Đón chúng tôi tại bến xe Tam Bạc là Đại tá Phạm Văn Tuyên, Phó Chủ nhiệm Chính trị và Thiếu tá Nguyễn Quang Vinh, nhân viên Phòng Chính trị Bộ đội Biên phòng Hải Phòng. Sau cái bắt tay, chúng tôi lên xe anh Tuyền về thẳng Đồ Sơn. Chuyến đi của chúng tôi, Bộ Chỉ huy Biên phòng thành phố đã thông báo cho bà Hoàng Thị Tươi, phu nhân cố Phó Tư lệnh biết trước.
Thiếu tá Đỗ Hữu Thắng, cán bộ vận động quần chúng Đồn Biên phòng Đồ Sơn dẫn chúng tôi đến căn nhà thân thuộc của ông bà. Nghe tiếng chuông báo, bà Tươi ra mở cửa. Năm nay bà Tươi đã bước sang tuổi 65, nhưng nét xinh xắn của thời thanh xuân vẫn còn lưu lại trên gương mặt phúc hậu của bà. Chỉ có đôi mắt của bà là vẫn đượm buồn. Cái buồn xa xăm về một nỗi nhớ, sự trăn trở, chẳng bao giờ nguôi ngoai...
Chúng tôi xin phép bà, trân trọng đặt chút lễ nhỏ, rồi thắp hương cho ông. Qua làn khói mỏng, những người lính biên phòng kính cẩn cúi đầu, đứng lặng trước di ảnh người Thủ trưởng của mình. Thật lạ, ông đã hy sinh hơn mười lăm năm mà nét cương nghị, tươi tắn trên gương mặt của ông vẫn nguyên vẹn như ngày nào. Trong sâu thẳm tâm hồn chúng tôi, ông vẫn còn sống mãi...
Hồi tưởng lại chuyện xưa, bà Hoàng Thị Tươi bồi hồi kể lại: Sau 5 năm đằng đẵng chờ ông, người sĩ quan an ninh vũ trang từ chiến trường được trở lại Công an nhân dân vũ trang Hải Phòng công tác, ông bà mới làm lễ cưới. Đám cưới vùng biển thật nghèo, vài đĩa bánh kẹo Hải Phòng, nước chè xanh, nhưng đông đủ họ hàng, khu xóm, đồng đội, sao mà thấy vui và ngập tràn hạnh phúc. Cưới nhau xong, ông bà vẫn ở chung với bố mẹ nhà chồng, cảnh nghèo cũng chẳng có nổi mái nhà riêng. Thấy gia cảnh nhà ông Cung như thế, gia đình bên ngoại thương tình, cho vợ chồng trẻ cái thùng vũng gần nhà. Thế là, được ngày nghỉ "tranh thủ", vợ chồng ông lại kẽo kẹt kéo xe cải tiến chở cát lấp ao. Những ngày chủ nhật, mấy anh em thân tình tại đơn vị lại hò nhau xuống giúp vợ chồng ông kéo cát. Kiến tha lâu đầy tổ, cái thùng vũng cũng được lấp đầy. Nhờ gia đình và bà con hàng xóm, ông bà dựng được mái nhà ở tạm. Hạnh phúc riêng tư vừa tạm ổn, vì công việc, ông lại biền biệt đi công tác xa nhà. Chúng tôi gợi chuyện về cuộc đời binh nghiệp của ông, bà Tươi thoáng bối rối, rồi giọng bà chùng hẳn xuống:
- Cả đời ông ấy sống và hy sinh vì sự nghiệp biên phòng. Tôi chỉ biết thế thôi. Ngày còn sống, chẳng bao giờ ông ấy nói chuyện chiến đấu, công tác ở nhà. Các chú muốn biết, phải tìm hiểu thêm ở những người cùng làm việc với ông ấy. Chúng tôi xin phép chia tay bà để đi tiếp hành trình tìm hiểu về cuộc đời Liệt sĩ Hoàng Đình Cung, cố Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng. Qua những người cùng sống, công tác với ông, nhất là qua những hồi ức của Đại tá Đào Quang Thức, Chính ủy Biên phòng Hải Phòng; Đại tá Phạm Văn Tuyền, nguyên Phó Chỉ huy Chính trị Hải đoàn 38, đã từng đảm nhiệm chức vụ Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng Hải Phòng, thời ông Hoàng Đình Cung làm Chỉ huy trưởng, chân dung vị chỉ huy điềm tĩnh, can trường và tuyệt đối chấp hành mệnh lệnh dần hiện ra...
Cuối năm 1977, tình hình biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc diễn biến hết sức phức tạp, tác động lớn đến số người Hoa ở khu vực biên giới, bờ biển, hải đảo, trong đó có người Hoa ở nội thành Hải Phòng và ở đảo Cát Bà. Để kịp thời ổn định tình hình và giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa bàn biên phòng, Thành ủy Hải phòng có chủ trương chỉ đạo, giao cho Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang phối hợp với Mặt trận Tổ quốc thành phố tổ chức lực lượng tăng cường cho Đồn 28 Cát Bà, Đại đội 3 cơ động của Trung úy Hoàng Đình Cung được giao làm chủ công. Nhiệm vụ được giao là tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, cử các tổ vận động quần chúng đến từng thuyền của ngư dân, từng Hợp tác xã vận tải, từng địa bàn có người Hoa sinh sống để tuyên truyền về chủ trương, chính sách tôn trọng đoàn kết, hữu nghị Việt - Trung, ủng hộ bà con người Hoa ổn định làm ăn, sinh sống tại Việt Nam.
Ngoài nhiệm vụ tuyên truyền, cán bộ, chiến sĩ Đại đội 3 phối hợp với Đồn 28, Công an huyện bảo vệ an toàn khu vực thị trấn Cát Bà, tăng cường nắm tình hình hoạt động của kẻ xấu, kịp thời đấu tranh xử lý. Đại đội trưởng Hoàng Đình Cung đã trực tiếp làm việc với Đồn trưởng Nguyễn Văn Tiếp, Đồn phó Quân sự Vũ Tiến Miềng bàn kế hoạch phối hợp với Đồn 28. Đồn 28 cùng với các lực lượng tại chỗ như Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ... thường xuyên có mặt tại những tụ điểm phức tạp ở thị trấn Cát Bà như Hợp tác xã đánh cá, khu dân cư Tùng Vụng... để vận động người Hoa. Đại đội 3 của ông Cung phối hợp với Đội tàu thuyền của Công an nhân dân vũ trang thành phố tuần tra, kiểm soát, chốt chặn khu vực cửa Vịnh, bến Bèo, cửa Vạn, đề phòng kẻ xấu cướp tàu thuyền vượt biển. Một bộ phận cùng ông Cung hành quân bộ vào các xã có đông người Hoa định cư ở Hiền Hào, Gia Luận, Việt Hải.
Đến nơi, cán bộ xã đề nghị Công an nhân dân vũ trang ở tập trung tại trụ sở xã để đảm bảo an toàn. Không nhất trí với phương án đó, ông đề nghị cán bộ xã cho Công an nhân dân vũ trang được ở cùng nhà với bà con người Hoa. Ông bảo: "Mình đi vận động bà con, lại ở riêng, thì sao bà con tin mình. Mình phải đem đến sự chân thành thì mới giữ được bà con ở lại". Cán bộ, chiến sĩ Đại đội 3 cơ động, một lần nữa lại thấy tác phong sâu sát, xông xáo của người sĩ quan an ninh vũ trang ở chiến trường Hoàng Đình Cung.
Ông Cung là thế, sinh ra ở làng chài Vạn Hương, Đồ Sơn, ông đi biển theo nghề rất sớm. Bản tính con trai làng biển trước sóng gió đã tôi luyện cho ông thành người có bản lĩnh, can trường. Ở đâu có khó khăn là ông xuất hiện. Không nề hà việc lớn, nhỏ, ông đều xử lý rốt ráo, kịp thời. Mấy tháng trời ròng rã, ông chẳng về nhà, cũng chẳng viết cho vợ trang thư. Cái chiến dịch "nạn kiều" do chính quyền Trung Quốc khởi xướng, quá quay quắt và phức tạp, đã làm cho đảo Cát Bà vốn yên tĩnh, nay trở nên nóng bỏng. Người Hoa thuần phác, cơ chỉ làm ăn đã bị kích động, lôi kéo ra đi, kéo theo bao ly tán, hệ lụy cho cộng đồng Hoa - Việt. Đơn vị cơ động của ông phải căng mình ra bảo vệ an toàn từng căn nhà, từng con thuyền, vàng lưới, máy móc mà họ để lại. Thấy những cơ nghiệp trơ trọi, những con thuyền đánh cá chênh vênh, ông Cung nhìn đăm đắm ra những ngọn sóng bạc đầu, ông tự hỏi: Tại sao họ lại như thế?...
Chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, Đại đội cơ động của ông lại hành quân bằng thuyền về thành phố, sẵn sàng cho phương án chiến đấu mới. Để thống nhất lãnh đạo và chỉ huy các lực lượng vũ trang, tăng cường sức mạnh chiến đấu, phát huy sở trường của các lực lượng vũ trang, góp phần bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, ngày 10/10/1979, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra Nghị quyết số 22/NQ-TW chuyển Công an nhân dân vũ trang từ Bộ Công an sang Bộ Quốc phòng, đổi tên thành Bộ đội Biên phòng, trực tiếp chiến đấu bảo vệ biên giới, bước tiếp chặng đường với bao truân chuyên, vất vả...
Bộ đội Biên phòng Hải Phòng vừa củng cố lực lượng, vừa cử cán bộ, chiến sĩ tham gia chi viện chiến đấu bảo vệ biên giới tuyến Quảng Ninh. Các đồn Biên phòng về trực thuộc Huyện đội, Cảng Hải Phòng lại quân sự hóa, hoạt động nghiệp vụ xuất, nhập cảnh tại cảng, nghiệp vụ biên phòng tại các đồn Biên phòng hết sức lỏng lẻo. Việc thực hiện nhiệm vụ công tác biên phòng rất khó khăn, tư tưởng cán bộ, chiến sĩ xáo động, không yên tâm công tác. Thực hiện Chỉ thị số 85 của Bộ Tổng tham mưu, về việc thành lập cơ quan Chủ nhiệm Biên phòng các tỉnh, thành biên giới, bờ biển. Ngày 22/8/1981, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Hải Phòng quyết định 5 đồn Biên phòng: Cát Bà, Cát Hải, Tràng Cát (Hải An), Đồ Sơn, Đoàn Xá (Kiến Thụy), thành lập thêm Đồn Biên phòng Vinh Quang (Tiên Lãng), chuyển giao cho Chủ nhiệm Biên phòng quản lý.
Chấp hành mệnh lệnh cấp trên, ngày 26/8/1981, Đại đội trưởng Hoàng Đình Cung lại chỉ huy đơn vị hành quân về Vinh Quang xây dựng đồn Biên phòng. Những người lính cơ động lại thực sự là những người lao động vất vả. Đang xây dựng Đồn Vinh Quang, đại đội của ông có quyết định của trên, sáp nhập với Tiểu đoàn 19, thành lập đơn vị chủ công của Bộ đội Biên phòng Hải Phòng, tham gia cùng các lực lượng vũ trang thành phố xây dựng kinh tế, gắn với quốc phòng như: Làm đường xuyên đảo Đình Vũ, đào kênh Cái Tráp, đắp đê biển đường 14...
Từ một cán bộ trực tiếp chiến đấu diệt ác, phá kìm ở các đơn vị an ninh vũ trang miền Nam, về chỉ huy Đại đội cơ động của Công an vũ trang thành phố, tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu ở các địa bàn trọng điểm, bảo vệ chủ quyền, an ninh vùng biển, nay được giao nhiệm vụ người lính làm kinh tế, tuy bỡ ngỡ ban đầu, nhưng ông đã thể hiện bản lĩnh của người cán bộ, đảng viên, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Với phong cách quyết đoán, sâu sát, ông đã chỉ huy đơn vị tổ chức lực lượng thi công, đào đắp hàng nghìn mét khối đất, đá, thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo chất lượng các công trình, được Ban Chỉ huy Công trường thành phố khen ngợi.
Từ những năm 1980, tình hình vượt biển trốn đi nước ngoài bằng đường biển đã tăng lên ở các tỉnh phía Bắc. Tại Hải Phòng, số đối tượng cầm đầu, tổ chức người vượt biển trốn đi nước ngoài, nhất là Hồng Kông, Trung Quốc đã trở nên hết sức manh động. Trước tình hình đó, Đại úy Hoàng Đình Cung đang giữ chức Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cát Hải, được Quân khu điều về làm Đồn trưởng Đồn Biên phòng Đồ Sơn, quê hương ông. Đồn Biên phòng Đồ Sơn phụ trách địa bàn có nhiều vấn đề phức tạp, gần vùng biển quốc tế, có trung tâm nghỉ mát lớn, lại có nhiều cửa sông, cửa lạch thuận tiện cho việc đi lại. Nơi đây đang trở thành một trong những địa bàn trọng điểm vượt biển trốn đi nước ngoài. Bọn cầm đầu tổ chức vượt biển đã từng cướp tàu đánh cá 90 CV của Hợp tác xã Duyên Hải 2 ở khu vực đảo Dáu, cướp tàu đánh cá đèn 100 CV của Duyên Hải 1 chạy ra cửa Vạn để trốn đi nước ngoài. Trong bối cảnh đó, ông về nhận cương vị Đồn trưởng biên phòng, nhân dân và cán bộ, chiến sĩ biên phòng yên tâm và tin tưởng. Bởi những người lính Biên phòng Hải Phòng đã từng nghe, từng chứng kiến bản lĩnh can trường của Đại đội trưởng cơ động, Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn huấn luyện 19, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cát Hải Hoàng Đình Cung.
Nhưng ông về giữ chức Đồn trưởng ngay tại quê nhà, bà Tươi, vợ ông mừng thì ít, lo lắng thì nhiều. Bà không lo sao được khi bà hiểu rất rõ bản tính của ông. Với ông, trước trách nhiệm cấp trên giao, ông tuyệt đối chấp hành. Ông sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, tìm mọi biện pháp để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ông không bao giờ thỏa hiệp với cái xấu, cái ác. Vì vậy, ông về đảm nhiệm chức trách Đồn trưởng trong lúc địa bàn Đồ Sơn đang đầy rẫy hiểm nguy, bất trắc, sẽ không tránh khỏi sự va chạm, mất lòng. Thấy sự bất an của bà Tươi, ông trầm tĩnh động viên bà: "Mình yên tâm. Tôi nhận nhiệm vụ vì dân, vì nước. Tôi không để mình và người thân phải phiền lụy. Cái tâm mình trong sáng, mọi người sẽ hiểu mình".
Đồn trưởng Hoàng Đình Cung đã cùng cấp ủy, chỉ huy Đồn phối hợp chặt chẽ với Công an thị xã Đồ Sơn, cử các đội công tác biên phòng ngày đêm bám sát địa bàn, bám sát dân, xây dựng cơ sở trong quần chúng. Ông cho rằng, việc ngăn chặn vượt biển phải từ gốc. Đồ Sơn là địa bàn trung chuyển, bọn cầm đầu tổ chức vượt biển từ nơi khác đến, nếu vận động quần chúng tốt, quần chúng sẽ chủ động phát hiện các vụ nhen nhóm vượt biển, báo cho đồn Biên phòng. Đồng thời, phối hợp với đơn vị Hải quân tăng cường tuần tra, kiểm soát khu vực trọng điểm như đảo Hòn Dáu, phao số không, cửa Thủy Giang... ngăn chặn tàu thuyền khi qua cửa lạch. Nhờ vận dụng các biện pháp biên phòng của Đồn trưởng Hoàng Đình Cung, Đồn Biên phòng Đồ Sơn đã tham gia bắt và phá vỡ nhiều vụ chuẩn bị tổ chức vượt biển trốn đi nước ngoài, góp phần giữ gìn an ninh, trật tự vùng biển được phân công.
Những năm tháng đó, tuy đóng quân ở gần nhà, nhưng ông hầu như không có ngày nghỉ. Ông lặn lội trên địa bàn, sống chung với đội công tác, sâu sát với dân. Có đợt, ông theo chiến sĩ Đội thuyền ra tận cửa đáy, hàng xăm, dập dềnh trên sóng nước tuần tra, kiểm soát. Công việc nhà, chăm sóc con cái, quan hệ họ hàng, ông đều phó thác cho bà Tươi. Ông đã giữ lời hứa với bà, hoàn thành tốt nhiệm vụ trên giao, đồng thời xử lý những mâu thuẫn, va chạm của người thân, của bà con xóm giềng có liên quan đến an ninh, trật tự đều thấu lý, đạt tình. Ông để lại trong lòng người dân vùng biển một ấn tượng sâu sắc.
Ngày 4/4/1986, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 419/QĐ "Chấn chỉnh tổ chức chỉ huy, củng cố, xây dựng Bộ đội Biên phòng". Theo quyết định đó, hệ thống tổ chức chỉ huy của Bộ đội Biên phòng được khôi phục trở lại theo hệ thống dọc, với 3 cấp cơ bản. Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hải Phòng được tổ chức lại, ông Hoàng Đình Cung được điều về làm Chủ nhiệm Hậu cần. Tổ chức lại thử thách ông. Ông tuyệt đối chấp hành. Biết rằng, lĩnh vực hậu cần là "làm dâu trăm họ", nhưng ông đã thể hiện bản lĩnh của mình. Ông cầu thị, học ở cấp dưới, học ở trong dân những bí quyết, "ngón nghề" của công tác đảm bảo hậu cần. Trong cái khó, ló cái khôn, ông đã tập trung chỉ đạo công tác hậu cần tại chỗ, phát huy thế mạnh của các đồn Biên phòng về tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống. Bộ đội Biên phòng Hải Phòng cũng là đơn vị điển hình làm kinh tế trong phong trào "làm giàu, đánh thắng" trên địa bàn Quân khu 3.
Thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đặt ra yêu cầu nhiệm vụ mới đối với công tác an ninh, quốc phòng. Ngày 30/11/1987, Bộ Chính trị Trung ương Đảng (khóa VI) đã ra Nghị quyết số 07/NQ-TW, chuyển Bộ đội Biên phòng từ Bộ Quốc phòng sang Bộ Nội vụ. Tháng 9/1988, Bộ đội Biên phòng Hải Phòng đặt dưới sự chỉ huy, lãnh đạo của Bộ Tư lệnh Biên phòng, Thành ủy, Ủy ban nhân dân và Giám đốc Công an thành phố. Trung tá Hoàng Đình Cung được bổ nhiệm Phó Chỉ huy trưởng - Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng Hải Phòng. Từ một sĩ quan an ninh vũ trang từ chiến trường trở về, với những cương vị khác nhau, nay thành Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Thành phố, với ông quả là một chặng đường gian truân, vất vả. Ngẫm chặng hành trình, ông cho rằng, có được vinh dự đó, bởi ông đã sắt son gắn bó với nhân dân vùng biển, kiên định, vững vàng trước gian nan, thử thách, sống chân tình với đồng chí, đồng đội, thủy chung với gia đình, vợ con. Tuy nhiên, càng ở cương vị cao, mọi thử thách vẫn còn ở phía trước, người chỉ huy phải sẵn sàng đón nhận.
Cùng với việc kiện toàn, củng cố lực lượng, được sự quan tâm của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Thành ủy Hải Phòng, Phó Chỉ huy trưởng Hoàng Đình Cung đã trực tiếp tham mưu cho cấp trên trang bị cho Bộ đội Biên phòng Hải Phòng 3 tàu tuần tra tốc độ cao, công suất 200 CV (loại 1398B do Liên Xô chế tạo, còn gọi là tàu "Con Cò"), Ban Chỉ huy giao cho Hải đội 4. Được chuyên gia Liên Xô và các cán bộ Phòng Biên phòng Biển, Bộ Tư lệnh giúp đỡ, hầu hết cán bộ, chiến sĩ Hải đội được nghiên cứu, học tập và sử dụng loại phương tiện mới này. Để hoạt động có hiệu quả, tháng 4/1988, Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố thành lập biệt đội tàu tuần tra "Con Cò" do Phó Chỉ huy trưởng-Tham mưu trưởng Hoàng Đình Cung trực tiếp chỉ huy.
Sau bao nhiêu năm, chàng trai làng biển Đồ Sơn lại được vẫy vùng trên sóng nước. Lần này, ông không ở trên thuyền vỏ gỗ, mà trực tiếp chỉ huy đội tàu công suất lớn, cùng với những người lính Biên phòng bảo vệ vùng biển quê hương. Năm 1989, tàu thuyền nước ngoài xâm phạm vùng biển Hải Phòng ngày càng nhiều. Nhiều tàu đã liều lĩnh vào sâu vùng nội thủy, sát đảo Bạch Long Vĩ, thậm chí vào tận Long Châu, Cát Bà. Một số công ty đánh cá nước ngoài được phép liên kết với Công ty Thủy sản thành phố đã lợi dụng đánh bắt sai vị trí, vào vùng cấm, đưa thêm tàu vào khai thác. Tài nguyên biển bị mất, chủ quyền an ninh vùng biển bị vi phạm. Phó Chỉ huy trưởng Hoàng Đình Cung đã báo cáo lãnh đạo thành phố kế hoạch tuần tra, xua đuổi, bắt giữ tàu nước ngoài xâm phạm vùng biển quê hương. Ông mạnh dạn đề ra phương án kết hợp Hải đội Biên phòng với tàu thuyền đánh cá của ngư dân, tạo thế trận liên hoàn ở ngư trường thành phố.
Với bản lĩnh can trường, lần xuất quân đầu tiên của biệt đội "Con Cò" do Phó Chỉ huy trưởng Hoàng Đình Cung chỉ huy đã lập chiến công xuất sắc. Ngày 15/4/1989, biệt đội "Con Cò" đã kết hợp với tàu của ngư dân xua đuổi hàng chục tàu, bắt giữ 10 tàu đánh cá nước ngoài xâm phạm vùng biển khu vực đảo Long Châu. Đứng trước tình hình tàu thuyền đánh cá nước ngoài không những xâm phạm vùng biển Hải Phòng, trắng trợn hơn, họ còn xâm phạm vùng biển Nam Định, Thanh Hóa, Hà Tĩnh. Bộ Nội vụ có chủ trương xây dựng Hải đoàn Biên phòng phía Bắc. Tuy nhiên, do phương tiện và đội ngũ chuyên môn kỹ thuật chưa đáp ứng, ông Hoàng Đình Cung báo cáo Bộ Tư lệnh giao cho Bộ đội Biên phòng Hải Phòng tổ chức Hải đội 2, làm nòng cốt để chuẩn bị thành lập Hải đoàn phía Bắc sau này.
Ngày 25/12/1989, Hải đội 2 được thành lập với 34 cán bộ, chiến sĩ, do Thiếu tá Hoàng Đình Hải làm Hải đội trưởng, Đại úy Vũ Hùng Chuyển làm Hải đội phó, phạm vi hoạt động từ vùng biển Quảng Ninh vào đến Hà Tĩnh. Ngày 21/1/1990, Phó Chỉ huy trưởng-Tham mưu trưởng Hoàng Đình Cung vô cùng vinh dự, tự hào, được thay mặt Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng ký biên bản tiếp nhận 2 tàu tuần tra GRIP-1400M của Liên Xô, công suất 1900 CV, tại Cảng quân sự Hải Phòng, trang bị cho Hải đội 2. Đứng trên Đài chỉ huy tàu GRIP, xé sóng lao ra biển, nhìn chiến sĩ dưới quyền sử dụng thành thạo máy móc, phương tiện kỹ thuật hiện đại, với sự kèm cặp của chuyên gia, ông Cung và những người cùng đi dâng trào cảm xúc. Từ nay, những người lính Biên phòng Hải Phòng có thể thực sự làm chủ phương tiện kỹ thuật hiện đại, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, bảo vệ vững chắc vùng biển quê hương. Cùng với biệt đội "Con Cò" của Hải đội 4, biên đội tàu GRIP của Hải đội 2, Bộ đội Biên phòng Hải Phòng đã liên tục lập công.
Tháng 10/1991, ông Hoàng Đình Cung được giao quyết định quyền Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng, Phó Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng. Nhận trọng trách trên giao, ông mất ăn, mất ngủ. Dẫu ông đã qua nhiều khó khăn, thử thách, nhưng đứng trước nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh vùng biển và xây dựng lực lượng Bộ đội Biên phòng thành phố, ông vẫn cảm thấy áp lực nặng nề. Thử thách đầu tiên, Bộ Tư lệnh giao cho Bộ đội Biên phòng Hải Phòng nhiệm vụ xây dựng kế hoạch để Hải đội 2 hoạt động dài ngày trên vùng biển từ Thanh Hóa tới Hà Tĩnh. Vốn là thanh niên làng chài, ông hiểu rất rõ những khó khăn, vất vả của nghề đi biển, lại càng khó hơn khi triển khai phương tiện kỹ thuật hiện đại hoạt động trên biển dài ngày. Tranh thủ ý kiến của Phòng Tác chiến, Phòng Biên phòng Biển, Phòng Hải quân của Bộ Tham mưu, ông chỉ đạo Phòng Tham mưu xây dựng kế hoạch tác chiến. Ông trực tiếp xuống Hải đội 2 kiểm tra hệ số kỹ thuật của khí tài, phương tiện. Vẫn chưa yên tâm với kế hoạch tác chiến trên hải đồ, ông cử Thiếu tá Trần Đăng Ninh, Phó Tham mưu trưởng cùng Hải đội trưởng Hoàng Đình Hải đi khảo sát trên biển Thanh Hóa, Nghệ An. Sau chuyến khảo sát đó, nghe các cộng sự báo cáo quyết tâm chiến dấu, ông mới quyết định cho Biên đội 1 xuất kích.
Với phương châm bí mật, bắt ngờ, 2 tàu GRIP, 1 tàu VS, có phương tiện thông tin đi cùng, do Hải đội trưởng Hải trực tiếp làm Biên đội trưởng, Đại úy Phạm Ngọc Thanh làm Biên đội phó lên đường làm nhiệm vụ. Bằng quyết tâm chỉ huy và bản lĩnh can trường của người Chỉ huy trưởng, cộng với sự dũng cảm, mưu trí của những người lính Hải đội 2, sau 3 tháng hoạt động trên biển, Biên đội 1 đã bắt giữ 41 tàu nước ngoài với 444 ngư phủ, bàn giao cho Ủy ban nhân dân các tỉnh xử lý. Năm 1992, là năm Bộ đội Biên phòng Hải Phòng hoạt động, chiến đấu trên biển đạt hiệu quả nhất, Hải đội 2 bắt giữ 81 tàu, Hải đội 4 bắt giữ 6 tàu, Đồn Cát Bà bắt giữ 2 tàu nước ngoài xâm phạm vùng biển, góp phần giữ vững chủ quyền, an ninh vùng biển của thành phố và khu vực phía Bắc.
Những năm 90 của thế kỷ trước, song song với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh vùng biển, Chỉ huy trưởng Hoàng Đình Cung cùng Ban Chỉ huy tập trung đấu tranh với tội phạm hình sự trên địa bàn. Lợi dụng Nhà nước ta cho phép 6 tỉnh biên giới phía Bắc mở cửa buôn bán hàng tiểu ngạch với Trung Quốc, nhiều công ty, cá nhân các tỉnh, kể cả các tỉnh phía Nam, đến Hải Phòng làm kinh tế. Họ đã dùng các phương tiện đường bộ, đường thủy chở hàng quý hiếm: kim loại màu, sắt phế liệu, phân bón, lương thực, thủy sản... qua vùng biển Hải Phòng buôn bán trái phép sang Trung Quốc. Cùng với đó, tình trạng buôn lậu hàng "si-cần-hen" từ nước ngoài trên các tàu viễn dương, tập kết tại khu vực phao số không, hết sức phức tạp. Buôn lậu kéo theo tệ nạn cướp bóc, trấn lột, cờ bạc, mại dâm... đã biến vùng biển Hải Phòng thành "Hồng Kông trên biển".
Là Phó Giám đốc Công an thành phố, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng, ông Hoàng Đình Cung cam kết với lãnh đạo thành phố kiên quyết không để tình trạng trên xảy ra trên vùng biển Hải Phòng. Ông tập trung trí tuệ, công sức chỉ đạo Phòng Trinh sát sử dụng biện pháp nghiệp vụ, các đồn Biên phòng: Cát Bà, Tràng Cát, Đồ Sơn, Hải đội 2, 4, tăng cường tuần tra kiểm soát các của sông, cửa vịnh, phối hợp chặt chẽ với Công an, Hải quan, Quản lý thị trường bao vây chốt chặn các địa bàn trọng điểm trên bờ, đánh mạnh vào các đường dây, các tụ điểm tập kết hàng hóa của bọn chủ hàng, chủ mưu. Trong 3 tháng tấn công cao điểm, Bộ đội Biên phòng Hải Phòng bắt giữ 25 vụ buôn lậu, phối hợp với các lực lượng chức năng bắt 17 vụ khác, thu hàng nghìn tấn hàng hóa, tịch thu xung công quỹ Nhà nước hàng chục tỷ đồng. Chiến công trên đã góp phần dẹp tan nạn buôn lậu, giữ ổn định an ninh, trật tự vùng biển, hải cảng của thành phố và các vùng lân cận.
Xuất phát từ tình hình bảo vệ chủ quyền, an ninh vùng biển trước yêu cầu mới, tầm hoạt động và quản lý của Hải đội 2 Biên phòng vươn xa đến vùng biển miền Trung; từ kinh nghiệm tác chiến trên biển những năm qua, Bộ Tư lệnh ra quyết định Hải đội 2 tách ra thành lập Hải đoàn 38; Hải đội 4 ở lại Hải Phòng. Đầu năm 1993, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết 15, giao thành phố Hải Phòng thành lập Huyện đảo Bạch Long Vĩ.
Tháng 3/1993, Chỉ huy trưởng Hoàng Đình Cung tháp tùng Thứ trưởng Bộ Nội vụ Lê Minh Hương và Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Trịnh Trân, Giám đốc Công an Hải Phòng Lê Văn Thụ đi khảo sát tuyến biển, đảo Hải Phòng, bằng tàu GRIP của Hải đội 2. Đến đảo Bạch Long Vĩ, với tầm nhìn chiến lược, Tư lệnh Trịnh Trân đề đạt với đồng chí Thứ trưởng thành lập Đồn Biên phòng Bạch Long Vĩ. Nhìn cơ ngơi Huyện đảo còn quá sơ sài, đồng chí Thứ trưởng hơi băn khoăn. Nhưng thấy quyết tâm của người chỉ huy cao nhất lực lượng, ông Cung hứa với Thứ trưởng và Tư lệnh, Bộ đội Biên phòng Hải Phòng sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ông Cung đề nghị với đồng chí Thứ trưởng đề đạt với Trung ương quan tâm đến Huyện đảo, đề nghị Giám đốc Công an Thành phố báo cáo Thành ủy có chủ trương thành lập chính quyền huyện, đưa dân ra đảo cùng Bộ đội Biên phòng và các đơn vị quân đội đứng chân.
Ngày 10/6/1993, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ra quyết định thành lập Đồn Biên phòng đảo Bạch Long Vĩ, cách thành phố trên 70 hải lý. Có được quyết định của trên, ông Cung và tập thể Thường vụ, Ban Chỉ huy vô cùng lo lắng. Chọn nhân sự thế nào? Biên chế bao nhiều là phù hợp? Cơ sở vật chất ra sao? Đưa anh em ra nghìn trùng sóng vỗ, cách đất liền hàng trăm cây số, chỉ huy, chỉ đạo ra sao? Ngần ấy công việc phải lo toan, khiến ông Cung gầy xọp đi. Được Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Thành ủy, Uỷ ban nhân dân, Công an thành phố, chỉ đạo vùng l, Bộ Tư lệnh Hải quân, Huyện đảo ủng hộ, giúp đỡ, cơ ngơi đồn Biên phòng tuy ở tạm nhưng cũng được chu tất.
Vạn sự khởi đầu nan, anh em thực hiện nhiệm vụ nơi "đầu sóng ngọn gió", chính vì vậy, phải chọn được ê kíp chỉ huy có bản lĩnh, trung thực và trách nhiệm. Ông cùng Phó Chỉ huy Chính trị Nguyễn Sỹ Thụy bàn bạc, cân nhắc. Ông trực tiếp làm công tác động viên tư tưởng, tìm hiểu hoàn cảnh gia đình cán bộ. Cuối cùng, ba cái tên được đưa ra Thường vụ trao đổi và nhất trí: Đồn trưởng Phạm Hữu Thịnh, Đồn phó Chính trị Nguyễn Đức Tuyến, Đồn phó Quân sự Trần Tiến Ảnh và 10 cán bộ, chiến sĩ cốt cán đầu tiên của Đồn Biên phòng tiền tiêu Bạch Long Vĩ được lựa chọn. Ngày tiễn anh em lên đường ra đảo thật cảm động, có đông đủ các đồng chí lãnh đạo, các ban, ngành thành phố, Bộ Tư lệnh, Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và gia đình cán bộ, chiến sĩ. Ông Hoàng Đình Cung nắm chặt tay từng người, chúc anh em vững vàng nơi nghìn trùng sóng vỗ.
Năm 1995, Thượng tá Hoàng Đình Cung, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Hải Phòng được Bộ trưởng Bộ Nội vụ bổ nhiệm giữ chức Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, phụ trách Hậu cần-Kỹ thuật. Thế là lần nữa, ông lại được cấp trên phân công chỉ đạo công tác Hậu cần-Kỹ thuật. Lần thứ nhất ở Bộ đội Biên phòng Hải Phòng, lần này là chỉ đạo công tác Hậu cần-Kỹ thuật toàn lực lượng. Trưởng thành trong chiến đấu, được đào tạo sĩ quan Tham mưu tại Học viện Lục quân, Học viện Biên phòng Liên Xô, nhưng khi tổ chức phân công làm công tác hậu cần, ông vẫn chấp hành nghiêm túc. Ông biết rằng, người sĩ quan Biên phòng phải biết nhiều lĩnh vực, sẵn sàng đáp ứng nhiệm vụ trên giao.
Ông đảm trách nhiệm vụ thay Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Thực, người chỉ đạo công tác hậu cần năng động, xông xáo. Tấm gương tận tụy vì công việc chung của Thiếu tướng, những công việc dở dang mà vị Tướng giao lại, khiến ông càng thấy rõ trọng trách của mình, phải tiếp nối công việc sao cho xứng đáng với người đi trước. Nhận nhiệm vụ xong, ông về quê Đồ Sơn thu xếp việc nhà. Bà Tươi vợ ông, trầm tĩnh nói với ông:
- Ông chỉ huy ở Hải Phòng như người lái thuyền gỗ ở trong vịnh. Nay ông đảm trách nhiệm vụ lo cơm áo, gạo, tiền, súng đạn, phương tiện... cho Bộ đội Biên phòng cả nước, ví như người thuyền trưởng lái tàu to ra biển. Sóng to, gió cả còn ở phía trước, mẹ con tôi lên đó chỉ quẩn chân ông. Thôi, ông cứ lo công việc chung cái đã. Việc gia đình, chúng ta tính sau...
Ông Hoàng Đình Cung ái ngại nhìn người vợ đảm đang, tần tảo. Ông thầm cảm ơn bà, vì ông biết, cứ khi gặp khó khăn, thử thách trong công việc, bà lại là nguồn động viên, là chỗ dựa tinh thần cho ông. Vì chồng, bà lầm lũi gánh vác việc nhà, lo toan ở quê, để chồng rảnh rang lo việc nước. Tiếp cận công việc, ông nhận ra, công tác Hậu cần-Kỹ thuật của Bộ đội Biên phòng được nguyên Phó Tư lệnh Nguyễn Ngọc Thực tổ chức vào nề nếp, có những việc đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, công việc còn dang dở rất nhiều như: Tiếp tục chỉ đạo xây dựng các đồn, trạm biên phòng tuyến núi; quy hoạch xây dựng cơ bản nhà trường, đơn vị trực thuộc, các khu chung cư. Việc tổ chức hậu cần tại chỗ, quy hoạch các khu sản xuất làm kinh tế tập trung tại các tuyến biên giới... cần được chỉ đạo cụ thể, rốt ráo.
Ông yêu cầu chỉ huy cục Hậu cần-Kỹ thuật cùng ông khảo sát, tính toán từng việc, có giải pháp khả thi, để báo cáo Tư lệnh và cấp trên xét duyệt. Đi thăm, kiểm tra thực tế đồn Biên phòng trên các tuyến biên giới, ông rút ra quy luật công tác hậu cần biên phòng là phải chú trọng vùng miền. Bộ đội Biên phòng đứng chân trên các tuyến biên giới, khí hậu, thời tiết phân vùng rõ rệt, tác động đến nhiệm vụ công tác biên phòng, nhất là đảm bảo công tác hậu cần. Là người chỉ huy quân sự, ông nắm rất rõ yêu cầu công tác đảm bảo vũ khí, trang bị, phương tiện, xăng dầu, cái ăn, cái mặc cho bộ đội làm sao đến được tận tay người lính. Có như thế, mới đáp ứng được nhu cầu cấp thiết để bộ đội hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Ông trực tiếp cùng cộng sự sang trao đổi với Xí nghiệp quân trang 20, Tổng cục Hậu cần. Ông đề nghị chất lượng quân trang cho các đơn vị Biên phòng phía Bắc được dày thêm, đủ ấm cho bộ đội, đồng thời với các đơn vị biên phòng phía Nam, quân trang cần loại vải mỏng, ngắn tay, vừa tiết kiệm vải, vừa thoáng mát. Ông chỉ đạo Phòng Quân nhu, Phòng Quản lý kinh tế nghiên cứu cây trồng, vật nuôi phù hợp với vùng, miền để các đơn vị phát triển tăng gia sản xuất, tận dụng thế mạnh làm kinh tế. Ông chỉ đạo trực tiếp khu chăn nuôi tập trung của Bộ đội Biên phòng Kon Tum, trồng rau trên cát của Bộ đội Biên phòng Quảng Bình, Công ty Dịch vụ thương mại Vân Đồn (Quảng Ninh), Công ty Xây dựng Trường Thành, Công ty Sửa chữa tàu thuyền Sơn Hải, Công ty May thiết bị du lịch Thái Sơn...
Với tác phong sâu sát, cụ thể và quyết đoán của người chỉ huy quân sự sang chỉ đạo công tác Hậu cần-Kỹ thuật, sau thời gian ngắn, ông đã tiếp cận được công việc, kế tục xứng đáng những phần việc dở dang của người đi trước. Là Phó Tư lệnh phụ trách cơ quan, bản tính của ông trầm tĩnh, sâu sát, cụ thể, nói ít, làm nhiều. Ông là Thủ trưởng Bộ Tư lệnh cùng "ăn cơm tập thể, nằm giường cá nhân" với cán bộ, chiến sĩ xa nhà. Những ngày nghỉ, giờ nghỉ, ông hay "la cà" xuống bếp cơ quan Bộ Tư lệnh, quan tâm đến từng bữa ăn của cán bộ, chiến sĩ; xuống Đội xe chỉ huy thăm hỏi, động viên từng chuyến công tác của chiến sĩ lái xe. Cán bộ, chiến sĩ cơ quan Bộ Tư lệnh luôn nhớ tác phong gần gũi, chân tình của ông; những lời lẽ mộc mạc, rủ rỉ, cứ lặng lẽ đi vào lòng những người lính thuộc quyền.
Ở ông, bản lĩnh can trường, ý thức tuyệt đối chấp hành mệnh lênh cấp trên là thuộc tính cơ bản nhất. Dù khó khăn, gian khổ, những thử thách quyết liệt, cấp trên giao nhiệm vụ là ông nghiêm chỉnh chấp hành. Đang công tác tại biên giới Lạng Sơn, ông được Bộ Quốc phòng quyết định tham gia Đoàn cán bộ Quân sự cấp cao nước ta thăm Quân đội Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, ông về ngay trong đêm để kịp chuyến đi. Thế rồi... Chuyến đi định mệnh đó, các ông không trở về! Các ông đã hy sinh cao cả vì tình hữu nghị đặc biệt giữa Quân đội và nhân dân hai nước Việt - Lào.
Ngày ông trở về đất Mẹ Đồ Sơn là ngày nắng chang chang. Vợ con ông, họ hàng, đồng chí, đồng đội và những người thân đón ông về trong đau thương, mất mát... Xe tang chạy đến địa phận Hải Phòng, qua các ngã tư, các chiến sĩ Cảnh sát giao thông, những người lính của ông một thời, đứng nghiêm trang vĩnh biệt người Thủ trưởng của mình. Nhân dân Hải Phòng ở hai bên đường đứng lặng, tiễn đưa ông. Nghi lễ quân đội trang nghiêm, tiễn biệt liệt sĩ, Phó Tư lệnh Hoàng Đình Cung về trong lòng đất Mẹ tại nghĩa trang liệt sĩ thị xã Đồ Sơn. Các đồng chí lãnh đạo, các ban, ngành thành phố, cán bộ chiến sĩ Quân đội, Công an, Biên phòng, gia đình, người thân, nhân dân thị xã Đồ Sơn khóc lặng, tiễn đưa người con cửa biển Hải Phòng về nơi bất tử! Nắng lụa vàng, sóng bạc đầu ầm ào vỗ vào bán đảo Đồ Sơn trắng xóa. Biển quê hương nghẹn ngào, cất tiếng hát về ông, liệt sĩ Hoàng Đình Cung, người con can trường của vùng biển quê hương...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét