Đó là câu nói bất hủ của Chủ tịch Fidel Castro trong chuyến thăm lịch sử tại Cao điểm 241 Tân Lâm (hay còn gọi là căn cứ Carol) - nơi vốn là căn cứ lớn của Mỹ mới được ta giải phóng!
Sự xuất hiện của vị nguyên thủ nước ngoài đầu tiên và duy nhất trên mảnh đất Quảng Trị vào thời điểm ấy đã trở thành biểu tượng cho tình đoàn kết cao đẹp Việt Nam - Cuba.
Vào giữa tháng 9/1973, chỉ ít tháng sau khi Hiệp định Pari được ký kết, Chủ tịch Cuba Fidel Castro đã đến thăm vùng “đất lửa” Quảng Trị. Sự xuất hiện của vị nguyên thủ nước ngoài đầu tiên và duy nhất trên mảnh đất Quảng Trị vào thời điểm ấy đã trở thành nguồn động viên lớn lao cho cách mạng Việt Nam; đồng thời là biểu tượng cho tình đoàn kết cao đẹp Việt Nam - Cuba.
Để bảo vệ tuyệt đối bí mật và an toàn chuyến đi đặc biệt này, một mặt ta vẫn bố trí lực lượng đón Chủ tịch Fidel ở Hải Phòng như kế hoạch cũ. Mặt khác, trên phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta thông báo cuộc hội đàm giữa 2 đoàn Việt Nam và Cuba diễn ra ở Hà Nội vào ngày 15/9/1973, nhưng vào thời điểm đó, một lực lượng của Trung đoàn 600 (Công an nhân dân vũ trang) đã vào Quảng Trị trước để làm công tác tiền trạm và bảo vệ địa điểm.
9 giờ 40 phút ngày 16/9/1973, chiếc chuyên cơ đưa 2 nhà lãnh đạo là Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Chủ tịch Fidel cất cánh từ sân bay Gia Lâm vào Đồng Hới (Quảng Bình). Trong hơn một giờ bay, các chiến sỹ cảnh vệ thấy Chủ tịch Fidel luôn quan sát xuống mặt đất. Khi máy bay bay qua vùng khu IV, chứng kiến những cánh đồng, đoạn đường và làng mạc bị bom đạn cày xới nham nhở, những chiếc cầu đứt nhịp oằn mình xuống dòng sông..., nét mặt Chủ tịch Fidel nghiêm lại như muốn chia sẻ những hy sinh mất mát của nhân dân Việt Nam.
Khi đến thăm Cao điểm 241 Tân Lâm, Chủ tịch Fidel Castro đã phất cao lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và dõng dạc hô to: “Các đồng chí hãy mang lá cờ bách chiến bách thắng này cắm tại Sài Gòn!”, “Hẹn gặp lại tại Sài Gòn sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng!"... Và cũng chính tại đây, Chủ tịch Fidel Castro đã nói câu lịch sử: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”.
Hình ảnh của vị nguyên thủ quốc gia hiên ngang sải bước trên con đường mới được giải phóng ở Quảng Trị, phất cao lá cờ bách chiến bách thắng của Quân giải phóng miền Nam tại cuộc mít tinh ở Căn cứ 241 gần Dốc Miếu, Đông Hà cho đến nay vẫn khắc sâu trong trí nhớ của nhiều thế hệ người dân Việt Nam.
Trong chuyến thăm Việt Nam năm 1973, Chủ tịch Fidel Castro đã quyết định tặng Việt Nam 5 công trình kinh tế quan trọng gồm: Khách sạn Thắng Lợi (Hồ Tây, Hà Nội), Bệnh viện Việt Nam - Cuba tại Đồng Hới (Quảng Bình), trại bò Mộc Châu, trại gà Lương Mỹ và đường cao tốc Xuân Mai; tặng bò giống, gà giống và chi hơn 6 triệu USD để mua thiết bị hiện đại, đồng thời cử chuyên gia về cầu đường sang Việt Nam tham gia cùng bộ đội Trường Sơn mở rộng đường mòn Hồ Chí Minh; giúp đào tạo trên 1.000 sinh viên Việt Nam ở trình độ đại học và cao học, đồng thời vận động ủng hộ Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc…
Chủ tịch Cuba Fidel Castro cũng đã từng khẳng định Việt Nam và Cuba, tuy về mặt địa lý cách nhau nửa vòng trái đất, nhưng có rất nhiều điểm tương đồng. Tình hữu nghị anh em giữa hai nước đã được sinh ra và lớn lên trong sự tương đồng lịch sử của hai dân tộc cùng đấu tranh chống kẻ thù chung.
Chuyến thăm lịch sử của Chủ tịch Fidel Castro đã trở thành biểu tượng của tình đoàn kết anh em thủy chung, gắn bó; cùng lý tưởng cao đẹp chống chủ nghĩa đế quốc, vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ trên thế giới.
Hơn nửa thế kỷ qua, kể từ ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (2/12/1960), hai dân tộc đã luôn kề vai sát cánh trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do và ngày nay luôn sát cánh bên nhau vững bước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Xã hội Chủ nghĩa ở mỗi nước. Đây thực sự là mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết anh em, trước sau như một, mối quan hệ đã trở thành biểu tượng của thời đại, là tài sản vô giá mà hai đảng và nhân dân hai nước Việt Nam - Cuba luôn giữ gìn, bảo vệ, vun đắp và truyền tiếp cho các thế hệ mai sau./.
Yêu nước ST.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét