậu dịch tự do với các đối tác kinh tế, thương mại quan trọng, ký kết
và thực hiện hiệu quả các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới trong một kế
hoạch tổng thể với lộ trình hợp lý, phù hợp với lợi ích của đất nước… Đẩy mạnh
hội nhập quốc tế trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, khoa học - công nghệ, giáo dục
- đào tạo và các lĩnh vực khác”. Báo cáo chính trị Đại hội XIII của Đảng đưa ra
định hướng lớn bao quát những vấn đề phát triển quan trọng của đất nước trong
giai đoạn 10 năm tới, trong đó “tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập,
tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn
diện, sâu rộng, có hiệu quả; bảo vệ vững
chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị
thế, uy tín quốc tế của Việt Nam. Đa
phương hóa, đa dạng hóa quan hệ kinh tế quốc tế, tránh lệ thuộc vào một thị
trường, một đối tác. Nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế trước tác
động tiêu cực từ những biến động của bên ngoài; chủ động hoàn thiện hệ thống
phòng vệ để bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp, thị trường trong nước phù hợp với
các cam kết quốc tế. Thực hiện nhiều hình thức hội nhập kinh tế quốc tế với các
lộ trình linh hoạt, phù hợp với điều kiện, mục tiêu của đất nước trong từng
giai đoạn”.
Như vậy, từ Đại hội IX của Đảng đến
nay, quan điểm của Đảng về “toàn cầu hóa” và “hội nhập quốc tế” ngày càng đầy
đủ và đóng vai trò hết sức quan trọng đối với việc hoạch định đường lối, chủ
trương, chính sách phát triển đất nước. Từ nhận thức về “quốc tế hóa” đã phát
triển thành nhận thức về “toàn cầu hóa kinh tế” và đi đến nhận thức về “toàn
cầu hóa”. Trên cơ sở thực tiễn về “toàn cầu hóa”, Đảng và Nhà nước ta đưa ra
chủ trương “chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực”, “chủ động và tích
cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh
vực khác” và ngày nay là chủ trương “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”,
“nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế”, “đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong
lĩnh vực văn hóa, xã hội, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo và các lĩnh
vực khác”.
HAIVAN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét