Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2024

Vì quyền con người để phát triển đất nước

 


Dự và chủ trì Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức, sáng 11/12/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh thông điệp quan trọng của Việt Nam gửi đi thế giới, với các nước quan tâm về bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người là tại Việt Nam, việc bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người được thực hiện thường xuyên, xuyên suốt, được khẳng định trong đường lối, chính sách, tổ chức thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức, với mục tiêu cuối cùng là hướng tới người dân với vai trò trung tâm, là chủ thể.

Thông điệp quan trọng được người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nêu ra rất có ý nghĩa khi đúng vào thời điểm Việt Nam cùng các nước trên thế giới kỷ niệm 76 năm ngày Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua bản Tuyên ngôn thế giới về quyền con người (10/12/1948 - 10/12/2024) và hưởng ứng giai đoạn thứ 5 của chương trình giáo dục quyền con người do Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc thông qua ngày 19/8/2024.

Lịch sử ghi nhận, sở dĩ sau khi được thành lập vào ngày 24/10/1945, Liên hợp quốc đã khẩn trương triển khai ngay công việc soạn thảo một văn kiện về quyền con người là do cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945) do chủ nghĩa phát-xít gây ra đã làm cho hàng trăm triệu người trên thế giới thiệt mạng (riêng ở Việt Nam có hơn 2 triệu người thiệt mạng), cùng với đó là số lượng người không kể xiết bị mất người thân, nhà cửa, phương tiện sinh sống, buộc phải di cư, tị nạn... Những thảm cảnh này đã thức tỉnh nhân loại về một nhiệm vụ chung cấp bách là bảo vệ hòa bình, tôn trọng độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia và quyền con người. Các chuyên gia hàng đầu của Liên hợp quốc đã làm việc tích cực để Tuyên ngôn thế giới về quyền con người chính thức ra đời vào ngày 10/12/1948.

Tuyên ngôn thế giới về quyền con người không chỉ ghi nhận một số quyền (là những vấn đề mang tính thách thức đối với các hệ thống xã hội vào thời điểm này (như quyền không bị kỳ thị, phân biệt đối xử về chủng tộc, màu da, giới tính; quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng tôn giáo...) mà còn chọn lọc, kế thừa những tư tưởng tiến bộ của nhân loại đã ghi nhận ở một số văn kiện lịch sử liên quan quyền con người (như Đại Hiến chương về quyền tự do của Anh năm 1215, Tuyên ngôn Độc lập Mỹ năm 1776, Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp năm 1789...) và được xem như văn kiện đầu tiên khẳng định một cách tương đối toàn diện về quyền con người, một tiêu chuẩn và mục tiêu chung cho tất cả quốc gia, dân tộc hướng tới. 

Từ năm 1948 đến nay, Liên hợp quốc đã thông qua 5 giai đoạn của giáo dục quyền con người và giai đoạn thứ 5 đã chính thức phát động trên toàn thế giới vào ngày 10/12/2024.

Ở Việt Nam, trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyền con người và giáo dục quyền con người là một trong những nội dung cốt lõi. Đây cũng chính là quan điểm xuyên suốt mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam, cụ thể là lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực, nguồn lực phát triển, không hy sinh tiến bộ, công bằng và an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Với quan điểm này, ngay từ khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định không có mục tiêu nào khác là mang lại độc lập, tự do cho dân tộc, hạnh phúc, ấm no cho nhân dân. Cho nên, trước khi Tuyên ngôn thế giới về quyền con người chính thức ra đời, thì 3 năm trước đó, trong Tuyên ngôn Độc lập được Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố ngày 2/9/1945 đã khẳng định: "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".


Kể từ sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) được Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố thành lập và được Quốc hội Việt Nam khóa I (nhiệm kì 1946-1960) thông qua, lịch sử Việt Nam ghi nhận 5 bản Hiến pháp đã được ra đời trong các năm 1946, 1959, 1980, 1992, 2013, trong đó nội dung về quyền con người và giáo dục quyền con người luôn là nội dung cốt lõi. Với Hiến pháp năm 2013, trong nội dung gồm 120 điều thì có tới 36 điều quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. 

Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tổ chức đầu năm 2021, Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục khẳng định: "Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu". 

Trong bài viết “Phát huy tính Đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, được Cổng Thông tin điện tử chinhphu.vn đăng tải gần đây, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng chỉ rõ: “Không để một số điều luật trở thành điểm nghẽn cản trở thực hiện quyền con người, quyền công dân và phát triển kinh tế - xã hội”.

Trong thực tiễn, việc bảo đảm quyền con người, triển khai giáo dục về quyền con người tại Việt Nam đã đạt nhiều kết quả quan trọng và khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực, với các nội hàm quan trọng về quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc và quyền bình đẳng. 

Những căn cứ quan trọng cho nhận định này là ở thực tiễn người dân Việt Nam đang được sống vui, sống khỏe, sống an toàn, sống xanh; được tự do hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật để bảo vệ, phát huy tối đa lợi ích chính đáng của cá nhân mình và đóng góp lợi ích cho cộng đồng, cho xã hội; có cuộc sống ngày càng ấm no hạnh phúc; bảo đảm bình đẳng, không để ai bị bỏ lại phía sau. 

Việt Nam đã trở thành quốc gia điển hình thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, là hình mẫu về hàn gắn và khôi phục sau chiến tranh. Tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người là một minh chứng rõ ràng về sự phát triển kinh tế mạnh mẽ ở Việt Nam, với mức tăng từ 122 USD của năm 1990 lên hơn 4.600 USD vào năm 2024, tức tăng khoảng 38 lần trong 34 năm.

Đặc biệt, Việt Nam rất quan tâm đến việc bảo vệ quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng của công dân và thực hiện quyền tự do tôn giáo theo các cam kết quốc tế. Điều này thể hiện rõ trong Hiến pháp và các quy định pháp luật của Việt Nam khi nêu rõ mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào; các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật; Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.

Hiện, ở Việt Nam, tất cả tôn giáo đều có sự phát triển và việc hành đạo được bảo đảm tự do trong khuôn khổ của pháp luật và tập quán xã hội. Với khoảng 50.700 cơ sở tín ngưỡng thì có hơn 3.000 di tích gắn với cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, một số di tích được UNESCO ghi danh là Di sản thế giới. 16 tôn giáo đã được Nhà nước Việt Nam chính thức công nhận, 43 tổ chức tôn giáo; hàng ngàn nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung (trong đó có cả các nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam); trên 27 triệu tín đồ; hơn 54.000 chức sắc, 144.000 chức việc. 

Người dân Việt Nam đang được tự do bày tỏ quan điểm, chính kiến về các vấn đề, miễn là không xâm phạm đến quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của tổ chức, cá nhân và không vi phạm pháp luật, thuần phong mỹ tục... Mặc dù các thế lực phản động luôn cáo buộc Việt Nam "vi phạm quyền tự do ngôn luận", "hạn chế báo chí hoạt động"... nhưng thực tiễn thì Việt Nam luôn cho phép công dân tiếp cận thông tin đa dạng với hàng ngàn trang web, mạng xã hội được công khai hoạt động, thu hút hàng chục triệu người tham gia các mạng xã hội xuyên quốc gia.

Không những thế, Việt Nam còn là một quốc gia tích cực tham gia vào các nỗ lực của Liên hợp quốc về quyền con người, đúng như khẳng định của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt - Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Khóa họp thường kỳ lần thứ 57 (ngày 27/9/2024) của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, rằng “Việt Nam tái khẳng định cam kết và chính sách nhất quán về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người”. 

Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD) là một trong 5 Công ước quốc tế cơ bản của Liên hợp quốc về nhân quyền, được Việt Nam gia nhập vào năm 1982 và nghiêm túc thực hiện với việc tích cực luật hóa các quy định trong Công ước thành quy định của pháp luật nhằm bảo đảm quyền bình đẳng trước pháp luật của tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, màu da, sắc tộc.

Việc Việt Nam đã và đang nỗ lực không ngừng để bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, đồng thời phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh, trật tự trong khuôn khổ pháp luật là phù hợp với xu hướng chung của các nước trên thế giới và được thực tiễn chứng minh. Nhờ đó, Việt Nam đã được nhiều nước ủng hộ để tái cử thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2026-2028 sau 2 lần trở thành thành viên ở nhiệm kỳ 2014-2016 và 2023-2025.

Cho nên, dễ hiểu vì sao các đoàn tham gia ở Khóa họp thường kỳ lần thứ 57 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã đánh giá cao sự tham gia nghiêm túc của Việt Nam trong toàn bộ tiến trình Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR), nhất là việc chấp thuận các khuyến nghị với tỉ lệ cao và xây dựng kế hoạch triển khai bài bản; hoan nghênh những nỗ lực và thành tựu ấn tượng của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, đặc biệt đặt trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai, đồng thời ghi nhận các tiến bộ mọi mặt ở Việt Nam về hoàn thiện thể chế, pháp luật về quyền con người, phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới, sáng tạo, giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội và quyền các nhóm dễ bị tổn thương.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét