Thứ Năm, 16 tháng 1, 2025

Thiếu tướng Trương Văn Thanh - Vị tướng bình dị và sâu lắng

 Thiếu tướng Trương Văn Thanh ra đời đúng vào năm Cách mạng Tháng Tám-1945 thành công. Mặc dù vậy, trên quê hương Đồng Tháp, một vùng quê xa xôi, hẻo lánh, giáp biên giới Việt Nam - Campuchia nên sức lan tỏa của ánh sáng cách mạng chưa đến được là bao. Đã thế, sự đô hộ của thực dân Pháp, sau đó là sự cai quản của chế độ ngụy quyền Sài Gòn khiến cho đời sống của nhân dân nơi đây vốn đã nghèo lại càng nghèo hơn. Miếng ăn lo chưa được thì sao dám nghĩ đến chuyện học hành mở mang kiến thức. Từ nhỏ cho đến năm 11 tuổi, lúc nào Tư Thanh cũng chỉ bận độc một chiếc quần xà lỏn. Như vậy là vẫn còn may, vì tuổi nhỏ được cha mẹ "ưu ái", chứ những người lớn tuổi trong gia đình của ông cũng chỉ có một cái quần dài lành lặn thay nhau mặc mỗi khi có việc phải ra đường.

Quê hương Đồng Tháp, nơi ông sinh ra và lớn lên, có dòng sông Tiền hiền hòa chở nặng phù sa, ôm chặt những cánh đồng lúa mênh mông, ngày rực nắng vàng, đêm về dịu dàng gió thổi. Cảnh quê thật đẹp, nhưng cái đẹp đâu thể khỏa lấp được cảnh đói nghèo của người dân. Có chăng đó là "chất liệu" tạo nên cốt cách, "thổi" vào tâm hồn tuổi thơ những khát vọng, sự lạc quan tin tưởng để vượt khó vươn lên. Quê hương đã cho ông "chất liệu" ấy và tiếp sức để ông bước vào đời rồi trưởng thành bằng chính nghị lực, trí tuệ và trái tim của mình.

Những ngày đầu được giác ngộ với cách mạng là qua những cuộc tiếp xúc với các nhà cách mạng kiên trung trên quê hương Đồng Tháp. Tại đây, ông được nghe kể và tận mắt chứng kiến những đòn thù dã man của bọn thực dân, đế quốc đàn áp các chiến sĩ Cộng sản ngay tại quê hương. Rồi, những tác động mạnh mẽ của phong trào Đồng Khởi, đã thôi thúc ông thoát ly để thực hiện lý tưởng cách mạng của mình.

Tuổi nhỏ nhưng chí lớn, lại quá quen với cảnh thiếu thốn, ông nhanh chóng thích ứng với cuộc sống, đòi hỏi sức chịu đựng dẻo dai, đức tính gan dạ của những người làm cách mạng. Năm 1964, từ người chiến sĩ An ninh vũ trang, "chưa biết yêu là gì", qua những trận "thử lửa" với quân thù, Trương Văn Thanh trở thành cán bộ chỉ huy cấp tiểu đội, trung đội rồi Chính trị viên phó Đại đội 15, An ninh vũ trang thuộc lực lượng vũ trang Khu 8. Sau đó ông được điều về Đoàn 180, An ninh vũ trang trực tiếp bảo vệ cơ quan Trung ương Cục miền Nam.

Hơn 10 năm trời lăn lộn trên chiến trường miền Nam khói lửa, cho đến ngày thống nhất đất nước (1975), trong vai trò người "Chiến sĩ cận vệ", ông không thể nào nhớ nổi, đã bao lần phải đối mặt với cái chết. Là người "Chiến sĩ cận vệ", trong bất kỳ hoàn cảnh nào thì ưu tiên hàng đầu vẫn là sự an toàn cho người lãnh đạo, chỉ huy, kể cả tình huống xấu nhất: mình phải hy sinh. Ở đây không chỉ có lòng dũng cảm mà còn cần sự điềm tĩnh, mưu trí và quyết đoán. Bởi chỉ cần sai một ly là mất mát có khi không thể nào đong đếm được.

Ông nhớ lại: "Có lần mình chủ động nổ súng tấn công tiêu diệt địch mà người lãnh đạo được bảo vệ không hề hay biết; nhưng cũng nhiều lần phải lặng lẽ tránh địch trước khi bị chúng phát hiện; thậm chí phải đánh lạc hướng, tạo sự chú ý của địch về phía mình để cán bộ lãnh đạo thoát ra khỏi vòng vây... Niềm hạnh phúc lớn nhất của người "Chiến sĩ cận vệ" chính là sự an toàn tuyệt đối cho các đồng chí lãnh đạo được giao cho mình có nhiệm vụ bảo vệ". Hơn mười năm làm người "Chiến sĩ cận vệ", trên những cung đường công tác vào sinh ra tử, phần thưởng lớn nhất dành cho cá nhân ông, đó chính là sự an toàn tuyệt đối của các đồng chí lãnh đạo; thành tích của ông đã góp một phần nhỏ, tô thắm nên trang sử vàng truyền thống của Đoàn 180 An ninh vũ trang anh hùng.

Cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước đã đi qua, Tổ quốc liền một dải. Cứ ngỡ những thử thách cam go, những mất mát, hy sinh của người chiến sĩ sẽ lùi vào dĩ vãng, thì tiếng súng lại vang lên "trên bầu trời biên giới" và sứ mệnh "giải cứu" nhân dân Campuchia thoát khỏi họa "diệt chủng" lại ùa đến. Trong đội quân tình nguyện Quân đội nhân dân Việt Nam thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả đó, có những đơn vị Công an nhân dân vũ trang (sau là Bộ đội Biên phòng). Tháng 2/1979, ông được tổ chức điều động sang giúp Bạn với cương vị Chính trị viên tiểu đoàn 416, Trung đoàn 8 Công an nhân dân vũ trang. Tháng 12/1979, ông được bổ nhiệm Phó Chính ủy Trung đoàn 8.

Vượt qua mọi khó khăn gian khổ, Tiểu đoàn 416 trong trung đoàn của ông đã chiến đấu dũng cảm, lập công trong những trận tham gia truy quét tàn quân hoặc những trận đánh trả các đợt tấn công ác liệt của địch, bảo vệ các cứ điểm phòng ngự của ta.

Tiểu đoàn 416 được giao nhiệm vụ chốt chặn trên đoạn đường 6 từ thị trấn Xi Xê Phôn lên Ni Mít, dẫn ra cửa khẩu Poi Pét (biên giới Campuchia - Thái Lan). Quân địch thường xuyên pháo kích, tập kích vào đoạn đường này hòng mở thông tuyến vận chuyển của chúng. Nguyên do, từ thời chính quyền Pol Pot, chúng đã xây dựng một tuyến đường dọc biên giới dành cho xe cơ giới, bắt đầu từ Pai Lin vòng lên Poi Pét, đi lên phía Bắc, tới Đăng Cum, Ca Xa dài hơn 350km. Ni Mít là vị trí nằm ở giao điểm con đường ấy và đường 6.

Tiểu đoàn 416 nhận thấy áp lực của địch, đánh thông qua đường 6 bằng bất cứ giá nào, nên đã bố trí lực lượng đi sâu về hướng Nam, chặn địch từ xa. Trận đánh phòng ngự diễn ra quanh hồ nước Ni Mít, cách Tiểu đoàn bộ 2km. Mờ sáng ngày 27/3/1979, địch huy động một trung đoàn có hỏa lực mạnh yểm trợ, đánh thẳng vào trận địa của ta. Cuộc giao tranh diễn ra ác liệt suốt hôm đó. Dù phải chịu một số tổn thất, nhưng đơn vị đã đánh lùi bọn Pol Pot, giữ nguyên trận địa. Trong trận này, Tiểu đoàn 416 đã tiêu diệt 78 tên địch, thu 36 khẩu súng các loại.

Một khó khăn lớn nhất đối với ông và lãnh đạo trung đoàn là tháng 4/1979, Tiểu đoàn 620 được điều từ bên nước sang để bổ sung quân số cho Trung đoàn 8, vừa tới nơi đóng quân đã có nhiều cán bộ, chiến sĩ và cả Ban Chỉ huy tiểu đoàn, thoái ngũ vì không chịu đựng nổi gian khổ, ác liệt, hoang mang, dao động, rệu rã, ảnh hưởng đến sức mạnh chiến đấu của đơn vị. Trước tình hình đó, Đảng ủy và Ban Chỉ huy Trung đoàn đã lên một kế hoạch công tác Đảng, công tác chính trị với những mục tiêu, biện pháp thiết thực, quyết tâm củng cố, xây dựng lại đơn vị này. Từ đó, Tiểu đoàn 620 được củng cố ổn định, ngày càng đi lên, phát huy sức mạnh chiến đấu của một đơn vị quân tình nguyện Biên phòng, được cấp trên tin tưởng, biểu dương, khen ngợi.

Ở điểm chốt Khơ Vao, Tiểu đoàn 620 đã lấy lại khí thế, chiến đấu dũng cảm, khóa chặt một đoạn biên giới, cắt đứt đường tiếp tế của dịch từ Phum Chát bên Thái Lan vào nội địa Campuchia. Trong chiến dịch đánh chiếm căn cứ Đăng Cum của địch, Tiểu đoàn 620 đã cùng Tiểu đoàn 212 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tập kích, tiêu diệt một đại đội địch ở điểm chốt ngoại vi, chỉ trong vòng 30 phút.

Sau chiến dịch Đăng Cum, Trung đoàn 8 tiếp tục triển khai các phương án chiến đấu. Tiểu đoàn 620 và Tiểu đoàn 212 bí mật tập kích một căn cứ lõm của địch ở Crô Miệt, tiêu diệt 30 tên, thu 1 khẩu ĐKZ 75.

Ngày đó, trên chiến trường miền Tây Bát Tam Băng khô nóng, cuộc sống của bộ đội tình nguyện Việt Nam phải đối mặt với muôn vàn hiểm nguy, khó khăn và thách thức. Là cán bộ chính trị, ông vừa tập trung làm tốt công tác giáo dục chính trị, ổn định tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, vừa chăm lo công tác hậu cần bảo đảm "thực túc, binh cường" để bám trụ chiến đấu lâu dài trên đất bạn.

Vốn sinh ra ở vùng sông nước miền Tây, ông rất am hiểu về những loại cây, rau mọc tự nhiên có thể nuôi sống con người và những kỹ năng tìm kiếm thực phẩm tươi sống trên đồng ruộng. Mùa khô thì đi đào chuột, bắt rắn, mưa xuống là giăng câu thả lưới, đặt đó, đặt đơm, tìm kiếm cá tôm giúp cho bữa ăn của bộ đội tươm tất hơn. Ông cùng chỉ huy đơn vị đẩy mạnh tăng gia sản xuất, bảo đảm hậu cần tại chỗ, dự trữ lương thực, thực phẩm phục vụ chiến đấu và công tác lâu dài. Có thể nói trong giai đoạn cực kỳ khó khăn này, cách làm của Trung đoàn 8 được xem là điển hình, là lời giải đầy sức thuyết phục cho công tác hậu cần tại chỗ đối với các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam ở chiến trường Campuchia.

Đơn vị của ông có nhiều thành tích về xây dựng chính quyền cơ sở giúp Bạn và phát động người thân gọi lính Pol Pot ra hàng. Trên cương vị của mình, ông tập trung lãnh đạo chỉ huy đơn vị một mặt làm tốt biện pháp công tác trinh sát nắm tình hình, mặt khác kết hợp chặt chẽ công tác dân vận với binh vận, địch vận để tác động mạnh mẽ vào tư tưởng những binh lính Pol Pot còn ẩn náu trong dân hoặc ở rừng trở về với chính nghĩa. Người dân Campuchia rất ưa thực tế và trọng nghĩa tình. Bên cạnh công tác xây dựng chính quyền cơ sở, bộ đội tình nguyện tập trung xuống các phum, sóc, chia nhau đến tận các gia đình, tận tình giúp đỡ bà con nhân dân từ miếng cơm manh áo đến việc khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Từ những việc làm rất cụ thể thiết thực này, đơn vị của Trương Văn Thanh đã phát hiện những nhân cốt cách mạng, xây dựng chính quyền cơ sở ở phum, sóc và quan trọng hơn, đã tạo dựng được niềm tin, tình cảm đoàn kết, gắn bó giữa bộ đội tình nguyện với nhân dân Campuchia. Đã có thanh niên Campuchia trưởng thành nhanh chóng từ môi trường giáo dục và mối quan hệ tốt đẹp này, trong số đó có người trưởng thành cán bộ lãnh đạo cao cấp, nhất là trong ngành An ninh và Quân đội của nước bạn Campuchia.

Sau ngày bộ đội tình nguyện Việt Nam về nước, nhưng vẫn có nhiều người giữ liên lạc và trực tiếp sang Việt Nam tìm gặp ông để bày tỏ lòng tri ân đối với cá nhân ông nói riêng, bộ đội tình nguyện nói chung, đã không tiếc máu xương vì cuộc sống bình yên của nhân dân xứ sở Chùa Tháp. Mối quan hệ gắn bó thủy chung này đã tạo thuận lợi rất lớn cho Trương Văn Thanh khi đảm nhận các cương vị chỉ huy cấp tỉnh rồi cấp Bộ Tư lệnh trong việc triển khai thực hiện công tác đối ngoại Biên phòng, xây dựng mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa chính quyền và nhân dân hai bên biên giới Việt Nam - Campuchia.

Tháng 3/1988, ông đảm nhận cương vị Bí thư Đảng ủy, Phó Chỉ huy trưởng về Chính trị Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh. Với chức trách, nhiệm vụ của mình, ông đã cùng tập thể Đảng ủy, Ban Chỉ huy lãnh đạo, chỉ đạo triển khai sâu sắc nhiệm vụ công tác biên phòng trên tuyến biên giới Tây Ninh khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực, nhất là trong chống buôn lậu, vượt biên, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn biên phòng. Ông đã tạo nên dấu ấn rất đậm nét trong công tác xây dựng thế trận nhân dân bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới. Thông qua những chỉ đạo mang tính đột phá trong công tác vận động quần chúng, xây dựng địa bàn, bằng hình thức kiểm điểm, phê bình và tự phê bình trước dân của đồn Biên phòng và các tổ đội công tác địa bàn, đã tạo ra mối quan hệ mật thiết giữa chính quyền, nhân dân với lực lượng Bộ đội Biên phòng.

"Cấp ủy chính quyền tin tưởng bộ đội, bộ đội hiểu dân, dân thương yêu bộ đội" là cơ sở cực kỳ quan trọng để xây dựng thế trận biên phòng toàn dân ngày càng vững mạnh, bảo vệ vững chắc chủ quyền, biên giới quốc gia. Việc kết nghĩa giữa các đồn Biên phòng với chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể ở cấp xã, cấp huyện biên giới cũng được thực hiện có hiệu quả. Nhờ vậy, những vụ việc xảy ra trên biên giới, nhất là những vụ việc liên quan đến nhân dân hai bên biên giới đều được phát hiện, giải quyết kịp thời...

Đối với ông, thời gian công tác tại Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh tuy không dài, nhưng luôn được ông coi là thời điểm bội thu về kiến thức và năng lực thực tiễn của một cán bộ chính trị trong thực hiện nhiệm vụ công tác biên phòng. Ông luôn trân trọng và lắng nghe những ý kiến kiến nghị của đội ngũ cán bộ, sĩ quan cấp dưới. Bởi ông cho rằng, cán bộ sĩ quan trẻ thế hệ sau này đều qua đào tạo cơ bản và rất nhạy bén với tình hình thực tế ở địa phương, nên người lãnh đạo, chỉ huy cần phải nắm chắc tình hình để chỉ đạo điều hành, đồng thời lắng nghe để học hỏi, hoàn thiện mình hơn. Với "tư duy mở" này không chỉ giúp cho những người chỉ huy như ông theo dõi, chỉ đạo sát người, sát việc, phù hợp yêu cầu thực tế của từng địa bàn mà còn phát huy tối đa điểm mạnh của cán bộ sĩ quan cấp dưới, tính năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận ở cơ sở.

Trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, rồi những tháng năm chiến đấu trên chiến trường Campuchia nên có thể nói, công tác giáo dục truyền thống được ông xem là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng đối với người cán bộ chính trị. Đề cao giáo dục truyền thống không chỉ giúp chúng ta ghi nhận công lao, sự cống hiến hy sinh của thế hệ đi trước, từ đó không ngừng nâng cao ý chí, nghị lực, quyết tâm cách mạng của mình mà còn được học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng để vận dụng vào thực tế cuộc sống hôm nay. Nhiều sĩ quan trẻ tuổi ví thủ trưởng Trương Văn Thanh như cuốn "từ điển sống" trong công tác giáo dục truyền thống. Mỗi chuyên đề ông lên lớp, những mẩu chuyện ông kể đều ngồn ngộn sự trải nghiệm, bình dị mà sâu sắc, nhẹ nhàng mà có sức thuyết phục cao.

Từ quan điểm và phong cách này, sau ngày nhận nhiệm vụ mới, ở tầm cao hơn: Phó Chủ nhiệm Chính trị, Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng, Đại tá Trương Văn Thanh luôn quan tâm chăm lo công tác giáo dục truyền thống. Có câu chuyện kể rằng, trong chuyến đi công tác tại một đồn Biên phòng, ông có hỏi một cán bộ chỉ huy: "Người đồn trưởng đầu tiên của đơn vị là ai?". Suy nghĩ hồi lâu, anh này chịu không trả lời được. Ông trăn trở suy ngẫm: Lâu nay, công tác giáo dục truyền thống được tiến hành thường xuyên nhưng còn một điều gì đó chưa hoàn chỉnh. Giáo dục truyền thống là một trong những nội dung quan trọng của công tác Đảng, công tác chính trị trong lực lượng Bộ đội Biên phòng.

Trên thực tế ở cấp Bộ Tư lệnh và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng một số tỉnh, thành phố đã biên soạn hoàn chỉnh cuốn lịch sử một cách công phu, tỉ mỉ và chính xác, giúp cho cán bộ, chiến sĩ có cái nhìn chi tiết về hoàn cảnh ra đời, quá trình chiến đấu, trưởng thành của đơn vị mình. Với một đồn Biên phòng, dẫu chỉ đơn thuần là cái tên gắn với vùng đất, nhưng để có cái tên ấy, biết bao nhiêu người đã cống hiến mồ hôi công sức, thậm chí là máu và nước mắt để cho cái tên sống mãi với thời gian. Ấy vậy mà tính đến thời điểm ông làm Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng, hầu như còn nhiều đồn Biên phòng chưa có được những trang sử hoàn chỉnh.

Ví như Đồn Biên phòng Xa Mát (Tây Ninh), đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, chính là đồn Biên phòng đầu tiên đại diện cho chủ quyền lãnh thổ của cách mạng miền Nam Việt Nam trước ngày đất nước giải phóng. Đồn được thành lập từ năm 1973 giữa mênh mông rừng già và đầy bóng giặc. Vậy mà tại đây, lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ngày đêm vẫn ngạo nghễ tung bay như một pháo đài bất khả chiến bại. Chính tại nơi đây, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu và hy sinh với lời thề quyết tâm giữ trọn từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Chiến công tiếp nối những chiến công, kỳ tích xếp chồng lên kỳ tích, thế nhưng những trang sử vẻ vang ấy chỉ mới được cô đọng ở tấm bia tưởng niệm, chứ chưa được thể hiện một cách chi tiết cụ thể, làm hạn chế đến việc giáo dục truyền thống của đơn vị...

Thực trạng nêu trên đã khiến cho Chủ nhiệm Chính trị Trương Văn Thanh day dứt khôn nguôi. Được sự đồng ý của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, ông đã cùng Đảng ủy, Chỉ huy Cục Chính trị chỉ đạo Phòng Tuyên huấn, Ban Vật tư triển khai thống nhất việc xây dựng sổ vàng truyền thống cho từng đồn, đại đội cơ động, hải đội Biên phòng. Sổ vàng truyền thống được trình bày đẹp, chất liệu bền, kèm theo những hướng dẫn nội dung cần ghi chép để giúp cán bộ, chiến sĩ hôm nay nắm chắc, hiểu sâu lịch sử truyền thống, những tấm gương điển hình đã làm nên chiến công vẻ vang của đơn vị.

Đây chính là một sáng kiến hay về phương pháp giáo dục truyền thống trong các đơn vị cơ sở của Bộ đội Biên phòng. "Sổ vàng truyền thống" là cuốn sổ ghi chép lại sự kiện nhưng đó là sản phẩm của tư duy đầy tính thực tế, có tầm nhìn xa trông rộng của Chủ nhiệm Chính trị Trương Văn Thanh. Sổ vàng truyền thống đã nhanh chóng đồng hành với người chiến sĩ Biên phòng trong suốt chặng đường xây dựng và trưởng thành, để cho cái tên đồn gắn với tên đất, sống mãi với thời gian.

Đi ra từ chiến tranh, trực tiếp trải nghiệm những mất mát thương đau do chiến tranh để lại, hơn ai hết, Chủ nhiệm Chính trị Trương Văn Thanh thấu hiểu tầm quan trọng của công tác thương binh, liệt sĩ, chăm lo cho người có công. Tuy nhiên, ở một góc độ nào đó, công tác này triển khai thực hiện chưa được tốt. Ông thường lấy hoàn cảnh của mình ra để nhắc nhở việc mình cần làm. Nhiều năm liền sống trong quân ngũ, biền biệt xa gia đình, ông chẳng giúp được gì cho vợ con khi rơi vào cảnh thiếu trước, hụt sau. Chiến tranh kết thúc, ngỡ là được đoàn tụ vậy mà, giữa lúc vợ đang mang thai đứa con thứ 3 thì ông lại khăn gói lên đường làm nhiệm vụ quốc tế ở tận bên đất bạn Campuchia. Khi trở về, đứa con ông đã bập bẹ nói mà mọi người trong gia đình cũng chỉ biết gọi nó là "thằng Biên Giới", để nhớ đến người cha.

Thế mới biết, đằng sau sự hy sinh của người chiến sĩ, có những mất mát lặng thầm, sự chịu đựng bền gan và tình yêu không bờ bến của những người thân. Hoàn cảnh của ông đã vậy, còn không ít người lâm vào cảnh ngặt nghèo hơn. Ông nhớ về những đồng chí, đồng đội đã một thời cùng ông vào sinh ra tử. Họ cũng có mẹ già, vợ trẻ, con thơ, nhưng họ không may mắn như ông khi phải vĩnh viễn nằm lại giữa lòng đất lạnh. Hòa bình rồi, nhưng nỗi đau của người thân các đồng chí ấy vẫn cứ từng ngày, từng giờ sống trong nỗi khắc khoải đợi chờ.

Những năm sau ngày giải phóng cho đến khi trưởng thành, làm người chỉ huy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh rồi Bộ Tư lệnh, ông đặc biệt quan tâm đến công tác tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ. Ông phối hợp với các đơn vị bạn, tập trung chỉ đạo đơn vị mình tổ chức rất nhiều đợt đi tìm đồng đội hy sinh trên các chiến trường, đưa các anh về yên nghỉ tại các nghĩa trang. Ở đâu có thông tin là ông tìm đến, dẫu biết rằng, ông và thế hệ hôm nay có làm được nhiều hơn nữa, cũng không thể nào bù đắp được nỗi mất mát, đau thương của những thân nhân liệt sĩ; chỉ mong sao đồng đội - những người đã khuất ấm áp "giấc ngủ ngàn thu".

Bên cạnh công tác tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ, với cương vị của mình, Chủ nhiệm Trương Văn Thanh đặc biệt quan tâm đến việc chăm lo người có công. Ông tham mưu đề xuất với Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tổ chức một sự kiện được xem là đầu tiên của lực lượng: Cuộc họp mặt các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương binh, thân nhân gia đình liệt sĩ của Bộ đội Biên phòng qua các thời kỳ. Cuộc gặp mặt diễn ra trong niềm xúc động vô bờ. Các Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình thương binh, thân nhân liệt sĩ của lực lượng Bộ đội Biên phòng sau đó đã được Thủ tướng Phan Văn Khải trực tiếp mời lên gặp mặt, tặng quà, thăm hỏi, động viên, thể hiện sự quan tâm chăm lo sâu sắc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với công tác thương binh, liệt sĩ.

Cống hiến càng nhiều, trách nhiệm càng cao, năm 1997, Chủ nhiệm Chính trị Trương Văn Thanh được Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng bổ nhiệm chức vụ Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng. Được Đảng ủy, Bộ Tư lệnh giao nhiệm vụ phụ trách cơ quan thường trực phía Nam tại thành phố Hồ Chí Minh. Ở cương vị mới, dù bận rộn nhiều công việc, nhưng ông luôn ấp ủ một điều "cần có nơi thờ phụng để tưởng nhớ những Anh hùng liệt sĩ An ninh vũ trang đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc ở vùng đất phương Nam".

Ý nguyện của ông đã được lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Đảng ủy- Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đồng thuận cao; được cán bộ, chiến sĩ toàn lực lượng đồng tình hưởng ứng. Năm 2009, Tượng đài "Nhà truyền thống An ninh vũ trang miền Nam" được xây dựng trong quần thể khu di tích văn hóa lịch sử của Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam tại ấp Bảy Bàu, xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh - một vùng đất của "chiến trường miền Đông gian lao mà anh dũng". Khi công trình hoàn thành, mỗi năm có hàng trăm đoàn từ khắp cả nước đến viếng, tham quan, ghi lại bút tích lưu niệm...

Nhân kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Đoàn 180 An ninh vũ trang - đơn vị bảo vệ Trung ương Cục miền Nam (20/4/2008), đồng chí Nguyễn Minh Triết - Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã đến dự và viết dòng cảm nghĩ: "Tôi thật sự xúc động khi được về thăm Nhà truyền thống An ninh vũ trang miền Nam nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày truyền thống. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta mãi mãi ghi nhớ những công lao to lớn của An ninh vũ trang - Bộ đội Biên phòng ngày nay. Các đồng chí hãy tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, xây dựng lực lượng ngày càng vững mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN..."

Được Đảng ủy - Bộ Tư lệnh giao nhiệm vụ thường trực tại thành phố Hồ Chí Minh, để theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các đơn vị ở phía Nam, Phó Tư lệnh Trương Văn Thanh nhận thức sâu sắc tầm quan trọng trong việc xây dựng, củng cố mối quan hệ giữa cấp ủy đảng, chính quyền địa phương các cấp và các cơ quan đại diện các ban, ngành của Trung ương tại thành phố Hồ Chí Minh, ông đã tập trung xây dựng, củng cố, tăng cường mối quan hệ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các đơn vị Bộ đội Biên phòng thực hiện nhiệm vụ. Đối với các Quân khu, Quân, Binh chủng và Bộ Công an (cơ quan đại diện phía Nam) trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, Phó Tư lệnh Trương Văn Thanh tăng cường trao đổi nắm tình hình, tranh thủ sự chỉ đạo phối hợp giữa Quân sự và Biên phòng trong phòng thủ khu vực, tổ chức huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, tăng cường trao đổi thông tin, chuyên môn nghiệp vụ trong đấu tranh phòng chống các loại tội phạm giữa Công an với Biên phòng.

Trong nội bộ Cơ quan thường trực Bộ Tư lệnh, các chuyên ngành công tác được tổ chức gọn nhẹ. Ông luôn quan tâm chăm lo củng cố khối đoàn kết nội bộ, khi có vấn đề khúc mắc luôn lắng nghe ý kiến cả đôi bên, tranh thủ bàn bạc với các cấp ủy đảng để giải quyết vụ việc một cách khách quan, tạo được sự đồng thuận trong toàn cơ quan. Nhờ đó, các vụ việc xảy ra đều được xử lý, giải quyết một cách phân minh, rạch ròi, giữ vững khối đoàn kết thống nhất, "trên dưới một lòng" trong cơ quan, đơn vị.

Năm 2006, sau khi đã có cơ quan đại diện Bộ Tư lệnh ở Tây Nguyên (TN01), trước chủ trương giảm biên chế tổ chức, thu hẹp chức năng nhiệm vụ Cơ quan thường trực Bộ Tư lệnh tại thành phố Hồ Chí Minh với tên gọi mới là Cơ quan 206, khiến cho Phó Tư lệnh Trương Văn Thanh nhiều đêm trăn trở. Có nên hay không? Và, điều quan trọng là việc "tinh gọn" này liệu có đảm bảo cho công tác chỉ huy, chỉ đạo của Bộ Tư lệnh đến Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh và các đơn vị ở phía Nam hoàn thành tốt nhiệm vụ hay không? Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, Phó Tư lệnh Trương Văn Thanh quyết định bảo lưu quan điểm của mình: Đề nghị Đảng ủy - Bộ Tư lệnh giữ nguyên cơ cấu tổ chức cũng như chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan Thường trực Bộ Tư lệnh phía Nam. Thực tế cho thấy, chủ trương trên là không phù hợp và Bộ Tư lệnh quyết định khôi phục lại Cơ quan thường trực Bộ Tư lệnh.

Thời kỳ này, ở vùng biển phía Nam, tàu thuyền nước ngoài xâm phạm chủ quyền lãnh hải, đánh bắt trộm hải sản diễn ra rất phức tạp; ngư dân ta không dám ra khơi xa để sản xuất. Trong khi đó, đối sách của ta chưa được nhất quán giữa việc "bắt giữ" hay "xua đuổi" đối với tàu thuyền nước ngoài vi phạm vùng biển. Nhân dân thì hoang mang lo lắng, lực lượng chức năng thì lúng túng trong vận dụng đối sách xử lý. Qua thực tế khảo sát nắm tình hình, Phó Tư lệnh Trương Văn Thanh đã báo cáo trước tập thể Đảng ủy, Bộ Tư lệnh và đề nghị ra chủ trương: Trao đổi với lãnh đạo các địa phương ven biển cùng tạo mọi điều kiện thuận lợi để tổ chức ngư dân ra khơi bám biển, các địa phương có nhiệm vụ thành lập các đội tàu thuyền theo phương thức liên kết để đánh bắt, khai thác thủy sản.

Bộ đội Biên phòng có nhiệm vụ tổ chức các đội tàu vừa tuần tra, vừa để hỗ trợ ngư dân bám biển sản xuất. Đối với tàu thuyền nước ngoài vi phạm chủ quyền thì có đối sách rõ ràng cho từng trường hợp cụ thể. Ông yêu cầu cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng trong xử lý vụ việc, phải nắm vững chủ trương đối sách của ta, nắm vững luật pháp Việt Nam và quốc tế, có phương thức phù hợp với từng đối tượng, vụ việc khi xử lý để vừa giữ được chủ quyền lãnh hải vừa bảo đảm cho ngư dân yên tâm sản xuất, đồng thời giữ được mối quan hệ tốt đẹp với các quốc gia có vùng biển tiếp giáp.

Sau 2 vụ bạo loạn ở Tây Nguyên (2001, 2004) và những biến động phức tạp kéo dài sau đó đã được các cơ quan có trách nhiệm chỉ đạo, phân tích, mổ xẻ làm rõ. Nguyên nhân thì nhiều, trong đó có những hạn chế của ta như: chưa có quyết sách lớn để phát triển toàn diện Tây Nguyên, đời sống nhân dân các dân tộc phần lớn còn gặp khó khăn. Mâu thuẫn về kinh tế giữa người dân sở tại với người Kinh ngấm ngầm và tích tụ dần để cho kẻ địch lợi dụng kích động, dẫn đến bùng phát. Đứng chân trên địa bàn biên giới, các đơn vị Bộ đội Biên phòng là lực lượng gắn bó mật thiết với cấp ủy đảng, chính quyền và đồng bào các dân tộc, là trung tâm đoàn kết, tập hợp sức mạnh toàn dân trong quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Do đó, trước những diễn biến phức tạp ở Tây Nguyên, Bộ đội Biên phòng cần phải có những chủ trương, giải pháp như thế nào cho thật phù hợp trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình?

Câu hỏi đó đã được Thiếu tướng, Phó Tư lệnh Trương Văn Thanh cùng tập thể Đảng ủy và Bộ Tư lệnh tập trung giải quyết bằng 2 giải pháp cơ bản: Một là, chủ động tham mưu cho Bộ Quốc phòng đầu tư, tăng cường công tác đối ngoại với nước bạn Campuchia, tạo sự đồng thuận, giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong bảo vệ biên giới và đấu tranh phòng chống các loại tội phạm. Từ đó, Bạn đã giúp đỡ hỗ trợ ta rất hiệu quả trong việc phát hiện, bắt giữ, xử lý các đối tượng vượt biên trái phép sang Campuchia để đi nước thứ 3... Hai là, tăng cường các tổ công tác của Bộ Tư lệnh bằng nhiều đợt xuống các địa bàn trọng điểm, chỉ đạo Bộ đội Biên phòng các tỉnh phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác vận động quần chúng bằng nhiều hình thức phong phú; xây dựng các kế hoạch cụ thể nhằm giúp đỡ nhân dân cải thiện đời sống; cùng với địa phương tuyên truyền, giáo dục giúp bà con nhân dân hiểu rõ âm mưu, thủ đoạn của địch; vận dụng nhiều đối sách, giải pháp phù hợp với từng địa bàn, từng đối tượng, vừa giáo dục, cảm hóa vừa tấn công chính trị trực diện đối với những kẻ cầm đầu và tăng cường ngoại giao nhân dân hai bên biên giới.

Bằng việc kiên trì bám nắm địa bàn, triển khai toàn diện các biện pháp công tác và sự tập trung vào cuộc một cách quyết liệt của cả hệ thống chính trị ở địa phương, tình hình trên biên giới các tỉnh Tây Nguyên đã dần ổn định. Lực lượng Bộ đội Biên phòng xứng đáng là chỗ dựa vững chắc của cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân trên vùng biên giới.

Quan điểm của ông cho rằng: Giải quyết bất cứ một vụ việc nào ở vùng biển, hay tuyến biên giới đất liền đều bám sát vào chủ trương, đường lối, đối sách của Đảng, Nhà nước và vận dụng sao cho phù hợp với thực tiễn. Tàu thuyền nước ngoài xâm phạm chủ quyền, an ninh vùng biển của ta khi bị các đơn vị Bộ đội Biên phòng bắt giữ, ông chỉ đạo linh hoạt, tùy theo từng trường hợp cụ thể để xử lý, tránh sự căng thẳng, đối đầu, nhưng vẫn giữ vững chủ quyền, tuân thủ nghiêm luật pháp quốc gia và quốc tế.

Đối với tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, từ những cuộc họp định kỳ của các đồn hai bên biên giới, Thiếu tướng Trương Văn Thanh đề xuất với Đảng ủy, Bộ Tư lệnh cho nâng lên thành những cuộc họp thường xuyên, kịp thời thông báo, trao đổi thông tin cho nhau. Nhờ đó, lực lượng chức năng quản lý, bảo vệ biên giới của ta và Bạn hiểu nhau hơn, giải quyết vụ việc kịp thời hơn, góp phần xây dựng, củng cố tình đoàn kết hữu nghị giữa chính quyền, nhân dân hai bên biên giới ngày càng bền chặt. Bộ đội Biên phòng các tỉnh thường xuyên tổ chức các đoàn quân dân y sang các phum, sóc dọc biên giới bên đất bạn Campuchia khám bệnh, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho bà con nhân dân; giúp nhân dân Campuchia xây dựng một số công trình phục vụ đời sống dân sinh quy mô vừa và nhỏ, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống... Những việc làm đầy tính nhân văn nói trên có ý nghĩa quan trọng, xây dựng biến giới Việt Nam - Campuchia hòa bình, hữu nghị, ổn định và phát triển.

Có thể nói, 8 năm trên cương vị Phó Tư lệnh thường trực ở phía Nam, Thiếu tướng Trương Văn Thanh đón nhận nhiều thuận lợi, nhưng cũng trải nghiệm không ít khó khăn, thử thách. Thời điểm này, công tác biên phòng được Đảng, Nhà nước, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương các cấp đặc biệt quan tâm. Đường vành đai chạy dọc biên giới được đầu tư xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông, mua bán, vận chuyển hàng hóa. Các chương trình, dự án phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng-an ninh được triển khai sâu rộng ở tất cả các địa phương, làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn biên giới... Bên cạnh việc chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, Thiếu tướng, Phó Tư lệnh Trương Văn Thanh luôn quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ, đặc biệt là ở các đồn xa xôi, các đơn vị mới được thành lập.

Sau khi trao đổi với một số cấp ủy, chính quyền địa phương các tỉnh biên giới, ông mạnh dạn đề xuất và được sự đồng thuận của Bộ Tư lệnh, ông chỉ đạo tổ chức phong trào các cơ quan, ban, ngành tuyến sau kết nghĩa với các đồn Biên phòng có nhiều khó khăn, tạo được sự gắn bó, kịp thời động viên cả tinh thần lẫn vật chất đối với cán bộ, chiến sĩ các đơn vị, ấm áp thêm nghĩa tình quân dân. Ông khuyến khích các đồn Biên phòng toàn tuyến phía Nam phát huy thế mạnh tại chỗ, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, xây dựng doanh trại xanh, sạch, đẹp. Nhiều cơ quan, đơn vị Bộ đội Biên phòng xây dựng khuôn viên chẳng khác nào những công viên thu nhỏ với nhiều loại cây ăn trái xen lẫn với vườn hoa, cây cảnh, phục vụ đắc lực đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội.

Năm 2008, Thiếu tướng Trương Văn Thanh được nghỉ hưu theo chế độ. Từ người chiến sĩ An ninh vũ trang cho đến khi trở thành vị Tướng, ông vẫn giữ nguyên cốt cách mà quê hương Đồng Tháp đã "thổi" vào tâm hồn ông: Lãng mạn mà lạc quan tin tưởng, năng động mà khiêm tốn dễ gần. Ngần ấy thời gian, trải nghiệm biết bao gian lao thử thách, Thiếu tướng Trương Văn Thanh đã có những cống hiến trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia và sự nghiệp quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Điều đáng ghi nhận là, những đóng góp của ông đối với lĩnh vực công tác Đảng, công tác chính trị trong lực lượng Bộ đội Biên phòng.

Nhân dịp ông đón nhận Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng (năm 2008), trong bài phát biểu của đồng chí Trần Hoa, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, có đoạn: "... Những năm tháng công tác và trưởng thành, trải qua nhiều đơn vị và nhiều chức vụ khác nhau, cuộc sống, phong cách của anh đã để lại những dấu ấn tốt đẹp trong mỗi chúng tôi. Anh luôn nêu gương về tinh thần không sợ hy sinh gian khổ, tận tâm, tận lực với công việc, đức tính khiêm nhường, gần gũi mọi người và lòng say mê học hỏi mà các thế hệ đảng viên hôm nay nguyện noi theo. Trong những năm qua, trước những diễn biến phức tạp trên các tuyến biên giới, vùng biển và những yêu cầu nhiệm vụ mới của công tác biên phòng, với trách nhiệm của mình, anh đã cùng lãnh đạo Bộ Tư lệnh nghiên cứu chủ trương, đối sách, chỉ đạo giải quyết kịp thời các vấn đề xảy ra ở biên giới, vùng biển đúng với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị với các nước láng giềng, tạo sự ổn định chung, xây dựng lực lượng Bộ đội Biên phòng ngày càng vững mạnh như ngày nay. Bộ đội Biên phòng ghi nhận những công lao, thành tích đóng góp của anh trong gần 44 năm qua. Chúng tôi phấn khởi, tự hào có người đồng chí, đồng đội, người anh như thế!..."

Trở về với đời thường, tình yêu đối với lực lượng, tình đồng chí đồng đội trong con người Thiếu tướng Trương Văn Thanh vẫn nồng cháy như ngày nào. Ông thường tìm đến những người đồng đội cũ của mình để được hàn huyên tâm sự, thường xuyên tham gia các cuộc họp của Ban Liên lạc truyền thống Bộ đội Biên phòng tại thành phố Hồ Chí Minh để được sống lại những kỷ niệm không bao giờ quên thủa khoác lên mình bộ quân phục mang quân hàm xanh. Tất cả mọi thành viên trong câu lạc bộ truyền thống đều yêu mến, kính trọng và tin tưởng đề nghị ông đảm nhận vị trí Trưởng ban Liên lạc và ông đã vui vẻ nhận lời. Ông tâm sự: "Nay đến tuổi nghỉ hưu là một dịp để dưỡng sức và chăm lo cho gia đình. Thế nhưng, tôi vẫn có thể gắn bó với một công tác xã hội nào đó, để tiếp tục đóng góp sức mình, dù nhỏ cũng là một niềm vui...".

Vẫn với phong cách như ngày còn đương chức, ngay sau khi tiếp nhận chức Trưởng ban Liên lạc truyền thống Bộ đội Biên phòng tại thành phố Hồ Chí Minh, Thiếu tướng Trương Văn Thanh nghĩ ngay đến việc phát huy những kết quả và tiếp nối kinh nghiệm của những người đi trước, từng bước mở rộng hoạt động của tổ chức mà mình đang giữ vai trò đầu tàu. Song, phải làm cách nào để hoạt động của Câu lạc bộ truyền thống mang tính thiết thực hơn? Trước hết, cần tập trung "đội quân này" về một mối để phát triển lớn mạnh hơn...

Nghĩ là làm, sau khi bàn bạc cùng Ban Liên lạc, ông đứng ra thành lập Chi hội Doanh nhân cựu chiến binh Bộ đội Biên phòng tại thành phố Hồ Chí Minh. Đây là Chi hội Doanh nhân cựu chiến binh Biên phòng đầu tiên trực thuộc Hội Doanh nhân thành phố Hồ Chí Minh hoạt động một cách chuyên nghiệp, tạo ra môi trường cho các doanh nhân cựu chiến binh Bộ đội Biên phòng gặp gỡ, trao đổi thông tin và có điều kiện hiểu biết nhau, liên kết, giúp đỡ nhau, cùng nhau phát triển. Đồng thời làm nòng cốt, kết nối giúp Ban liên lạc tiếp cận, vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng trên 50 căn nhà "nghĩa tình đồng đội" cho cựu chiến binh Bộ đội Biên phòng gặp khó khăn về nhà ở. Song song với đó là trợ cấp gần một ngàn suất học bổng cho các cháu là con, em Bộ đội Biên phòng thuộc diện chính sách vượt khó, vươn lên trong học tập. Việc làm trên tuy chưa lớn, nhưng để lại dấu ấn sâu đậm nghĩa tình, được Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Hội Cựu chiến binh thành phố Hồ Chí Minh khen ngợi và đánh giá cao.

"Ngôi nhà chung" - Ban Liên lạc truyền thống Bộ đội Biên phòng tại thành phố Hồ Chí Minh ngày một đông vui hơn. Dòng thời gian dần trôi, sức khỏe đâu có thể giữ mãi như thời trai trẻ, nhưng bầu nhiệt huyết vẫn hừng hực trong ông. Điềm tĩnh mà quyết đoán, giản dị mà nhân từ là tính cách của Thiếu tướng, Phó Tư lệnh Trương Văn Thanh. Tuy đã nghỉ hưu, nhưng Thiếu tướng Trương Văn Thanh vẫn luôn trăn trở đến sự trưởng thành, lớn mạnh của lực lượng. Trong một cuộc gặp mặt tại cơ quan Thường trực Bộ Tư lệnh tại thành phố Hồ Chí Minh, Thiếu tướng Trương Văn Thanh đã "tốc ký" 4 câu thơ đưa cho Đại tá Nguyễn Đức, lúc bấy giờ là Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng. Chỉ gói gọn trong mười sáu chữ, song đó là lời thề, là lời nhắn nhủ ân tình của Thiếu tướng Trương Văn Thanh đối với thế hệ người lính Biên phòng hôm nay và cũng là một kinh nghiệm sống cực kỳ quý giá: "Trân trọng truyền thống/ Giữ vững niềm tin/Sống vui, sống khỏe/ Gương mẫu, nghĩa tình".

Thiếu tướng Trương Văn Thanh là vậy, ông luôn hết lòng với công việc, giữ vững nguyên tắc, sống có nghĩa tình, vị tha, được cán bộ, chiến sĩ yêu mến. Dẫu hôm nay ông đã bước vào cái tuổi hoàng hôn của cuộc đời, nhưng "chất lính" và trí tuệ trong con người ông vẫn vẹn nguyên như thủa đôi mươi để mãi được đồng hành cùng lực lượng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét