Thứ Hai, 23 tháng 12, 2024

PHẢN BÁC LUẬN ĐIỆU CHO RẰNG VIỆT NAM KHÔNG THỂ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG BỞI NÓ THUỘC VỀ BẢN CHẤT CỦA CHẾ ĐỘ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

 Chủ nghĩa Mác - Lênin đã chỉ ra rằng, tham nhũng gắn liền với sự tha hóa quyền lực nhà nước, biến nhà nước trở thành bộ máy quan liêu xa rời nhân dân. V.I. Lênin đã chỉ rõ, “nạn hối lộ” chính là kẻ thù của chủ nghĩa xã hội và kêu gọi “thanh đảng”, đuổi những kẻ “đã không những không biết đấu tranh chống bệnh giấy tờ cùng nạn hối lộ, mà còn cản trở cuộc đấu tranh này”  ra khỏi đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, “trong xã hội đế quốc, tư bản, phong kiến, người không ăn cắp, tham ô rất ít. Không nhiều thì ít đều có cả” . Trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, Người cho rằng tham ô, lãng phí một phần lớn là do bệnh quan liêu mà ra; là loại kẻ thù bên trong, là “giặc nội xâm” nguy hiểm “làm hỏng tinh thần trong sạch và ý chí khắc khổ của cán bộ” , dẫn tới sự thoái hóa, biến chất trong một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Nhìn vào các thể chế chính trị dân chủ tư sản cho thấy, sự thay nhau nắm quyền của các chính đảng tư sản dựng lên những màn kịch dân chủ giả hiệu không thể che đậy và giải quyết được gốc rễ những đau khổ mà chế độ này mang lại đối với nhân dân lao động. Nạn tham nhũng đã trở thành căn bệnh trầm kha mà các chính trị gia tư sản luôn tìm mọi cách để cố tình che đậy; ở đó “hối lộ thay cho áp bức bằng bạo lực; tiền thay lưỡi gươm để làm đòn bẩy chủ yếu của quyền lực xã hội” . Chế độ tư bản, như nhận xét của Ph.Ăngghen, “chỉ là một bức biếm hoạ làm cho người ta thất vọng chua cay” . 

Như vậy, tham nhũng chính là “khuyết tật” của quyền lực, nó không phải là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa. Trái lại, tham nhũng là “giặc nội xâm”, là kẻ thù của chủ nghĩa xã hội. Phòng, chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ đặt lên hàng đầu trong công cuộc xây dựng hệ thống chính trị ở nước ta hiện nay. Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, phòng, chống tham nhũng vì sự nghiệp chung, không thể không làm, cắt một vài cành sâu để cứu cả cây, làm rất quyết liệt, nhưng nhân văn, nhân đạo, rất có lý, có tình, tâm phục, khẩu phục. Việc xử lý tham nhũng, tiêu cực ở nước ta không có vùng cấm, không có ngoại lệ, đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã trở thành phong trào, thành xu hướng không thể đảo ngược. Điều đó đã thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Đảng ta trong vấn đề này.

Với quyết tâm chính trị mạnh mẽ, kiên quyết, kiên trì, không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta đang được tiếp tục đẩy mạnh cho thấy bản lĩnh của Đảng ta dám nhìn thẳng vào sự thật, công khai nói rõ sự thật, thừa nhận khuyết điểm và quyết tâm sửa chữa, xứng đáng là đảng lãnh đạo, cầm quyền, được nhân dân tin tưởng, giao phó. 

Từ đó có thể khẳng định, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta không phải là chiêu trò “đấu đá nội bộ”, hay “cuộc chiến phe cánh”, không phải là cuộc “cạnh tranh giữa các nhóm lợi ích” như các thế lực thù địch xuyên tạc. Bản chất ưu việt của chế độ ta không cho phép tham nhũng lộng hành, đi ngược lại với lợi ích nhân dân, bản chất ưu việt, tốt đẹp của chế độ chính trị mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đã chọn lựa. Do đó, luận điệu cho rằng “Việt Nam không phòng, chống được tham nhũng bởi nó thuộc về bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa” là hoàn toàn sai trái. Chúng ta không nên nhìn vào hiện tượng để quy thành bản chất, bị đánh lừa bởi những hiện tượng giả bản chất. Đồng thời cần cảnh giác trước những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét