Ngày xưa, muốn vào làng Peng K'lang phải vượt qua dốc cổng trời. Tới nơi được ngắm nhìn núi "nồi cơm" trẫm mình trong làn sương dày đặc, đẹp đến nao lòng. Bức tranh sơn thủy hữu tình ấy càng giữ được vẻ nguyên sơ bao nhiêu, càng đẹp bấy nhiêu.
Tuy vậy, nhưng ở thời ấy, ẩn sâu trong vùng quê đó là một môi trường sống cực kỳ khắc nghiệt. Những đứa bé người dân tộc Dẻ Triêng khi mới sinh ra ở đây được "sàng lọc" kỹ càng lắm mới có thể trụ lại để lớn thành người. A Đe nằm trong số ấy. So với bạn bè cùng trang lứa trong làng Peng K'lang, A Đe nhanh nhẹn, hoạt bát hơn hẳn. Mới 5 tuổi, A Đe mồ côi mẹ. Hằng ngày, A Đe phải lẽo đẽo theo cha vào rừng đuổi con thú, bẫy con chim kiếm cái để ăn. Lầm lũi theo dấu chân trần của người cha giữa đại ngàn mênh mông, tuy không mang đến cho cậu bé cái tầm nhìn xa, trông rộng nhưng lại hình thành nên một A Đe có bản lĩnh, biết vượt qua thử thách để sớm nên người. Hơn mười "mùa rẫy" trôi qua, hằng ngày, A Đe vẫn theo cha vào rừng.
Về sau, cậu bé thầm phát hiện ở cha có điều gì đó khang khác. Lúc này, cha ít đuổi theo con thú, ít đặt bẫy để kiếm con chim, mà liên tục gặp gỡ trao đổi với những người lạ mặt. Sau này, A Đe mới biết đó là những cán bộ người Kinh từ miền xuôi lên đây xây dựng cơ sở cách mạng. Biết việc cha làm, nhưng A Đe chỉ để trong cái bụng chứ không bao giờ tiết lộ cho bất cứ ai. Bởi, Đe biết, họ đều là những người tốt, hằng ngày vẫn bị bọn Pháp ở Đồn Đắk Bung truy tìm gắt gao. Những hôm cha đau, A Đe thay cha vào rừng. Lúc thì mang theo ít gạo, khi thì hạt muối, trên đường đi kết hợp kỹ năng săn bẫy thú rừng để có cái tiếp tế cho cán bộ cách mạng.
Thằng bé A Đe loắt choắt mà khôn và nhanh đáo để. Gặp người lạ, nhất là những thằng Tây cao to như con gấu là trong nháy mắt, nó lẫn vào bụi cây rừng "gọn trơn" như con sóc. Thời điểm này là năm 1962, ở cái tuổi 15, A Đe chính thức làm liên lạc H40 của xã với nhiệm vụ chính là tiếp tế lương thực, thực phẩm, chuyển tải tin tức cho các cơ sở cách mạng hoạt động trong rừng, đã khiến cho A Đe luôn cảm thấy tự hào. Càng lớn khôn ý chí càng cao, A Đe càng ước mơ được làm những việc lớn hơn, trong đó "khoái" nhất là được cầm súng ngắm thẳng vào ngực bọn cướp nước mà siết cò cho nó ngã vật xuống đất...
Ước mơ đó đã đến, năm 1963 khi mới 16 tuổi, A Đe được vào đội du kích xã. Khổ nỗi đi đến đơn vị nào cũng bị chê vì "thằng nhỏ cao hơn khẩu súng CKC dựng đứng không đáng là bao, thì làm sao mà đánh được giặc". Đổi lại, là sự nhanh nhẹn và gan dạ. Chỉ qua mấy trận đánh ở Đắk Tả, Đắk Rú, Đắk Pét, Đắk Xút, A Đe đã lọt vào "bộ nhớ" của các vị chỉ huy.
Năm 1965, A Đe chính thức tạm biệt quê hương yêu dấu để vào bộ đội và đóng quân ở tận BRoóng Mẹt, nhiệm vụ chủ yếu là canh giữ trạm giam T3 của tỉnh Kon Tum. Cuối năm 1967, anh được điều động làm Tiểu đội trưởng Phân đội trinh sát An ninh vũ trang (A25) tỉnh Kon Tum, rồi Tiểu đội trưởng phân đội trinh sát An ninh vũ trang (H9) tỉnh Kon Tum. Tết Mậu Thân 1968, sau trận tập kích oanh liệt của quân giải phóng vào căn cứ quân sự của địch ở thị xã Kon Tum, khí thế chiến đấu của quân và dân ta chuyển sang giai đoạn mới với nhiều chiến công oanh liệt.
Hòa chung với khí thế đó, chàng Tiểu đội trưởng Trinh sát A Đe càng trở nên thông minh. Thằng bé loắt choắt ngày nào dưới chân núi "nồi cơm", bên dốc cổng trời Đắk Blô lừng lững, giờ đây đã trở thành một trinh sát gan lỳ trận mạc, lăn lộn hoạt động trong địa bàn rộng hơn, bao quát cả vùng Kon H'ring - Diễn Bình. Sau những thử thách, rèn luyện của người Tiểu đội trưởng trinh sát chuyên luồn sâu vào các vùng địch để thu thập thông tin về địch, về địa hình, phục vụ cho các mục tiêu bảo vệ của An ninh vũ trang Kon Tum và những trận đánh của quân giải phóng trong địa bàn, cuối năm 1969, anh được điều động về Đại đội 1, trực thuộc Ban An ninh tỉnh Kon Tum tiếp tục chiến đấu...
Từ năm 1969 đến năm 1972, ông giữ chức Trung đội trưởng, Đại đội 1 An ninh vũ trang tỉnh Kon Tum. Năm 1973 đến năm 1974, ông được giao làm cán bộ tổ chức Ban An ninh tỉnh Kon Tum. Giữa năm 1974, ông được cấp trên lựa chọn đi học ở trường An ninh vũ trang Quân khu 5. Tháng 2/1975, ông được bổ nhiệm Đại đội phó chính trị Đại đội 1, An ninh vũ trang Kon Tum.
Có thể nói, giai đoạn từ 1968 cho đến năm 1974, cả dải đất rộng lớn nơi cực Bắc Tây Nguyên luôn được ví như "chiếc túi đạn" khổng lồ. Hết lũ đại bàng B52 "đẻ trứng" theo kiểu rải thảm là những trận "gà gáy" của các loại pháo kích từ căn cứ Cha Ly, Đắk Tô, Tân Cảnh đan qua. Con đường Hồ Chí Minh "vắt" trên dãy Trường Sơn lúc nào cũng bị xới tung để tìm dấu vết quân giải phóng. Mỗi ngày trên cung đường huyền thoại này, khúc khải hoàn chiến thắng xen lẫn bản tráng ca của người lính trận vẫn vang lên thôi thúc bước chân diệt thù. Sống và chiến đấu trên vùng đất rát bỏng đó, A Đe và đồng đội chỉ biết hướng về phía trước, dẫu luôn ý thức rằng, thần chết có thể "gọi tên" mình bất cứ lúc nào. Ông cũng chẳng nhớ nổi mình đã tham gia bao nhiêu trận đánh, bắn trúng bao nhiêu thằng giặc và cũng không hề hay mình đã thoát chết bao nhiêu lần.
"Nhiều... Nhiều lắm... Chuyện hòn tên mũi đạn mà. Có những chuyện mình được trải nghiệm, được tận mắt nhìn thấy, nhưng cũng có những chuyện rất vô tình có muốn cũng không thể kể hết được... Ông vẫn tâm sự như thế nếu có ai đó yêu cầu A Đe kể chuyện đánh giặc. Chỉ biết rằng, trên 3 ngàn ngày đêm kể từ lúc trở thành anh bộ đội cho đến ngày giải phóng là ngần ấy thời gian A Đe "thức cùng đạn bom", cơ động khắp cả vùng cực Bắc Tây Nguyên trong vai trò "đôi mắt" trinh sát An ninh vũ trang thông minh, gan dạ. Ông không nhớ hết mình đã trực tiếp tham chiến bao nhiêu lần, vì trận bé, trận lớn, trận này cứ chồng lên trận kia và đều thấm đẫm trong máu và nước mắt. Cũng chẳng có điều kiện ghi lại nhật ký vì chẳng có thời gian dành cho riêng mình.
Tuy nhiên, có một câu chuyện ông không bao giờ quên về tình đồng chí, đồng đội, nó "cao to mạnh mẽ như đỉnh Ngọc Linh sừng sững giữa ngàn mây", nhưng lại "trong sáng thanh vút tựa giọng hát của cô giao liên một mình trên dãy Trường Sơn thời lửa đạn". Ấy là câu chuyện về một người anh, người đồng đội đã hy sinh trên đường cùng ông đi công tác, mà đến giờ phút này, sau bao lần lục tìm trong trí nhớ, bao chuyến thăm hỏi tìm kiếm địa chỉ người đã khuất, A Đe cũng chỉ có đôi dòng thông tin hết sức ngắn gọn: Anh ấy tên là Đinh Đen, người dân tộc H'rê, quê ở Quảng Ngãi.
Hôm ấy, trên đường công tác từ H30 về hướng Đắk Tô, khi đến xã Đắk La, thuộc H16 thì bất ngờ đụng phải tốp máy bay của địch đang "rải thảm" dọc hành lang trục đường Trường Sơn. Sự việc diễn ra quá nhanh, A Đe chỉ kịp nghe tiếng la của đồng đội Đinh Đen: "Ở phía sau lưng có máy bay địch". Sau đó là những tiếng nổ xé trời. Rồi A Đe... ngất lịm. Khi tỉnh lại, A Đe choáng váng nhận ra cả một vùng đất rộng lớn xung quanh bị cày nát, khói bụi mịt mù. Nằm đè lên cơ thể để chắn đạn cho ông là anh Đinh Đen đã tắt thở từ bao giờ. Máu của người đồng đội ướt đẫm khắp người ông, thấm vào lòng đất, khiến cho A Đe không sao cầm được nước mắt. Ông ôm chặt xác đồng đội vào lòng, cổ họng như nghẹn cứng lại. Không gian vẫn lặng thinh trong nỗi đau tiễn biệt. Lúc này, A Đe mới giật mình. Kể từ khi quen biết Đinh Đen, ông chưa bao giờ có được cuộc chuyện trò, được hỏi thăm quê hương, gia đình, người thân của anh ấy. Ông cố lục trong trí nhớ nhưng cũng chỉ biết tên anh ấy là Đinh Đen, người dân tộc H'rê, quê ở tỉnh Quảng Ngãi, còn làng, xã, huyện thì chịu...
Nghĩ đến đây, A Đe thực sự bối rối. Với chút ít thông tin ấy, liệu đến ngày hòa bình, ông có tìm được về quê hương, gia đình, người thân của Đinh Đen để kể cho mọi người cùng nghe chuyện đánh giặc, cũng như phút giây hy sinh anh dũng của anh ấy. Nhất định ông sẽ tìm, tìm cho bằng được. Nhưng đó là chuyện của ngày mai. Còn lúc này đây - trước vong linh của người đồng đội, A Đe thầm hứa sẽ quyết tâm đánh giặc đến cùng và xin được lấy họ "Đinh" để tỏ lòng tri ân người đã khuất. A Đe mang họ Đinh từ ngày ấy. Còn chữ lót "Hồng" được ông giải thích đơn giản đó là màu ông thích nhất, màu mà ông thường lấy làm chuẩn mực để nói lên quyết tâm, ý chí cách mạng hừng hực luôn cháy bỏng trong con người ông.
A Đe đổi thành Đinh Hồng Đe với một ước nguyện nhỏ, đó là mỗi khi có ai gọi đến tên mình, ông lại nhớ đến người đồng đội, người anh kính trọng nhất: Đinh Đen. Ước nguyện nhỏ bé ấy trong sự hy sinh lớn lao kia - tất cả là nét đẹp của người lính trận.
Sau ngày giải phóng, đồng đội người thì ngược ra Bắc, người xuôi vào Nam; người thì gắn với đời quân ngũ, cũng có người trở về quê hương tìm niềm vui bên luống cày; còn Đinh Hồng Đe thì ở lại, tiếp tục sải những bước chân trên những nẻo đường biên giới. Tháng 6/1975, ông được điều về làm Phó Đồn trưởng về quân sự Đồn 625 Công an nhân dân vũ trang Kon Tum. Ông bảo, giờ là lúc ông được cống hiến chút công sức của mình cho quê hương, cho đồng bào, bởi giặc ngoại xâm đã được đánh đuổi ra khỏi bờ cõi, nhưng còn giặc nghèo vẫn hiện diện khắp các buôn làng, nhất là ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa biên giới.
Ngày được tổ chức phân công về công tác tại Đồn Biên phòng Đắk Long đứng chân trên địa bàn xã Đăk Long, huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum, ông mừng lắm. Đây là huyện quê hương của ông và cũng là chiến trường xưa, nơi ông được bà con hết lòng yêu thương, chở che, đùm bọc để có cơ hội tri ân với mọi người. Nói thì nói thế chứ suốt từ ngày làm cán bộ rồi lên cấp chỉ huy Đồn Biên phòng Đắk Long, ông chẳng mấy khi được về thăm buôn làng, gia đình mình, dẫu quãng đường chỉ mấy chục cây số. Thậm chí có đợt 2 năm "không thấy thằng A Đe về nhà", người Đắk Blô lại rủ nhau mang gạo, mang củ mì, cắt rừng lội bộ để sang thăm nó".
"Chiến trường" của người lính thời chiến cũng như thời bình không bao giờ được phép bỏ quên. Thời kỳ này miền Nam mới hoàn toàn giải phóng, công tác triển khai xây dựng đồn Biên phòng trên tuyến biên giới các tỉnh Tây Nguyên nói chung, Kon Tum nói riêng là yêu cầu hết sức cấp bách. Tất cả gần như phải làm từ đầu, từ việc củng cố ổn định tổ chức, biên chế đến xây dựng nơi ăn ở trong điều kiện muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, trong khi đó tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội luôn có những diễn biến phức tạp. Những cán bộ người dân tộc thiểu số như Đinh Hồng Đe luôn được ví như "con át chủ bài", đặc biệt là trong truy quét FULRO và làm công tác vận động quần chúng, xây dựng cơ sở chính trị. Phương châm "nhiều cùng" của công tác dân vận được ông vận dụng khá linh hoạt trong thực tiễn, bằng những việc làm cụ thể, không cần phải diễn giải, lý luận gì nhiều, nói đi đôi với làm, cứ thế ông chỉ đạo và bắt tay cùng làm với anh em, với bà con.
Tháng 10/1978, ông được bổ nhiệm Phó Đồn trưởng chính trị, tháng 4/1982, ông được bổ nhiệm Đồn trưởng Đồn Biên phòng 665. Trên cương vị Đồn trưởng của mình, ông đã cùng tập thể cấp ủy, chỉ huy đồn vừa làm tốt việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới, xây dựng địa bàn biên phòng, giúp dân xây dựng, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống; vừa xây dựng đơn vị vững mạnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ở một địa bàn khá phức tạp. 9 năm làm Đồn trưởng Đồn Biên phòng Đắk Blô, ông đã chỉ đạo công tác vận động quần chúng của đơn vị tập trung vào giải quyết nhiều vấn đề cụ thể, nhất là những tồn tại phát sinh ngay tại thôn làng như xóa bỏ hủ tục, thói quen canh tác lạc hậu, giúp bà con định canh định cư, chuyển đổi cây trồng vật nuôi, xóa đói giảm nghèo.
Ông trực tiếp xuống địa bàn gặp gỡ, chỉ ra những điểm yếu, khâu yếu của cán bộ thôn, làng, xã để từng bước nâng cao chất lượng công tác cho đội ngũ cán bộ địa phương cấp cơ sở này... Ông vận dụng mọi phương pháp tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức rất cụ thể, sinh động. Có khi ông còn dẫn cả vợ mình ra để nói về chuyện sinh đẻ, khuyên chị em không nên đẻ ngoài rừng (theo tập tục cũ) mà nên "vượt cạn" ngay tại nhà, có sự trợ giúp của nhân viên y tế. Những thành tích mang dấu ấn Đinh Hồng Đe ngày một sâu đậm trên các buôn làng biên giới Đăk Long, Đắk Blô đã trở thành bài học thực tiễn, bổ sung kinh nghiệm cho công tác vận động quần chúng của Bộ đội Biên phòng.
Có lẽ nhờ trải nghiệm nhiều trong thực tế ngay từ cơ sở khá phong phú và vững vàng, nên tháng 1/1992, khi đảm nhiệm các cương vị Phó Chỉ huy trưởng, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum, rồi Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, ông có khá nhiều kinh nghiệm, nhất là trong công tác địa bàn, luôn có những quyết sách phù hợp, trong phạm vi chức trách nhiệm vụ quyền hạn của mình và tham mưu, tham gia những ý kiến xác đáng cho lãnh đạo các cấp đối với công tác quản lý, củng cố xây dựng các địa bàn xung yếu tuyến biên giới Tây Nguyên, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị.
Thắng 10/1995, ông được bổ nhiệm Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum, những kiến thức, kinh nghiệm thực tế của ông qua các cương vị khá là đầy đủ, toàn diện. Song ông tự biết những hạn chế của người dân tộc Dẻ Triêng của mình. Nhưng không tự ti, ông khiêm tốn tự tìm tòi, học hỏi, tự nỗ lực nghiên cứu, đồng thời với coi trọng khai thác, sử dụng phát huy tối đa vai trò giúp việc của các cơ quan, các chuyên gia đầu ngành, tạo được sự ủng hộ đắc lực của anh em trong công việc và biết tôn trọng nguyên tắc dựa vào tập thể. Từ đó, ông đảm đương cương vị của mình một cách vững vàng trên các lĩnh vực. Nhất là với công tác xây dựng địa bàn biên phòng nói chung, công tác vận động quần chúng nói riêng là sở trường của mình, ông tập trung quán triệt, chỉ đạo thực hiện tốt chủ trương "trao chiếc cần câu cho bà con".
Ông xác định muốn phá thế "ốc đảo" cho các làng, xã biên giới, vấn đề đầu tiên là xây dựng cơ sở hạ tầng, phải làm cho được đường, điện, trạm, trường. Cái gì cấp thiết thì làm trước. Đầu tiên là con đường. Ban đầu là đường cấp phối rồi dần dần nâng cấp kiên cố hơn. Từ quan điểm này, được sự nhất trí, ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương, một hệ thống giao thông hình xương cá chạy dọc trục đường Hồ Chí Minh tỏa đi các xã Đắk Blô, Đắk Nhoong, Đắk Long, Đắk Dục, Đắk Nông, rồi qua huyện biên giới Ngọc Hồi đến huyện Sa Thầy được hình thành, tạo nên diện mạo nông thôn biên giới khởi sắc. Tiếp đến là điện thắp sáng. Cái này cũng phải dần dần, từng bước một lo cho bà con.
Ông cho biết, vấn đề đường giao thông và lưới điện sinh hoạt không phải mình muốn là có ngay mà phụ thuộc vào vốn ngân sách Nhà nước, mình cần phải kiến nghị từ địa phương lên Trung ương thì mới triển khai được. Riêng đối với trạm y tế và trường học, về lâu về dài cần phải kiên cố hóa, mang tính chuyên nghiệp, song trước mắt khi điều kiện kinh tế chưa cho phép thì lực lượng Bộ đội Biên phòng vẫn có thể "giải quyết tình thế" bằng mô hình Quân dân y kết hợp và các lớp học xóa mù ngay tại buôn làng, tại nhà dân. Có thể nói, vào thời điểm này trên khắp các thôn làng biên giới tỉnh Kon Tum, những người thầy giáo, thầy thuốc "mang quân hàm xanh" luôn là địa chỉ thân thuộc của đồng bào các dân tộc, trở thành nét đẹp đầy tính nhân văn của các chủ nhân vùng biên giới.
Điển hình là trạm Quân dân y kết hợp xã Đắk Long, Đắk Nhoong (huyện Đắk Lây), xã Sa Loong, Đắk Sú (Ngọc Hồi). Các lớp học xóa mù chữ được các đồn Biên phòng tổ chức dọc hành lang đường Hồ Chí Minh, mỗi tối lại vang lên tiếng nói cười của các chủ nhân vùng biên giới. Mỗi ca bệnh nặng được cứu sống, mỗi đứa trẻ thơ ra đời vuông tròn và mỗi người dân được xóa mù chữ là mỗi lần mang đến cho Đại tá, Chỉ huy trưởng Đinh Hồng Đe một nụ cười. Ông hài lòng với tất cả những điều Bộ đội Biên phòng làm được dù là nhỏ nhất. Ông biết bộ đội có làm được nhiều hơn nữa cũng không bao giờ trả hết nghĩa cho đồng bào. Ông là vậy, rất mộc mạc nhưng cũng rất sâu sắc, ân tình mỗi khi nghĩ đến buôn làng.
Trong cuộc đời và sự nghiệp của mình, ông luôn là tấm gương của tinh thần vượt khó. Ông quan hệ ứng xử với mọi người bằng sự giản dị, chân thành. Ông bảo: "Mình quản quân không phải bằng cái uy làm anh em sợ mà là sự tôn trọng được hình thành từ sự cộng đồng trách nhiệm". Nhiều cán bộ, chiến sĩ về công tác tại Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum cho tôi biết: Mỗi lần Chỉ huy trưởng Đinh Hồng Đe xuống kiểm tra đơn vị, kiểm tra địa bàn, đứng báo cáo trước thủ trưởng thấy tự tin vô cùng. Chỗ nào chưa rõ, ông nhẹ nhàng gợi ý, việc gì làm chưa được, ông nhắc nhở động viên như người cha, người anh của mình vậy. Cư dân trên tuyến biên giới của tỉnh Kon Tum hầu hết là người dân tộc thiểu số. Ông về đây như về với gia đình mình. Là người con của đất rừng biên giới Tây Nguyên, mang trong mình tính cách giản dị, chân thành, luôn sẵn sàng trải lòng với mọi người, phong cách làm việc đơn giản, đề cao tính thực tế, Chỉ huy trưởng Đinh Hồng Đe là người có vai trò trung tâm của khối đoàn kết các dân tộc trên biên giới.
Địa bàn biên phòng Kon Tum là vùng khó khăn, khắc nghiệt, không chỉ lo cho dân, mà ông còn rất quan tâm chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh tăng gia sản xuất, cải thiện, nâng cao đời sống cho bộ đội. Ông cho rằng: Tất cả các đồn Biên phòng trên toàn tuyến biên giới Kon Tum đều có thế mạnh tăng gia sản xuất. Vấn đề cốt lõi là sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, kể cả những sự hỗ trợ đầu tư kịp thời từ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và quyết tâm của cấp ủy, chỉ huy đơn vị cơ sở. Trong điều kiện xa khu trung tâm, nhiều đơn vị cách khu dân cư tới 30-40 cây số, giao thông khó khăn cách trở, chẳng ai có thể đưa thực phẩm tươi sống vào để cung cấp cho đơn vị, nếu không đẩy mạnh tăng gia sản xuất thì không thể nào bảo đảm tốt đời sống, sinh hoạt, công tác cho bộ đội. Trong công tác xây dựng cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp, ông nghĩ, cần phải tạo ra được một không gian xanh giúp cho những người lính trực tiếp bám trụ trên biên giới chống lại cái nắng, cơn gió mùa khô khắc nghiệt của vùng đất Tây Nguyên.
Ông lập luận như thế để khẳng định vai trò quyết định của công tác chỉ huy chỉ đạo, đầu tư hỗ trợ từ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đối với công tác tăng gia sản xuất, xây dựng đơn vị của các đồn Biên phòng trên tuyến biên giới tỉnh Kon Tum lúc bấy giờ. Trên dưới một lòng, công tác tăng gia sản xuất, xây dựng đơn vị của Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum được triển khai thực hiện hiệu quả và đã trở thành phong trào thi đua lớn và bền vững. Nhiều đơn vị trở thành điểm sáng về công tác tăng gia sản xuất, có sức lan tỏa rộng lớn ra địa bàn để các thôn làng đồng bào dân tộc thiểu số học hỏi làm theo.
Đảm nhận chức vụ Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum được một thời gian, Đại tá Đinh Hồng Đe được tín nhiệm, trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa XI. Công việc của Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh lúc này bận rộn hơn rất nhiều với những kỳ họp Quốc hội, những cuộc tiếp xúc cử tri. Điều đó cũng đồng nghĩa vai trò, tiếng nói của ông trọng lượng hơn, có tầm ảnh hưởng lớn hơn, tạo điều kiện thuận lợi giúp ông trong công tác lãnh đạo chỉ huy xây dựng đơn vị, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị. Ông nghĩ, là đại biểu Quốc hội chính là cơ hội để mình có tiếng nói trực tiếp, thay cho bà con đồng bào để đạt nguyện vọng trước Quốc hội. Từ những suy nghĩ ấy, ông tích cực tham mưu đề xuất, kiến nghị với cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp triển khai xây dựng nhiều chương trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng, an ninh, chăm lo đời sống nhân dân trên vùng biên giới.
Đề cập đến vai trò, trách nhiệm của người chiến sĩ Biên phòng, ông vẫn thường nhắc nhở: "Người chiến sĩ Biên phòng phải không nguôi trăn trở trước tình hình nhiệm vụ. Bởi có trăn trở thì mới quyết tâm, mà chỉ có quyết tâm mới vượt qua được thử thách để hoàn thành nhiệm vụ... Phải yêu thương, kính trọng nhân dân, xem công việc của nhân dân là việc của đơn vị, việc của cá nhân mình..". Và, như một sự cộng hưởng, ông thương dân bao nhiêu thì dân thương ông nhiều bấy nhiêu. Bà con vùng biên giới tỉnh Kon Tum, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số Dẻ Triêng, luôn xem ông là tấm gương để phấn đấu học tập. Tình cảm đó được chăm chút, được nâng niu gần như cả một đời người, nó sắt son thủy chung đến độ niềm vui, nỗi buồn của Đinh Hồng Đe chính là tâm trạng chung của cả một cộng đồng. Ông kể cho tôi nghe ngày người Dẻ Triêng ở Đắk Blô mở hội đón mừng vị Tướng Biên phòng đầu tiên của núi rừng Tây Nguyên - Đinh Hồng Đe.
Tháng 2/2004, Đại tá Đinh Hồng Đe, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Kon Tum được Đảng, Nhà nước, bổ nhiệm chức vụ Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Việt Nam và phong quân hàm Thiếu tướng. Bà con Dẻ Triêng ở vùng cực Bắc Tây Nguyên đã tổ chức lễ đâm trâu, gióng cồng chiêng mở hội trong ngày Tướng Đe "vinh quy bái tổ". Ai cũng vui và tự hào, người cầm lòng được thì nói lời chúc mừng, người yếu mềm thì chỉ biết cười trong nước mắt. Hơn 40 năm theo cách mạng, từ ngày còn là đứa trẻ mồ côi, A Đe về đây với buôn làng trong vẻ oai phong của một vị Tướng và nét nhân từ của một bà mẹ Dẻ Triêng. Khoảng cách tưởng chừng rất lớn nhưng nó chưa bao giờ tồn tại mỗi khi ông về với buôn làng. Một ngày để ông được báo công với buôn làng, bà con được uống rượu cần cho thật say để cùng vị Tướng thực hiện những nghi thức truyền thống dân tộc. Niềm tự hào ấy, tình cảm chân thành trong sáng ấy của bà con chính là lời nhắc nhở Đinh Hồng Đe về trách nhiệm của vị Tướng Biên phòng đang chờ ông ở phía trước.
Đảm nhận chức vụ Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, phụ trách địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, đối với ông vừa là niềm vinh dự, vừa là những thử thách vô cùng lớn. Đây là thời điểm bọn phản động lưu vong ráo riết chỉ đạo các ổ nhóm phản động FULRO, Tin lành Đề-ga trong nước đẩy mạnh các hoạt động chống phá chính quyền, phá hoại khối đoàn kết dân tộc, kích động người nhẹ dạ, cả tin biểu tình bạo loạn, tổ chức đưa đón người dân tộc thiểu số vượt biên trái phép. Cùng với Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Thiếu tướng Đinh Hồng Đe theo dõi sát sao các điểm nóng như xã la Chia (huyện la Grai), xã la Phôn (Đức Cơ) của tỉnh Gia Lai, xã Thuận An, huyện Đắc Min và một số thôn làng biên giới của huyện Tuy Đức, tỉnh Đắc Nông.
Là người hiểu rõ và nắm vững tình hình địa bàn, một mặt ông tập trung chỉ đạo các đồn Biên phòng coi trọng đẩy mạnh công tác vận động quần chúng, phát huy vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và tham gia xây dựng củng cố thực lực chính trị cơ sở, giúp dân xóa đói giảm nghèo và triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, cương quyết đấu tranh, đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của kẻ địch; mặt khác, ông đưa ra những ý kiến tham mưu đề xuất rất kịp thời và sâu sát giúp Đảng ủy, Bộ Tư lệnh và cấp ủy, chính quyền địa phương xử lý các vụ việc phức tạp nảy sinh, tham gia chỉ đạo đấu tranh chuyên án B905 của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng "Đấu tranh bóc gỡ các ổ nhóm phản động ngầm của FULRO trên địa bàn Tây Nguyên" góp phần lập lại trật tự trị an địa bàn.
Quan điểm của ông đối với việc xử lý các vấn đề phức tạp ở địa bàn Tây Nguyên mà cụ thể là âm mưu, thủ đoạn chống phá của bọn phản động FULRO, "Tin lành Đêga" là rất rõ ràng: Những kẻ cầm đầu ổ nhóm phản động phải cương quyết xử lý bằng biện pháp cứng rắn; còn đối với người nhẹ dạ, cả tin, trót nghe lời kẻ xấu mà có những hành vi vi phạm như vượt biên trái phép thì cần phải xem đó là "lỗi" chứ không phải "tội" của họ. Ông trăn trở: "Nhiều người dân thật thà chất phác, do nhẹ dạ nghe lời tuyên truyền nhảm nhí của bọn cầm đầu. Họ không biết làm như thế là vi phạm, vượt biên ra nước ngoài là mong kiếm cuộc sống sung sướng hơn, chứ một chữ bẻ đôi không biết thì sao làm chính trị được. Bà con bị kẻ xấu lừa thì suy cho cùng đó cũng là nạn nhân. Chúng ta phải tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, giúp mọi người nhận biết cái xấu của kẻ địch để mà tránh...".
Ông cho rằng, để an dân thì đội ngũ cán bộ cơ sở phải gần dân để thấu hiểu nguyện vọng chính đáng của nhân dân, từ đó kịp thời giải quyết những vấn đề liên quan. Cái gì trong tầm tay, trong khả năng của cán bộ cơ sở là xử lý ngay, cái gì quá tầm thì mạnh dạn tham mưu, đề xuất cấp trên giải quyết. "Nút thắt" của vấn đề phức tạp này suy cho cùng là ở đội ngũ cán bộ cơ sở. Chúng ta phải khách quan nhìn nhận, giai đoạn từ năm 2001 trở về trước, thực lực chính trị ở cơ sở của chúng ta rất yếu kém. Nhiều nơi, nhiều địa phương, cán bộ xa rời nhân dân. Thói quan liêu cộng với thái độ nhũng nhiễu của một số ít cán bộ đã làm cho khoảng cách với người dân ngày một xa hơn. Trong môi trường thế này, cái xấu rất dễ lợi dụng để lây lan trong cộng đồng. Khi thực lực chính trị cơ sở được củng cố vững chắc sẽ không có bất cứ "kẽ hở" nào để bọn phản động lợi dụng phá hoại.
Xử lý những vấn đề phức tạp liên quan đến nhân dân nói chung, hoạt động lợi dụng chính sách dân tộc, tôn giáo trên địa bàn Tây Nguyên nói riêng, Thiếu tướng Đinh Hồng Đe không bao giờ tỏ ra vội vàng. Ông luôn lấy "nhân tâm" làm gốc. Chính vì vậy, uy tín, tầm ảnh hưởng của ông có sức lan tỏa rất lớn, được cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp và bà con nhân dân tin tưởng đánh giá cao.
Công tác phối hợp tham gia quản lý, bảo vệ rừng cũng là một trong những vấn đề cá nhân Thiếu tướng, Phó Tư lệnh Đinh Hồng Đe đặc biệt quan tâm và trăn trở. Ở địa bàn Tây Nguyên, khi bàn đến chuyện quản lý, bảo vệ rừng là người ta nghĩ ngay đến giải pháp làm thế nào để ngăn chặn hai mối nguy cơ, đó là khai thác lâm sản trái phép và tình trạng phát rẫy làm nương. Ở mối nguy cơ thứ nhất chỉ cần sự cương quyết của cả hệ thống chính trị và các lực lượng chức năng, nhưng để giải quyết tình trạng phát rẫy làm nương lại là một việc hoàn toàn khác. Sinh ra từ buôn làng, lớn lên, chiến đấu và trưởng thành cũng trong vòng tay của buôn làng, Thiếu tướng Đinh Hồng Đe thấu hiểu chuyện phát rẫy làm nương của đồng bào dân tộc thiểu số đã trở thành tập quán canh tác, đã là tập quán xấu thì nhiều cái không thể xóa bỏ trong ngày một ngày hai. Mà cần có những cơ chế chính sách phù hợp để đạt được hai mục tiêu, đó là bảo đảm đủ đất sản xuất và nâng cao thu nhập cho bà con. Chỉ dựa vào lực lượng chức năng của Nhà nước thì không thể làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Mỗi chuyến công tác xuống các đơn vị cơ sở, ông không chỉ quan tâm chỉ đạo các đồn Biên phòng thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, quản lý, bảo vệ biên giới mà còn tăng cường bám nắm địa bàn, khảo sát kỹ, tìm hiểu xem hộ gia đình nào thiếu đất sản xuất để tham mưu cho chính quyền địa phương có hướng giải quyết phù hợp. Ông cho rằng, nếu tất cả hệ thống chính trị, các ban, ngành, đoàn thể, lực lượng chức năng đều "xắn tay áo" vào cuộc thì chắc chắn công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn Tây Nguyên sẽ hiệu quả hơn.
Gần 50 năm cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, tháng 6/2009, Thiếu tướng Đinh Hồng Đe được nghỉ hưu. Rời cương vị Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, nhưng bước chân người con ưu tú của đồng bào dân tộc Dẻ Triêng nơi cực Bắc Tây Nguyên vẫn chưa ngừng nghỉ. Năm 2011, Thiếu tướng A Đe được tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Kon Tum và lần thứ 2 trúng cử Đại biểu Quốc hội (khóa XIII). Vị tướng Biên phòng đầu tiên của núi rừng Tây Nguyên dẫu đã "gác ba lô", song vẫn mệt mài hành quân trên trận tuyến mới. Mỗi lần gặp gỡ chuyện trò với chúng tôi ông nói rất vui: "Tóc đã bạc rồi, nhưng đôi chân mình vẫn chưa mỏi, vẫn có thể góp chút công sức cho quê hương...".
Thiếu tướng Đinh Hồng Đe là thế, bình dị, giản đơn từ chuyện đời, chuyện nghề và cả chuyện tình yêu thời trai trẻ. Ông quen biết, tỏ tình với người yêu (giờ là người bạn đời của ông) chỉ bằng một cây mía (phong tục của người Dẻ Triêng). Lấy vợ chỉ bằng trăm bó củi hứa hôn (vẫn là phong tục của người Dẻ Triêng) nhưng hạnh phúc cứ bền chặt suốt đời. Nếu nói phong cách của Thiếu tướng Đinh Hồng Đe đơn giản bình dị, sáng trong tựa con suối chảy giữa rừng già, thì "một nửa" của ông, bà Y Nũi là người phụ nữ đảm đang, can trường như cây xà nu trên dãy Trường Sơn hùng vĩ. Trong chiến tranh, bà là nữ dân quân du kích, tham gia nhiều trận đánh giữ làng, giữ xã, rồi đảm nhận công tác xã hội ở địa phương. Hai người quen nhau, sống và chiến đấu trên cùng một chiến trường rát bỏng và thầm hứa với nhau rằng, đất nước hòa bình mới tính chuyện kết hôn.
Năm 1977, ông bà mới chính thức nên vợ nên chồng. Ngày ấy, tình hình an ninh chính trị ở Tây Nguyên vẫn còn rất phức tạp. Bọn phản động FULRO và một số tổ chức phản động lưu vong đẩy mạnh các hoạt động chống phá cách mạng, xâm nhập, nhen nhóm bạo động vũ trang dọc tuyến biên giới. Là người lính Biên phòng, ông cứ lao vào công việc, chẳng mấy khi được gần gũi động viên, chăm sóc người vợ trẻ và gia đình. Bà cứ thế, lặng lẽ chấp nhận để ông cống hiến mà chẳng hề ca thán điều gì. Mãi đến năm 1983, ông bà mới sinh cậu con trai đầu lòng. Một ngôi nhà nhỏ, rộn ràng tiếng trẻ thơ là niềm hạnh phúc vô bờ bến của ông trong những chuyến nghỉ phép ngắn ngủi về thăm gia đình... Ông bà có bốn người con, ba cậu con trai hiện nay đang công tác trong lực lượng vũ trang (hai người là sĩ quan Biên phòng và một là cán bộ Công an huyện). Cô con gái út đang là sinh viên y khoa Trường Đại học Tây Nguyên.
Con cái thành đạt, gia đình hạnh phúc là nguồn động lực, là sức mạnh để Thiếu tướng Đinh Hồng Đe tiếp tục cống hiến. Công việc tuy bận rộn, nhưng hễ có dịp là ông bà lại về với quê hương để được ngắm nhìn núi "nồi cơm" lẫn trong làn sương chiều lãng đãng, được đắm mình trong vòng xoay ngây ngất của người Dẻ Triêng, được sẻ chia, giúp đỡ những gia đình khó khăn để cùng nhau cất lên tiếng cười. Thiếu tướng Đinh Hồng Đe là vậy, đơn giản, dễ gần và luôn tràn đầy tình người. Một phong cách không thể lẫn vào đâu được để phác họa nên chân dung của A Đe - vị Tướng Biên phòng đầu tiên của các dân tộc Tây Nguyên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét