Tuy mới gặp gỡ, tiếp xúc lần đầu, nhưng ông đã để lại trong tôi ấn tượng khó phai về một người cán bộ chỉ huy thông minh, quyết đoán nhưng rất dễ mến. Phong cách điềm đạm, dân dã, những câu chuyện ông kể luôn khiến người nghe cảm thấy gần gũi, thoải mái và cảm nhận ở ông một tư duy quân sự sắc sảo, lý luận chặt chẽ, sâu sắc. Sau chuyến đi công tác này, tôi chuyển ngành nên không có dịp về Kiên Giang gặp lại ông cho đến ngày nghỉ hưu. Tuy nhiên, "quả đất xoay tròn", người nghỉ trước, người nghỉ sau. Gia đình ông và gia đình tôi trở thành hàng xóm của nhau, sống chung một khu phố. Tôi và ông tham gia sinh hoạt ở Chi hội Cựu chiến binh nên thường xuyên có dịp hàn huyên, tâm sự.
Về hưu, không kịp nghỉ ngơi, ông lại được Hội Cựu chiến binh thành phố Hồ Chí Minh tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành và là Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức hội 2 nhiệm kỳ liên tục. Mỗi lần gặp gỡ, trò chuyện với anh em cựu chiến binh, ông như được sống lại thời trai trẻ, với những kỷ niệm không bao giờ phai trong cuộc đời binh nghiệp của mình. Ở đó, có quãng thời gian dài ông được sải bước trên khắp các nẻo đường biên cương Tổ quốc.
Phó Tư lệnh Nguyễn Công Luận sinh năm 1935, trong một gia đình nông dân nghèo, có truyền thống yêu nước ở miền quê Mông Thọ, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang. Năm 1947, mới 12 tuổi, Năm Luận đã làm thư ký cho ban tiếp tế xã và sau đó đi học lớp thiếu nhi cứu quốc tỉnh Rạch Giá. Tháng 4/1948, ông làm đơn xin nhập ngũ và được biên chế vào một đơn vị thuộc Tỉnh đội Rạch Giá. Anh lính ở độ tuổi 13 được giao nhiệm vụ giúp việc ở bộ phận liên lạc. Nhiệm vụ hằng ngày của Năm Luận là chạy giấy tờ, cất giữ vũ khí, bảo vệ, dọn dẹp nhà xưởng... Vốn có sức khỏe, lại thông minh, hoạt bát nên bất cứ việc gì cấp trên giao, Năm Luận cũng đều hoàn thành một cách xuất sắc. Tuổi nhỏ nhưng chí lớn, không quản ngại gian khổ, hiểm nguy, sẵn sàng chấp nhận và vượt qua khó khăn, thử thách, được mọi người hết lòng thương yêu. Cán bộ ở Tỉnh đội ngày ấy ai cũng quí mến và tin tưởng khi giao việc cho ông.
Thời điểm đó, ở miền Bắc, ta mở chiến dịch Biên giới và thu nhiều thắng lợi to lớn. Trong khi đó ở Nam bộ, lực lượng vũ trang của ta đã có những bước phát triển, lớn mạnh. Quân ta đã tiêu diệt Tiểu khu Xẻo Rô, căn cứ quân sự mạnh của địch ở đồng bằng sông Cửu Long và nhiều căn cứ quân sự khác. Tên tuổi của Tiểu đoàn 307 Anh hùng bắt đầu nổi tiếng trong khoảng thời gian này. Các đồng chí Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh Phân liên khu miền Tây như Nguyễn Chánh, Phan Trọng Tuệ, Dương Quốc Chính (tức Lê Hiến Mai), Lê Đức Thọ, Huỳnh Thủ và nhiều chỉ huy khác đã tích cực phát triển lực lượng, hình thành nhiều đơn vị, phân bổ khắp các chiến trường. Theo đó nhu cầu thông tin liên lạc của quân khu và các đơn vị đòi hỏi khẩn trương cấp thiết hơn. Nguyễn Công Luận được cấp trên tin tưởng cho đi học lớp mật mã do Quân khu 9 tổ chức.
Hoàn thành khóa học, ông được điều về công tác tại Ban Cơ yếu quân khu. Ở cấp quân khu, lượng thông tin ngày đêm về đây nhiều vô kể; nào là điện chỉ đạo từ Trung ương vào; các quân khu, đơn vị phối hợp hiệp đồng gửi sang, rồi điện từ các địa phương, đơn vị trực thuộc chuyển lên... Là người có trình độ chuyên môn, tay nghề cao, ông đã cùng các đồng chí trong Ban Cơ yếu ngày đêm miệt mài làm việc, dịch, chuyển các bức điện chính xác, bí mật, kịp thời phục vụ công tác chỉ huy, chỉ đạo xuyên suốt từ cấp quân khu đến các đơn vị.
Thời gian sau đó, do yêu cầu của địa phương, ông được cấp trên tin tưởng điều tăng cường về làm Trưởng tiểu ban Cơ yếu tỉnh Bạc Liêu. Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu lúc bấy giờ là đồng chí Võ Văn Kiệt (đồng chí Võ Văn Kiệt kiêm chức Chính ủy lực lượng vũ trang tỉnh). Trụ sở làm việc của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đóng tại Tỉnh đội Bạc Liêu, nên hằng ngày ông may mắn được gặp gỡ, tiếp xúc và học hỏi ở lãnh đạo rất nhiều điều. Đồng chí Võ Văn Kiệt rất hài lòng và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, cũng như ý thức tổ chức, chấp hành kỷ luật của anh em trong Tiểu ban Cơ yếu và cá nhân Trưởng tiểu ban Nguyễn Công Luận.
Năm 1954, hòa vào dòng chảy của lịch sử, Nguyễn Công Luận có mặt trong đoàn quân miền Nam tập kết ra Bắc. Anh lính trẻ quê ở tận vùng cực Nam của đất nước theo đơn vị đóng quân ở nhiều địa phương như Thanh Hóa, Phú Thọ, làm nhiệm vụ sửa chữa, bảo quản, huấn luyện xe tăng. Rồi ông được đơn vị lựa chọn cử đi học trường Sĩ quan Lục quân. Quá trình học tập, ông luôn là học viên xuất sắc và là tấm gương của tinh thần vượt khó, học giỏi, nhiều lần được nhà trường khen thưởng và vinh dự đứng trong đội ngũ sĩ quan đón Bác Hồ về thăm trường vào năm 1958. Tốt nghiệp ra trường ông được điều động giữ chức Trợ lý hóa học, rồi Đại đội phó Đại đội hóa học trực thuộc Sư đoàn 330. Ở cương vị nào ông cũng thể hiện rõ phẩm chất, năng lực của người sĩ quan trẻ, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ và được các cấp lựa chọn gửi đi đào tạo ở Học viện Hóa học Moskva, Liên Xô năm 1962. Vốn là người thông minh ham học, tốt nghiệp vào loại giỏi. Năm 1964, ra trường, ông về Việt Nam được giao nhiệm vụ làm giáo viên dạy chiến thuật hóa học ở Trường Sĩ quan Lục quân.
Đầu năm 1968, ông lên đường đi chiến đấu ở chiến trường Trị Thiên khói lửa. Tại đây ông đã từng tham gia rất nhiều trận đánh, lập nên nhiều chiến công, nhưng có lẽ ấn tượng sâu sắc nhất mà ông vẫn thường kể cho những đồng chí, đồng đội trong Hội Cựu chiến binh và con cháu trong gia đình hôm nay nghe những câu chuyện đánh giặc đầy chất hùng tráng và thấm đẫm nước mắt. Ông tâm sự: "Đành rằng chiến tranh là mất mát thương đau, nhưng mỗi lần phải chứng kiến cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị hy sinh, mình lại gắng gượng cho nước mắt chảy ngược vào trong lòng. Hồi đó, có những trận chiến đấu, chiến sĩ ta hy sinh nhiều quá. Nhiều đồng chí viết thư chưa kịp gửi về nhà đã hy sinh. Có người hôm qua còn háo hức chuẩn bị về quê cưới vợ thì hôm nay đã vĩnh viễn nằm lại giữa bạt ngàn rừng tre, lau lách. Thậm chí có chiến sĩ, chỉ huy gặp hôm trước, hôm sau gọi tên thì chỉ nhận được sự... lặng yên. Nỗi đau của chiến tranh là nỗi đau không thể nói nên lời...".
Thương yêu chiến sĩ như người thân trong gia đình mình, ông nhớ lại rồi kể: Có lần ông bị thương ở đầu, vết thương không nặng lắm nhưng một chiến sĩ trẻ làm nhiệm vụ cứu thương, băng bó cho ông mà tay chân cứ run bần bật. Biết là vừa nhập ngũ, chỉ mới tham gia vài trận đánh, lại thấy thủ trưởng bị thương nên rất lo. Ông cắn răng chịu đau, nhẹ nhàng nói với người chiến sĩ: "Tôi bị thương thế này không sao đâu. Đồng chí cứ làm nhiệm vụ cứu thương như từng làm cho những người lính khác, nghe...".
Lại có lần Tiểu đoàn phó Năm Luận xuống thăm một đại đội trực thuộc, thấy hai chiến sĩ giống nhau như hai giọt nước liền hỏi cán bộ đại đội: "Hai đồng chí này có phải là anh em ruột không?". "Dạ, thưa thủ trưởng đúng ạ". Nghe cấp dưới báo cáo, ông nghiêm giọng: "Vậy là không được rồi, phải điều chuyển một trong hai đồng chí này sang đơn vị khác. Tôi đề nghị rút người em về làm liên lạc ở tiểu đoàn". Nghe Chỉ huy Tiểu đoàn nói thế, người cán bộ đại đội tỏ ra lúng túng. Ông nhẹ nhàng giải thích: "Chiến tranh ác liệt thế này, không ai biết được chuyện gì sẽ xảy ra ở phía trước đâu. Nói dại, ở cùng một đơn vị, lỡ có chuyện gì, hai anh em cùng hy sinh cả thì sao?".
Chiến trường Trị Thiên Huế hồi đó được ví như cái "chảo lửa", với những trận đọ súng vô cùng ác liệt giữa ta với địch. Ông lúc này là Tiểu đoàn phó, rồi quyền Tiểu đoàn trưởng một tiểu đoàn trực thuộc Trung đoàn do đồng chí Lê Khả Phiêu làm Chính ủy kiêm Trung đoàn trưởng. Đơn vị của ông chiến đấu kiên cường, lập được nhiều chiến công xuất sắc. Sau này, khi đồng chí Lê Khả Phiêu làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, trong Hội nghị truyền đạt Nghị quyết Trung ương 9 của Bộ Chính trị cho Bộ đội Biên phòng, khi đồng chí Tư lệnh Trịnh Trân đứng lên giới thiệu: "Báo cáo đồng chí Chủ nhiệm, đây là anh Năm Luận - Phó Tư lệnh phụ trách phía Nam...". Nghe đến đây, đồng chí Lê Khả Phiêu cười và nói luôn: "Tôi biết rồi. Năm Luận với tôi ngày xưa cùng một đơn vị mà".
Năm 1970, sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu ở chiến trường Trị Thiên, ông lại một lần nữa được cử sang Liên Xô - xứ sở Bạch Dương học tại trường Quân sự Frunde nổi tiếng. Chính tại ngôi trường này đã đào tạo nên nhiều sĩ quan, tướng lĩnh tài giỏi của Hồng quân Liên Xô, nên yêu cầu các học viên phải có kiến thức sâu rộng, tư duy quân sự nhạy bén mới có thể bắt kịp các chương trình giảng dạy.
Ông bồi hồi nhớ lại: "Những ngày tháng miệt mài học tập trên đất bạn xa xôi, không có thời gian nghỉ ngơi vì Giáo sư chỉ truyền đạt những ý chính của bài học với những phát triển mới, rồi hướng dẫn cho mình tự đọc, tự học, tự nghiên cứu trong năm, bảy chục trang trong sách giáo khoa tiếng Nga. Nhiều lúc bí quá, ước gì lúc bấy giờ mình được học bằng ngôn ngữ của Tổ quốc mình thì sướng biết bao nhiêu... Cũng may "vốn" ngoại ngữ của mình thuộc loại giỏi nên những khó khăn vất vả trong thời gian học tập ở xứ sở Bạch Dương rồi cũng mau chóng qua đi". Tháng 7/1974, tốt nghiệp ra trường về nước, ông được giao làm giáo viên của Học viện Quân sự.
Sau ngày miền Nam giải phóng, tháng 8/1975 ông được điều chuyển về Bộ Tham mưu Quân khu 9, giữ chức Trưởng ban chiến thuật Phòng Quân huấn. Cuối năm 1976, ông được bổ nhiệm Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Kiên Giang. Thời gian này, ông trực tiếp tham gia nhiều trận đánh chống bọn Pol Pot, bảo vệ biên giới và cùng những đoàn quân tình nguyện giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng.
Do luôn hoàn thành xuất sắc chức trách nhiệm vụ của mình, tháng 6/1984, Phó Tham mưu trưởng Nguyễn Công Luận được bổ nhiệm thẳng vào vị trí Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Kiên Giang. Tháng 1/1987, cấp trên điều động ông sang giữ chức Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang. Vốn là người cán bộ năng động, nhạy bén, chịu khó chịu khổ, lại được đào tạo cơ bản, trải nghiệm trong khói lửa chiến tranh chống Mỹ và bảo vệ biên giới, ông không ngừng trưởng thành, đáp ứng những cương vị trọng trách sau này một cách vững vàng.
Với cương vị Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng, một lĩnh vực công tác mới của ông trong đội ngũ những người lính mang quân hàm xanh, nhưng ông đã nhanh chóng tiếp cận, hòa nhập nắm bắt tình hình, tự nghiên cứu học hỏi và khiêm tốn lắng nghe các cơ quan giúp việc, sâu sát với các đồn, trạm biên phòng và trở thành người chỉ huy khá nhuần nhuyễn với công tác Biên phòng. Tháng 4/1988, ông được bổ nhiệm chức vụ Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang, Đại tá Nguyễn Công Luận trăn trở, suy nghĩ: Kiên Giang là một tỉnh lớn, có biên giới đất liền, có bờ biển dài và các hải đảo với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, quốc phòng, an ninh và đối ngoại.
Vừa nhận bàn giao xong, ông lập tức gặp gỡ, trao đổi, hội ý với các đồng chí trong Ban chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh để triển khai công việc với quan điểm vừa phát huy, tiếp nối công việc của người tiền nhiệm, vừa phải đổi mới. Những ngày nghỉ, ông tranh thủ gặp gỡ, trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ cấp dưới để nắm bắt tâm tư nguyện vọng và lắng nghe những ý kiến, kiến nghị chính đáng của anh em, nhằm phục vụ tốt hơn công tác chỉ huy, chỉ đạo. Rồi sau đó là vô số những chuyến đi kiểm tra các đồn Biên phòng tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia như Giang Thành, Xà Xía, hay bám tàu cưỡi sóng ra các đồn đảo xa xôi như Thổ Chu, Nam Du, Phú Quốc...
Nhờ tích cực nghiên cứu, trải nghiệm thực tế, nắm bắt kỹ càng từng địa bàn đã giúp chỉ huy trưởng Nguyễn Công Luận giải quyết rất nhiều vụ việc phức tạp nảy sinh cả trên biên giới và trên biển. Có lần đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Văn Bên - Phó Tư lệnh xuống Kiên Giang công tác. Trong buổi làm việc với Đảng ủy, Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, đồng chí Phó Tư lệnh quay sang nói với đoàn công tác của Bộ Tư lệnh: "Các đồng chí xuống Kiên Giang, bên cạnh việc nắm bắt tình hình, tham mưu chỉ đạo theo chuyên ngành thì cần phải học hỏi đồng chí Năm Luận rất nhiều cái, trong đó có công tác đối ngoại". Sau này, qua làm việc, tiếp xúc và theo dõi các mặt hoạt động của Bộ đội Biên phòng Kiên Giang, cán bộ các phòng, ban càng thấm thía điều đó.
Vào thời điểm này, tình hình trên biển Kiên Giang diễn biến rất phức tạp, bọn cướp có vũ trang chuyên bắt tàu cá của ngư dân để đòi tiền chuộc. Bên cạnh đó, Liên hợp quốc cử một bộ phận gọi là UNTAC hiện diện trên khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia. Trong một cuộc họp, lực lượng UNTAC có nói về vùng biển Việt Nam - Campuchia rất phức tạp do cướp có vũ trang gây ra, nên cần phải tăng cường lực lượng, kiểm soát chặt chẽ. Họ đem tấm bản đồ của Pháp in trước đây ra và nói rằng, họ chỉ biết vùng biển Phú Quốc thôi, còn vùng nước lịch sử Việt Nam - Campuchia là thế nào thì chưa hiểu hết... Lý do đơn giản là nhân viên phiên dịch không diễn giải hết nghĩa. Biết Chỉ huy trưởng Nguyễn Công Luận rất giỏi tiếng Nga, ông Trưởng đoàn UNTAC là người Nga liền quay sang đặt vấn đề: "Ông làm ơn giải thích giùm tôi bằng tiếng Nga đi, để tôi nói lại với nhân viên trong đoàn bằng tiếng Anh cho họ hiểu".
Chỉ huy trưởng Nguyễn Công Luận chỉ vào bản đồ giải thích ngắn gọn: Vùng nước lịch sử là những vùng biển từ lâu thuộc Việt Nam và Campuchia, do những đặc điểm địa lý đặc biệt của nó, với ý nghĩa về quốc phòng, an ninh của hai nước. Trong vùng nước lịch sử có chế độ pháp lý riêng, hai bên cùng tuần tra chung, kiểm soát chung, nhân dân hai nước cùng đánh bắt hải sản theo tập quán đó từ xa xưa, việc khai thác tài nguyên vùng nước sẽ do hai nước thỏa thuận. Cả đoàn lúc này mới hiểu ra.
Mặc dù vậy, họ vẫn băn khoăn rằng, trên biển lấy gì đánh dấu vùng nước lịch sử để mà kiểm soát? Chỉ huy trưởng Nguyễn Công Luận tỏ thái độ kiên quyết: "Tốt nhất nếu muốn đi kiểm tra, các ông cứ nghe theo chúng tôi là đi cặp bờ, đừng ra quá xa, chúng tôi không bảo đảm an ninh và an toàn tính mạng cho các ông được đâu". Nghe nói như thế, các nhân viên UNTAC tỏ vẻ khó chịu, quay sang hỏi ý kiến Trưởng đoàn. Ông Trưởng đoàn trả lời: "Cứ làm đúng những gì ông ấy nói". Thấy Chỉ huy lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh giỏi đối ngoại, lại nói được cả tiếng Anh, tiếng Pháp lẫn tiếng Nga nên nhân viên trong đoàn UNTAC rất nể trọng. Từ đó các vấn đề liên quan đều được giải quyết một cách khách quan, nhanh chóng, đúng luật.
Nhanh nhạy nắm bắt tình hình, sắc sảo trong quan hệ đối ngoại, Chỉ huy trưởng Nguyễn Công Luận đã trực tiếp giải quyết nhiều vấn đề chính xác, kịp thời, có lý, có tình. Có một lần máy bay trực thăng của Nga chở theo 17 người sang Campuchia, do trời tối không xác định được hướng bay nên đã hạ cánh "nhầm" xuống đảo Phú Quốc. Chính phủ yêu cầu Bộ đội Biên phòng nắm tình hình, đề ra hướng xử lý. Tiếp nhận chỉ đạo của Bộ Tư lệnh, Chỉ huy trưởng Nguyễn Công Luận cùng với hai tướng lĩnh của Bộ Quốc phòng và Quân khu 9 lập tức ra đảo Phú Quốc để giải quyết vụ việc.
Qua trao đổi với họ, ông được biết, trước đó trong đoàn của Nga không ai nắm được đây là đâu. Họ cứ tưởng đã sang đất Campuchia nên cho máy bay hạ cánh. Thấy bị quản lý chặt chẽ, họ tỏ ra hoang mang. Họ cứ tưởng đây là địa bàn do bọn tàn quân Pol Pot chiếm giữ, nên rất sợ bị sát hại. Thực chất, họ bị lạc và việc hạ cánh xuống vùng rừng núi Phú Quốc là ngoài ý muốn. Chỉ huy trưởng Nguyễn Công Luận giải thích cho mọi người hiểu, đây là đảo Phú Quốc thuộc chủ quyền của Việt Nam, nên cơ quan chức năng Việt Nam cần phải làm việc cụ thể với từng người để có biện pháp giải quyết phù hợp và hỗ trợ kịp thời cho đoàn.
Sau buổi làm việc, Chỉ huy trưởng Nguyễn Công Luận đến bắt tay từng người, nói chuyện bằng tiếng Nga. Ai cũng ngạc nhiên và bày tỏ sự thán phục, bởi ở nơi trời biển mênh mông, xa xôi thế này mà cũng có người nói tiếng Nga chuẩn đến như vậy. Một người xúc động tâm sự với ông: "Nghe ông nói chuyện, tôi thấy hạnh phúc quá. Tôi cảm nhận một điều rất thiêng liêng rằng, đất nước Việt Nam các ông thật gần gũi với nước Nga chúng tôi". Bắt tay chào tạm biệt, những người bạn Nga không giấu được sự cảm phục khi nghe Chỉ huy trưởng Nguyễn Công Luận chào đáp từ bằng một câu tiếng Nga: "Tạm biệt các bạn, đất nước Lê-nin vĩ đại...".
Làm Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng một tỉnh có đường biên giới cả trên đất liền và trên biển, nhiều đơn vị xa xôi cách trở, đời sống gặp muôn vàn khó khăn như tỉnh Kiên Giang, ông trăn trở nhiều lắm. Vốn là cán bộ tham mưu quân sự được đào tạo bài bản và đã từng là giảng viên ở trường Trung cao Quân đội và Trường Sĩ quan Lục quân nên với ông, việc duy trì công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, thực hiện nề nếp chính quy tại các đồn Biên phòng là không khó. Điều này đã được thực tế chứng minh trong thời gian ông làm Chỉ huy trưởng, Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang luôn là đơn vị ở tốp dẫn đầu về công tác quân sự, xây dựng đơn vị vững mạnh chính quy của Bộ đội Biên phòng các tỉnh phía Nam và lực lượng vũ trang trên địa bàn Quân khu 9.
Các văn bản, kế hoạch huấn luyện, phương án tác chiến, kế hoạch quyết tâm bảo vệ biên giới, bảo vệ đồn Biên phòng, sử dụng lực lượng trong các tình huống xảy ra trên biên giới và địa bàn... được ông xây dựng khoa học, chặt chẽ, bài bản, phù hợp yêu cầu thực tế của từng đơn vị, từng địa bàn. Đồn Biên phòng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia thì phải có "đôi mắt" thật sáng để quan sát, cảnh giới, phải bảo đảm tính độc lập tác chiến, đồng thời phối hợp, hiệp đồng liên hoàn với lực lượng tuyến phòng thủ khu vực khi xảy ra xung đột vũ trang.
Với người chỉ huy trưởng thành từ trong khói lửa chiến tranh, dạn dày kinh nghiệm trận mạc và có kiến thức quân sự như ông thì những vấn đề nêu trên bao giờ cũng được ông xử lý một cách linh hoạt, nhanh, sắc sảo. Điều làm ông trăn trở lúc bấy giờ là những vấn đề rất "sát sườn" với người chiến sĩ Biên phòng, nhưng đôi khi lại nằm quá tầm tay của ông, đó là đời sống khó khăn thiếu thốn của cán bộ, chiến sĩ nơi biên giới và hải đảo.
Ông nhớ lại, có lần cùng đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng ra Đồn Biên phòng Hòn Đốc trên quần đảo "Hải Tặc", thấy thùng nước sinh hoạt "giấu kín" trong phòng làm việc của Đồn trưởng, ông lấy làm lạ. Sau giờ tập thể dục, đồng chí Đồn trưởng chắt chiu múc từng ca nước để thủ trưởng Bộ Tư lệnh và Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh đánh răng, rửa mặt. Hóa ra do không đủ nước dùng trong những ngày có khách nên Đồn trưởng phải dự trữ để phục vụ thủ trưởng của mình. Hình ảnh đó làm ông xúc động và day dứt vô cùng.
Ông thương anh em phải sống trong hoàn cảnh thiếu thốn nhiều bề và cảm thấy bản thân có lỗi khi để chiến sĩ của mình nơi biên giới, hải đảo sống cơ cực, đến giọt nước cũng phải chắt chiu. Từ đó, ông chỉ đạo các đồn Biên phòng đẩy mạnh tăng gia sản xuất cải thiện đời sống cho bộ đội. Đối với các đồn đóng trên đảo xa, Bộ Chỉ huy tập trung chỉ đạo hỗ trợ đơn vị xây bể chứa nước, bảo đảm một cách tốt nhất nước sạch sinh hoạt, trong điều kiện cho phép.
Ông kể, có lần đoàn cán bộ của Bộ kế hoạch-Đầu tư cùng một số bộ, ngành liên quan khác đến làm việc ở một đồn Biên phòng. Khi vừa đặt chân đến đơn vị, một người quay lại hỏi Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh:
- Ông Năm Luận ơi, đây là cái gì vậy?
Ông ái ngại nói với đoàn cán bộ:
- Thưa các anh, đây là Đồn Biên phòng Phú Mỹ anh hùng.
Nghe Chỉ huy trưởng nói thế, cả đoàn công tác ồ lên:
- Đây phải gọi là cái chòi hoặc lều Biên phòng mới đúng.
Nói rồi mọi người xúm lại chụp ảnh, ghi lại toàn cảnh sinh hoạt, công tác ở Đồn Biên phòng Phú Mỹ. Họ nói chụp thật nhiều ảnh để làm cơ sở báo cáo cấp trên xem xét, quan tâm, chăm lo tốt hơn về ăn ở, sinh hoạt cho cán bộ, chiến sĩ Biên phòng. Vào thời điểm này, tình hình biên giới, bờ biển, hải đảo của ta có nhiều diễn biến phức tạp, trong khi đời sống, điều kiện công tác của Bộ đội Biên phòng vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Bởi vậy, toàn Đảng, toàn dân ta sôi nổi thực hiện cuộc vận động hướng về các chiến sĩ nơi biên giới, hải đảo. Hình ảnh và báo cáo của đoàn công tác của Bộ kế hoạch-Đầu tư và các bộ, ngành trong chuyến công tác nói trên đã góp phần tác động đến các cấp thẩm quyền ở Trung ương và địa phương, để từ đó dành sự quan tâm, hỗ trợ về kinh phí, trang bị, nhằm từng bước cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ trên các tuyến biên giới và hải đảo.
Kết hợp với những ý kiến tham mưu đề xuất với lãnh đạo chính quyền địa phương của các cấp, các ngành, Chỉ huy trưởng Nguyễn Công Luận từng bước hiện thực hóa quyết tâm của mình là từng bước cải thiện đời sống cho bộ đội. Sau này ông rất vui khi thấy sự chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực của cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang nói riêng, lực lượng Bộ đội Biên phòng cả nước nói chung, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Ông thường nhắc nhở anh em: Đối với Bộ đội Biên phòng, việc tranh thủ sự lãnh đạo và sự quan tâm của địa phương, dựa vào dân để xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện có ý nghĩa sống còn. Mỗi đơn vị cần vận dụng sáng tạo điều này.
Vốn ham học hỏi, được đào tạo cơ bản, chính quy ở các trường quân sự trong nước và ngoài nước, được trải nghiệm thực tế hơn bốn thập kỷ khi Bắc lúc Nam, cầm quân chiến đấu cả trong thời chiến lẫn thời bình nên Chỉ huy trưởng Nguyễn Công Luận rất nhanh nhạy, bắt nhịp và thích ứng các môi trường công tác. Ông luôn được các đồng chí lãnh đạo Đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang, các đoàn thể của tỉnh Kiên Giang, của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 đánh giá cao. Và đây chính là điều kiện thuận lợi để ông xây dựng, củng cố mối quan hệ gắn bó với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, tăng cường phối hợp hiệp đồng với các lực lượng vũ trang, các cơ quan, ban, ngành trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia và xây dựng lực lượng Bộ đội Biên phòng ổn định và phát triển.
Trong công tác đối ngoại Biên phòng, Chỉ huy trưởng Nguyễn Công Luận dành rất nhiều thời gian đi thăm, làm việc với các đơn vị vũ trang, chính quyền địa phương nước bạn Campuchia có chung biên giới với tỉnh Kiên Giang để tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị, tương trợ, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau cả trong công việc cũng như trong cuộc sống. Đối với mảng công tác trinh sát nghiệp vụ, đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, vận động quần chúng xây dựng địa bàn... rất đa dạng, đòi hỏi người cán bộ chỉ huy phải luôn nỗ lực nghiên cứu, học tập cả trong lý luận lẫn thực tiễn. Chỉ huy trưởng Nguyễn Công Luận luôn tự đặt ra cho mình yêu cầu khắt khe về tính phát hiện, đổi mới trong công tác, luôn luôn trăn trở, đi tìm cái mới để học hỏi và vận dụng.
Năm 1992, Đại tá Nguyễn Công Luận được bổ nhiệm chức vụ Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Việt Nam. Nhận nhiệm vụ mới, ông nhớ mãi lời căn dặn, động viên của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tấn Dũng (nguyên Thủ tướng Chính phủ) dành cho ông trong buổi bàn giao: "Mấy năm qua, anh Năm Luận đã góp nhiều công sức xây dựng lực lượng Bộ đội Biên phòng Kiên Giang được như ngày hôm nay. Mong anh Năm tiếp tục phát huy khả năng của mình để hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ mới".
Ông nhận thức rằng, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, bên cạnh sự kế thừa lớp người đi trước, sự trải nghiệm của bản thân thì cần phải có tầm nhìn, tầm hiểu biết rộng, đặc biệt là nắm tình hình cơ sở thật chắc để có hướng xử lý tốt công việc. Trước hết, ông đi đến rất nhiều đơn vị Biên phòng trên toàn quốc để nắm chắc những vấn đề chung, nhất là tuyến biên giới các tỉnh Tây Nguyên, Tây Nam bộ, Đông Nam bộ và tuyến duyên hải miền Trung. Sau mỗi chuyến đi là những trải nghiệm, phát hiện mới; những ý kiến chỉ đạo, uốn nắn dành cho đơn vị cơ sở và những kiến nghị đề xuất với Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và nghiên cứu, giải quyết những khó khăn vướng mắc cơ bản trên các mặt chiến đấu, công tác, đời sống, xây dựng lực lượng của Bộ đội Biên phòng.
Bằng uy tín và tư duy quân sự của mình, Phó Tư lệnh Nguyễn Công Luận đã từng bước xây dựng, củng cố, tăng cường mối quan hệ, phối hợp hiệp đồng và tranh thủ sự ủng hộ tích cực của các Quân khu, cấp ủy, chính quyền các địa phương trên địa bàn các tỉnh phía Nam. Ông cho rằng, trong khu vực tác chiến phòng thủ liên hoàn, Bộ đội Biên phòng và các đơn vị quân đội là những bộ phận không thể tách rời nhau thì trong các lĩnh vực khác cũng phải luôn là người bạn vô cùng thân thiết của nhau.
Đối với công tác đối ngoại Biên phòng, ông nghiên cứu sâu, cụ thể từng địa bàn, từng vụ việc xảy ra trên biên giới, trên biển để chỉ đạo các đơn vị. Ông yêu cầu các đơn vị coi trọng công tác phối hợp giữa các lực lượng chuyên trách và nhân dân hai bên biên giới để cùng nhau giải quyết tốt các vấn đề liên quan theo đúng quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và luật pháp quốc tế; quan tâm chăm lo xây dựng củng cố tình đoàn kết với các nước có chung đường biên giới, giúp đỡ nhân dân và các lực lượng chức năng nước bạn xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển.
Năm 1995, trong chuyến đi tháp tùng Đoàn công tác của Chủ tịch nước Lê Đức Anh kiểm tra, khảo sát địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, Phó Tư lệnh Nguyễn Công Luận đã có những phát hiện, tham mưu, đề xuất rất kịp thời và sâu sắc đối với công tác xây dựng phòng tuyến nhân dân, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, trong đó Bộ đội Biên phòng là lực lượng nòng cốt chuyên trách. Ông trình bày với Chủ tịch nước và lãnh đạo, chính quyền địa phương các tỉnh với những dẫn chứng cụ thể, thuyết phục về thành tựu đạt được, đồng thời nêu rõ những yếu kém, hạn chế, tồn tại ở khu vực biên giới mỗi tỉnh; chỉ ra nguyên nhân, đề xuất các giải pháp thực hiện.
Báo cáo nêu rõ: Công tác phát triển đảng viên ở các buôn làng vùng đồng bào dân tộc thiều số ở biên giới yếu do đâu? Hiện tại có bao nhiêu "làng trắng" đảng viên; cơ sở chính trị ở địa phương biên giới nào còn yếu? Vấn đề phát triển đạo trái phép trên biên giới diễn biến ra sao? Làng nào và bao nhiêu người theo đạo bất hợp pháp? Ông xoáy vào những vấn đề rất đáng quan tâm về công tác dân tộc, tôn giáo, đặc biệt là những diễn biến phức tạp của hoạt động lợi dụng đạo Tin lành để chống phá chính quyền, gây chia rẽ đoàn kết dân tộc. Báo cáo của Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã được Chủ tịch nước Lê Đức Anh đánh giá cao, là cơ sở quan trọng giúp cho Chủ tịch nước chỉ đạo các địa phương trong phối hợp, hỗ trợ Bộ đội Biên phòng làm tốt công tác dân vận, xây dựng địa bàn biên giới vững mạnh.
Đối với lực lượng Bộ đội Biên phòng, để cụ thể hóa ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước, Phó Tư lệnh Nguyễn Công Luận tập trung chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn Tây Nguyên đổi mới hình thức, biện pháp công tác vận động quần chúng, tăng cường bám nắm địa bàn; bố trí cán bộ, chiến sĩ trực tiếp xuống địa bàn thực hiện phương châm cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc với bà con; tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết những vấn đề liên quan về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Kết quả là, địa bàn trên các tuyến Biên phòng Tây Nguyên dần ổn định, thế trận Biên phòng toàn dân ngày càng được củng cố, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.
Những ý kiến mang tính phát hiện, những tham mưu đề xuất, những giải pháp căn cơ được Phó Tư lệnh Nguyễn Công Luận đưa ra trước lãnh đạo Đảng, Nhà nước cho thấy, ở ông có tầm nhìn xa trông rộng và sự sắc sảo trong đánh giá nhận định tình hình về vấn đề dân tộc, tôn giáo ở Tây Nguyên. Điều này đã giúp cho các đơn vị Bộ đội Biên phòng trên địa bàn Tây Nguyên chủ động, không để xảy ra bất ngờ trong công tác đấu tranh phòng chống hoạt động chống phá chính quyền, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc của các ổ nhóm phản động Fulro, "Tin lành Đề-ga".
Nhiệm vụ mới ở cấp cao hơn, đồng nghĩa với trách nhiệm cao hơn, tư duy lãnh đạo chỉ huy sâu và rộng hơn. Tuy nhiên, trong cuộc sống và trong công tác, tác phong của ông vẫn giữ nguyên "phiên bản" của một Năm Luận mộc mạc, giản đơn mà đầy triết lý. Trong một chuyến đi công tác lên biên giới, đồng chí Tiểu khu trưởng Biên phòng một tỉnh Tây Bắc báo cáo với ông về tình hình đơn vị, nhưng tay chân cứ run cầm cập, miệng nói không rõ lời. Thấy thế ông nhẹ nhàng hỏi:
- Sao đồng chí run vậy?
Tiểu khu trưởng nhìn ông ái ngại:
- Báo cáo đồng chí Phó Tư lệnh, từ khi làm Tiểu khu trưởng tới giờ, tôi chưa lần nào được gặp và báo cáo trước một cán bộ cấp trên như đồng chí, nên lo lắng và cảm động thôi ạ.
Ông mỉm cười, vỗ vai người Tiểu khu trưởng trẻ rồi thân tình nói:
- Thủ trưởng Bộ Tư lệnh cũng bình thường như các cán bộ khác thôi. Đồng chí cứ bình tĩnh mà nói. Nắm tình hình đến đâu thì báo cáo đến đó.
Được Phó Tư lệnh thông cảm, động viên, Tiểu khu trưởng bình tĩnh báo cáo tình hình của đồn Biên phòng, tình hình hai bên biên giới. Tiểu khu trưởng còn trả lời đầy đủ các câu hỏi của Phó Tư lệnh và các cán bộ cùng đi trong Đoàn công tác.
Có lần Đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Biên phòng do ông dẫn đầu xuống một tỉnh để kiểm tra tình hình. Trên đường đi, một đồng chí Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh xin ý kiến Phó Tư lệnh:
"Sắp tới chỗ đơn vị tổ chức cho anh em bắn đạn thật. Mời thủ trưởng vào thăm và kiểm tra". Ông nhất trí và cả đoàn ghé vào trường bắn. Tuy nhiên, sau mấy đợt bắn mà có 1 bệ bắn không ai bắn trúng mục tiêu. Mọi người đề nghị được đổi súng. Ông nghĩ bụng: "Ngày xưa mình đã dạy môn này, giờ thử bắn để biết nguyên nhân, gỡ rối giúp anh em". Nghĩ là làm, ông bước đến cầm khẩu súng vào bệ bắn. Ở tất cả các tư thế nằm, quỳ, đứng bắn, Phó Tư lệnh Nguyễn Công Luận bắn phát nào đều trúng bia phát đó, khiến mọi người có mặt tại trường bắn lúc bấy giờ không giấu được sự ngạc nhiên và thán phục.
Ông nhẹ nhàng giải thích: "Súng không có vấn đề gì. Có lẽ tại các đồng chí lo lắng nên bắn không chính xác đó thôi. Huấn luyện ở bất kỳ nội dung nào cũng yêu cầu phải có sự tập trung cao độ, phải tỉ mỉ từng động tác thì mới đạt kết quả cao được. Mình dặn thêm cho các cậu điều này nữa nhé, gặp thủ trưởng đừng bao giờ sợ, bởi thủ trưởng cũng từng là người lính như mình mà...".
Sau 50 năm công tác và chiến đấu, Phó Tư lệnh Nguyễn Công Luận nghỉ hưu, đến nay đã bước qua cái tuổi "thất thập cổ lai hi". Thế nhưng, mỗi lần nhắc lại quá trình ấy, nhất là những năm tháng công tác ở lực lượng Bộ đội Biên phòng, ông vẫn sôi nổi, hào hứng như chàng trai trẻ. Ông say sưa trò chuyện với mọi người và những câu chuyện ông kể luôn tràn đầy niềm tin, sự lạc quan pha lẫn hài hước. Ông nói: "Anh em ở lực lượng Bộ đội Biên phòng sống tình cảm, gắn bó lắm. Nhiều đồng chí ở Hội Cựu chiến binh thành phố Hồ Chí Minh nói như ganh tị với mình rằng, các đơn vị Biên phòng có việc gì cũng gọi Năm Luận. Tụi này đâu được như "zậy"...".
Nói rồi, ông cười thật tươi, theo đúng phong cách không thể lẫn vào đâu được của một người con vùng sông nước miền Tây. Gặp lại những người đồng chí, đồng đội, ông luôn cởi mở tấm lòng, kể cả chuyện riêng tư thời trai trẻ của ông. Có lần, ông kể cho tôi nghe chuyện tình sâu đậm, thủy chung giữa chàng sĩ quan quân đội vừa chiến đấu ở chiến trường Trị Thiên ra Bắc với cô sinh viên đồng hương học ở Trường Đại học Y Hà Nội, Võ Thúy Dệt.
Ngày ấy ở chiến trường ra, Năm Luận bị sốt rét. Người chỉ còn cỡ hơn bốn mươi cân, da dẻ xanh như tàu lá chuối. Cô sinh viên miền Nam Võ Thúy Dệt sống ở Hải Phòng, lên thủ đô học đại học. Qua sự giới thiệu của bà con đồng hương công tác tại Hà Nội, hai người quen biết rồi yêu nhau. Giữa lúc tình yêu của đôi trai tài, gái sắc đang say đắm, nồng nàn thì Năm Luận được cấp trên cử đi học ở Liên Xô. Ngày ông lên tàu, cô Dệt bịn rịn trao cho ông chiếc khăn mùi xoa thêu dòng chữ "Mùa hè năm 1970" làm kỷ niệm. Tiếp đó là những lá thư dài của hai người đi về liên tục giữa hai thủ đô thân thiết: Hà Nội - Moskva. Có lá thư cả tháng trời mới đến tay nhau, nhưng tình yêu của họ vẫn thủy chung, son sắt.
Năm 1971, Nguyễn Công Luận được về Việt Nam nghỉ hè và ngay tại nhà cưới Trăm Hoa, phố Bà Triệu, Hà Nội, đôi uyên ương chính thức nên vợ nên chồng. Tốt nghiệp ra trường, cô Dệt về Phòng Y tế thuộc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông về công tác ở Quân khu 9, bà theo ông về quê, công tác ở khoa Sản, Bệnh viện tỉnh Kiên Giang. Thời gian sau đó, khi ông được bổ nhiệm là Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, bà Dệt lại chuyển lên công tác tại Trung tâm Bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ em, kế hoạch hóa gia đình thành phố Hồ Chí Minh để có điều kiện chăm lo cho ông, vun đắp hạnh phúc gia đình.
Giờ đây, các con của ông bà đã trưởng thành. Đại gia đình luôn tràn ngập giọng nói, tiếng cười bi bô của những đứa cháu nội, cháu ngoại. Con trai đầu của ông bà hiện đang công tác tại Đồn Biên phòng Cát Lái, Bộ đội Biên phòng thành phố Hồ Chí Minh. Hai cô con gái sau khi học xong đại học, đã có công ăn việc làm ổn định, gia đình hạnh phúc. Ông bà sống khỏe, sống vui trong vòng tay yêu thương, kính trọng của bà con lối phố, của người thân, đồng chí, đồng đội ở Hội Cựu chiến binh thành phố. Thi thoảng có dịp, ông bà lại về quê để được tận hưởng không khí yên bình, man mát làn gió biển Kiên Giang, thoang thoảng hương đồng gió nội. Ở đó, ông được trải lòng mình với quê hương, được nói lời tri ân với mảnh đất đã sinh ra ông, cho ông tuổi thơ đong đầy kỷ niệm, cho ông lý tưởng, lẽ sống và cả người con gái đã đồng hành cùng ông suốt cả cuộc đời trên cung đường hạnh phúc. Trải qua bao biến đổi của thời gian, sự khắc nghiệt của chiến tranh, giờ đây quê hương ông vẫn đẹp như một bức tranh thật thơ mộng: "Chiều xuống đứng trên cầu nghe sóng vỗ, nắng thu vàng chiếu rạng bến bờ, Kiên Giang mình đẹp làm sao...".
Cảm ơn Kiên Giang - mảnh đất cực Nam của Tổ quốc đã mang đến cảnh đẹp sơn thủy hữu tình, những tiềm năng kinh tế to lớn để làm giàu cho đất nước. Cảm ơn Kiên Giang trung dũng kiên cường chống giặc ngoại xâm để giữ trọn vẹn hình hài của đất nước... Với chúng tôi - những người lính đã và đang chiến đấu, công tác trong lực lượng Bộ đội Biên phòng, xin cảm ơn Kiên Giang đã sinh ra và nuôi dưỡng người cán bộ chỉ huy bình dị mà tài năng, chan chứa ân tình: Nguyễn Công Luận - nguyên Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét