Thứ Năm, 16 tháng 1, 2025

Thiếu tướng Nguyễn Kim Khanh - Luôn thấy mình trong dáng hình đường biên Tổ quốc

 Sau 5 năm giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ông nghỉ hưu. Cứ nghĩ, đã đến lúc được thả lỏng người, duỗi chân, duỗi tay, thư giãn sau mấy chục năm công tác, vui vầy cùng gia đình, vợ con và các cháu nội, ngoại; gặp gỡ hàn huyên với đồng chí, đồng đội một thuở chung chiến hào; nhưng không, ông vẫn còn đau đáu nỗi niềm với biên cương Tổ quốc. Nhiều đêm đang ngủ, ông giật mình thức giấc, có cảm giác như vừa thấy mình đi trên những cung đường biên cương Tổ quốc, hay đang cùng đồng đội chiến đấu trên những chiến trường năm xưa.

Năm 1964, đang học cấp ba trường huyện, tròn tuổi 16 thì mẹ ông qua đời, bố ông ốm nằm liệt giường. Mỗi khi trái gió trở trời là lại đau nhức khắp mình mẩy vì hậu quả những đòn tra tấn của giặc pháp trong trận càn vào quê ông năm 1950. Nhà có 7 anh em. Người anh cả đã nhập ngũ năm 1962. Ông phải nghỉ học, trở thành lao động chính trong gia đình, làm lụng nuôi 5 em còn nhỏ ăn học và chăm sóc người cha già nay đau, mai ốm. Sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ, ngày 5/8/1964, đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh, dùng không quân và hải quân đánh phá miền Bắc. Hà Nội, Hải Phòng và một số tỉnh, thành phố khác nằm dưới tọa độ của bom trùm và pháo hạm Mỹ. Khí thế sục sôi đánh Mỹ tràn ngập trong mỗi con tim, khối óc của người Việt Nam yêu nước.

Đầu năm 1966, không thể đừng được nữa, ông nói với người cha thân yêu của mình cho được tòng quân giết giặc, thỏa chí làm trai. Và ngày 30/4/1966, ông lên đường nhập ngũ. Ông được biên chế về Tiểu đoàn 266, Trung đoàn 5, Sư đoàn 320 B, chuyên huấn luyện quân để bổ sung vào các chiến trường phía Nam. Ông hăng hái cùng đồng đội tham gia tập luyện chiến thuật bộ binh, bắn súng, hành quân dã ngoại đường xa có mang vác nặng, chờ ngày lên đường ra mặt trận.

Đơn vị ông, ngoài huấn luyện trên thao trường, anh em còn được học tập chính trị. Tinh thần cán bộ, chiến sĩ hăng hái hẳn lên, ai cũng bày tỏ nguyện vọng được vào miền Nam chiến đấu. Và rồi, niềm mong đợi đã đến. Ngày 12/11/1966, ông và đơn vị của mình lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam. Từ Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, ông và đồng đội hành quân bộ ròng rã nhiều ngày liền, vượt núi, băng rừng mới vào đến Làng Ho, tỉnh Quảng Bình.

Từ đây, đơn vị ông nhập vào đường dây 559 và bắt đầu nếm trải không khí của chiến trường. Mọi tiêu chuẩn của miền Bắc đều gác lại. Trong ba lô mọi người được bổ sung thêm súng, đạn, bông băng, các loại thuốc phòng và chữa bệnh ở chiến trường cùng với lựu đạn, cuốc xẻng, dao găm, lương khô, thuốc lọc nước uống... tiếp tục hành quân, "xẻ dọc Trường Sơn", tiến thẳng vào Kho Xanh, còn gọi là K4, ở gần Bù Gia Mập, tỉnh Phước Long (Bình Phước bây giờ). Đây là khu vực tập kết binh lực, vũ khí, trang bị từ miền Bắc vào, để rồi sau đó chi viện cho chiến trường miền Đông và miền Tây Nam bộ. Sau 6 tháng ròng rã hành quân vượt dãy Trường Sơn hùng vĩ, ông được biên chế về Trung đoàn 5, thuộc Sư đoàn 5, bộ binh (lúc ấy gọi là Công trường 5).

Từ Kho Xanh, đơn vị ông lại tiếp tục hành quân 3 ngày, 3 đêm nữa về hướng Biên Hòa, Bà Rịa, Bình Thuận, một trong những chiến trường ác liệt của miền Đông Nam bộ. Tại đây, ông được bổ sung vào Tiểu đội trinh sát của Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 5. Ngày 19/7/1967, ông tham gia chuẩn bị cho trận đánh đầu tiên, đó là cuộc đọ súng quyết liệt với Thiết đoàn 11, địch gọi là Thiết kỵ 11. Đây là trung đoàn xe tăng độc lập, được đích thân Tổng thống Giôn-xơn điều từ Mỹ sang chiến trường miền Nam Việt Nam, khoảng giữa năm 1966. Thiết đoàn này đóng quân ở Suối Râm (Long Khánh). Trong lịch sử, Thiết đoàn này đã từng tham chiến ở chiến trường châu Âu, trong chiến tranh Thế giới thứ hai.

Sáng ngày 21/7, đơn vị ông cơ động từ rừng cao su ra, chiếm lĩnh ven đường quốc lộ trong tiếng gầm rú của xe tăng và pháo 105 ly của địch. Sau những phát đạn chặn đầu, khóa đuôi của súng B.40, B.41, đội hình xe tăng Thiết đoàn 11 khựng lại, phơi mình ra làm mồi cho súng DK.75 và các loại súng khác của đơn vị ông tiêu diệt. Tiếng hô xung phong dậy đất trời của quân ta chia cắt quân Mỹ ra từng khúc, từng nhóm. Bọn bộ binh Mỹ bỏ cả xe pháo, tìm cách chạy trốn. Ông và đồng đội vác B.40, kẹp AK dũng mãnh xông lên, nhằm vào xe tăng, xe cơ giới và các toán lính Mỹ xả đạn; bắn cháy nhiều xe thiết giáp, phá hủy nhiều xe cơ giới, tiêu diệt rất nhiều sinh lực địch.

Kết thúc trận đánh, các đơn vị quân giải phóng đã bắn cháy 48 xe tăng, xe bọc thép cùng nhiều xe cơ giới khác, tiêu diệt 200 tên lính Mỹ. Đây là trận đánh được Bộ Tư lệnh Miền đánh giá cao về hiệu suất chiến đấu. Đặc biệt, nó có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc đánh gục ý chí của Thiết đoàn 11, một đơn vị bộ binh cơ giới hàng đầu của Mỹ, làm cơ sở để sau này Trung đoàn ông tiếp tục đọ sức với Sư đoàn bộ binh cơ giới số 25 - "Tia chớp nhiệt đới". Sau trận đánh ngày 21/7, ông cùng đơn vị hành quân về tập kết ở khu vực Vĩnh Cửu, Biên Hòa, với nhiệm vụ tổ chức trinh sát, tìm hiểu tình hình địch khu vực Biên Hòa, tổng kho Long Bình, chuẩn bị cho những trận đánh mới.

Đêm giao thừa Tết Mậu Thân (1968), ông và đồng đội nổ súng đánh thẳng vào sân bay Biên Hòa và tổng kho Long Bình, tiêu diệt hàng trăm tên Mỹ, ngụy, bắn cháy, phá hủy 120 máy bay và hàng trăm xe quân sự của địch. Đến tối mồng 2 Tết đơn vị mới rút về hậu cứ. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 của quân và dân toàn miền Nam đã làm đảo lộn hoàn toàn thế chiến lược của Mỹ, đẩy chúng vào thế bị động trên chiến trường, buộc Mỹ - ngụy phải xuống thang, ngồi vào bàn đàm phán với Việt Nam tại Hội nghị Paris. Trong chiến công chung ấy có sự đóng góp của tập thể đơn vị và cá nhân ông.

Từ đó cho đến năm 1969, ông còn cùng với đơn vị tiếp tục đánh hàng chục trận trên khắp chiến trường miền Đông; đọ súng với hầu hết các sư đoàn thiện chiến của Mỹ, như Sư đoàn 25 "Tia chớp nhiệt đới", Sư đoàn lính dù 101 - "Kỵ binh bay"... làm cho bọn chúng thất điên bát đảo.

Tháng 4/1970, ông được bổ nhiệm là Trung đội trưởng Trinh sát, thuộc Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 5 - Trung đoàn độc lập của R (lúc này Trung đoàn 5 đã tách ra khỏi Sư đoàn 5, thành Trung đoàn cơ động của Quân khu C.40). Ông được lệnh đi công tác cùng đoàn cán bộ của Trung đoàn với nhiệm vụ: Tổ chức trinh sát thực địa, nắm tình hình địch, tạo thuận lợi để Trung đoàn 5, cùng một số đơn vị quân giải phóng miền Nam hỗ trợ, chi viện cho lực lượng nổi dậy của cách mạng Campuchia. Lúc bấy giờ, ở Campuchia, bọn Lon Non đã làm đảo chính, lật đổ chính quyền của Xihanúc, dựng lên một chính phủ thân Mỹ. Trên suốt dọc biên giới Việt Nam - Campuchia, chính quyền Lon Non theo lệnh của quan thầy Mỹ, đã xua quân đánh phá nhiều căn cứ hậu cần của quân giải phóng. Ngụy quyền Sài Gòn cũng hùa theo chúng, mở nhiều cuộc càn quét quy mô lớn vào các căn cứ của ta, hòng thu hẹp dần vùng giải phóng.

Tuy bị lật đổ, nhưng Xihanúc cũng đã kịp thời tổ chức thành lập Mặt trận dân tộc Thống nhất Campuchia, kêu gọi Việt Nam ủng hộ, giúp đỡ. Trung ương xác định, giúp Bạn cũng là tự giúp mình, nhiệm vụ của chúng ta là phải sát cánh cùng nhân dân và Mặt trận dân tộc Thống nhất Campuchia tiêu diệt bọn Lon Non - Sirích Matắc, giải phóng đất nước này, cứu nguy cho nhân dân Bạn. Sau nhiều ngày điều tra, trinh sát các mục tiêu bên đất Campuchia, đêm mồng 5/5/1970, Trung đoàn của ông được lệnh nổ súng tiến công thị xã Cơrachê, tỉnh Cơrachê, giải phóng tỉnh này. Phối hợp với đơn vị của ông, các sư đoàn, trung đoàn của quân giải phóng miền Nam cũng đồng loạt tiến công và giải phóng một loạt các tỉnh vùng Đông Bắc Campuchia như Stung Treng, Mun Đô Ky Ry, Rát Ta Na Ky Ry, Công Pông Chàm...

Tính đến hết tháng 5/1970, một phần ba lãnh thổ Campuchia, với hơn hai triệu dân đã được các đơn vị quân giải phóng miền Nam Việt Nam giải phóng hoàn toàn khỏi chế độ Lon Non và bàn giao lại cho Mặt trận dân tộc Thống nhất Campuchia quản lý. Riêng đơn vị ông, cuối tháng 5/1970, còn nhận lệnh vượt sông Mê Kông, tiến công và giải phóng tỉnh Công Pông Thom, Xiêm Riệp. Năm 1972, ông được bổ nhiệm làm Tiểu đoàn phó, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 201, có nhiệm vụ vượt qua Biển Hồ, cùng với toàn Trung đoàn đánh vào tỉnh Pua Xát. Khi chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mở màn, lúc ấy ông là Trưởng ban Tác chiến của Trung đoàn 201. Đơn vị ông trở về nước, có nhiệm vụ tiến công giải phóng Chi khu Bến Cầu; rồi ngày 29/4/1975, tiến công giải phóng thị xã Hậu Nghĩa (Long An), mở cửa cho Sư đoàn 9 tiến vào giải phóng Sài Gòn.

Nhớ lại những ngày hành quân, chiến đấu gian khổ, ác liệt ở chiến trường miền Đông và bên đất bạn Campuchia, ông bồi hồi, xúc động, giọng chùng xuống khi nhắc đến những người chỉ huy, đồng chí, đồng đội, bà con cô bác một thời đồng cam cộng khổ với ông, với bộ đội "Miền Đông gian lao mà anh dũng". Không biết giờ đây ai còn ai mất. Ông bảo: Ở nơi gian khổ, ác liệt, cái sống, cái chết không có ranh giới, không ai lường trước được, mới thấy quý giá biết bao tình đồng chí, đồng đội, mới thấy hết giá trị của ngụm nước, miếng lương khô chia sẻ, nhường nhau giữa bom chùm, pháo bầy nổ đinh tai, nhức óc; giữa lúc giặc càn quét, bao vây tứ bề.

Nhìn vị Tướng dạn dày trận mạc một thời, tôi khẽ hỏi: Thưa chú, thời điểm chú được chuyển sang lực lượng Công an nhân dân vũ trang là năm nào? Có ấn tượng gì sâu sắc không? Ông nhìn tôi một lát, rồi hồ hởi, phấn chấn kể: Mình chuyển sang lực lượng Công an nhân dân vũ trang hoàn toàn bị bất ngờ và khi ấy cũng không biết Công an nhân dân vũ trang là quân, binh chủng nào. Vào độ tháng 7/1976, lúc đó đơn vị đang đóng quân ở Đồn điền Cao su Phú Riềng, tôi đang là Trưởng ban Tác chiến của Trung đoàn 201, Quân khu C.40 miền Đông Nam bộ. Một hôm, chiếc xe tải của cấp trên đến đón tôi đi. Tôi hỏi, đi đâu? Có người trả lời: Theo chỉ thị của cấp trên, ông cùng với một số đồng chí khác được điều động chuyển sang lực lượng Công an nhân dân vũ trang. Xe chạy đẫy một ngày đường rồi "đổ" tôi xuống một đơn vị ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Xuống xe, nhìn thấy dòng chữ viết trên cổng doanh trại "Công an nhân dân vũ trang - Trường Sĩ quan Biên phòng 2", lúc ấy tôi mới biết, mình đã được chuyển hẳn sang lực lượng này.

Tết Nguyên đán năm Kỷ Mùi (1979), sau nhiều cái Tết xa nhà đi chiến đấu, ông may mắn được nghỉ phép, về quê sum họp với gia đình. Ngày 17/2/1979, ông đang cùng người thân đi xuống thị xã Thái Bình (thành phố Thái Bình ngày nay), bất ngờ nghe được lời phát thanh viên của Đài Tiếng nói Việt Nam thông báo: Trung Quốc phát động cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía Bắc và tiếp sau đó là lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ông sững sờ, bàng hoàng, lát sau mới nói được với người nhà cùng đi: "Về thôi, em phải trở lại đơn vị ngay. Theo điều lệnh của quân đội khi đất nước có chiến tranh, là quân nhân, bất kỳ đang ở đâu, cũng phải có mặt ngay tại đơn vị".

Ngày 18/2/1979, ông tạm biệt gia đình, sang ga Nam Định "nhảy" tàu hỏa vào Nam, rồi đi về Trường Sĩ quan Biên phòng 2, lúc đó đóng ở phường Thắng Nhất, thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ngày nay). Về Trường Sĩ quan Biên phòng 2, ông được Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang giao giữ chức Tiểu đoàn trưởng, Tiểu đoàn 2, Tiểu đoàn học viên đào tạo sĩ quan.

Trước đó, cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam nước ta, mà đỉnh cao là cuộc tổng tiến công của lực lượng quân tình nguyện Việt Nam, phối hợp với lực lượng vũ trang của Mặt trận dân tộc thống nhất cứu quốc Campuchia tiến vào thành phố Phnôm Pênh, dinh lũy cuối cùng của chế độ diệt chủng Pol Pot - lêngxary, đã tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân Campuchia vùng lên, đập tan chính quyền phản động, lập nên nước Cộng hòa nhân dân Campuchia dân chủ, ngày 7/1/1979.

Sau khi giúp đỡ nhân dân Campuchia tiến hành chiến tranh giải phóng thắng lợi, thực hiện Hiệp ước hòa bình, hữu nghị và hợp tác giữa hai nước ký ngày 18/12/1979, một bộ phận Quân tình nguyện Việt Nam đã tham gia giúp nhân dân Campuchia xây dựng cuộc sống mới, bảo vệ chính quyền cách mạng còn non trẻ, bảo vệ độc lập chủ quyền đất nước. Cùng với các đơn vị Quân đội, các đơn vị của lực lượng Công an nhân dân vũ trang - Bộ đội Biên phòng, là một thành phần của Quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia.

Được Trung ương giao nhiệm vụ, Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng ngày nay) đã khẩn trương xúc tiến thành lập 8 Trung đoàn Biên phòng sang Campuchia giúp Bạn. Trong đó, Trung đoàn 14 Bộ đội Biên phòng được thành lập tháng 3/1979. Ông được điều động và bổ nhiệm giữ chức Tiểu đoàn trưởng, Tiểu đoàn 220, thuộc Trung đoàn 14. Tiểu đoàn này gồm có 3 đại đội bộ binh và một đại đội hỏa lực (cối 82 ly và đại liên). Ban Chỉ huy Trung đoàn 14 lúc ấy gồm: Thiếu tá Đỗ Quang Viết, nguyên là Trưởng phòng Tổ chức, Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang, làm Chính ủy; Đại úy Đỗ Cường, nguyên là Phó Chỉ huy trưởng Công an nhân dân vũ trang tỉnh Long An, làm Trung đoàn trưởng; Thượng úy Thượng Minh Triều, quê ở Bình Định, làm Phó Trung đoàn trưởng. Đây là lần thứ hai ông có dịp trở lại chiến trường Campuchia.

Nhiệm vụ và màu quân hàm trên vai áo ông tuy có thay đổi, nhưng nghĩa vụ quốc tế cao cả vẫn là một trọng trách thiêng liêng đối với mỗi người lính như ông. Sau hơn chục ngày hành quân, bằng đủ loại phương tiện, lúc bằng tàu thủy, khi đi ô tô, rồi lại cuốc bộ, cuối cùng đơn vị ông đến điểm tập kết ở tỉnh Pua Xát, sát biên giới Campuchia - Thái Lan. Tại đây, Trung đoàn 14 nhận nhiệm vụ phối thuộc với Sư đoàn 341, Quân đoàn 4, thay vị trí chốt giữ cho Trung đoàn 250 của Sư đoàn này đi làm nhiệm vụ khác. Cả trung đoàn (lúc ấy mới chỉ có hai Tiểu đoàn là 220 và 218 - trung đoàn thiếu), thay thế cho cả một sư đoàn, nằm lọt thỏm ở khu vực biên giới của Bạn, vừa làm nhiệm vụ truy quét tàn quân Pol Pot, vừa thực hiện công tác biên phòng giúp Bạn.

Mùa mưa ở Pua Xát, nước tuôn xối xả, trời âm u, "mưa thối đất, thối cát". Mùa khô thì nắng như rang, mặt đất khô như chiếc bánh tráng khổng lồ. Bọn Pol Pot lại liên tục phục kích, cài mìn, gây thương vong cho bộ đội ta. Bộ đội của ông nhiều người bị cái đói, cái khát, sốt rét ác tính quật ngã. Một số bị hy sinh do bọn Pol Pot tập kích, phục kích và dính mìn của chúng. Nhắc đến những ngày tháng gian nan ấy, ông kể cho tôi nghe chuyện về một Phân đội chiến đấu của Tiểu đoàn, được cử đi truy quét tàn quân Pol Pot, bị mất liên lạc, gần 40 ngày nhịn đói, nhịn khát, bị sốt rét ác tính hành hạ trong rừng sâu biên giới. Đến lúc ông và đơn vị tìm được, anh em chỉ còn da bọc xương, thân hình khẳng khiu, khô đét, đen đúa trong những bộ quân phục rộng thùng thình, rách rưới.

Mười năm (từ 1979 đến 1989), Trung đoàn 14 Bộ đội Biên phòng chiến đấu ở địa bàn rừng núi biên giới tỉnh Pua Xát, Campuchia, là mười năm cực kỳ gian khổ, khó khăn, ác liệt, đầy những thử thách khắc nghiệt đối với cán bộ, chiến sĩ nhưng cũng là mười năm Trung đoàn chiến đấu, hy sinh, phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành. Trung đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Bộ Tư lệnh giao cho, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân vũ trang - Bộ đội Biên phòng anh hùng. Trung đoàn của ông đã được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Từ một đơn vị Công an nhân dân vũ trang chuyên đánh địch bằng các biện pháp nghiệp vụ, trưởng thành dần theo năm tháng, đến chiến dịch mùa khô năm 1984-1985, Trung đoàn 14 do ông làm Trung đoàn trưởng đã được Sư đoàn 339, Quân khu 9 tin tưởng, giao nhiệm vụ đảm nhận hướng tiến công chủ yếu của Sư đoàn trong chiến dịch KT.85. Khi đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đợt 1 của chiến dịch, cũng là lúc ông được Bộ Quốc phòng triệu tập về học ở Học viện Quân sự cấp cao. Thấy chiến dịch chưa hoàn thành, cán bộ chỉ huy Trung đoàn đang thiếu, ông đã đề nghị Sư đoàn cho ở lại để tiếp tục chiến đấu. Kết thúc chiến dịch, ông từ giã Trung đoàn, khoác ba lô ra Học viện Quân sự cấp cao, vào học khóa 7, đào tạo cán bộ chỉ huy chiến dịch, chiến lược, chậm hơn mọi người 1 tháng. Tháng 7/1987, tốt nghiệp Học viện, ông được Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng bổ nhiệm làm Trưởng khoa, Khoa Quân sự - Biên phòng, Trường Trung cao Biên phòng, sau này là Hệ Đào tạo sau đại học của Học viện Biên phòng.

Những năm ấy, Trường Trung cao Biên phòng mới được thành lập, với nhiệm vụ chủ yếu là bổ túc và đào tạo nâng cao cho cán bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh, thành phố, với 3 chuyên ngành cơ bản: Tham mưu, Chính trị và Trinh sát Biên phòng. Đội ngũ giáo viên của nhà trường rất thiếu. Thủ trưởng Bộ Tư lệnh, thủ trưởng các Cục thay phiên nhau xuống giảng bài. Tài liệu học tập và giáo trình giảng dạy còn sơ khai. Chuyên ngành Chính trị thì sử dụng tài liệu của Học viện Chính trị Quân sự, Học viện Nguyễn Ái Quốc (Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh ngày nay), chỉ biên soạn bổ sung phần thực tiễn của Bộ đội Biên phòng. Tài liệu giảng dạy của chuyên ngành Trinh sát Biên phòng thì dùng tài liệu của trường Đại học An ninh nhân dân (nay là Học viện An ninh nhân dân, Bộ Công an), có sử dụng thêm phần "âm binh" của Bộ đội Biên phòng, do Trung tướng - Tư lệnh Đinh Văn Tuy trực tiếp biên soạn và giảng dạy.

Khó nhất là tài liệu giảng dạy chuyên ngành Tham mưu Biên phòng. Tài liệu tham khảo duy nhất chỉ có tài liệu của Bộ đội Biên phòng Liên Xô, nhưng không hoàn toàn phù hợp với thực tiễn của Bộ đội Biên phòng Việt Nam. Dựa trên những kinh nghiệm được đúc kết trong gần 30 năm công tác, chiến đấu của lực lượng Bộ đội Biên phòng và các bản tổng kết công tác hằng năm, Bộ Tư lệnh giao cho Thiếu tướng Trịnh Trân (sau này là Trung tướng, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng), khi ấy là Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng, biên soạn thành tài liệu giảng dạy của nhà trường. Đây là tập tài liệu còn sơ khai, nhưng nó vô cùng quý giá, là xương sống cho toàn bộ nội dung đào tạo chuyên ngành Tham mưu Biên phòng, không chỉ cho thời điểm đó, mà còn nguyên giá trị cho đến tận bây giờ.

Là Trưởng khoa, được trực tiếp nghiên cứu tài liệu này, đồng thời có nhiều lần cắp cặp làm trợ giảng cho Thiếu tướng Trịnh Trân, ông đã nhận ra, tài liệu này mới giải quyết được phần lý luận về công tác quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, còn phần thực hành chưa được đề cập đến. Một lần theo Phó Tư lệnh Trịnh Trân trợ giảng, lúc hết giờ ông mạnh dạn đề xuất: "Báo cáo Thủ trưởng, tôi đã theo Thủ trưởng giảng bài nhiều lần và đã nghiên cứu khá kỹ tài liệu, cộng với băn khoăn thắc mắc của học viên, tôi thấy nội dung bài giảng phần lý luận rất tốt, sát với thực tế, nhưng nếu chỉ có vậy thì khi về đơn vị anh em chưa làm được, cần phải có phần hướng dẫn thực hành nữa mới hoàn chỉnh".

Thiếu tướng Trịnh Trân nhìn ông, mỉm cười khen ngợi: "Đồng chí phát hiện rất chính xác. Đúng là như thế. Để hoàn thiện tài liệu này, cần phải biên soạn thêm phần bài tập thực hành, trong đó có hướng dẫn hành động cụ thể của người chỉ huy Biên phòng tỉnh, thành phố, của các cơ quan khi tổ chức chỉ huy bảo vệ biên giới trong các trạng thái chiến đấu. Tức là nhiệm vụ cụ thể của từng chức danh. Đồng thời, phải hướng dẫn họ soạn thảo các văn kiện tác chiến của công tác Tham mưu, Trinh sát, Chính trị, Hậu cần, bảo đảm khi học xong về đơn vị, anh em mới làm được, rồi từng bước hoàn thiện các thể loại văn kiện công tác cho toàn lực lượng".

Ngừng một lát, Thiếu tướng Trịnh Trân nói tiếp: "Đúng là phải như thế đấy, nhưng bây giờ ai biên soạn?". Ông quả quyết. "Thủ trưởng cứ giao cho nhà trường, khoa tôi sẽ làm được ạ". Được Thủ trưởng Bộ Tư lệnh đồng ý, ông đã cùng với tập thể cán bộ, giáo viên trong khoa tập trung sức lực nghiên cứu, biên soạn phần bài tập thực hành với những kịch bản được rút ra từ thực tiễn công tác, chiến đấu của Bộ đội Biên phòng, sau đó cho tiến hành diễn tập thử nghiệm. Cũng may, giáo viên trong khoa của ông hầu hết đã qua đào tạo bài bản ở Học viện Lục quân, ở Đại học An ninh, nên công việc biên soạn diễn ra suôn sẻ. Trong quá trình biên soạn phần thực hành, ông và tập thể giáo viên trong khoa luôn nhận được sự chỉ đạo sát sao của Bộ Tư lệnh, Ban Giám hiệu nhà trường, sự động viên khích lệ của Thủ trưởng Cục Tham mưu Bộ đội Biên phòng, nên đã nhanh chóng hoàn thành công việc.

Trước khi khai giảng Khóa Il, đào tạo Trung cao Biên phòng, ông và tập thể Khoa Quân sự - Biên phòng đã báo cáo toàn bộ nội dung tài liệu, kịch bản diễn tập công tác Tham mưu Biên phòng với Bộ Tư lệnh. Nghe xong, Thiếu tướng Trịnh Trân rất vui mừng, ông cho ý kiến thêm về một số điểm cho hoàn chỉnh, sau đó phê chuẩn ngay. Có tài liệu giáo trình hoàn chỉnh cả phần lý luận và thực hành công tác Tham mưu Biên phòng, ông và tập thể giáo viên trong khoa đã đưa vào giảng dạy cho rất nhiều khóa học của nhà trường. Hằng năm, tài liệu này vẫn liên tục được bổ sung, chỉnh sửa cho phù hợp với thực tiễn công tác, chiến đấu của Bộ đội Biên phòng. Hiện nay, tài liệu này đã được biên tập thành Điều lệ công tác Tham mưu, Tác chiến của Bộ đội Biên phòng.

Năm 1990, ông được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng trường Đại học Biên phòng kiêm Hệ trưởng Hệ Trung cao Biên phòng (thời gian này, trường Trung cao Biên phòng đặt trực thuộc trường Đại học Biên phòng và đổi tên thành Hệ Trung cao Biên phòng). Lúc này, mối quan tâm lớn nhất của ông vẫn là làm sao nâng cao được trình độ của đội ngũ giáo viên đáp ứng với yêu cầu đào tạo. Cũng thời điểm đó, có một nghịch lý là: Trường Đại học Biên phòng, nơi đào tạo ra những sĩ quan có trình độ đại học, nhưng hầu hết giáo viên cũng chỉ có bằng tốt nghiệp Sĩ quan Biên phòng, Sĩ quan An ninh, Sĩ quan Chính trị, Sĩ quan Lục quân. Riêng Khoa Quân sự chung Biên phòng của Hệ Trung cao có được vài người tốt nghiệp Học viện Lục quân Đà Lạt.

Cả trường Đại học lúc ấy chỉ mình ông có bằng tốt nghiệp Học viện Quân sự cấp cao, nhưng văn bằng này đem đối chiếu vài quy chuẩn hệ thống bằng cấp quốc gia thì chẳng tương đương với bằng cấp nào. Không chỉ riêng Bộ đội Biên phòng, thời điểm đó tình trạng chung của các Trường Quân đội là như vậy. Ngay cả những người thầy của ông ở Học viện Quân sự cấp cao, được cấp bằng tốt nghiệp ở Học viện Vôlôxilốp, Phrunde, Học viện Chính trị mang tên Lênin (Liên Xô trước đây), cũng trong tình trạng ấy. Sau này, ngành Khoa học Quân sự được cấp mã ngành đào tạo phù hợp với tiêu chí chung, các thầy của Trường mới được đặc cách phong học hàm Phó Giáo sư, Giáo sư.

Tình trạng "lấy cơm chấm cơm" này diễn ra khá lâu, nhưng chưa có cách gì khắc phục. Ông đã bàn với Đại tá Đặng Quang Trung, lúc đó là Phó Hiệu trưởng, Bí thư Đảng ủy và Đại tá Nguyễn Thành Lũy, Hiệu trưởng nhà trường đi đến thống nhất một quan điểm: Cần phải có một nghị quyết chuyên đề về bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, không thể để một trường đại học mà lại không một ai có học vị Thạc sĩ, Phó Tiến sĩ, Tiến sĩ và học hàm Phó Giáo sư, Giáo sư như thế này mãi được. Đây là thời điểm có nhiều yếu tố thuận lợi để ông cùng Ban Giám hiệu nhà trường thực hiện chủ trương trên.

Lúc bấy giờ, Trung ương Đảng, Đảng ủy Quân sự Trung ương đã ban hành các nghị quyết về công tác giáo dục đào tạo trong Quân đội, tạo điều kiện cho các nhà trường trong Quân đội gửi cán bộ đi đào tạo chuẩn để nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên trong các nhà trường, trong đó có Đại học Biên phòng. Vì vậy, việc ban hành nghị quyết nâng cao trình độ học vấn cho cán bộ, giáo viên nhà trường vào thời điểm này là rất phù hợp. Do có chung một ý nghĩ, một niềm trăn trở, nên ý kiến của ông được mọi người đồng tình, ủng hộ. Khi đưa ra bàn trong Thường vụ, trong Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường, chủ trương này nhanh chóng được thống nhất và đồng thuận cao.

Tuy nhiên, khi tổ chức thực hiện thì lại không thuận lợi, một phần do giáo viên không ai muốn đi học, phần khác, đời sống của anh em giáo viên lúc bấy giờ rất khó khăn, gia đình túng bấn... Để giải quyết thực trạng trên, cuối năm 1993, ông đề nghị: Cần phải có người trong Ban Giám hiệu đi học trước, làm gương cho anh em theo. Ông đề nghị Thường vụ Đảng ủy, Ban Giám hiệu báo cáo Đảng ủy, Bộ Tư lệnh bố trí người thay ông để ông đi học cao học, từ đó làm tiền đề cho nhà trường lên kế hoạch cử cán bộ, giáo viên đi đào tạo tiếp. Lúc đó Tư lệnh Trịnh Trân, vốn là người có tầm nhìn xa, quan tâm đến sự phát triển lâu dài của lực lượng, khi nhận được báo cáo của nhà trường, Tư lệnh đã đồng ý ngay. Trung tướng Trịnh Trân yêu cầu Phòng Cán bộ liên hệ với Học viện Quân sự cấp cao xin bổ sung ông vào học. Và thế là ông bàn giao công việc, lại khoác ba lô vào trường, ngồi học gần hai năm nữa, trong bối cảnh gia đình ông đang còn nhiều vất vả, khó khăn.

Tháng 1/1995, ông bảo vệ thành công Luận văn Thạc sĩ với Đề tài "Hoạt động chiến đấu của Bộ đội Biên phòng trong khu vực phòng thủ". Thời điểm ấy, nghệ thuật quân sự của ta đang tập trung nghiên cứu khu vực phòng thủ tỉnh, thành, quận, huyện. Luận văn Thạc sĩ của ông đã đi sâu giải quyết những vấn đề về vai trò, vị trí của Bộ đội Biên phòng tỉnh, thành phố và các đồn Biên phòng trong khu vực phòng thủ, bảo vệ biên giới; đã chỉ ra những nội dung mà Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh, thành phố và Đồn trưởng đồn Biên phòng phải làm khi địa phương chuyển các trạng thái sẵn sàng chiến đấu, đồng thời nêu lên những biện pháp cụ thể của Bộ đội Biên phòng trong thực hành chiến đấu, chống chiến tranh xâm lược theo khả năng, nhiệm vụ của mình.

Luận án của ông được hoàn thành vào thời điểm lực lượng Bộ đội Biên phòng chuẩn bị chuyển từ Bộ Nội vụ sang Bộ Quốc phòng và là tài liệu duy nhất (tính đến thời điểm ấy), về Bộ đội Biên phòng của Học viện Quân sự cấp cao. Vì thế, Luận văn Thạc sĩ của ông lúc đó mang tính thời sự nóng hổi, đồng thời là cơ sở để bổ sung vào hệ thống lý luận của Học viện về nghệ thuật quân sự, trong đó có nghệ thuật sử dụng các quân, binh chủng và Bộ đội Biên phòng trong các loại hình chiến dịch, cũng như trong tác chiến phòng thủ cấp tỉnh, thành phố. Được các thầy ở Học viện Quân sự cấp cao đánh giá rất cao, công trình nghiên cứu, Luận án Thạc sĩ của ông đã đạt loại xuất sắc.

Buổi bảo vệ Luận văn đã làm ông thật sự xúc động. Hôm ấy, cán bộ, giáo viên của trường Đại học Biên phòng và cơ quan Bộ Tư lệnh tham dự rất đông. Mọi người rất vui vì lần đầu tiên, lực lượng Bộ đội Biên phòng có một Thạc sĩ Khoa học Quân sự. Các thầy ở Học viện, trong đó có cả Thiếu tướng Cao Thượng Lương (nguyên là Cục trưởng, Cục Chính trị Công an nhân dân vũ trang), là người trực tiếp hướng dẫn ông làm Luận án, đã đề nghị ông tiếp tục nghiên cứu, nâng cao thành công trình Luận văn Tiến sĩ. Nhưng lúc ấy do điều kiện gia đình ông còn rất khó khăn, vả lại nhiệm vụ của Nhà trường đang cần ông trở lại chung tay gánh vác, vì thế, ông đành dừng lại việc học hành để trở về trường tiếp tục công tác.

Trong thời gian ông đi học Cao học tại Học viện Quân sự cấp cao, Bộ Tư lệnh cũng cử 4 người đi nghiên cứu sinh tại Học viện Chính trị Quân sự. Đây là những nhân tố đầu tiên thúc đẩy phong trào bồi dưỡng, nâng cao trình độ học vấn cho đội ngũ giáo viên của trường Đại học Biên phòng và cho cả lực lượng Bộ đội Biên phòng. Đồng thời, để động viên cán bộ đi học sau đại học, Bộ Tư lệnh quyết định hỗ trợ kinh phí, kết hợp với động viên tư tưởng. Từ đó, những năm sau Bộ đội Biên phòng có nhiều người nữa được gửi đi học Cao học tại Học viện An ninh nhân dân, Học viện Cảnh sát nhân dân, Học viện Chính trị Quân sự. Cứ thế, hàng năm Nhà trường lại có thêm người đi học sau đại học ở các Học viện trong và ngoài quân đội.

Tính từ ngày đó cho đến nay, chưa đầy 20 năm, nhà trường đã có hơn bốn mươi Tiến sĩ, một Giáo sư, hơn một chục Phó Giáo sư, với đủ các chuyên ngành về khoa học quân sự, khoa học quản lý, bảo vệ biên giới, tâm lý học, triết học, chủ nghĩa xã hội khoa học. Đây là yếu tố quan trọng để Học viện Biên phòng ngày nay đủ năng lực tự đào tạo được Thạc sĩ, Tiến sĩ khoa học, với 3 chuyên ngành: Quản lý biên giới, Quản lý cửa khẩu và Trinh sát Biên phòng. Trong thành tựu chung ấy, có công lao đóng góp rất lớn của ông. Nghĩ lại những ngày tháng đó, ông tâm sự: Khi đã có nghị quyết đúng, biện pháp thực hiện chu đáo, có chính sách phù hợp, cán bộ đầu tàu gương mẫu, thì nghị quyết sẽ thực sự đi vào cuộc sống và gặt hái được những thành công.

Cuối năm 1995, ông được cấp trên bổ nhiệm giữ chức Phó Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng. 2 năm sau, tháng 7/1997, ông được bổ nhiệm giữ chức Tham mưu trưởng lực lượng. Trước khi nhận nhiệm vụ ở Bộ Tham mưu Bộ đội Biên phòng, một lần nữa ông lại cắp sách đi học. Lần này thì ngắn hơn, chỉ phải ngồi vài tháng ở Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia. Học xong, ông về Bộ Tham mưu Bộ đội Biên phòng nhận nhiệm vụ. Từ trước đến nay, ông toàn công tác ở đơn vị chiến đấu, nhà trường. Nay về làm việc ở cơ quan chỉ huy tham mưu của Bộ Tư lệnh, cái gì ông cũng thấy lạ lẫm. Rất thuận lợi là ông được sống và công tác trong một tập thể Bộ Tham mưu có nhiều kinh nghiệm trong chỉ huy, chỉ đạo, điều hành, một tập thể đoàn kết, nhất trí cao trong mọi công việc. Mọi người đã giúp đỡ ông rất chu đáo, tận tình.

Ông được phân công trực tiếp phụ trách khối Tác chiến của cơ quan, gồm: Phòng Tác chiến, Phòng Quản lý biên giới Việt-Trung, Phòng Quản lý biên giới Việt - Lào, Việt Nam - Campuchia, Phòng Cửa khẩu (sau này mới nâng lên thành Cục Cửa khẩu Bộ đội Biên phòng). Về công tác ở Bộ Tham mưu, ông có điều kiện đi gần như khắp các đồn Biên phòng trong cả nước. Nhờ sâu sát thực tế, đồng thời kết hợp với lý luận được tích lũy trong những năm công tác, học tập ở nhà trường, nên ông đã đề xuất với Bộ Tư lệnh nhiều chủ trương chính xác, đúng đắn, kịp thời. Với tính cách cởi mở, thân tình, cộng với quá trình công tác dày dạn kinh nghiệm, ông được cả cơ quan yêu mến, tin tưởng.

Những năm 90 của thế kỷ trước, tình hình trên các tuyến biên giới nước ta diễn ra vô cùng sôi động và phức tạp. Đặc biệt, tuyến Việt - Trung nổi lên tình trạng Trung Quốc xâm canh, xâm cư, lấn chiếm lãnh thổ nước ta, đã tạo nên những "điểm nóng", điểm tranh chấp thường xuyên trên biên giới. Các tỉnh có nhiều "điểm nóng" như Quảng Ninh, Lạng Sơn và Cao Bằng. Chủ trương của Đảng, Nhà nước ta là mong muốn sớm bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, vì vậy mọi vấn đề trên biên giới đều được chỉ đạo giải quyết bằng thương lượng đàm phán, nhất quán với quan điểm: Giữ vững độc lập, chủ quyền, kiềm chế, tránh khiêu khích, xung đột vũ trang.

Ngày 7/11/1991, ta với Trung Quốc ký Hiệp định tạm thời về giải quyết các vụ việc trên biên giới, đồng thời tiến hành chuẩn bị mọi mặt cho công tác đàm phán để tiến tới ký kết Hiệp định biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc và Hiệp ước phân giới cắm mốc trên tuyến biên giới Việt - Trung. Trước khi đàm phán, hai bên đã thống nhất chủ trương: Giữ nguyên trạng biên giới, không bên nào được làm thay đổi hiện trạng trên biên giới đất liền giữa hai quốc gia đang quản lý.

Để chuẩn bị cho công tác đàm phán, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã chỉ đạo tiến hành khảo sát lại toàn bộ tuyến biên giới Việt - Trung. Bộ Tham mưu là cơ quan chủ trì giúp Bộ Tư lệnh tổ chức triển khai kế hoạch khảo sát trên toàn tuyến. Một trong những điểm khảo sát căng thẳng nhất là khu vực cửa sông Bắc Luân, Móng Cái, Quảng Ninh. Ở khu vực này tranh chấp quyết liệt nhất là bãi Tục Lãm. Cách bãi Tục Lãm vài cây số ra hướng biển là hòn Tài Xẹc. Đây là một đảo nhỏ thuộc về đất ta theo Hiệp ước Pháp - Thanh năm 1385. Nhưng năm 1958, Trung Quốc xây dựng hệ thống 8 cột đèn dẫn đường trên sông Bắc Luân, đã nghiễm nhiên coi hòn Tài Xẹc là của họ. Đầu tháng 5/1996, họ ngang nhiên đưa vật liệu ra xây một cột bằng đá ở giữa hòn đảo này.

Sau khi nghe Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh báo cáo, ngày 1/6/1998, ông trực tiếp xuống Đồn Biên phòng số 3 ở Tràng Vĩ, cùng chỉ huy đồn đi xuống dọc sông Bắc Luân kiểm tra các vị trí nhạy cảm như hòn Tài Xẹc, hòn Chim Lợn, bãi Tục Lãm, để vừa nghiên cứu thực địa, đồng thời thăm dò phản ứng của Trung Quốc. Đặt chân lên hòn Tài Xẹc, ông nhận thấy, đúng là Trung Quốc đã xây ở đây một cột bằng đá với xi măng cát. Mỗi viên đá có kích thước 40 x 25 x 7cm, chân cột mỗi bề dài 2 mét. Ông chỉ đạo Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh bí mật tổ chức phá bỏ cột đá, xóa hết dấu vết. Nhờ cách làm đó của ông, sau này khi ký Hiệp định về phân giới cắm mốc, ta vẫn giữ nguyên vẹn được hòn Tài Xẹc.

Công tác phân giới, cắm mốc trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia lúc bấy giờ cũng phức tạp không kém biên giới phía Bắc. Năm 1873, các chuyên gia Pháp và Cao Miên đã tiến hành khảo sát, hoạch định biên giới giữa Nam kỳ và Cao Miên. Từ năm 1876 đến năm 1896, đã phân giới và cắm được một số mốc tuần tự từ Hà Tiên lên phía Bắc, chạy qua 9 tỉnh của Campuchia và 10 tỉnh của Việt Nam, trong đó đã xây dựng được một số cột mốc bằng gạch trên các trục đường chính. Qua những năm tháng chiến tranh liên miên, dấu vết của các cột mốc này nhiều chỗ không còn. Biên giới qua các tỉnh từ Long An đến Kiên Giang, vào mùa nước nổi thì coi như không còn phân biệt được đâu là biên giới nữa.

Đoạn biên giới thuộc tỉnh Tây Ninh, là nơi có nhiều điểm tranh chấp nhất giữa Việt Nam và Campuchia. Quan hệ của các đồn Biên phòng hai bên cũng không được tốt. Tại địa bàn Đồn Biên phòng 853 (Vàm Trảng Trâu), Tây Ninh, phía Campuchia đã có lần nổ súng vào lực lượng tuần tra của đồn Biên phòng và nhân dân ta đang sản xuất. Trước tình hình phức tạp ở Tây Ninh, Bộ Tư lệnh yêu cầu Bộ Tham mưu phải kiểm tra và đề xuất đối sách, xử lý.

Một lần nữa, ông lại lên đường đến với những nơi cam go, phức tạp. Vào Tây Ninh, ông gặp Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên Phòng Tây Ninh lúc ấy là anh Ba Phúc. Anh Phúc đã đưa ông lên Đồn Tân Phú (anh Phúc từng là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 218, Trung đoàn 14 với ông). Đối diện với Đồn Biên phòng Tân Phú là đồn Biên phòng của Campuchia đóng tại xã luông Chrây. Nơi đây chưa cắm được mốc phân giới, vì còn có nhận thức khác nhau. Ở đây có phum Róc Rách, nằm sát biên giới. Phum này có nhà ông Hêng Xom Rin, Chủ tịch Đảng nhân dân Campuchia. Phía Bạn cho rằng, biên giới hiện tại chạy qua chân cầu thang nhà ông Hêng Xom Rin là không được, nếu để như vậy họ sẽ bị mất đất cho Việt Nam.

Hôm ấy, làm việc với Ban Chỉ huy đồn xong, ông cùng Đồn trưởng ra biên giới quan sát tình hình. Ông đề nghị Chỉ huy đồn liên hệ để ông sang làm việc trực tiếp với đồn Biên phòng của họ. Ông đến tận chân cầu thang nhà ông Hêng Xom Rin xem xét. Trước mắt, ông đề nghị hai đồn Biên phòng thống nhất, thỏa thuận với nhau, thường xuyên tiến hành trao đổi tình hình giữa hai bên biên giới; cùng nhau giải quyết những vấn đề nảy sinh ở cấp đồn, còn ông sẽ về báo cáo Bộ Tư lệnh cho ý kiến chỉ đạo. Sau đó ông lại tiếp tục chuyến khảo sát, kiểm tra trên dọc tuyến biên giới Tây Nam.

Kết thúc đợt công tác, ông viết báo cáo lên Bộ Tư lệnh, trong đó nhấn mạnh hai vấn đề có tính chiến lược: Một là, trong lúc thế và lực của Đảng nhân dân Campuchia còn đang mạnh và áp đảo, cần đề xuất với Chính phủ có biện pháp bàn với Bạn để nhanh chóng hoàn tất công tác phân giới cắm mốc theo tinh thần Hiệp định 1985. Hai là, trong quan hệ với Bạn, cần tranh thủ tất cả các đảng phái chứ không chỉ thân thiện với một đảng nào, vì thể chế của họ là đa nguyên, đa đảng. Trong giao tiếp với Bạn, cần tế nhị, hữu nghị, nhưng thể hiện rõ thái độ cầu thị chân thành, không được mang tư tưởng Sô vanh nước lớn, để tạo niềm tin cho Bạn. Được Bộ Tư lệnh đồng ý, ông dự thảo thành Chỉ thị, để Bộ Tư lệnh ký, gửi cho Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, triển khai thực hiện.

Đầu năm 2000, ông được bổ nhiệm giữ chức Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng. Đảng ủy, Bộ Tư lệnh phân công ông phụ trách ngành Hậu cần - Kỹ thuật của lực lượng Bộ đội Biên phòng. Một ngày đầu tháng 11/2014, tại nhà riêng của ông ở quận Cầu Giấy, Hà Nội, tôi tò mò hỏi: "Thưa chú, một người chuyên đánh trận như chú, mà đánh trận giỏi là đằng khác, nay phải lo "cơm, áo, gạo, tiền, xăng, xe, súng, đạn... cho hàng vạn con người ở biên giới, biển, đảo, lúc ấy chú nghĩ gì?". Ông nhìn tôi mỉm cười hồn hậu: "Mình là cán bộ, đảng viên, tập thể phân công nhiệm vụ gì, dù khó đến mấy cũng phải làm cho bằng được. Chưa biết thì hỏi, chưa giỏi thì phải học, học cấp trên, học và hỏi cấp dưới".

Quả thật, mấy năm ông làm Phó Tư lệnh, phụ trách ngành Hậu cần - Kỹ thuật của lực lượng đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng cán bộ, chiến sĩ các đơn vị. Ông bảo, những năm đầu của thế kỷ 21, đời sống cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vẫn còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Doanh trại các đồn Biên phòng nhiều nơi còn lụp xụp, tạm bợ. Cán bộ nhiều cơ quan, đơn vị không có nhà để ở. Phụ cấp cho cán bộ, chiến sĩ đang công tác ở các vùng, miền biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn chưa thỏa đáng... Nhờ có các mối quan hệ rộng rãi với các bộ, ban, ngành Trung ương, ông và tập thể Đảng ủy, Bộ Tư lệnh đã đề xuất với Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng ban hành được một số chế độ, chính sách cho cán bộ, chiến sĩ công tác ở địa bàn xa xôi, hẻo lánh nơi biên giới, biển, đảo.

Nhớ lại quãng thời gian đảm nhiệm chức vụ Phó Tư lệnh, ông khẳng định chắc nịch: Có 3 việc lớn được ông và tập thể Đảng ủy, Bộ Tư lệnh thời bấy giờ xác định là những công tác trọng tâm trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Một là, tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành chế độ, chính sách, phụ cấp đối với cán bộ, chiến sĩ đang công tác nơi biên giới, hải đảo, đặc biệt là địa bàn khó khăn, gian khổ. Hai là, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh chỉ đạo hoạch định và đảm bảo chính sách nhà ở, đất ở cho cán bộ, để anh em yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với lực lượng Bộ đội Biên phòng, với biên giới. Ba là, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh nhất trí đề nghị với Chính phủ, Bộ Quốc phòng xúc tiến đầu tư xây dựng doanh trại các đồn, trạm biên phòng theo mẫu chung thống nhất, chính quy, khang trang, xanh, sạch, đẹp. Theo ông, chỉ riêng việc đầu tư xây dựng các đồn Biên phòng không thôi, nhiều khi cũng chưa thể tính hết được.

Cuối năm 2000, ông đi nghiệm thu xây dựng Đồn Biên phòng 130, Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa. Đồn làm theo mẫu mới rất đẹp, rất khang trang, nhưng thấy bộ đội vẫn phải nằm sạp nứa, ván gỗ thay giường; tủ và bàn ghế làm việc còn thiếu thốn, trong khi nhà cửa thì khang trang, sạch, đẹp. May thay, chuyến ấy có Thủ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đi, ông đề xuất: Đã xây dựng đồn, trạm mới cho Bộ đội Biên phòng thì nên trang bị nội thất đồng bộ luôn, đừng để "con trâu thì sắm được, còn cái thừng xâu mũi con trâu lại đành chịu". Thấy ông đề xuất có lý, lại được "thực mục sở thị", Thủ trưởng Bộ Quốc phòng đồng ý "cái rụp" và chỉ đạo: Từ nay về sau, lập kế hoạch xây dựng đồn, trạm biên phòng thì làm luôn cả dự trù trang bị nội thất cho cán bộ, chiến sĩ.

Vậy là cả ba việc lớn, ông và tập thể Bộ Tư lệnh đã hoàn thành trọn vẹn. Và một niềm vinh dự đến với ông: Tháng 1/2002, ông được thăng quân hàm Thiếu tướng. Đây chính là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước, một phần thưởng xứng đáng dành cho những năm tháng cống hiến của ông.

Tháng 5/2002, Thiếu tướng Nguyễn Kim Khanh được giới thiệu ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XI, thuộc khu vực bầu cử tỉnh Bình Phước và ông đã trúng cử với số phiếu bầu rất cao. Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XI, ông được bầu làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội. Từ đây ông giã từ quân ngũ, bước sang một lĩnh vực công tác mới: Làm nghị sĩ Quốc hội chuyên trách, phụ trách lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Chia tay ông, các đồng chí trong Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đều mong muốn ông trên cương vị mới, sẽ có nhiều đóng góp vào công tác Biên phòng và xây dựng Bộ đội Biên phòng, là cầu nối giữa Bộ đội Biên phòng với các ủy ban của Quốc hội. Đặc biệt, trong khóa XI này, hy vọng Quốc hội sẽ thông qua Luật Biên giới quốc gia. Và chính ông cũng xác định, đây là nhiệm vụ mà ông hướng tới, bởi ông là một vị Tướng Biên phòng.

Tính từ khi soạn thảo Luật này (bắt đầu từ năm 1991), cho đến khi được Quốc hội thông qua năm 2003, Luật Biên giới quốc gia đã phải trải qua 12 năm đầy thử thách. Nhiều lúc tưởng như việc soạn thảo văn bản Luật này sẽ lâm vào bế tắc. Được sự chỉ đạo sát sao của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước... ý kiến góp ý của các Bộ: Quốc phòng, Công an, Tư pháp và đặc biệt ý kiến đóng góp của các đồng chí lãnh đạo Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng qua các thời kỳ, ngày 17/6/2003, tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XI, Luật Biên giới quốc gia đã được Quốc hội thông qua.

Giờ giải lao, nhiều đại biểu tới bắt tay chúc mừng ông và các vị Tướng Biên phòng. Lúc ấy ông bỗng thấy xúc động quá chừng. Ông bồi hồi nghĩ tới biết bao nhiêu cán bộ, chiến sĩ Biên phòng đã lăn lộn, chiến đấu, hy sinh, vượt qua gian khổ, khó khăn, bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc suốt 44 năm qua, một thực tiễn sinh động, làm cơ sở để những nhà làm luật cho ra đời Luật Biên giới quốc gia. Những ngày này, khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm chủ quyền biển - đảo của chúng ta, với ý đồ hiện thực hóa đường lưỡi bò của họ, nhằm độc chiếm Biển Đông, mới càng thấy ý nghĩa to lớn, sâu sắc của văn bản luật đó.

Ngồi lặng đi một lúc lâu như cố nén cảm xúc đang dâng trào, Thiếu tướng Nguyễn Kim Khanh cho biết thêm: Trong thời gian giữ cương vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội khóa XI, nhờ có mối quan hệ rộng với các bộ, ban, ngành Trung ương; các đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội và các địa phương; thông qua diễn đàn các kỳ họp của Quốc hội, cũng như tại các phiên họp của Ủy ban Quốc phòng - An ninh, ông đã khéo léo đề nghị các đại biểu có cùng tiếng nói, quan điểm chung khi đề cập những vấn đề liên quan đến biên giới và lực lượng Bộ đội Biên phòng, như: Xây dựng và trang bị cho lực lượng Bộ đội Biên phòng; đầu tư xây dựng biên giới, vùng biển - đảo; hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào các dân tộc thiểu số nơi biên giới, biển - đảo xóa đói giảm nghèo, xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng... Đặc biệt là các ý kiến đề cập đến công tác tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước; vận động các bộ, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức, cấp ủy, chính quyền các cấp, các lực lượng quan tâm, chăm sóc, hỗ trợ, giúp đỡ Bộ đội Biên phòng và đồng bào các dân tộc nơi biên giới.

Sinh ra và lớn lên ở thôn Minh Đức, xã Lô Giang, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, nơi có dòng sông Tiên Hưng chảy qua. Ông bảo, quê ông nghèo lắm. Tuổi thơ của ông thiếu ăn, đói khổ thường xuyên. Giáp hạt, phải ăn rau muống thái nhỏ, phơi khô độn với cơm. Khi cho vào miệng, nó vừa nồng, vừa chát, rất khó nuốt. Thuở thiếu thời đắm mình trên con sông Tiên Hưng, da dẻ đen nhẻm. Thương cha mẹ, thương các em, ông vừa cố gắng học hành, vừa làm quần quật, cùng gia đình vượt qua những khó khăn. Trong ông, chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành một vị Tướng Biên phòng. Thế nhưng, tất cả đã đến với ông một cách đầy đặn, trọn vẹn và ân tình.

Từ khi chuyển sang lực lượng Công an nhân dân vũ trang - Bộ đội Biên phòng, cho đến khi nhận quyết định nghỉ hưu, Thiếu tướng Nguyễn Kim Khanh, nguyên Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, đã có 33 năm có lẻ gắn bó máu thịt với biên cương và những đồng đội mang quân hàm xanh, cùng đồng bào các dân tộc nơi biên giới, hải đảo bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc. Nhìn tôi ngồi chống bút, ông nở nụ cười mãn nguyện. Ông bảo: "Nhiều lúc nhắm mắt lại, lòng lại thấy nôn nao. Hình ảnh những người lính Biên phòng, bóng dáng bà con các dân tộc và những cung đường biên giới lại ùa về, tràn ngập trong tâm thức của mình, thế mới lạ!".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét