Những năm gần đây, để thực hiện mưu đồ đen tối, các thế lực thù địch, phản động và phần tử xấu ra sức gia tăng hoạt động tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước ta trên nhiều lĩnh vực, trong đó nổi lên là vấn đề liên quan đến dân chủ, nhân quyền và người lao động!
Lợi dụng quy định của pháp luật cho phép thành lập tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp không thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, những đối tượng cơ hội chính trị dùng nhiều âm mưu, thủ đoạn lôi kéo, kích động công nhân và người lao động tăng cường các hoạt động bất hợp tác với người sử dụng lao động, đòi thành lập cái gọi là “công đoàn độc lập” nhằm mưu đồ hình thành tổ chức chính trị đối lập để chống phá Đảng, Nhà nước, gây mất an ninh xã hội, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.
Thủ đoạn ráo riết của các thế lực thù địch thực hiện thời gian qua là ra sức tuyên truyền tô vẽ để đề cao các tổ chức xưng danh “công đoàn độc lập Việt Nam để bảo vệ quyền lợi của công nhân”, coi đó là tổ chức mới của người lao động nhằm từ đó dễ bề tập hợp lực lượng, kêu gọi người lao động biểu tình, đình công, đòi tăng lương, đáp ứng các yêu cầu cực đoan do đối tượng xấu xúi giục; bôi xấu, xuyên tạc, bóp méo vai trò của tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Trên mạng xã hội, nhiều hội, nhóm, tổ chức bất hợp pháp được thành lập với những tên gọi như “Công đoàn”, “Công đoàn độc lập”, “NLĐ Việt Nam”,… thường xuyên đăng tải những thông tin thiếu tính xác thực về chế độ, điều kiện làm việc của người lao động.
Các đối tượng ngang nhiên xuyên tạc rằng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam “không đại diện cho quyền lợi của người lao động”, và “chỉ kiểm soát người lao động chứ không giải quyết các vấn đề của người lao động”. Không khó để nhận thấy mục tiêu mà các đối tượng hướng đến là làm mất niềm tin của người lao động vào tổ chức Công đoàn Việt Nam, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người lao động.
Không chỉ sử dụng các trang mạng đưa những thông tin sai lệch, méo mó về vai trò, chức năng của tổ chức Công đoàn Việt Nam, các đối tượng chống phá còn len lỏi tìm cách kết nối với những cá nhân bất mãn, tìm kiếm các vụ việc mâu thuẫn tại cơ sở, đặc biệt là mâu thuẫn giữa người lao động và người sử dụng lao động, từ đó ra sức kích động, khoét sâu bất đồng giữa hai bên khiến cho các mâu thuẫn ngày càng trở nên trầm trọng. Một số đối tượng cực đoan còn trà trộn vào các địa điểm như khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp... lôi kéo, xúi giục người lao động biểu tình, đình công, gây mất an ninh trật tự, khiến các lực lượng chức năng khó kiểm soát.
Một số đối tượng còn thường xuyên gửi tin nhắn tới người lao động với nội dung chống phá Đảng và Nhà nước, xuyên tạc chế độ, chính sách dành cho người lao động nhằm tạo tâm lý bức xúc, chán nản, từ đó thúc giục họ bỏ việc thì sẽ được giới thiệu những công việc mới hấp dẫn, lương cao. Tuy nhiên đây chỉ là chiêu thức lừa đảo vì một số người lao động nhẹ dạ, cả tin bỏ việc, thất nghiệp liền bị bỏ mặc không hề tìm được “việc nhẹ lương cao” như lời hứa, thậm chí có người còn bị đối tượng xấu dụ dỗ cho vay “tín dụng đen” khiến cho gia cảnh trở nên bết bát.
Bên cạnh đó các thế lực thù địch bám vào quy định về việc cho phép thành lập “tổ chức đại diện người lao động” tại doanh nghiệp không thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để ra sức cổ vũ, tô vẽ cho cái gọi là “công đoàn độc lập” nằm ngoài hệ thống chính trị nhằm lôi kéo, kích động người lao động.
Những hoạt động này nhằm từng bước tập hợp lực lượng, xây dựng ngọn cờ, kích động biểu tình, đình công, tìm cách “đa nguyên công đoàn”, gây chia rẽ, phân hóa giai cấp công nhân… tiến tới hình thành lực lượng chính trị đối lập trong nội địa để thực hiện mưu đồ thay đổi chế độ chính trị tại Việt Nam.
Các luận điệu xuyên tạc, hoạt động nhân danh vì người lao động nêu trên còn nhằm mục tiêu phủ nhận, bóp méo vai trò, vị trí của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong xã hội. Tại Điều 10, Hiến pháp năm 2013 quy định:
“Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị-xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế-xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Năm 2024 là vừa tròn 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam. 95 năm trước, vào ngày 28/7/1929, tổ chức Công đoàn Việt Nam ra đời, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng đối với quá trình đấu tranh, phát triển của phong trào công nhân Việt Nam; là hạt nhân vận động, tập hợp giai cấp công nhân đi dưới ngọn cờ cách mạng vinh quang của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tại lễ kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá: “Thời gian qua, tổ chức công đoàn đã có nhiều đột phá, đổi mới cả về tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động. Cùng với sự lớn mạnh của tổ chức công đoàn, giai cấp công nhân được bổ sung về số lượng, nâng cao về chất lượng; các cấp công đoàn đã chăm lo bồi dưỡng và giới thiệu hàng vạn công nhân, viên chức, lao động ưu tú để Ðảng, Nhà nước xem xét, bổ nhiệm, đề bạt vào các vị trí lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể các cấp”.
Thực tiễn đã chứng minh, tổ chức Công đoàn Việt Nam có những đóng góp tích cực, to lớn trong việc chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho người lao động, nhất là trong thời điểm người lao động và doanh nghiệp gặp nhiều trở ngại như dịch bệnh, thiên tai... Công đoàn Việt Nam đã kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn dần ổn định cuộc sống. Mới đây, ngay sau bão số 3 (bão Yagi), tổ chức công đoàn các cấp đã triển khai hiệu quả các hoạt động an sinh xã hội, thăm hỏi, động viên, chia sẻ người lao động bị ảnh hưởng, đặc biệt là người lao động ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa.
Hoạt động công đoàn ngày càng được đổi mới theo hướng tích cực, hiệu quả hơn, thích ứng nhanh và phù hợp với nguyện vọng chính đáng của người lao động. Những ngày hội việc làm được tổ chức công đoàn các địa phương triển khai thường xuyên, thu hút nhiều nhà tuyển dụng cũng như người lao động, nhằm kết nối tạo ra nhiều công ăn việc làm tăng thêm thu nhập cho người lao động. Vấn đề nhà ở xã hội cho công nhân và người lao động được liên đoàn lao động nhiều địa phương quan tâm sâu sắc.
Quyết định số 338/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 3/4/2023 Phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030 đang được thực hiện. Đến nay nhiều tỉnh, thành phố đã giới thiệu quỹ đất cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, từ đây cho thấy mục tiêu một triệu căn hộ cho công nhân sẽ sớm được hiện thực hóa, tạo điều kiện cho công nhân, người lao động ổn định cuộc sống.
Không chỉ chăm lo đời sống vật chất, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam còn quan tâm đời sống tinh thần cho công nhân và người lao động. Các hội diễn văn nghệ, giải thi đấu thể thao quần chúng,… thường xuyên được tổ chức tạo không khí phấn chấn và tăng cường tình đoàn kết, từ đó giúp nâng cao hiệu quả sản xuất. Phong trào thi đua lao động giỏi từ các cấp cơ sở được chú trọng. Công nhân và người lao động cũng thường xuyên được khám sức khỏe định kỳ và được phát thuốc miễn phí...
Tất cả những hoạt động ý nghĩa này giúp cho người lao động yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Vai trò cũng như uy tín của tổ chức Công đoàn Việt Nam ngày càng được khẳng định rõ rệt, bởi đây là tổ chức chính thống với tôn chỉ mục đích hoạt động rõ ràng là bảo vệ quyền lợi cho giai cấp công nhân và người lao động.
Tuy nhiên, thực tế trong hoạt động của tổ chức công đoàn các cấp vẫn còn một số hạn chế nhất định. Một số công đoàn cơ sở hoạt động chưa hiệu quả, mà nguyên nhân xuất phát từ việc cán bộ công đoàn chưa phát huy tốt trách nhiệm, vai trò của mình. Những bất cập, hạn chế này đều đã được nhận diện đầy đủ và có những giải pháp phù hợp để tổ chức công đoàn ngày càng trở thành chỗ dựa vững chắc cho công nhân và người lao động.
Thế nhưng các đối tượng chống phá, phản động với âm mưu thâm độc đã cố tình xuyên tạc, khoét sâu vào một số điểm hạn chế nhằm phủ nhận những đóng góp to lớn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hòng đánh lạc hướng tư tưởng của người lao động, lôi kéo họ tham gia tổ chức “công đoàn độc lập” với những hứa hẹn về quyền lợi, từ đó kêu gọi thành lập tổ chức đối kháng để tập hợp lực lượng chống phá Đảng và Nhà nước ta.
Các đối tượng phá hoại đã cố tình lờ đi quy định của pháp luật Việt Nam về việc thành lập tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. Cụ thể tại Khoản 3, Điều 3, Bộ luật Lao động năm 2019 đã quy định rất rõ, các tổ chức này phải được thành lập trên cơ sở tự nguyện của người lao động tại một đơn vị sử dụng lao động nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong quan hệ lao động thông qua thương lượng tập thể hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật về lao động.
Tổ chức đại diện cho người lao động tại cơ sở bao gồm công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Ngoài ra, tại Khoản 1, Điều 172, Bộ luật Lao động năm 2019 cũng ghi rõ: “Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp được thành lập và hoạt động hợp pháp sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký. Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp được tổ chức và hoạt động phải bảo đảm nguyên tắc tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và điều lệ, tự nguyện, tự quản, dân chủ, minh bạch”.
Đối chiếu có thể thấy, rõ ràng cái gọi là “Công đoàn độc lập” mà các thế lực thù địch kêu gọi thành lập không tuân theo quy định của pháp luật Việt Nam, mà chỉ núp dưới một tên gọi mỹ miều nhằm lôi kéo, kích động người lao động gây mất an ninh chính trị, phục vụ mưu đồ chống phá Nhà nước, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng ta chứ không nhằm để bảo vệ quyền lợi của giai cấp công nhân, người lao động.
Thực tế này đòi hỏi người lao động cần tỉnh táo nhận diện và đấu tranh đẩy lùi những âm mưu xấu độc của các thế lực thù địch. Bên cạnh đó công tác tuyên truyền về vai trò của tổ chức Công đoàn Việt Nam cần được đẩy mạnh, kịp thời vạch trần bản chất chống phá của cái gọi là “công đoàn độc lập” để người lao động không bị nhầm lẫn, bị dụ dỗ hay kích động tham gia vào các hội nhóm này để rồi thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật.
Các tổ chức công đoàn cơ sở cần nhanh chóng nắm bắt các vấn đề của công nhân và người lao động, từ đó đề xuất các giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, bảo vệ người lao động, giúp họ yên tâm làm việc. Sự tin tưởng, gắn bó của công nhân và người lao động vào tổ chức Công đoàn Việt Nam là câu trả lời xác đáng nhất để bác bỏ những luận điệu xuyên tạc, phá hoại của các thế lực thù địch./.
Yêu nước ST.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét