Thứ Sáu, 27 tháng 12, 2024

Ước vọng hồi sinh làng gốm cổ Yang Tao

  Khác với những sản phẩm có cấu trúc cầu kỳ, màu sắc bắt mắt, hoa văn diễm lệ, tinh xảo của một số làng gốm sứ nổi tiếng trong nước như: Bát Tràng (Hà Nội), Thanh Hà (Hội An), Bàu Trúc (Ninh Thuận)..., các sản phẩm đồ gốm của đồng bào M’nông Rlăm ở buôn Dơng Bắk, xã Yang Tao, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk vẫn chạm vào trái tim của bao người bởi giá trị thẩm mỹ riêng có của nó.

Chính vẻ đẹp mộc mạc, kỹ thuật chế tác thô sơ đã làm cho các sản phẩm gốm Yang Tao trở nên độc đáo và giá trị, không những thể hiện sự kết nối sâu sắc với văn hóa và môi trường tự nhiên của người dân Yang Tao, mà còn đóng góp vào sự đa dạng về văn hóa của Đắk Lắk nói riêng và Việt Nam nói chung.

Nghề chỉ dành cho phụ nữ

Nghề làm gốm thủ công của người M’nông đã có từ thời xa xưa. Tuy nhiên, trong các nhóm người dân tộc M’nông thì chỉ có nhóm M’nông Rlăm ở buôn Dơng Bắk, xã Yang Tao, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk hiện nay vẫn duy trì nghề làm gốm truyền thống.

Nói về nghề gốm gia truyền, bà H'lưm Mết, hơn 70 tuổi, một trong những nghệ nhân lớn tuổi còn sót lại của buôn Dơng Bắk cho biết, cách đây hàng trăm năm về trước, đồng bào M'nông Rlăm ở Yang Tao đã biết lấy đất sét dẻo mịn làm ra những chiếc chén, bát, ấm, chum chóe, nồi niêu... Các sản phẩm gốm của người M'nông Rlăm làm xong không bán lấy tiền mà chỉ đổi lấy lúa, khoai, đổi lấy trâu bò, đổi cả nông cụ để phục vụ sinh hoạt đời thường và lao động sản xuất. Đã có một thời gian dài, nghề gốm của người M’nông Rlăm ở Yang Tao rất hưng thịnh, ai cũng biết làm, sản phẩm làm ra được các dân tộc Ê Đê, Gia Rai ở nơi khác rất ưa chuộng.

Điều đặc biệt là, nghề gốm của đồng bào M’nông được truyền từ mẹ sang con. Trong gia đình, người phụ nữ đảm nhận vai trò chính trong việc làm gốm từ lúc lấy đất cho đến lúc nung thành sản phẩm. Đặc biệt, phụ nữ M'nông Rlăm ở buôn Dơng Bắk thì hầu như ai cũng biết làm đồ gốm. Một nguyên tắc nữa là khi đi lấy đất để về làm đồ gốm, người phụ nữ M'nông phải ăn mặc sạch sẽ và đi vào sáng sớm, không được lấy đất vào buổi chiều. Ðất sét ở đây chỉ được lấy vừa đầy chiếc gùi mang trên vai.

Khi làm gốm, phụ nữ thường sử dụng những dụng cụ đơn giản như chày, cối, thanh tre vót mỏng, cọng đót, vòng tre, hòn sỏi bóng, mảnh vải ướt... để chế tác gốm, chờ cho sản phẩm khô đến độ nhất định rồi mới sử dụng que tre, que củi hay lông nhím để vẽ hoa văn, họa tiết, sau đó lấy hòn đá cuội để chà xát bề mặt cho đến khi đạt độ láng bóng mới mang đi nung. Thợ làm gốm phải mất từ 3-5 năm mới có thể thực hiện nhuần nhuyễn các động tác và tạo hình cho gốm.

“Trải qua biết bao mùa trăng, nhưng cách làm gốm ở Yang Tao vẫn vẹn nguyên như thế, lớp này đến lớp khác, thế hệ trước truyền dạy cho thế hệ sau. Chính vì vậy, đến nay, phụ nữ đồng bào dân tộc M’nông Rlăm ở xã Yang Tao vẫn lưu giữ được nghề làm gốm thủ công từ thời xa xưa. Và mặc dù nghề gốm chưa mang lại nguồn thu nhập ổn định để cuộc sống đầy đủ, nhưng đó luôn trở thành niềm tự hào, là món ăn tinh thần vô giá của người dân M’nông Rlăm trên mảnh đất Yang Tao này” - nghệ nhân H'lưm Mết chia sẻ.

Nét đặc trưng của gốm Yang Tao

Gốm cổ Yang Tao được các nghệ nhân chế tác hoàn toàn thủ công bằng các chất liệu tự nhiên. Nguyên liệu làm gốm cũng khác biệt với những làng gốm của người Kinh. Đất làm gốm ở đây phải là loại đất sét “đặc biệt”, lấy ở những khoảnh ruộng dưới chân núi Chư Yang Sin. Ðất sét có màu nâu sậm đặc trưng, khác với màu đỏ hay màu vàng thường thấy ở các loại đất sét thông thường.

Cách làm gốm ở Yang Tao tựa như cách làm gốm Bầu Trúc của đồng bào Chăm Ninh Thuận. Khi chế tác, phụ nữ M’nông Rlăm không dùng bàn xoay mà để đất sét trên đế gỗ có chiều cao khoảng 70cm. Sau đó, họ sẽ di chuyển xung quanh chiếc đế, sử dụng thanh tre vót mỏng, miếng vải ướt và vòng tre để tạo hình sản phẩm. Sau bước tạo hình, chờ cho sản phẩm ráo bớt nước và khô dần, người thợ bắt đầu vẽ hoa văn, với họa tiết đơn giản, có thể là những vòng tròn xung quanh hoặc có thể là cỏ cây hoa lá cách điệu, hay cũng có thể là các đường hình học đơn giản khác...

Chờ cho sản phẩm khô thêm, người thợ chuyển sang bước đánh bóng. Việc đánh bóng mất khá nhiều thời gian và phải cẩn trọng, tỉ mẩn. Người thợ dùng hòn sỏi, đá cuội để chà xát liên tục lên bề mặt của sản phẩm nhằm tạo độ bóng và láng. Một sản phẩm có thể chà nhiều lần, đến khi cảm thấy ưng mắt mới được. Sau công đoạn này, sản phẩm sẽ được phơi khô hoàn toàn trước khi nung. Người M’nông nung gốm lộ thiên, không dùng lò. Sản phẩm đặt trên nền đất trống, bên dưới có lót củi khô. Người M’nông quan niệm rằng, màu đen là màu đẹp và là màu truyền thống nên sau khi nung, họ nhuộm đen toàn bộ sản phẩm. Việc nhuộm màu cũng bằng phương pháp tự nhiên.

Gốm sau khi nung chín rất nóng và được vùi ngay vào vỏ trấu. Vỏ trấu cháy tạo khói, khói này ám vào gốm và làm đen gốm. Những sản phẩm được đánh bóng kỹ lưỡng ở công đoạn trước sẽ cho bề mặt rất đen và bóng, nhìn giống như được làm từ kim loại. Đây chính là màu đặc trưng của gốm M’nông ở Yang Tao và là sự khác biệt so với các dòng gốm khác.

Cần bảo tồn và phát triển

Nghề làm đồ gốm của đồng bào M’nông Rlăm là một trong những nghề thủ công hiếm hoi ở vùng Tây Nguyên còn được bảo lưu cho đến ngày nay nhưng đang đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền.

Hiện nay, tại thôn Dơng Bắk chỉ còn chưa đến 10 nghệ nhân vẫn miệt mài duy trì làm gốm thường xuyên. Ngoài các sản phẩm thông thường như bát, đĩa, chum, ché..., thợ làm gốm còn làm thêm các sản phẩm gốm phục vụ khách du lịch như con trâu, con bò, con voi, hồ lô, lọ hoa... Sản phẩm của họ làm ra chủ yếu bán cho một số người già trong buôn có thói quen dùng gốm cổ truyền, hoặc bán cho vài khách du lịch đến tham quan buôn làng, tìm hiểu văn hóa dân tộc.

Trăn trở với nghề làm gốm cổ truyền, bà H’loan Uông, Chủ tịch UBND xã Yang Tao cho biết: “Xã Yang Tao có 10 buôn, tổng số 2.509 hộ với gần 10.000 nhân khẩu, trong đó, người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 93% sinh sống. Trước đây, hầu như nhà nào cũng sử dụng gốm cổ truyền chế tác thủ công nên người làm gốm ở Yang Tao được coi trọng. Nhưng hiện nay, làng gốm đang đứng trước thực trạng sản phẩm gốm cổ truyền sản xuất ra không tiêu thụ được do tỉ lệ người sử dụng các sản phẩm gốm thủ công ngày càng ít đi. Bên cạnh đó, các sản phẩm gốm cổ truyền còn khó cạnh tranh với các mặt hàng nhựa rẻ tiền, hàng kim loại bền chắc, hay các dòng gốm hiện đại khác khiến thợ gốm ở Yang Tao dần bỏ nghề hoặc chuyển sang làm việc khác”.

Thiết nghĩ, để bào tồn, duy trì các làng nghề gốm của đồng bào M’nông Rlăm ở Yang Tao trước mắt cũng như lâu dài thì các ngành chức năng và chính quyền địa phương cần quan tâm quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tôn vinh nghệ nhân trong các hoạt động lễ hội, festival làng nghề, festival gốm sứ... Đồng thời, địa phương cần xác định việc tiêu thụ sản phẩm gốm không phải để phục vụ đời sống hằng ngày mà coi đây là sản phẩm du lịch để có thể bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề, để du khách đến thăm làng gốm Yang Tao không chỉ được chiêm ngưỡng quy trình làm gốm truyền thống, mà còn có cơ hội tham gia các lớp học làm gốm, tự tay tạo ra những sản phẩm độc đáo làm kỷ niệm cho chuyến hành trình của mình. Tuy nhiên, để khôi phục lại làng gốm cổ, gắn gốm cổ với du lịch, không phải là câu chuyện một sớm một chiều. Hy vọng rằng, từ những nỗ lực của các nghệ nhân cùng định hướng phát triển của các ngành, các cấp, làng gốm cổ duy nhất của Tây Nguyên sẽ được hồi sinh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét