Khoản 5, Điều 3 theo Quy
định số 144-QĐ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 09/5/2024 về chuẩn mực đạo đức
cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay, quy định: “Nêu
cao lòng tự trọng, danh dự, không cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, giữ
gìn phẩm giá của người cán bộ, đảng viên, không để bị tác động lôi kéo, cám dỗ
tiêu cực. Không để gia đình, người thân và người khác lợi dụng chức vụ, vị trí
công tác để trục lợi; bảo vệ uy tín, danh dự của bản thân và tổ chức đảng. Thực
hiện văn hoá từ chức khi không đủ khả năng, uy tín”. Đây là tiêu chí đánh
giá về chí công vô tư của người cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay phải
tự soi xét mình, có lòng tự trọng, luôn tự phê bình và phê bình, không cơ hội
chính trị, tham vọng quyền lực bảo vệ danh dự và giữ gìn phẩm giá của mình, đưa
đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Trong đó, căn bệnh “tham
vọng quyền lực” hay còn gọi là bệnh háo danh, háo địa vị là sự ham
muốn thăng tiến nhưng không bằng thực lực của mình mà bằng mọi thủ đoạn, mọi
cách tiếp cận để leo lên vị trí cao hơn, bất chấp pháp luật, đạo lý để đạt được
tham vọng cá nhân. Đây luôn là điều cấm kỵ đối với người cán bộ,
đảng viên cần phải tránh trong từng thời kỳ cách mạng, nhất là giai đoạn hiện
nay. Bởi từ nó mà sinh ra óc lãnh tụ, óc hẹp hòi, thường gắn với vấn nạn chạy
bằng cấp, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy chức, chạy quyền, chạy danh hiệu,
chạy phiếu bầu, xu nịnh cấp trên để được bổ nhiệm hoặc bằng các hành vi gian
dối, lưu manh để đạt được tham vọng quyền lực... Tiếp đến, kéo bè kéo cánh,
bệnh xu nịnh a dua, bệnh tham ô, hủ hóa, lãng phí xa hoa, tham danh trục lợi,
thích địa vị quyền hành, tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần
chúng, độc đoán chuyên quyền, quan liêu mệnh lệnh... vi phạm quy định của Đảng,
pháp luật Nhà nước, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn vun vén cho lợi ích
bản thân, lợi ích nhóm, làm giàu bất chính. Điều đó làm suy giảm sức mạnh của
tổ chức, làm tổn hại đến thanh danh, uy tín của Đảng.
Trong bản Di chúc viết
năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Đảng ta là một đảng cầm
quyền” và yêu cầu “mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm
nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ
gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ
thật trung thành của nhân dân”. Tức là, một đảng cầm quyền thì đảng viên
phải thực sự như thế, không thể khác được. Những đảng viên được Đảng cử, dân
bầu nắm giữ các chức vụ trong hệ thống chính trị, từ những đồng chí lãnh đạo
cao cấp ở trung ương đến những đồng chí cán bộ ở cơ sở đều không phải là “quan
cách mạng” mà là “công bộc” của nhân dân. Điều đó yêu
cầu đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải có đạo đức cách mạng, trở thành một phẩm
chất gắn liền với sự tồn tại của Đảng và luôn nhận thức được rằng “Đảng không
phải là một tổ chức để làm quan phát tài” mà sinh thời Bác Hồ luôn
nhấn mạnh.
Tuy nhiên, quan
niệm “một người làm quan, cả họ được nhờ” của chế độ phong
kiến vẫn len lỏi, thẩm thấu tồn tại trong tư duy của một bộ phận không nhỏ cán
bộ, đảng viên trong những nhiệm kỳ gần đây ngay cả những cán bộ cấp cao của
Đảng do thiếu rèn luyện, không đủ bản lĩnh chính trị để vượt qua những cám dỗ
vật chất. Mặc dù, họ thừa biết rằng bản thân không đủ tố chất trở thành người
lãnh đạo nhưng họ lại cho rằng khi trở thành “quan cách mạng” thì
chẳng những sẽ nhận được sự đãi ngộ về vật chất và tinh thần thích đáng của Nhà
nước nhằm phục vụ lợi ích cá nhân mà còn có thể sử dụng quyền hạn đó “ban
phát” cho những người xung quanh trong phe phái, nhóm lợi ích “quan
hệ, đồ đệ, hậu duệ, tiền tệ”. Họ “mạnh dạn” gạt đi lợi ích
quốc gia dân tộc, quên đi mình là “công bộc” của Nhân dân mà
trượt dài trên sự tha hóa quyền lực, tham vọng, đam mê chức quyền, khi có rồi
lại muốn cao hơn, cao rồi vẫn chưa đủ, lại muốn cao hơn nữa, dùng mọi thủ đoạn
sống chết để giành và giữ lấy nó để tiếp tục vun vén lợi ích cho bản thân. Do
đó, căn bệnh “tham vọng quyền lực” là điều không thể chấp nhận
cho sự tồn tại trong mỗi tổ chức và từng cán bộ, đảng viên, là sự suy thoái về
tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện của “tự diễn biến”,
“tự chuyển hóa”.
Về bản chất, quyền lực
không phải của cá nhân ai và không bỗng nhiên có được, mà họ được nhân dân trao
quyền, ủy quyền với mục đích sử dụng để bảo vệ và đem lại lợi ích cho cộng
đồng. Tuy nhiên, với suy nghĩ lệch lạc, biến tướng từ câu nói người xưa “Đức
trọng, quyền cao” thành “chức trọng, quyền cao” đã
biến quyền lực trở thành một chất “gây nghiện”, cám dỗ, tha hóa rất
nhanh đội ngũ cán bộ, đảng viên nếu thiếu bản lĩnh chính trị trong giai đoạn
hiện nay. Có những người lúc đầu bản tính tốt, nhưng chỉ sau một cuộc bỏ phiếu
hoặc sau một quyết định bổ nhiệm, họ đã nhanh chóng biến quyền lực được nhân
dân ủy quyền thành “quyền cá nhân”, sử dụng phục vụ lợi ích bản
thân, dần dần trở nên hư hỏng, kết bè, kết phái, tạo lợi
ích nhóm, gây trở ngại hoạt
động công vụ, thậm chí có thể phản bội nhân dân, bán rẻ Tổ quốc mà trong lịch
sử thế giới và Việt Nam, đã có nhiều trường hợp nhân dân trao quyền và mất
quyền, trở thành đối tượng cho quyền lực cai trị. Điều này làm biến dạng bản
chất chế độ, gây bức xúc trong dư luận, làm giảm sút niềm tin của nhân dân vào
chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Nắm và dự báo được những hệ lụy đó, trong quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị và gần đây nhất là Quy định số 144-QĐ/TW ngày 09/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới, khẳng định rõ “không tham vọng quyền lực” không những là tiêu chí đánh giá của cán bộ cấp cao, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp mà còn là tiêu chí được quy chuẩn hóa cho toàn thể cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới hiện nay, phải có lòng tự trọng, bảo vệ danh dự và giữ gìn phẩm giá của mình trước những cám dỗ; nhằm hình thành đội ngũ cán bộ, đảng viên có đức, có tài, đủ uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Đây được xem là phương thuốc để trị căn bệnh tham vọng quyền lực.
Cách đây, gần 80 năm, trong
tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (10/1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh
đã phân tích về bệnh tham lam: “Những người mắc phải bệnh này thì đặt
lợi ích của mình lên trên lợi ích của Đảng, của dân tộc, do đó mà chỉ “tự tư tự
lợi”, dùng của công làm việc tư. Dựa vào thế lực của Đảng để theo đuổi mục đích
riêng của mình. Sinh hoạt xa hoa, tiêu xài bừa bãi. Tiền bạc đó ở đâu ra? Không
xoay của Đảng thì xoay của đồng bào. Thậm chí làm chợ đen buôn lậu. Không sợ
mất thanh danh của Đảng, không sợ mất danh giá của mình”... Kế thừa tư
tưởng của Người, xuất phát từ tình hình thực tiễn và đòi hỏi của công tác cán
bộ trong tình hình mới, trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII Đảng ta đã cập
nhật, mở rộng và chỉ rõ những biểu hiện của một số cán bộ có “tham vọng
chức quyền, không chấp hành sự phân công của tổ chức; kén chọn chức danh, vị
trí công tác; chọn nơi có nhiều lợi ích, chọn việc dễ, bỏ việc khó; không sẵn
sàng nhận nhiệm vụ ở nơi xa, nơi có khó khăn. Thậm chí còn tìm mọi cách để vận
động, tác động, tranh thủ phiếu bầu, phiếu tín nhiệm cho cá nhân một cách không
lành mạnh”.
Đây là những vấn đề mang
tính “thời sự”, cần thiết và cấp thiết trong bối cảnh tình trạng
tham nhũng, suy thoái về tư tưởng, lối sống, đạo đức cách mạng; một số cán bộ,
đảng viên có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” gây
ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Đảng với nhân dân. Và thực tế trong thời
gian qua cho thấy, căn bệnh “tham vọng quyền lực” mặc dù có
những biểu hiện hết sức đa dạng, tinh vi, với nhiều hình thức khác nhau nhưng
không có nghĩa là “bí ẩn”, chúng ta có thể “chuẩn
đoán” kẻ mắc căn bệnh này qua một số dấu hiệu chính, đó là: dùng mọi
thủ đoạn mua chuộc để đoạt được quyền lực; tìm mọi cách xây dựng “cánh
hẩu” để củng cố quyền lực và mua chức, đoạn quyền; kén chọn vị trí
công tác.
Từ những biểu hiện trên,
suy cho cùng thì căn nguyên, gốc rễ của căn bệnh “tham vọng quyền lực” là
chủ nghĩa cá nhân, vị kỷ; chính nó đã làm hư hỏng đội ngũ cán bộ, đảng viên,
nhất là trước những tác động trực tiếp từ sự cộng hưởng mặt trái của kinh tế
thị trường, hội nhập quốc tế và quyền lực. Bộ Chính trị ban hành Quy định số
144-QĐ/TW (ngày 09/5/2024), quy định “chuẩn mực đạo đức cách mạng của
cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới” chính là lời hiệu triệu toàn
Đảng cùng toàn quân, toàn dân, mỗi cá nhân không thể đứng ngoài vòng xoáy của
thời cuộc mà phải cùng nhau hăng hái thi đua xây dựng Đảng và hệ thống chính
trị trong sạch vững mạnh, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ,
đảng viên “tham vọng quyền lực”, suy thoái về tư tưởng chính
trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” để
bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Các nội dung của Quy
định số 144-QĐ/TW đã được Đảng ủy, Thường vụ, Ban Giám đốc Học viện Lục quân
quán triệt, triển khai trực tiếp tới các Đảng ủy viên, các tổ chức chính trị,
các cấp ủy Đảng của các cơ quan, đơn vị, khoa giảng viên và đảng viên trong
toàn Đảng bộ Học viện trong thời gian qua. Trong đó, Đảng ủy nhấn mạnh toàn thể
đảng viên trong toàn Học viện nêu cao tinh thần gương mẫu, nhận thức sâu sắc và
nghiêm túc chấp hành Quy định. Đồng thời, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện đã
lãnh đạo, chỉ đạo kết hợp chặt chẽ việc thực hiện Quy định 144-QĐ/TW với đẩy
mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện
các nghị quyết, kết luận của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống
chính trị; các quy định của Đảng về nêu gương và về những điều đảng viên không
được làm; đưa nội dung thực hiện Quy định 144-QĐ/TW vào các chương trình, tài
liệu, để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên
trong Đảng bộ. Và đây cũng là một tiêu chí quan trọng hàng đầu để đánh giá,
nhận xét, xếp loại cán bộ, đảng viên, học viên, quân nhân chuyên nghiệp và
chiến sĩ hàng năm.
Nhận thức sâu sắc về ý
nghĩa, tầm quan trọng của Quy định 144-QĐ/TW trong việc xây dựng đạo đức cách
mạng, mỗi cán bộ, đảng viên, học viên, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ trong
từng cơ quan, đơn vị, khoa giảng viên trong toàn Học viện đều tự giác học tập,
phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện, “tự soi”, “tự sửa” theo tiêu
chí các chuẩn mực để không ngừng nâng cao đạo đức cách mạng. Đặc biệt, vào thời
điểm hiện nay toàn quân tập trung chuẩn bị và tổ chức thành công đại hội đảng
các cấp trong Đảng bộ Quân đội tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV
của Đảng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới
theo Quy định số 144-QĐ/TW, ngày 09/5/2024 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng
(khóa XIII) được xem là kim chỉ nam để tổ chức Đảng các cấp trong toàn Học viện
làm công tác chuẩn bị nhân sự, xem xét, lựa chọn cán bộ đủ đức, đủ tài đưa vào
quy hoạch và giới thiệu bầu cấp ủy khóa mới./.
Sưu tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét