Với trọng trách là Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, được giao phụ trách lĩnh vực Hậu cần - Kỹ thuật - Tài chính và nhiều công tác khác, điều dễ nhận thấy ở ông là tinh thần trách nhiệm, phong thái làm việc đĩnh đạc, thái độ nghiêm túc, khoa học và chính xác. Ông là con người của công việc. Với lối tư duy năng động, sáng tạo, ít khi thấy ông tự bằng lòng với bản thân mình. Cuộc đời của Phó Tư lệnh Phạm Sóng Hồng, từ lúc là anh lính binh nhì cho đến khi được phong Thiếu tướng là một minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng phấn đấu vươn lên, từng bước trưởng thành. Nó được kết tinh, hội tụ từ nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến sự ảnh hưởng sâu sắc từ quê hương giàu bản sắc văn hóa; từ gia đình công nhân mỏ thuần hậu, chất phác; từ những đồng đội, bạn bè chí cốt, kết hợp với tư chất thông minh, ý chí, bản lĩnh, khát vọng và nghị lực cống hiến của cá nhân ông.
Thiếu tướng Phạm Sóng Hồng sinh ngày 11/3/1955, tại phường Trần Hưng Đạo, thị xã Hồng Gai, khu Hồng Quảng (nay là thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh). Cái tên Sóng Hồng cha mẹ đặt cho ông như gửi gắm, ký thác vào lịch sử của khu Hồng Quảng cùng sóng biển Hạ Long quanh năm dạt dào bờ cát và âm vang trận chiến Bạch Đằng vang dội năm xưa.
Ngoài vị trí chiến lược quan trọng, Quảng Ninh là một vùng đất địa linh nhân kiệt. Đó là vùng đất giàu truyền thống cách mạng mà đất đai, con người, xã hội mang nét riêng của vùng Đông Bắc. Những chiến công hiển hách trên sông Bạch Đằng vào những năm 938, 981, 1287, 1288 là những dấu son vàng trong lịch sử dựng nước, giữ nước của cha ông ta. Nơi đây đã diễn ra cuộc Tổng bãi công của hơn 30.000 thợ mỏ đòi tăng lương, giảm giờ làm năm 1936, đã trở thành một trong những sự kiện lịch sử tiêu biểu của phong trào cách mạng Việt Nam. Ngày 12/11 hàng năm trở thành ngày truyền thống của công nhân vùng mỏ - ngày vùng mỏ bất khuất. Vùng đất này còn là "Đệ tứ chiến khu" trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kiên cường.
Khi đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, là vùng công nghiệp trọng điểm, Quảng Ninh thường xuyên bị máy bay địch oanh tạc, bắn phá dữ dội. Thiếu tướng Phạm Sóng Hồng là anh cả trong một gia đình công nhân mỏ. Ông lớn lên vào thời điểm đất mỏ ken dày âm thanh của tiếng bom rơi, đạn nổ. Bố mẹ ở lại vùng mỏ vừa sản xuất, vừa chiến đấu. Từ 9-10 tuổi, ông đã đi kiếm củi, đào than, nhặt đá... Tin tưởng con trai cả, ông đã được giao nhiệm vụ trông nom, chăm sóc các em ở nơi sơ tán. Ông là chỗ dựa của 5 em còn nhỏ. Do sớm biết làm nhiều việc, hàng ngày ông được chủ nhà cho thêm 1 bát cơm (tiêu chuẩn mỗi người chỉ có 1 bát). Nhận bát cơm đó ông dành chia cho các em. 14 tuổi ông đã phải lo toan, thu vén công việc gia đinh. Khi sơ tán về nông thôn, ông trực tiếp lao động như một người nông dân thực thụ; cũng cày, bừa, cấy, hái, tăng gia sản xuất để làm kinh tế, nuôi các em ăn học.
Ông kể cho tôi nghe những câu chuyện về ngày còn cắp sách đến trường. Trường học cách nơi gia đình ông ở rất xa, nên hàng ngày ông phải dậy rất sớm để đi học. Những tháng mùa đông mưa phùn ẩm ướt, rét đến tê người, một mình ông vẫn chăm chỉ, cần mẫn vượt qua chặng đường dài hơn 10 cây số để kịp đến giờ vào lớp. Ngoài giờ học, ông tranh thủ lên núi kiếm củi, đi biển bắt cá tôm; chặt tre đan rổ, rá; thu hoạch khoai, mía, những sản phẩm mà ông cùng gia đình cấy trồng được, giúp mẹ mang ra chợ bán lấy tiền lo cho các em đi học. Bao vất vả, khó khăn ấy đã tạo cho ông một đức tính cần cù, chịu khó, một tinh thần vượt qua mọi thử thách, dẫu khắc nghiệt đến mấy.
Đất nước của những năm tháng "31 triệu dân - Tất cả hành quân - Tất cả thành chiến sĩ", là thế hệ của những người con trai, con gái nối tiếp nhau lên đường chiến đấu. Yêu màu áo xanh biên cương và hình ảnh người chiến sĩ Biên phòng, tháng 2/1973, ông nhập ngũ vào lực lượng Công an nhân dân vũ trang tỉnh Quảng Ninh. Sau 3 tháng huấn luyện tại thành phố Hải Phòng, anh chiến sĩ binh nhì được điều về Đồn Biên phòng cảng Hồng Gai (Quảng Ninh). Anh tân binh trẻ lanh lợi với gương mặt ngời sáng, đôi mắt biết nói ấy đã "nhập gia đình quân hàm xanh" rất nhanh. Ông hòa mình vào tập thể, học hỏi người đi trước và biết phát huy nội lực của bản thân, đảm nhận nhiệm vụ mới.
Với môi trường phải thường xuyên tiếp xúc tàu thuyền, khách quốc tế, nên ông rất ý thức việc trau dồi, bổ sung tri thức văn hóa, nhất là học ngoại ngữ. Tới đâu, ông cũng mang tài liệu học ngoại ngữ bên mình. Nhờ có "lưng vốn" ngoại ngữ, lại có kiến thức trong ngoại giao văn hóa, nên ông đã xử lý rất khéo vụ Thuyền phó (người Liên Xô cũ) bị mất hộ chiếu tại cảng Hồng Gai (năm 1974). Thuyền trưởng con tàu đã rất phục cách xử lý quyết đoán, nhưng mềm mỏng, linh hoạt của ông. Câu chuyện đó đã theo ông trong hành trình công tác như một bài học đầu tiên của cuộc đời và cho ông một kinh nghiệm: "Ở bất cứ hoàn cảnh nào cũng cần sự quyết đoán, nhưng trên hết là cần sự linh hoạt, mềm dẻo trong xử lý tình huống, nhất là với những vấn đề có yếu tố nước ngoài".
Sau 2 năm rèn luyện tốt tại đơn vị, năm 1975, ông được cử đi học Khóa 8 Trường Sĩ quan Công an nhân dân vũ trang (nay là Học viện Biên phòng). Đây là một trường đào tạo sĩ quan Biên phòng với 4 chuyên ngành chính là Biên phòng, Trinh sát, Cửa khẩu và Bảo vệ nội địa.
Năm 1978, tốt nghiệp loại giỏi, học viên Sóng Hồng đã lọt trong "tầm ngắm" của Ban Giám hiệu nhà trường. Sau 1 năm học lớp đào tạo giáo viên của Bộ Tổng Tham mưu, ông bắt đầu gắn bó với sự nghiệp "trồng người" ở Trường Sĩ quan Công an nhân dân vũ trang.
Trên cương vị là giáo viên, ông tiếp tục phát huy năng lực bản thân cùng với trọng trách được giao, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trường đóng trên địa bàn Sơn Tây, Hà Nội. Đây là vùng đất đá ong, nắng lửa mùa hè, lạnh giá mùa đông. Hoạt động của giáo viên quân sự thường xuyên gắn với thao trường, bãi tập. Ông cũng như bao đồng chí giáo viên khác luôn xác định: Thao trường là chiến trường, thao trường đổ mồ hôi là để chiến sĩ bớt đổ máu. Trong học tập và rèn luyện ông yêu cầu học viên phải có tính khoa học, chính xác trong giờ giấc, quân lệnh. Ông dày công uốn nắn từng bước, từng động tác điều lệnh cho học viên. Ông thường lấy lời nói của cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn trong lễ khai giảng Khóa 1, Trường Sĩ quan Công an nhân dân vũ trang để nhắc nhở, căn dặn học viên: "Nhà trường chúng ta là nền công nghiệp nặng, là lò luyện thép mà các đồng chí là những thỏi thép được tôi luyện trong đó. Lò có tốt thì thép mới tốt. Thép có tốt thì công cụ mới tốt được...". Ông đề cao trách nhiệm, tính gương mẫu của người thầy trên bục giảng hay giữa thao trường, còn những lúc nghỉ giải lao, ông thường tâm sự với học viên như một người bạn, người đồng đội.
Trong 10 năm (từ tháng 2/1978 đến tháng 10/1988), từ một giảng viên, ông đã không ngừng phấn đấu và trưởng thành. Ông lần lượt đảm nhận những chức vụ như: Trưởng bộ môn Thể thao, Phó trưởng khoa Thể thao, Phó trưởng khoa Quân sự chung của Trường Sĩ quan Biên phòng. Bài giảng của ông luôn có tính sáng tạo, là sự kết hợp giữa cơ sở lý luận và những dẫn chứng trong thực tiễn cuộc sống. Ông đã trưởng thành từ một giáo viên đến một cán bộ lãnh đạo quản lý giỏi, có trách nhiệm với công việc, được Đảng ủy, Ban Giám hiệu tin tưởng, đồng nghiệp quý mến, học viên kính trọng.
Những cán bộ được ông giảng dạy, dìu dắt hôm nay đã trưởng thành trong lực lượng Bộ đội Biên phòng, đều nói về thầy Sóng Hồng với sự tôn trọng, yêu kính. Đại tá Vũ Đức Tạo, Chính ủy Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh (một học viên cũ của thầy Sóng Hồng), trong lần gặp gỡ đã trao đổi với tôi: "Tôi may mắn được thầy Sóng Hồng rèn giũa, giảng dạy. Thầy là người luôn đề cao tính kỷ luật, nghiêm túc trong chuyên môn và tư duy khoa học. Nhưng trên hết, thầy đã cho tôi một lối sống thân thiện, nhân văn. Thầy vẫn luôn nhắc tôi về sự bền vững của nhân cách văn hóa, một nền tảng tinh thần quan trọng để con người trưởng thành".
Ông xác định: Ở vị trí người thầy là phải luôn biết gắn lý luận với thực hành, nói đi đôi với làm. Đối với người giáo viên quân sự thì ngoài lý luận còn đòi hỏi cao tính thực tiễn, phải thực sự chính xác, lăn lộn với thao trường, bãi tập. Ông tâm sự: "Những năm tháng công tác ở Học viện đã bồi đắp cho mình nguồn kiến thức toàn diện, lối tư duy khoa học, nhất là phương pháp kết hợp giữa lý luận với thực tiễn trong thực hiện nhiệm vụ. Đây là quãng thời gian công tác huấn luyện, đào tạo với yêu cầu đặc biệt cao, cường độ đặc biệt lớn nhằm xây dựng bản lĩnh chính trị, ý chí quyết tâm và kỹ năng chiến đấu cho học viên. Tuy còn nhiều vất vả và thiếu thốn nhưng cả thầy và trò đều quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ".
Với ông, quãng thời gian công tác trong trường là thời gian quý giá của cuộc đời binh nghiệp. Nó cho một vốn kiến thức phong phú về lý luận, lối tư duy khoa học và sự trải nghiệm để có "chất bột" sẵn sàng đảm đương nhiều nhiệm vụ mới sau này.
Tháng 11/1988, ông được điều về nhận nhiệm vụ ở Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh. Thế là sau 15 năm xa quê, trong đó có hơn 10 năm gắn bó với sự nghiệp "trồng người" ở Học viện Biên phòng, ông được trở lại công tác tại quê nhà. Mảnh đất yêu thương dang tay đón người con đất mỏ trở về.
Phương châm "Học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn" đã được ông vận dụng vào thực hiện nhiệm vụ mới tại Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh. Thực tiễn sinh động tại cơ sở đã cho ông nhiều kinh nghiệm quý báu.
Năm 1988, tình hình biên giới Việt - Trung còn diễn biến vô cùng phức tạp. Hoạt động lấn chiếm biên giới xảy ra thường xuyên, tội phạm ma túy hoạt động ráo riết. Sau 8 tháng nhận nhiệm vụ Trưởng ban Huấn luyện, Phòng Tham mưu của Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh, ông được Thường vụ Đảng ủy, Ban Chỉ huy tin cậy, bổ nhiệm giữ chức Đồn trưởng Đồn 23 - Đồn Biên phòng Hoành Mô - một đồn Biên phòng có địa bàn luôn xảy ra tranh chấp chủ quyền lãnh thổ biên giới quyết liệt, phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Ông nhận nhiệm vụ vào thời điểm đồn đang yếu kém về nhiều mặt: Đồn trưởng và một số chiến sĩ ở đồn đã bị kỷ luật; nội bộ mất đoàn kết; tâm trạng chiến sĩ bất an; chính quyền, người dân địa phương giảm niềm tin ở cán bộ, chiến sĩ của đồn...
Đảm nhiệm cương vị Đồn trưởng trong thời điểm này, đối với ông là một nhiệm vụ khó khăn, một thách thức rất lớn. Ông ý thức được rằng, việc chấn chỉnh lại nề nếp, ổn định tình hình không dễ làm trong một sớm, một chiều. Trước tiên ông cùng tập thể chi bộ, cấp ủy, chỉ huy đồn, đơn vị, họp bàn xác định nhiệm vụ cấp bách và lâu dài, thống nhất đồng lòng cùng tìm cách tháo gỡ khó khăn trong xây dựng đơn vị cũng như thực hiện nhiệm vụ chính trị. Ông đề nghị trên tăng cường trang bị vật tư, cơ sở vật chất cho đồn, đồng thời quan tâm đến đời sống của cán bộ, chiến sĩ. Ông thường xuyên thăm hỏi chiến sĩ, lắng nghe tâm tư của họ. Khi phát hiện những biểu hiện vi phạm kỷ luật, ông kiên quyết xử lý ngay bằng thái độ bình tĩnh, thấu tình, đạt lý.
Cùng với việc "tháo ngòi" ở những "điểm nóng", ông luôn quan tâm đến tình hình địa bàn bằng những việc làm cụ thể như: Tham mưu để kiện toàn tổ chức chính quyền, các đoàn thể chính trị của địa phương; cùng đồng bào bàn cách đẩy mạnh tăng gia sản xuất. Với phương châm "Đồn là nhà, biên giới là quê hương", ông cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng 23 khắc phục dần những khuyết điểm trước đó, từng bước bám sát cơ sở, thực hiện bốn cùng "cùng ăn, cùng ở, cùng sản xuất, hội họp và cùng nói tiếng dân tộc" với nhân dân để từ đó tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần cùng nhân dân các dân tộc xây dựng thế trận bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới.
Thường vụ, Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh giao cho ông là 3 năm phải ổn định được tình hình, tạo mối quan hệ tốt với chính quyền địa phương, củng cố uy tín của đồn Biên phòng. Nhưng với quyết tâm cao, biết kết hợp giữa lý luận và thực tiễn, nói đi đôi với làm, quan tâm rèn đức, luyện tài, nên chỉ hơn 3 tháng sau khi ông nhận nhiệm vụ, Đồn Biên phòng 23 về cơ bản đã ổn định tình hình. Sự gương mẫu của ông được cán bộ, chiến sĩ và nhân dân địa phương trân trọng, yêu mến. Cái tên "Ông già" dành cho Đồn trưởng Sóng Hồng được bắt đầu từ đó.
Tháng 1/1990, ông đảm nhiệm cương vị Phó Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh, sau đó được cử đi học tại Học viện Lục quân. Tháng 5/1995, ông được bổ nhiệm là Tiểu khu Trưởng Tiểu khu 5 (Hải Ninh). Những kiến thức tiếp thu ở Học viện cùng với những kinh nghiệm được tích lũy trong thời gian làm chỉ huy ở Đồn Biên phòng 23 đã được ông vận dụng để chỉ đạo các đồn Biên phòng trên toàn tuyến Tiểu khu. Ông cho rằng đây là thời điểm thích hợp để ông vận dụng trong công tác chỉ huy, chỉ đạo có sự kết hợp giữa kiến thức trong nhà trường và thực tiễn cuộc sống. Nhiều bài học về tổ chức đội hình chiến đấu, về các hoạt động của công tác biên phòng qua giáo án, bài giảng trong nhà trường đã được ông vận dụng thành công. Mọi người luôn dành cho ông một tình cảm trân trọng, "Thầy giáo Tiểu khu Trưởng".
Tiểu khu Biên phòng do ông phụ trách, chủ quyền biên giới luôn được giữ vững. Nhiều điểm nóng về buôn lậu và hoạt động của tội phạm bị triệt phá. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội địa bàn ổn định. Trên toàn tuyến Tiểu khu, mọi hoạt động quản lý, bảo vệ biên giới đã đi vào nền nếp. Chất lượng, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ được nâng cao. Các đơn vị được xây dựng, củng cố và từng bước phát triển.
Với trách nhiệm của người cán bộ, chỉ huy Biên phòng có quá trình bám sát cơ sở, am hiểu thực tiễn, ông mạnh dạn đề xuất một số cơ chế, chính sách để Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, cùng các ngành đề xuất Thủ tướng Chính phủ áp dụng thí điểm tại khu vực cửa khẩu Móng Cái. Sau hơn nửa năm nghiên cứu, lấy ý kiến các Ban, Bộ, ngành Trung ương, ngày 18/9/1996, Chính phủ đã ký Quyết định số 675/TTg "Cho phép áp dụng thí điểm một số chính sách tại khu vực cửa khẩu Móng Cái" của tỉnh Quảng Ninh. Theo Quyết định đó, thị trấn Móng Cái và 11 xã (Hải Xuân, Hải Hòa, Bình Ngọc, Trà Cổ, Ninh Dương, Vạn Ninh, Hải Yến, Hải Đông, Hải Tiến, Vĩnh Trung, Vĩnh Thực) được phép áp dụng thí điểm một số chính sách này.
Khu vực cửa khẩu Móng Cái được ưu tiên phát triển thương mại, xuất khẩu, nhập khẩu, dịch vụ du lịch, công nghiệp theo pháp luật của Việt Nam và phù hợp với các thông lệ quốc tế, được huy động nguồn vốn trong và ngoài nước bằng các hình thức thích hợp để xây dựng các cơ sở hạ tầng cần thiết và có mô hình hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh, tạo điều kiện cho công tác bảo đảm quốc phòng và an ninh. Nhờ có Quyết định 675/TTg, Quảng Ninh phát triển tốt cả cơ sở hạ tầng, đầu tư phát triển và thực hiện các cơ chế chính sách. Tình hình chủ quyền, an ninh biên giới, vùng biển, đảo của tỉnh Quảng Ninh cơ bản ổn định. Quan hệ giữa các lực lượng, chính quyền địa phương hai bên biên giới ngày càng được củng cố và phát triển. Hoạt động thương mại khu vực biên giới và hợp tác kinh tế, du lịch gia tăng hàng năm.
Tháng 11/1996, ông được bổ nhiệm chức vụ Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh. 3 năm sau (tháng 7/1999), ông được bổ nhiệm là Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh, được tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh khóa 1999-2004 và là đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh khóa 11.
Quảng Ninh là một tỉnh có tuyến biên giới đa dạng và phức tạp. Ông cùng tập thể Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng nhiều chủ trương, quyết sách hợp lý trong quản lý, bảo vệ biên giới lãnh thổ, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Kết quả làm tham mưu mà ông say sưa, tâm huyết nhất là tổ chức thực hiện việc xây dựng mốc quốc giới 1369 tại Móng Cái, Quảng Ninh. Đây là cột mốc đầu tiên được xây dựng trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc, thực hiện theo Hiệp định đã ký giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Nhận thức được tầm quan trọng của nhiệm vụ cho nên từ công tác tham mưu, đề xuất, đến chỉ đạo tổ chức thực hiện xây dựng cột mốc, ông đều có sự cân nhắc, thận trọng, chu đáo, dồn toàn tâm, toàn ý để thực hiện theo đúng tiêu chí, yêu cầu đặt ra.
Về công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, ông kể cho tôi nghe chuyện chỉ đạo các đợt tổ chức đấu tranh chống xâm canh, xâm cư, lấn chiếm của Trung Quốc trên biên giới. Ông cho biết: Trong chỉ đạo cần đặc biệt quan tâm tới việc tổ chức lực lượng đấu tranh, phương pháp đấu tranh. Ông rất coi trọng lực lượng tham gia đấu tranh là các tầng lớp nhân dân. Theo ông: Muốn đấu tranh thắng lợi phải biết dựa vào dân, nhân dân là lực lượng hùng hậu nhất, cùng với phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới. Việc đảm bảo an ninh địa bàn, ông chỉ đạo các đơn vị, cơ quan chuyên môn trong thực hiện nhiệm vụ cần có sự kết hợp với các lực lượng trên địa bàn để tổ chức đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm trên tuyến biên giới, vùng biển. Khi xử lý vụ việc, ông đặc biệt lưu ý các trường hợp xử lý đối tượng là người Trung Quốc. Cần phải quán triệt đúng chủ trương, đối sách trong xử lý, nhất là đối với tàu thuyền Trung Quốc vi phạm vùng biển. Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh trong thời kỳ ông là chỉ huy trưởng đã bắt, xử lý hàng ngàn vụ, tịch thu nhiều hàng hóa giá trị hàng trăm tỷ đồng nộp ngân sách nhà nước.
Trong xây dựng "Nền biên phòng toàn dân", ông luôn quan tâm chỉ đạo công tác tuyên truyền nâng cao kiến thức pháp luật, ý thức bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia của các tầng lớp nhân dân. Công tác giáo dục chính trị cho cán bộ, chiến sĩ các đồn Biên phòng cần nhấn mạnh khâu thực hiện tốt nhiệm vụ, bám địa bàn, nắm chắc tình hình, gắn bó với dân, thực hiện khẩu hiệu: "Cán bộ, chiến sĩ Biên phòng vì dân, phục vụ nhân dân", "Khi đến dân thương, khi xa dân nhớ". Nhờ đó, nhân dân tin tưởng, yêu mến Bộ đội Biên phòng. Cùng với việc tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia cùng Bộ đội Biên phòng quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới, ông đã chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ các đơn vị trong toàn tỉnh chủ động tham gia công tác xóa đói, giảm nghèo, giúp đỡ đồng bào các dân tộc thiểu số. Được nhân dân ủng hộ, giúp đỡ, các đồn, trạm biên phòng đã phát hiện, ngăn chặn kịp thời nhiều vụ việc xâm canh, xâm cư, các âm mưu, thủ đoạn của một số đối tượng xấu kích động, lôi kéo bà con làm những việc vi phạm pháp luật.
Đại tá Đặng Toàn Tiến (nguyên Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh) đánh giá về người sĩ quan chỉ huy kế nhiệm mình: "Sóng Hồng hội tụ đủ tư chất của người cán bộ chỉ huy nói được, làm được. Là người có bản lĩnh, miệng nói, tay làm, xử lý các tình huống khá thông minh, Sóng Hồng đã mạnh dạn đề xuất và ủng hộ việc vận động nhân dân ra đảo Trần làm ăn sinh sống, tiến tới thành lập đơn vị hành chính. Đề án "Đưa dân ra đảo Trần sinh sống để thành lập đơn vị hành chính", thành lập Đồn Biên phòng số 6 là thể hiện một suy nghĩ có tầm chiến lược, đúng đắn trong việc xây dựng "thế trận biên phòng" của tỉnh nhà. Một điều quan trọng nữa, đây là một con người trọng tình, trọng nghĩa, sống ngay thẳng, nhân văn, nghĩa tình với đồng đội".
Với cương vị là Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh, điều đáng nói ở ông là sức làm việc nghiêm túc, dẻo dai, một tác phong sâu sát, luôn biết lắng nghe, chọn lọc thông tin nhiều chiều. Ông biết phát huy sức mạnh của tập thể, có lòng tin ở các cơ quan tham mưu; đồng thời dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Tác phong công tác của ông là cụ thể, tỉ mỉ; chỉ huy, chỉ đạo kiên quyết, trung thực, thẳng thắn, tính quyết đoán cao nhưng gần gũi thực tiễn. Trong sinh hoạt ông luôn sống gương mẫu, giản dị, chân thành.
Ông thường xuyên có mặt ở các đơn vị cơ sở. Trong tâm trí ông luôn có các địa danh: Bình Liêu, Đầm Hà, Móng Cái, Cô Tô.... nhất là các đồn Biên phòng, trong đó có Đồn Biên phòng số 6 - Đảo Trần, một hòn đảo tiền tiêu ở vùng biển Đông Bắc của Tổ quốc. Sự trải nghiệm ở nhiều vị trí, nhất là quãng thời gian ở cơ sở đã cho ông những kinh nghiệm quý. Ông rất tự tin, vững vàng ở cương vị chủ trì. Ông tạo lập tình cảm tốt, tin cậy với cấp ủy địa phương và quần chúng nhân dân, được các thế hệ lãnh đạo và quần chúng nhân dân trân trọng, yêu mến. Những ý kiến tham mưu, đề xuất có sự phân tích kỹ càng, thấu đáo dựa trên các cơ sở khoa học và thực tiễn về biên giới và lực lượng Bộ đội Biên phòng giàu sức thuyết phục đã khiến các đồng chí lãnh đạo tỉnh tin cậy đánh giá cao.
Đồng chí Nguyễn Văn Quynh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, hiện nay là Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã trao đổi với tôi: "Quảng Ninh là một tỉnh biên giới có địa hình đa dạng và phức tạp; có cả biên giới đường bộ và biên giới biển. Tỉnh rất cần một môi trường ổn định để thu hút đầu tư phát triển. Nó đòi hỏi có sự thống nhất từ nhận thức đến khâu tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành, trong đó có Bộ đội Biên phòng. Nắm vững và giải quyết công tác biên phòng ở một địa phương như Quảng Ninh là một việc khó. Đồng chí Sóng Hồng là người có năng lực, đã đảm nhận tốt vai trò chủ trì của Bộ đội Biên phòng tỉnh nhà". Trong tâm khảm của cán bộ đảng viên, cấp ủy, chính quyền địa phương, trong lòng những người dân biên giới Quảng Ninh, đều thấy ông là một người cán bộ Biên phòng có trách nhiệm, gần gũi, gắn bó với họ.
Là người sống giàu tình cảm, tình nghĩa, tri ân, khi ông là Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng như sau này ở cương vị Thiếu tướng, Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, trong những chuyến công tác, ông đều dành thời gian đến viếng các nghĩa trang liệt sĩ, thăm những cán bộ Biên phòng có hoàn cảnh khó khăn, những cán bộ lão thành, nghỉ hưu... Ông kể cho tôi nghe những câu chuyện có liên quan về bức ảnh chụp các chiến sĩ Đồn Biên phòng Pò Hèn dịp cuối năm 1978. Bức ảnh đó hiện nay được trưng bày ở phòng truyền thống của đồn. Nhắc đến những câu chuyện ấy, lòng ông như nghẹn lại. Ông cho biết, hầu hết những người lính trong ảnh sau này đã hy sinh anh dũng trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới tháng 2/1979. Ông luôn cảm thấy trách nhiệm của mình với những đồng đội đã ngã xuống vì biên cương Tổ quốc.
Khi là Chỉ huy trưởng Biên phòng tỉnh, ông đã chỉ đạo các cơ quan chức năng quan tâm đến điều kiện cơ sở vật chất, đời sống cho cán bộ, chiến sĩ đang công tác, chiến đấu ở đồn Biên phòng, đồng thời thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, tri ân với thân nhân các liệt sĩ, thương binh. Khi với cương vị là Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, ông đã trực tiếp chỉ đạo thực hiện ý tưởng xây dựng công trình tri ân liệt sĩ tại Đồn Pò Hèn và một số đài tưởng niệm, đền thờ các anh hùng liệt sĩ hy sinh trong cuộc đấu tranh bảo vệ biên cương Tổ quốc.
Hàng năm ông thường bố trí thời gian để thăm hỏi những cơ quan hữu quan và đồng đội cũ. Lúc thấy ông đi thăm, chúc tết cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Hải quân, Quân khu 3, các đồn Biên phòng... khi lại thấy ông đến thăm các bệnh binh mắc bệnh hiểm nghèo, thăm hỏi gia đình các đồng chí nguyên là lãnh đạo cơ quan Bộ Tư lệnh, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh và những đồng đội khác... Với ông trước hết họ là những cộng sự, đồng đội cũ hay là những bậc cao niên, tiền bối, đã từng sẻ chia, chỉ đạo, dìu dắt ông trưởng thành. Ông đến với họ là sự tri ân, động viên khích lệ, sự thăm hỏi, chia sẻ ân cần.
Ngày 18/12/2004, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định bổ nhiệm Đại tá Phạm Sóng Hồng - Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh, giữ chức Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng. Tháng 2/2006, ông được thăng quân hàm từ Đại tá lên Thiếu tướng. Thế là những ngày cuối năm 2004, người con của đất mỏ lại tạm biệt vùng than thân yêu để nhận nhiệm vụ mới - một trọng trách lớn được Đảng, nhân dân tin cậy, giao phó.
Thực tiễn của những năm tháng công tác tại vùng biên ải Đông Bắc Tổ quốc, vừa có biên giới đất liền, vừa có biên giới biển, có nhiều cửa khẩu, đã giúp ông tự tin nhận trọng trách mới, song ông cũng ý thức được nhiều vấn đề cần phải vượt qua. Ông nhận thức: để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ mới rất cần có sự kế thừa lớp người đi trước, cùng với sự trải nghiệm của bản thân; có tầm hiểu biết rộng, kết hợp lối tư duy khoa học; chú trọng khâu khảo sát thực tiễn, sâu sát cơ sở, nghiên cứu tình hình để xử lý tốt công việc.
Nhận nhiệm vụ mới, sau khi tìm hiểu nắm bắt tình hình, ông đã tham mưu cho Thường vụ, Bộ Tư lệnh đề xuất với Đảng, Nhà nước tăng cường đầu tư xây dựng, mua sắm trang bị, phương tiện cho Bộ đội Biên phòng, xây dựng Bộ đội Biên phòng theo hướng chính quy, tinh nhuệ, và từng bước hiện đại. Ông cho biết, từ năm 2000 đến nay, toàn lực lượng Bộ đội Biên phòng đã xây dựng 285/432 đồn Biên phòng đạt tiêu chuẩn đồn mẫu trên toàn tuyến biên giới. Chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2020, xây dựng 100% đồn Biên phòng đạt tiêu chuẩn đồn mẫu với mô hình: Đồn Biên phòng là trụ sở đại diện cho quốc gia trên các tuyến biên giới, là điểm sáng về văn hóa xã hội; thực hiện tốt 3 chức năng: Quốc phòng, An ninh, Đối ngoại.
Không chỉ quan tâm đến công tác xây dựng cơ bản các đồn Biên phòng, đối với các Hải đoàn, Hải đội, ông chủ động đề xuất xây dựng các mô hình Hải đoàn, Hải đội Biên phòng đáp ứng yêu cầu quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới biển trong tình hình mới.
Thiếu tướng Phạm Sóng Hồng cho biết: Khu vực biên giới biển nước ta có địa bàn rộng. Bờ biển dài hơn 3.260km, từ cửa sông Bắc Luân (Quảng Ninh) đến Hà Tiên (Kiên Giang). Địa bàn trải dài trên 28 tỉnh, thành phố, gồm 133 quận, huyện, thị xã với 630 xã, phường, thị trấn, chủ yếu là nơi tập trung đông dân cư. Địa bàn quản lý của Bộ đội Biên phòng rất rộng và sôi động với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế. Các mô hình hoạt động phát triển kinh tế, khai thác hải sản của ngư dân rất đa dạng. Có hàng ngàn tàu công suất lớn hoạt động nghề cá thường xuyên trên các vùng biển xa bờ cùng với hàng trăm nghìn lao động khai thác, nuôi trồng hải sản trên khu vực biên giới biển và hàng ngàn tàu vận tải dịch vụ, du lịch thuộc các ngành kinh tế hoạt động thường xuyên. Quá trình thực hiện nhiệm vụ của các Hải đoàn, Hải đội và các đồn Biên phòng tuyến biển, đảo còn rất nhiều khó khăn. Đó là, phương tiện tàu thuyền công suất nhỏ, tốc độ thấp; các tàu tuần tra của các Hải đoàn, Hải đội đều thuộc thế hệ cũ, đã xuống cấp, khả năng hoạt động hạn chế; hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật doanh trại, cầu cảng, bến đậu, cầu kiểm soát, trang thiết bị phục vụ kiểm soát chưa được đầu tư đồng bộ.
Để thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ biên giới quốc gia trên các vùng biển, đảo trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, ông cùng Thường vụ, Bộ Tư lệnh chủ động đề xuất Chính phủ, Bộ Quốc phòng thực hiện Đề án "Đóng mới tàu thuyền, mua sắm trang thiết bị, nâng cấp, xây dựng cơ sở hạ tầng cho các Hải đoàn, Hải đội và đồn, trạm Biên phòng tuyến biển, đảo". Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt. Theo Đề án, các đơn vị được trang bị đủ số lượng, chất lượng, chủng loại tàu, thuyền đủ năng lực đảm bảo cho công tác quản lý, bảo vệ địa bàn khu vực biên giới biển. Các trang thiết bị được cung cấp phù hợp với tổ chức biên chế, có hiệu quả trong sử dụng, thuận lợi trong đảm bảo kỹ thuật và phù hợp với trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, thủy thủ trong khai thác sử dụng.
Tổ chức thực hiện Đề án, Bộ Tư lệnh đã chỉ đạo đóng mới các loại tàu tuần tra cao tốc, tàu BP 98, tàu trinh sát, tàu chở dầu và tàu gỗ bổ trợ theo tiêu chuẩn thống nhất của Bộ Quốc phòng để bổ sung, trang bị đồng bộ đủ cho các Hải đoàn, Hải đội Biên phòng trọng điểm. Các chủng loại tàu tuần tra cao tốc được đóng mới lần này có tính năng kỹ, chiến thuật phù hợp với cách đánh của Biên phòng, có khả năng đi biển dài ngày, chịu sóng gió, đáp ứng yêu cầu sẵn sàng chiến đấu cao. Trong thời gian chờ đợi để thay thế, bổ sung tàu thuyền mới, Bộ Tư lệnh cũng chủ động cấp kinh phí để các Hải đoàn, Hải đội sửa chữa, khôi phục các tàu tuần tra đã quá niên hạn, đáp ứng cho nhu cầu sử dụng thường xuyên của đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ.
Song song với công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng doanh trại, xây dựng cơ bản cho các đồn, trạm biên phòng đồng bộ, theo mẫu thống nhất của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cũng tập trung chỉ đạo và tổ chức xây dựng nâng cấp cơ sở hạ tầng cho các Hải đoàn, xây mới cơ sở hạ tầng và công trình thủy cho các Hải đội Biên phòng, cải tạo, nâng cấp công trình phụ trợ và mở rộng bến cho các Hải đoàn Biên phòng, mở rộng bến cập tàu và công trình phụ trợ cho các Hải đội.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, ông luôn nhắc nhở, quán triệt các đơn vị chú trọng đầu tư có chiều sâu, nâng cao công nghệ cho cơ sở kỹ thuật đóng tàu của Bộ đội Biên phòng, bao gồm các hạng mục: Ụ tàu, đường triền, máy móc, thiết bị nâng hạ, nhà xưởng, cơ sở hạ tầng cho trụ sở làm việc, các trạm sửa chữa cơ động theo khu vực; nâng cao chất lượng công tác huấn luyện kỹ, chiến thuật để cán bộ, chiến sĩ các Hải đoàn, Hải đội có đủ trình độ năng lực, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Những thành tích của các đơn vị Bộ đội Biên phòng tuyến biển đạt được đã góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về "Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020".
Là người được phân công phụ trách công tác Hậu cần, Kỹ thuật, Tài chính của Bộ Tư lệnh, Thiếu tướng Phạm Sóng Hồng đã chủ động tham mưu, đề xuất Thường vụ, Bộ Tư lệnh nhiều chủ trương đúng đắn, hiệu quả thực hiện tốt công tác đảm bảo cho lực lượng Bộ đội Biên phòng luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Ông thường động viên, định hướng cho cán bộ cơ quan làm công tác hậu cần, tài chính: "Mình làm công tác đảm bảo, "làm dâu trăm họ", phải luôn cố gắng cao nhất, tâm huyết, trách nhiệm, tin tưởng, tự hào với nhiệm vụ được giao. Cần có tư duy sáng tạo, chủ động trong hành động, chính xác trong tổ chức thực hiện". Đây cũng là tiêu chí mà ông đặt ra cho những người thực hiện nhiệm vụ. Phương pháp tổ chức thực hiện từ hệ thống hóa, xây dựng mô hình điểm, xây dựng tiêu chí hậu cần, kỹ thuật cũng được ông chỉ đạo chặt chẽ.
Với ý thức sâu sát nắm tình hình, ông yêu cầu chỉ huy đơn vị và cán bộ chuyên môn phải đến tận nơi, nắm bắt tình hình cụ thể, vận dụng kiến thức lý luận với điều kiện thực tiễn về địa hình, khí hậu để có chủ trương, biện pháp tiến hành hiệu quả, phù hợp. Bản thân ông cũng trực tiếp đi khảo sát, nắm tình hình tại các đơn vị. Với một chiếc gậy mang theo, ông đã trèo đèo, lội suối, vượt qua nhiều núi cao, vực sâu, nhiều đoạn đường nguy hiểm, cùng các đoàn công tác đến tận nơi nắm tình hình đời sống của cán bộ, chiến sĩ. Từ Tây Bắc xa xôi, đến những dải rừng biên cương miền Trung quanh năm gió Lào khô cháy... Nhiều đồn Biên phòng ông đã tới. Dải đất biên cương nào cũng in dấu chân ông. Hình ảnh vị Tướng tay mang gậy, cũng bám dây leo, đu người vượt dốc; hay có đêm ông cùng anh em mắc võng ngủ rừng, cùng sẻ chia, đồng cam cộng khổ với đồng đội trong các chuyến công tác, đã để lại những ấn tượng đẹp trong lòng chiến sĩ.
Chuyện về gia đình, ông cho biết: Trong cuộc đời, có hai người phụ nữ mà ông kính trọng, yêu thương nhất, đồng thời cũng là những người có ảnh hưởng nhiều nhất đến cuộc đời ông. Người thứ nhất là mẹ ông, một người phụ nữ tần tảo, đảm đang, giàu tính thương người. Bố luôn đi làm xa, mọi việc từ chăm sóc, dạy dỗ các con đều dồn lên đôi vai của mẹ. Trong cuộc sống còn đầy khó khăn, vất vả, mẹ luôn là điểm tựa vững chắc để giúp chúng tôi vượt qua. Là con trai cả trong gia đình, mẹ biết tôi phải chịu nhiều thiệt thòi, vất vả, nên mẹ rất thương tôi. Sự cần cù, chịu khó, tình cảm bao dung, độ lượng của mẹ là gương sáng để ông noi theo. Đó là phải biết sống, rèn luyện và phấn đấu, đồng thời phải biết sẻ chia và cảm thông với mọi người.
Người thứ hai là vợ, người bạn đời chung thủy, ân tình, đang cùng ông đi trọn cuộc đời. Là người lính, ông thường xuyên vắng nhà, nên mọi công việc đều phó thác nơi hậu phương. Những năm tháng ông vắng nhà triền miên, một mình vợ ông - bà Nguyễn Thị Hưởng xoay xở việc nước, việc nhà trên vai, là động lực để ông dành tất cả tâm huyết, công sức cho công tác. Công việc ở cơ quan đã đòi hỏi bà phải chuyên tâm, nhưng trách nhiệm gia đình trĩu nặng trên vai, bà phải tranh thủ mọi thời gian để lo toan. Người vợ lính một nách hai con đã quá quen với vai trò người chủ gia đình với những gánh nặng. Một mình chăm sóc con lúc bình thường cũng còn vất vả, chưa kể khi "trái gió trở trời", các con yếu đau. Bà đã vượt qua tất cả, không nề hà bất cứ khó khăn nào, không muốn ông bận lòng, không muốn ông bị chi phối, ảnh hưởng đến công việc.
Ông kể cho tôi nghe, chuyện vợ ông sinh cháu gái thứ hai, cháu Phạm Thu Hạnh (tháng 10/1986). Nhận được thông tin từ bác sĩ chẩn đoán, cháu bị bệnh não, bà Hưởng gần như đứng không vững. Một thử thách lớn đến với gia đình ông. Có bệnh thì vái tứ phương. Ông bà kiên trì, cất công đi tìm thầy, tìm thuốc, tìm đến những chuyên gia giỏi nhất ở lĩnh vực này, những mong có thể chữa trị cho cháu. Nhìn vợ, nhìn con, ông cảm thấy xót xa. Ông động viên vợ cố gắng vượt qua cú sốc tâm lý này. Bản thân ông cũng xác định: phải cứng rắn để làm chỗ dựa tinh thần cho gia đình, cho vợ. Cháu có thân mình mềm nhũn, oặt lả như sợi bún. Biệt danh "Bún Béo" được cả nhà âu yếm dành cho Thu Hạnh. Ông nói: "Con cái là của để dành, là tất cả cuộc đời mình gửi gắm trong đó. Không ai muốn đứa con mình sinh ra đau yếu, nhất là lại bị tật nguyền. Nhưng nếu không may rơi vào hoàn cảnh đó thì phải biết chấp nhận một cách tích cực...".
Sự chấp nhận tích cực như ông nói, chính là thái độ bình tĩnh trong xử lý tình huống của ông. Là cách ông tạo cho các thành viên trong gia đình cùng chung nhận thức, làm bình thường hóa cuộc sống, cố gắng tạo không khí gia đình êm ấm, hòa thuận. Nhờ có ông bên cạnh động viên, an ủi, bà dần hồi phục trở lại. Bất cứ khi nào có thời gian rỗi rãi, ông lại dành để gần gũi con gái hơn. Ông phá bỏ mặc cảm từ bà là không muốn con tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Ông thường xuyên cho con đi chơi. Với con, thế giới bên ngoài là vô cùng mới mẻ và sinh động. Ông kiên trì giảng giải giúp con tiếp cận cuộc sống muôn màu, và ông trở thành người thầy đầu tiên của con. Tình yêu thương của cha, sự chăm sóc của mẹ dần dần đã tác động đến con, hình thành những chuyển biến trong cơ thể, nhất là hình thành cảm xúc.
Không phụ lòng mong mỏi của cha mẹ, cháu Hạnh đã dần đứng thẳng bằng chính đôi chân của mình. Hiện nay, Thu Hạnh đã đi lại bình thường, không những thế còn giúp bố mẹ một số việc đơn giản... Cô bé sống tình cảm, quan tâm đến mọi người, nhất là với bố thường xuyên phải đi công tác xa nhà. Mỗi khi nói về chồng mình, bà Hưởng thường xúc động: Anh ấy là người đàn ông tuyệt vời nhất mà cuộc đời đã ban tặng cho mình. Mình yêu và trân trọng anh rất nhiều. Nhờ tình yêu của anh mà mình chịu đựng được tất cả sự thiếu thốn, vất vả về vật chất cũng như tinh thần khi xa chồng. Anh giúp mình hiểu được rằng, thế giới này không có con đường cùng. Muốn chiến thắng phải vượt qua chính nó. Ở bên anh, mình luôn có cảm giác được che chở, được yêu thương, được nhân lên nghị lực sống, được nhân lên niềm tin yêu. Mình học được ở anh cách sống quên mình cho người khác. Nếu có kiếp sau thì mình vẫn chỉ chọn anh ấy...".
"Dựa vào giá trị văn hóa để sống nhân văn hơn" - là câu nói đúc kết mà Thiếu tướng Phạm Sóng Hồng đã chia sẻ. Đó cũng chính là kết quả của một tư duy, sự trải nghiệm của người cán bộ chỉ huy đã lăn lộn, va đập nhiều trong thực tế cuộc sống. Điểm tựa văn hóa đã tiếp cho ông sức mạnh nội sinh. Ông yêu thành phố quê hương, nơi đã cho ông nguồn xúc cảm về cái đẹp của tình người thợ mỏ, của những giá trị nhân văn. Cái tố chất văn hóa ấy đeo bám, gắn bền trong ông từ khi là người chiến sĩ binh nhì cho đến khi trưởng thành là một giảng viên đại học, một lãnh đạo cơ sở và bây giờ là Thiếu tướng, Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng.
Sinh ra và lớn lên trên đất mỏ, mảnh đất và con người vùng mỏ đã nuôi dưỡng, đào tạo ông trưởng thành. Cuộc đời ông như một thiên ký sự về sự nỗ lực hết mình, không ngừng phấn đấu, không ngừng khát vọng, không ngừng vươn lên để trở thành một vị tướng. Ông là niềm tự hào của quê hương và của gia đình. Hơn 40 năm cống hiến bền bỉ, Thiếu tướng Sóng Hồng đã đóng góp phần không nhỏ cho sự lớn mạnh, trưởng thành của lực lượng Biên phòng Quảng Ninh nói riêng và Biên phòng Việt Nam nói chung.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét