Thứ Bảy, 18 tháng 1, 2025

TẬN DỤNG CƠ HỘI BỨT PHÁ CHO NGÀNH LOGISTICS

 Việt Nam hiện được đánh giá là quốc gia có nhiều cơ hội phát triển ngành logistics nhờ hạ tầng giao thông đường bộ, cảng hàng không, cảng biển, kho bãi,... không ngừng được mở rộng với quy mô lớn, rộng khắp. Đồng thời, các dịch vụ đi kèm đã và đang đáp ứng kịp thời yêu cầu đa dạng của thị trường cũng như sự bùng nổ của thương mại điện tử thời gian gần đây.

Logistics là ngành dịch vụ được ví như “mạch máu” của nền kinh tế, có vai trò quan trọng trong kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giảm chi phí, giá thành sản phẩm, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

“Mệnh lệnh” của xu hướng xanh

Là quốc gia nằm trong khu vực phát triển năng động của thế giới, nơi luồng hàng hóa tập trung giao lưu mạnh và nền kinh tế có độ mở lớn (hơn 200%), cùng 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký, thực thi với gần 70 quốc gia, vùng lãnh thổ, bao gồm hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới, kim ngạch xuất nhập khẩu và thương mại điện tử của Việt Nam hằng năm luôn tăng trưởng ở mức hai con số, tạo điều kiện để phát triển logistics.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), tốc độ phát triển của ngành logistics Việt Nam bình quân đạt khoảng từ 14%-16% với quy mô khoảng từ 40-42 tỷ USD/năm, là một trong những ngành dịch vụ tăng trưởng nhanh và ổn định nhất trong thời gian qua. Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam hiện đứng thứ 43 trên tổng số 155 quốc gia về hiệu quả logistics và thuộc nhóm 5 nước dẫn đầu ASEAN (sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và cùng thứ hạng với Philippines). Đáng chú ý, trong năm 2024, Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá, xếp hạng thuộc Top 10 thị trường logistics mới nổi, Top 4 thế giới về Chỉ số cơ hội logistics và Top 43 về Chỉ số hiệu quả logistics.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển ngành logistics Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của đất nước; chi phí logistics còn cao, năng lực cạnh tranh thấp. Việc thiếu hụt nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao và thiếu tính kết nối về hạ tầng cũng là những “điểm nghẽn” lớn, kìm hãm sự phát triển của dịch vụ logistics. Bên cạnh đó, biến đổi về địa chính trị và các xu hướng kinh doanh mới (như dịch chuyển chuỗi cung ứng, thương mại điện tử xuyên biên giới, tiêu chuẩn phát triển xanh và bền vững), sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt cũng đặt ra nhiều thách thức mới đối với sự phát triển của nền kinh tế nói chung và dịch vụ logistics nói riêng. Mặt khác, yêu cầu ngày càng cao về logistics xanh và phát triển bền vững vừa là cơ hội, nhưng cũng là thách thức đối với ngành dịch vụ logistics Việt Nam.

Phó Cục trưởng Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Trần Thanh Hải nhận định: Xu hướng chuỗi cung ứng xanh, logistics không chỉ là nhu cầu mà đã trở thành mệnh lệnh cho phát triển trong thời gian tới. Vận tải xanh, kho bãi xanh sẽ giúp tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải và nâng cao hiệu suất vận chuyển. Bao bì xanh giúp tiết kiệm nguyên vật liệu, giảm chi phí sản xuất cũng như tác động xấu đến môi trường. Công nghệ của ngành logistics đang thay đổi từng ngày, nếu đứng yên sẽ bị tụt hậu. Đó là việc ứng dụng blockchain vào truy xuất nguồn gốc, minh bạch chuỗi cung ứng và hợp đồng thông minh; tự động hóa chuỗi dịch vụ với xe tự lái, robot giao nhận, xếp dỡ hay sử dụng dữ liệu lớn để kiểm soát hàng tồn, tối ưu hóa lộ trình và dự báo, đánh giá rủi ro.

Trở thành trung tâm logistics của khu vực

Để phát triển logistics thành ngành dịch vụ giá trị gia tăng cao, ông Trần Thanh Hải cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, thể chế theo hướng tạo thuận lợi cho phát triển logistics. Đồng thời, cần tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp logistics; khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, logistics xanh. Quan trọng nhất là cần xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực logistics, coi công nghệ và nhân lực là “chìa khóa” tạo đột phá cho ngành trong tương lai.

Phó Chủ tịch VLA Đặng Vũ Thành đề xuất: Chính phủ cần xây dựng cơ chế phù hợp để khuyến khích đầu tư cơ sở hạ tầng logistics, hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành đầu tư hệ thống trung tâm logistics nhà kho chuyên dụng, kho lạnh và phát triển vận tải thủy nội địa; có chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp tích cực trong công tác chuyển đổi số và logistics. Tầm nhìn xa hơn là cần có kế hoạch truyền thông, xây dựng hình ảnh và định vị Việt Nam trở thành trung tâm mới của ngành dịch vụ logistics châu Á, cùng với đó là xây dựng cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics và phân phối hàng đầu thế giới đầu tư tại Việt Nam.

Thành phố Đà Nẵng vừa được Quốc hội thông qua cơ chế thí điểm thành lập khu thương mại tự do, là cơ sở để nghiên cứu chính sách mới, làm tiền đề luật hóa các quy định về khu thương mại tự do cho cả nước. Trong bối cảnh hiện nay, việc nghiên cứu, đề xuất triển khai xây dựng, thành lập và phát triển mô hình các khu thương mại tự do cần được thực hiện sớm để tận dụng thời cơ, góp phần đưa ngành dịch vụ logistics Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng logistics toàn cầu.

Việt Nam đang tích cực nghiên cứu về các khu thương mại tự do trên thế giới. Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, khu thương mại tự do là một trong những lợi thế cạnh tranh quan trọng, là công cụ hữu hiệu để các quốc gia tận dụng tối đa lợi ích mà quá trình hội nhập mang lại. Thực tế những năm qua, mô hình khu thương mại tự do đã được nhiều quốc gia như Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc, UAE,… áp dụng thành công, giúp giảm giá thành, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm và tối ưu hóa dòng chảy hàng hóa, nâng cao năng lực logistics, thu hút đầu tư nước ngoài. Với vị trí địa lý chiến lược và tiềm năng, thế mạnh về phát triển hạ tầng cảng biển nước sâu, sân bay quốc tế, các đầu mối giao thông đường bộ, đường sắt với các nước trong khu vực và thế giới, Việt Nam hội đủ điều kiện thuận lợi để xây dựng, phát triển các khu thương mại tự do quy mô lớn, hiện đại./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét