Thứ Hai, 24 tháng 6, 2024

Tiếp tục tham mưu, thực hiện có hiệu quả Chương trình kiểm tra của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

 Nhấn mạnh từ nay đến cuối nhiệm kỳ là giai đoạn rất quan trọng để hoàn thành các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đã đề ra, đồng chí Lương Cường đề nghị, UBKT Trung ương tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; trước mắt là tham mưu triển khai thực hiện và hoàn thành đúng tiến độ, có hiệu quả Chương trình kiểm tra của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2024.

Đồng chí Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu kết luận buổi làm việc. 

Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư tại buổi làm việc với UBKT Trung ương về tình hình thực hiện nhiệm vụ từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay diễn ra chiều nay. Cùng dự có đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm UBKT Trung ương.

Tham dự buổi làm việc có các đồng chí: Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Trần Văn Rón, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Thường trực UBKT Trung ương; Trần Tiến Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm UBKT Trung ương; các đồng chí Thành viên UBKT Trung ương; đại diện lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, lãnh đạo các vụ, đơn vị của Cơ quan UBKT Trung ương.

Tại buổi làm việc, đồng chí Trần Văn Rón, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Thường trực UBKT Trung ương đã báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay của UBKT Trung ương và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy, tổ chức đảng thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện đồng bộ với quyết tâm cao. Công tác phối hợp giữa UBKT các cấp với các cơ quan chức năng có liên quan ngày càng chặt chẽ, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả, công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng ngày càng được nâng lên. Tập thể Thường trực Ủy ban, UBKT Trung ương chấp hành nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, đoàn kết thống nhất cao; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện toàn diện các nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng với một khối lượng công việc lớn, trong đó có nhiều vụ việc khó, phức tạp, phát sinh từ lâu đã được kiểm tra, kết luận, xử lý dứt điểm hoặc những vụ việc mới phát sinh có chuyên môn sâu, chuyên biệt, khép kín cũng đã được phát hiện, kiểm tra, xử lý kịp thời. Qua kiểm tra, giám sát kết luận khách quan, chính xác; đề nghị xử lý kỷ luật nghiêm minh nhiều tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, đã góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Cụ thể:

Đồng chí Trần Văn Rón, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Thường trực UBKT Trung ương trình bày báo cáo tại buổi làm việc. 

Về thực hiện các nhiệm vụ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giao: UBKT Trung ương đã đề nghị Ban Chấp hành Trung ương thi hành kỷ luật 16 đảng viên; đề nghị Bộ Chính trị thi hành kỷ luật 14 đảng viên và 23 tổ chức đảng, trong đó có 26 đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; Ban Bí thư thi hành kỷ luật 132 đảng viên, 20 tổ chức đảng; tham mưu Ban Bí thư thành lập 02 Đoàn giải quyết tố cáo đối với 02 đảng viên... 

Về thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng: UBKT Trung ương đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 78 tổ chức đảng và 23 đảng viên; qua kiểm tra đề nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật 43 tổ chức đảng và 100 đảng viên; thi hành kỷ luật theo thẩm quyền 156 tổ chức đảng và 371 đảng viên; yêu cầu tổ chức đảng cấp dưới xem xét trách nhiệm, xử lý kỷ luật 118 tổ chức đảng và 359 đảng viên. Kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng, kiểm tra tài chính đảng đối với 82 tổ chức đảng; giám sát chuyên đề đối với 47 tổ chức đảng và 88 đảng viên; xem xét, giải quyết tố cáo theo quy trình đối với 09 đảng viên, 01 tổ chức đảng, giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng đối với 29 đảng viên; kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản, thu nhập đối với 115 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Qua kiểm tra, giám sát, UBKT Trung ương đã thi hành kỷ luật 161 tổ chức đảng và 417 đảng viên bằng các hình thức.

Nội dung kiểm tra tập trung vào việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các quy định của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; việc chấp hành nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng, quy chế làm việc; thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trách nhiệm nêu gương; kê khai tài sản, thu nhập; quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, vốn, tài sản nhà nước; mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện các dự án/gói thầu mua sắm tài sản, trang thiết bị do Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) và các doanh nghiệp thuộc “hệ sinh thái” AIC thực hiện; các vi phạm liên quan đến các Tập đoàn FLC, Vạn Thịnh Phát...

Chủ nhiệm UBKT Trung ương Trần Cẩm Tú phát biểu ý kiến tại buổi làm việc. 

Cấp ủy, UBKT các cấp giám sát 213.336 tổ chức đảng và 544.761 đảng viên; xem xét, giải quyết tố cáo 3.168 đảng viên và 100 tổ chức đảng, giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng 601 đảng viên; thi hành kỷ luật đảng 66.433 tổ chức đảng và 1.360 đảng viên. UBKT các cấp kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát đối với 95.863 tổ chức đảng, kiểm tra việc thi hành kỷ luật 41.773 tổ chức đảng. UBKT các cấp kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản, thu nhập 7.393 đảng viên, qua kiểm tra, giám sát kết luận 239 đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.

Tại buổi làm việc, các đồng chí Thành viên UBKT Trung ương đã đóng góp những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm từ thực tế thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng. Đồng thời, nêu những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động kiểm tra, giám sát; phân tích, lý giải nguyên nhân khách quan và chủ quan về tình trạng vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" của cán bộ, đảng viên hiện nay còn diễn biến phức tạp; dự báo những vấn đề có thể phát sinh, từ đó đề xuất, kiến nghị, nhấn mạnh một số giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của Đảng trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã ghi nhận những kết quả tích cực UBKT Trung ương và UBKT các cấp đã đạt được trong công tác kiểm tra, giám sát từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay. UBKT Trung ương và UBKT các cấp đã có nhiều đổi mới, nỗ lực, cố gắng tổ chức thực hiện toàn diện các nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng và các nhiệm vụ do Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy các cấp giao, hoàn thành khối lượng công việc lớn, chất lượng, hiệu lực, hiệu quả không ngừng được nâng lên. Tập trung nhiều nhiệm vụ khó, phức tạp do Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giao về kiểm tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên vi phạm trong các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.

Những kết quả quan trọng trong công tác kiểm tra, giám sát đã có tác dụng rất lớn trong cảnh báo, cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa, ngăn chặn từ sớm, từ xa các vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên nhất là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên; tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng; giúp các cấp ủy, tổ chức đảng lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả hơn công tác xây dựng Đảng và thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.

Nhấn mạnh từ nay đến cuối nhiệm kỳ là giai đoạn rất quan trọng để hoàn thành các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đã đề ra, đồng chí Lương Cường đề nghị, UBKT Trung ương tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; trước mắt là tham mưu triển khai thực hiện và hoàn thành đúng tiến độ, có hiệu quả Chương trình kiểm tra của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2024.

Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, tham mưu cho Đảng xây dựng và hoàn thiện các quy định của Đảng về công tác kiểm tra, giám sát; tham gia tích cực vào quá trình xây dựng các Văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng và các Tiểu ban, Tổ Giúp việc chuẩn bị Đại hội XIV của Đảng; tập trung nghiên cứu, tổng kết thi hành Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng để phục vụ việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ Đảng. Sau khi có Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội đảng bộ các cấp, UBKT Trung ương cần sớm ban hành hướng dẫn về công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng.

UBKT các cấp cần chủ động thực hiện toàn diện, nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng, trọng tâm là kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm với tinh thần chủ động hơn, nỗ lực quyết tâm cao hơn, hành động quyết liệt hơn, tập trung vào những nơi có vấn đề phức tạp, điểm “nóng”, những địa bàn, lĩnh vực dễ nảy sinh vi phạm; thực hiện nghiêm túc các Kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; trong đó, tập trung kiểm tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm trong các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, đặc biệt xử lý dứt điểm các vụ việc liên quan đến vi phạm của Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC và hệ sinh thái AIC, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Tập đoàn Phúc Sơn, Tập đoàn Thuận An và các vụ việc mới phát sinh. Việc xử lý kỷ luật phải đảm bảo nghiêm minh, kịp thời, không có “vùng cấm”, không có “ngoại lệ”, trên tinh thần nhân văn, “trị bệnh cứu người”, mục đích là làm cho tổ chức đảng, đảng viên thấy được vi phạm, khuyết điểm để khắc phục, sửa chữa, tiến bộ hơn, làm tốt hơn.

Hình ảnh tại buổi làm việc. 

Đồng chí Lương Cường lưu ý, cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả quy chế phối hợp giữa UBKT Trung ương với các tổ chức đảng liên quan; phối hợp chặt chẽ giữa công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với công tác thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử. UBKT Trung ương cần tăng cường sự chỉ đạo đối với hoạt động UBKT các cấp ủy trực thuộc Trung ương, nhất là trong xử lý các vụ việc nghiêm trọng, phức tạp; nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ cán bộ kiểm tra của UBKT và Cơ quan UBKT Trung ương tương xứng với chức năng, nhiệm vụ được giao; đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kiểm tra; thường xuyên cập nhật kiến thức, tập huấn nghiệp vụ công tác kiểm tra. Đồng chí tin tưởng, từ những kinh nghiệm, kết quả đạt được, với quyết tâm chính trị cao của Đảng, Nhà nước; sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự nỗ lực của UBKT Trung ương và UBKT các cấp, công tác kiểm tra, giám sát thời gian tới sẽ tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực, có bước tiến mới, mạnh mẽ, rõ rệt hơn nữa; góp phần xây dựng Đảng ta, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Thay mặt tập thể UBKT Trung ương lĩnh hội, tiếp thu ý kiến của Thường trực Ban Bí thư, đồng chí Trần Cẩm Tú nêu rõ, quyết tâm của UBKT Trung ương nhằm tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm; tích cực tham mưu giúp Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra, giám sát; phối hợp, tham mưu thực hiện tốt các nhiệm vụ do các Tiểu ban, Tổ Giúp việc phục vụ Đại hội XIV của Đảng giao, đặc biệt là công tác thẩm định nhân sự; nghiên cứu, rà soát, tham mưu kịp thời cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, ban hành các quy định, quy chế, quy trình về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng bảo đảm chặt chẽ, khoa học, đồng bộ, thống nhất, đáp ứng với thực tiễn./.

Giữ gìn sự liêm chính của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới

 Quy định số 144-QĐ/TW​ có tác dụng như một tấm gương soi để mỗi cán bộ, đảng viên soi mình vào trong đó để nếu thực hiện tốt thì tiếp tục phát huy; còn nếu chỗ nào mình còn hạn chế hay thực hiện chưa tốt thì chúng ta kịp thời sửa chữa, khắc phục, tức là tự soi, tự sửa.

Đồng chí Nguyễn Đức Hà: Quy định 144 tập hợp, hệ thống nhiều nội dung của rất nhiều các văn bản khác nhau, giờ trở thành một văn bản mà văn bản này lại rất ngắn gọn, rất dễ thực hiện và cũng rất dễ kiểm tra, giám sát. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị đã ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 09/5/2024 về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới (sau đây gọi tắt là Quy định 144), gồm 6 điều với 21 điểm. Quy định này là sự phát triển, bổ sung và hoàn thiện tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như hệ thống quan điểm của Đảng về công tác xây dựng Đảng trong tình hình mới. Yêu cầu đặt ra tới đây là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để Quy định 144 đi vào cuộc sống, tạo ra bước chuyển biến rõ nét trong rèn luyện đạo đức cán bộ, đảng viên.

Để bàn luận về nội dung này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương, giảng viên cao cấp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí Nguyễn Đức Hà, vì sao Bộ Chính trị lại ban hành Quy định 144Những điểm mới đáng chú ý của văn bản này là gì?

Đồng chí Nguyễn Đức Hà: Chính quy định của Bộ Chính trị lần này cũng như nhiều quy định khác mà Bộ Chính trị cũng vừa mới ban hành đã trở thành một hệ thống để tiếp tục hoàn thiện thể chế về công tác cán bộ, vì chúng ta biết rằng công tác cán bộ được Đại hội XIII rất chú trọng và đặc biệt nhấn mạnh.

Đại hội XIII xác định công tác cán bộ là then chốt của then chốt. Từ sau Đại hội XIII của Đảng đến nay, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương đã dành rất nhiều công sức, trí tuệ, thời gian, tâm huyết cho việc hoàn thiện thể chế.

Chính vì vậy, sau Đại hội đến nay mới hơn 3 năm mà Bộ Chính trị ban hành hàng loạt các quy định về công tác cán bộ như: Quy định số 41-QĐ/TW ngày 03/11/2021 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ; Quy định số 50-QĐ/TW ngày 27/12/2021 của Bộ Chính trị về công tác quy hoạch cán bộ; Quy định số 58-QĐ/TW ngày 28/2/2018 của Bộ Chính trị “Một số vấn đề về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng”; Quy định số 69-QĐ/TW ngày 06/7/2022 của Bộ Chính trị về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm; Quy định số 80-QĐ/TW, ngày 18/8/2022 của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; Quy định số 96-QĐ/TW ngày 2/2/2023 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị; Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11/7/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ... Và tôi muốn nói là Quy định 144 này, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trực tiếp ký ban hành. Có lẽ điều đó cũng đã nói lên vị trí, ý nghĩa vô cùng quan trọng của Quy định này.

Thế còn Quy định 144 này có gì mới? Tôi phải nói thế này, tất cả những nội dung trong Quy định không phải hoàn toàn bây giờ mới có. Có những nội dung được kế thừa và có những nội dung có một số điểm mới. Nhưng quan trọng Quy định này tập hợp, hệ thống rất nhiều nội dung của rất nhiều các văn bản khác nhau, bây giờ trở thành một văn bản mà văn bản này lại rất ngắn gọn, rất dễ thực hiện và cũng rất dễ kiểm tra, giám sát.

Điểm thứ hai nữa là mặc dù nội dung của Quy định này không dài nhưng nó vừa toàn diện, lại rất cụ thể. Đây chính là một bước cụ thể hóa Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề đạo đức. Nó vừa mang tính khái quát, lại vừa mang tính hệ thống nhưng lại rất cụ thể và chi tiết để cán bộ, đảng viên dễ nhớ, dễ thực hiện và cũng dễ kiểm tra, giám sát nữa.

PV: Trong rất nhiều các quy định mà Đảng ta đã ban hành trong thời gian gần đây thì Quy định 144 được xem là bước bổ sung, hoàn thiện lý luận về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Đức Hà: Tôi cho rằng nhận xét đó là rất đúng bởi hiện nay, những yêu cầu đặt ra đối với người cán bộ, đảng viên thì có những cái được đưa ra từ trong Điều lệ Đảng, nhưng rất chung. Ví dụ nói về đạo đức cách mạng là thế nào thì Bác Hồ cũng đã nói đạo đức cách mạng là cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Thế việc cụ thể là như thế nào? Quy định này vừa nêu rất khái quát, có hệ thống nhưng lại rất cụ thể. Cho nên có thể nói đây chính là một bước tiếp tục bổ sung, phát triển và hoàn thiện thể chế về công tác cán bộ nhưng cũng là về vấn đề đạo đức cách mạng nữa. Bởi vì quan điểm của Đảng ta từ xưa đến nay là luôn luôn kế thừa nhưng lại luôn luôn bổ sung và phát triển để từng bước hoàn thiện, bởi vì cùng một lúc chúng ta cũng không nghĩ được ra hết. Từ thực tế diễn ra, chúng ta lại đặt ra và giải quyết những mâu thuẫn đó. Quá trình giải quyết những vấn đề đó chính là chúng ta bổ sung, hoàn thiện và cụ thể hóa để thực hiện những tư tưởng lớn mà trong nghị quyết của Đảng cũng như chỉ đạo của Bác Hồ đã dạy.

 

PV: Điều 3 Quy định 144 nhấn mạnh các yêu cầu về lòng tự trọng, danh dự, phẩm giá, không để người nhà, người thân lợi dụng vị trí công tác để trục lợi, thực hiện văn hoá từ chức khi không đủ khả năng, uy tín. Vậy việc ban hành Quy định vào thời điểm này có ý nghĩa, thông điệp như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Đức Hà: Trong nội dung Điều 3 Quy định 144 có đặt ra vấn đề về danh dự và lòng tự trọng. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, đây là câu nói mà đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói rất nhiều từ hội nghị Trung ương đến các hội nghị lớn khác. Tổng Bí thư đã nhấn mạnh rằng: “Danh dự và lòng tự trọng là điều thiêng liêng cao quý nhất”. Riêng đối với lực lượng công an nhân dân thì đồng chí đã nói nhiều lần và đã có riêng một cuốn sách về vấn đề “danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất”.

Ở đây tôi muốn nói đến quy định về việc cán bộ, đảng viên không được để người nhà, người thân, người khác lợi dụng vị trí công tác của mình, uy tín của mình để trục lợi. Nội dung này đã được quy định trong Quy định số 08 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên. Thế rồi, trong Quy định số 37 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm cũng có nói rồi.

Nhưng lần này khi nói về vấn đề đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên thì lại đưa vào cụ thể hơn, chi tiết hơn. Điều này có nghĩa là lúc nào người cán bộ, đảng viên cũng phải tự soi xét mình. Bởi vì danh dự, lòng tự trọng là điều cao quý nhất. Tất nhiên có nhiều cái đặt danh dự, lòng tự trọng lên cao nhưng đây là cao nhất, quý nhất thì trong Quy định này đã nhấn mạnh vấn đề này để mọi cán bộ, đảng viên phải thấy điều đó, có nghĩa là thấy danh dự của mình, lòng tự trọng của mình là điều cao quý nhất. Cho nên là mọi việc làm của mình, mọi hành vi của mình, mọi phát ngôn của mình phải luôn luôn lấy điều đó là tâm niệm và khắc sâu vào tâm trí của mình rằng lợi ích của quốc gia dân tộc là trên hết, trước hết.

Tôi cho là những điều này mặc dù là đơn giản nhưng đầy ý nghĩa sâu sắc và luôn luôn nhắc nhở, thôi thúc cán bộ, đảng viên trong mọi hành vi, cử chỉ, mọi lời nói của mình làm thế nào cho tốt, có sức thuyết phục.

 Đồng chí Nguyễn Đức Hà: Cán bộ, đảng viên không chỉ nói đi đôi với làm mà cần nói đi đôi với làm và làm đi đôi với nói. 

PV: Thưa đồng chí, Quy định 144 được xem là tiêu chí để tổ chức đảng xử lý đảng viên sai phạm, nhưng cũng là cơ sở để nhân dân giám sát, thực hành, đạo đức của cán bộ, đảng viên. Đồng chí thể phân tích thêm về nội dung này?  

Đồng chí Nguyễn Đức Hà: Thứ nhất, tôi cho rằng nó có tác dụng như một tấm gương soi để mỗi cán bộ, đảng viên soi mình vào trong đó để nếu thực hiện tốt thì tiếp tục phát huy. Còn nếu chỗ nào mình còn hạn chế hay thực hiện chưa tốt thì chúng ta kịp thời sửa chữa, khắc phục, tức là tự soi tự sửa.

Thứ hai, những điểm, những điều trong quy định này làm căn cứ, cơ sở để các cấp ủy, các tổ chức đảng xem xét và xử lý đối với những cán bộ, đảng viên vi phạm. 

Thứ ba, Đảng ta xác định phải thực sự dựa vào dân để xây dựng Đảng, thực sự dựa vào dân để xây dựng chính quyền, thực sự dựa vào dân để xây dựng đội ngũ cán bộ. Cho nên tác dụng của nó chính là để cả hệ thống chính trị, để toàn dân theo dõi, giám sát và sau giám sát cũng chính là để góp ý xây dựng đội ngũ cán bộ.

Thứ tư, nó cũng là cơ sở, căn cứ để cho các cấp ủy, tổ chức đảng, để cấp trên kiểm tra cấp dưới, để cấp ủy kiểm tra giám sát đối với đảng viên, rồi để đảng viên này giám sát, theo dõi đảng viên khác. Tôi cho rằng, Quy định đi vào cuộc sống rất có tác dụng...

PV: Quy định 144 cũng nêu rõ tinh thần 6 dám: Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn thách thức, hành động vì lợi ích chung, vì nước, vì dân. Trên thực tế, căn bệnh nói mà không làm, bệnh sợ trách nhiệm, sợ sai, ngại thay đổi hay lạm dụng quyền lực để mưu lợi… đã được đề cập lâu nay. Soi chiếu với thực tế xã hội, đồng chí có bàn luận gì?

Đồng chí Nguyễn Đức Hà: Một nội dung trong Quy định 144 của Bộ Chính trị này cũng chính là thể hiện tinh thần cơ bản trong Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung mà chúng tôi hay gọi vui để cho dễ nhớ là kết luận “6 dám”. Có thể nói rằng, trong lúc này chúng ta đang rất cần thiết có một đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám đổi mới, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Ngay trong Quy định 144 cũng thể hiện một ý rất quan trọng. Đó là đòi hỏi cán bộ, đảng viên dám nhìn thẳng vào sự thật, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm và dám đổi mới sáng tạo. Tôi cho đây vừa là tinh thần mới nhưng nó bắt nhịp rất kịp thời và rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay.

Chúng ta thấy rằng, thực tiễn đang đòi hỏi, yêu cầu đội ngũ cán bộ, đảng viên không chỉ bình bình mà phải xông vào, có đam mê, ham muốn, phải có khát vọng, không bằng lòng với cái mình đã đạt được. Đấy là một yêu cầu rất cao trong giai đoạn mới. Ở chỗ này còn có thêm ý mà tôi thấy rất hay là cán bộ, đảng viên không chỉ nói đi đôi với làm mà cần nói đi đôi với làm và làm đi đôi với nói. Điều này có nghĩa là việc làm có đúng đi với lời nói không? Làm được nhưng phải nói được, phải truyền cảm ứng được, phải truyền bá, phải lan tỏa được. Người cán bộ, đảng viên bây giờ yêu cầu rất cao. Cho nên tôi cho là trong giai đoạn mới, chúng ta phải ngày càng bổ sung, phát triển và hoàn thiện về đạo đức của người cán bộ, đảng viên, của người cách mạng hiện nay là đúng như vậy.

Quy định 144 là cơ sở rất quan trọng, vừa quán triệt nhận thức để chúng ta hiểu cho rõ, thấm nhuần sâu sắc những tiêu chuẩn, tiêu chí... để trong quá trình chuẩn bị nhân sự cấp ủy các cấp tới đây thực hiện cho tốt. 

PV: Thưa đồng chí, Quy định 144 cũng là một tiêu chí cơ bản để sắp tới triển khai đưa vào quy hoạch, giới thiệu bầu cấp ủy khóa mới để tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng. Vậy thì để Quy định 144 đi vào cuộc sống, tạo ra bước chuyển biến rõ nét trong rèn luyện đạo đức cán bộ, đảng viên thì tới đây, yêu cầu đặt ra về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát cần được tổ chức thế nào?

Đồng chí Nguyễn Đức Hà: Trước hết, tôi cho rằng, Quy định 144 của Bộ Chính trị ra đời vào lúc này rất kịp thời, đúng nhịp, đúng độ và đúng lúc cần thiết. Theo tôi được biết, Bộ Chính trị cũng đã thảo luận và cho ý kiến về dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng rồi. Bộ Chính trị cũng đã báo cáo trước Hội nghị Trung ương 9 vừa rồi để lấy ý kiến của Trung ương rồi. Hiện nay các cơ quan chức năng đang hoàn thiện lần cuối và để Bộ Chính trị ký ban hành. Tôi nghĩ chắc là cũng chỉ trong ít ngày nữa thôi Bộ Chính trị sẽ có Chỉ thị chính thức về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Cho nên tôi lại càng thấy Quy định 144 rất đúng thời điểm, rất cần thiết cho việc chuẩn bị đại hội.

Chúng ta biết rằng, lần nào cũng vậy, đại hội nào cũng vậy, yêu cầu của Bộ Chính trị, của Trung ương là phải làm sao lựa chọn cho đúng người, bố trí đúng việc. Đặc biệt vừa rồi đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn rất mạnh hai điểm. Một là không được bỏ sót những người có đức có tài, đồng thời lại không để lọt những người cơ hội vào trong cấp ủy các cấp, đặc biệt cấp càng cao thì lại càng quan trọng.

Trong các nghị quyết của Trung ương cũng như quy định của Trung ương đặt ra vấn đề là phải lựa chọn những người có phẩm chất, có năng lực, có uy tín. Phẩm chất thì có phẩm chất chính trị. Phẩm chất chính trị thì tư tưởng, chính trị thế nào? Ý thức chính trị, đạo đức thế nào? Thế rồi năng lực là năng lực công tác, năng lực chuyên môn, năng lực thực tiễn thế nào? Nó rất nhiều vấn đề... 

Riêng vấn đề chính trị lần này căn cứ vào Quy định 144 chúng ta có thể rất dễ để áp vào. Thế nào là có phẩm chất chính trị? Thế nào là trung thành với Đảng, với Tổ quốc? Kiên định mục tiêu lý tưởng của Đảng là thế nào? Kiên định Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thế nào? Kiên định với đường lối đổi mới và các nguyên tắc tổ chức của Đảng là thế nào?... Quy định 144 đã nêu rất rõ. Như vậy nếu áp vào lấy những tiêu chí, tiêu chuẩn đó  đối với từng nhân sự thì cũng rất là có điều kiện, cơ sở để lựa chọn.

Bây giờ cấp ủy các cấp đang phải rà soát lại quy hoạch, bổ sung, hoàn thiện quy hoạch. Năm 2025 là Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV sẽ diễn ra vào đầu năm 2016. Tôi cho là đây là cơ sở rất quan trọng, vừa quán triệt nhận thức để chúng ta hiểu cho rõ, thấm nhuần sâu sắc những tiêu chuẩn, tiêu chí này để trong quá trình chuẩn bị nhân sự cấp ủy các cấp tới đây thực hiện cho tốt.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!


Phát huy lý tưởng cao đẹp, sức trẻ của người thanh niên để đóng góp cho cộng đồng.

 Các hoạt động của Chiến dịch thanh niên tình nguyện Kỳ nghỉ hồng năm 2024 tập trung phát huy chuyên môn ngành nghề của của từng đơn vị, cụm ngành nghề, thông qua các đội hình chuyên sâu các cấp, ứng dụng chuyển đổi số, vận động các nguồn lực để tham gia hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội địa bàn khó khăn tại các làng thanh niên lập nghiệp, đảo thanh niên, địa bàn dân tộc thiểu số…

Lễ chào cờ tại cột cờ chủ quyền Tổ quốc tại đảo Phú Quý 

Ngày 14/6, tại đảo Phú Quý (Bình Thuận), Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức Chiến dịch thanh niên tình nguyện Kỳ nghỉ hồng cấp Trung ương năm 2024. 

Phát biểu tại chương trình, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đoàn Ngô Văn Cương nêu rõ, Chiến dịch thanh niên tình nguyện Kỳ nghỉ hồng là phương thức hoạt động tình nguyện nhằm phát huy vai trò xung kích của đoàn viên, thanh niên là cán bộ, công chức, viên chức công nhân người lao động trẻ vận dụng chuyên môn nghiệp vụ để tham gia các hoạt động tình nguyện, phục vụ cộng đồng; là môi trường thực tiễn phong phú, sinh động cho hàng trăm ngàn đoàn viên, thanh niên cán bộ, công chức, viên chức công nhân người lao động trẻ trên cả nước rèn luyện bản lĩnh, nhận thức và hành động, dấn thân đảm nhận những phần việc khó khăn để cống hiến sức trẻ của mình cho cộng đồng trong thời gian qua.

 Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đoàn Ngô Văn Cương trao quà cho người có hoàn cảnh khó khăn trên đảo Phú Quý

Với việc đẩy mạnh chuyển đổi số đồng bộ trên tất cả các mặt công tác của Đoàn; chú trọng thực hiện chủ trương “3 liên kết” (liên kết lực lượng, liên kết địa bàn, liên kết cộng đồng) trong triển khai các hoạt động tình nguyện xuyên suốt Chiến dịch, cùng với phương châm “Thanh niên công nhân, công chức, viên chức lấy chuyên môn làm tình nguyện, lấy chuyên môn phục vụ cộng đồng”, các hoạt động của chiến dịch Kỳ nghỉ hồng năm 2024 tập trung phát huy chuyên môn ngành nghề của của từng đơn vị, cụm ngành nghề, thông qua các đội hình chuyên sâu các cấp, ứng dụng chuyển đổi số, vận động các nguồn lực để tham gia hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội địa bàn khó khăn tại các làng thanh niên lập nghiệp, đảo thanh niên, địa bàn dân tộc thiểu số…

"Giá trị của Chiến dịch Kỳ nghỉ hồng còn nằm ở chỗ chúng ta khẳng định được lý tưởng và phương thức thực hiện của tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, phát huy lý tưởng cao đẹp, sức trẻ của thanh niên để đóng góp cho cộng đồng chứ không chỉ sống cho riêng mình", đồng chí Ngô Văn Cương nói.

 Khánh thành công trình “Điểm sáng an ninh” trên đảo

Tại chương trình đã diễn ra nhiều hoạt động ý nghĩa như: Lễ chào cờ tại cột cờ chủ quyền Tổ quốc tại đảo Phú Quý; Trao tặng 50 phần quà cho công nhân, người lao động, thanh thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn trên đảo; tặng công trình “Điểm sáng an ninh”; Trao tặng 50 thùng rác tại khu dân cư kiểu mẫu; Tổ chức các gian hàng trò chơi dân gian cho thiếu nhi; Trao tặng các công trình “Tuyến đường cờ nâng bước nông thôn”, “Công trình tô điểm bờ kè”, “Tuyến đường ánh sáng an ninh”; Khám chữa bệnh, phát thuốc và tặng quà cho người lao động…Tổng kinh phí thực hiện hơn 300 triệu đồng.

Được biết, Chiến dịch thanh niên tình nguyện Kỳ nghỉ hồng tại đảo Phú Quý là chương trình đầu tiên trong chuỗi 03 chương trình Kỳ nghỉ hồng cấp Trung ương. Thời gian tới, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh còn tiếp tục triển khai Chiến dịch Kỳ nghỉ hồng ở các địa bàn khó khăn./.


Yêu cầu và trách nhiệm của cơ quan mật mã quốc gia.

 Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Mật mã là một công tác cơ mật, quan trọng, vẻ vang... các cô, các chú làm mật mã phải bí mật, đoàn kết và quân sự hoá”, trải qua gần 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lớp lớp các thế hệ cán bộ, nhân viên ngành Cơ yếu Việt Nam với ý chí tự lực, tự cường, tự chủ, sáng tạo, đoàn kết thống nhất, vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh thầm lặng, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Ban Cơ yếu Chính phủ là cơ quan mật mã quốc gia, quản lý chuyên ngành về cơ yếu, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, có trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tham mưu cho Đảng, Nhà nước về công tác cơ yếu, thực hiện quản lý nhà nước về cơ yếu trong phạm vi cả nước.

Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, để kịp thời đáp ứng yêu cầu bảo vệ thông tin bí mật nhà nước phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy của Đảng, Chính phủ và lực lượng vũ trang, góp phần bảo vệ chính quyền cách mạng còn non trẻ, Đảng ta chủ trương xây dựng hệ thống thông tin liên lạc bằng mật mã từ Trung ương đến địa phương. Ngày 12/9/1945, thực hiện chỉ thị của Thường vụ Trung ương Đảng, Ban Mật mã quân sự được thành lập tại cơ quan Bộ Tổng Tham mưu, đây là tổ chức tiền thân của ngành Cơ yếu Việt Nam. Sau này, ngày 12/9 được lấy làm Ngày truyền thống của ngành Cơ yếu Việt Nam.

Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Mật mã là một công tác cơ mật, quan trọng, vẻ vang... các cô, các chú làm mật mã phải bí mật, đoàn kết và quân sự hoá”, trải qua gần 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lớp lớp các thế hệ cán bộ, nhân viên ngành Cơ yếu Việt Nam với ý chí tự lực, tự cường, tự chủ, sáng tạo, đoàn kết thống nhất, vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh thầm lặng, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, trên mặt trận chiến đấu thầm lặng nhưng vô cùng khốc liệt, cán bộ, nhân viên cơ yếu luôn tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân, lập nhiều chiến công xuất sắc, bảo đảm bí mật, chính xác, kịp thời thông tin lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy trên chiến trường, mặt trận ngoại giao, đóng góp quan trọng vào thắng lợi của công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ngành Cơ yếu đã tiếp thu thành tựu khoa học - công nghệ mật mã trên thế giới để xây dựng nền khoa học - công nghệ mật mã Việt Nam từng bước hiện đại, phục vụ đắc lực sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, chỉ huy của lực lượng vũ trang.

Những thách thức, yêu cầu mới đối với công tác Cơ yếu

Trên thế giới, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn nhưng tình hình diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường. Chiến tranh thông tin, chiến tranh trên không gian mạng đang hiện hữu và ngày càng quyết liệt. Một số quốc gia tận dụng ưu thế về kinh tế, quân sự, khoa học - công nghệ, khai thác không gian vũ trụ, không gian mạng để can dự, gây sức ép về chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao; gia tăng các hoạt động thu thập, đánh cắp, giả mạo, sửa đổi thông tin, vô hiệu hóa hệ thống công nghệ thông tin - viễn thông, xâm phạm chủ quyền, lợi ích của các quốc gia khác.

Khoa học, công nghệ mật mã thế giới đã phát triển mạnh mẽ với sự ra đời của các công nghệ mã hóa và các kỹ thuật thu tin mã thám mới; đặc biệt là Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự ra đời của máy tính lượng tử và các công nghệ mới mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng xuất hiện nhiều nguy cơ mất an toàn thông tin đối với tất cả các quốc gia. Việc sử dụng mật mã để bảo mật thông tin bí mật nhà nước, góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia được các nước trên thế giới đặc biệt coi trọng và ưu tiên triển khai.

 Ban Cơ yếu Chính phủ nhận Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ hai năm 2015

Trong nước, sau hơn 38 năm đổi mới, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Nhân dân ta đạt được những thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực, tạo nền tảng quan trọng để nước ta bước vào thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, hội nhập, phát triển, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ thông tin - viễn thông thế giới đã tạo ra nhiều cơ hội và động lực để phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh; đồng thời, đã xuất hiện nhiều nguy cơ mất an toàn thông tin. Các thế lực thù địch đã tăng cường hoạt động gián điệp, sử dụng các phương tiện, kỹ thuật thu tin mã thám với tính chất, mức độ ngày càng tinh vi, nghiêm trọng, thâm nhập vào hệ thống thông tin trọng yếu quốc gia để chống phá Đảng, Nhà nước về chính trị, kinh tế, tư tưởng, văn hóa..., thực hiện “diễn biến hòa bình” nhằm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta.

Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quan trọng liên quan đến lĩnh vực cơ yếu và bảo mật, an toàn, an ninh thông tin; Chính phủ đẩy mạnh chủ trương ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số; trong đó, xác định việc bảo mật, an toàn thông tin dùng mật mã đóng vai trò đặc biệt quan trọng, là yếu tố then chốt để bảo đảm an ninh quốc gia và phát triển kinh tế - xã hội; nhu cầu về bảo đảm bảo mật, an toàn thông tin của các ban, bộ, ngành, địa phương ngày càng lớn và cấp thiết, đặt ra những yêu cầu mới về công tác cơ yếu.

Trách nhiệm của cơ quan mật mã quốc gia

Trong thời gian tới, để Ban Cơ yếu Chính phủ và ngành Cơ yếu Việt Nam hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân đã tin tưởng giao phó, bảo đảm bí mật, an toàn, chính xác, kịp thời thông tin phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, chỉ đạo, chỉ huy của lực lượng vũ trang nhân dân trong mọi tình huống, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, sẵn sàng ứng phó thắng lợi các tình huống chiến tranh công nghệ cao, chiến tranh mạng, chiến tranh thông tin, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, cần phải làm tốt hơn nữa vai trò, trách nhiệm của Cơ quan mật mã quốc gia - Ban Cơ yếu Chính phủ, nhất là việc tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về cơ yếu.

Quản lý nhà nước về cơ yếu là hệ thống các biện pháp quản lý của nhà nước do cơ quan nhà nước và các tổ chức được ủy quyền tiến hành trên cơ sở pháp luật và thi hành pháp luật, nhằm đáp ứng yêu cầu bảo mật, an toàn thông tin phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, chỉ huy của lực lượng vũ trang nhân dân, phục vụ đắc lực, hiệu quả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Ban Cơ yếu Chính phủ đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao các nhiệm vụ quản lý nhà nước về cơ yếu trên các lĩnh vực cơ bản như sau: Quản lý nhà nước về lực lượng cơ yếu; quản lý nhà nước về hoạt động mật mã để bảo vệ thông tin bí mật nhà nước; quản lý nhà nước về chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ; quản lý nhà nước về mật mã dân sự; quản lý nhà nước về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực mật mã; hoạt động thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm hành chính.

Quản lý nhà nước về lực lượng Cơ yếu

Điều 20 Luật Cơ yếu quy định: “Lực lượng cơ yếu là một trong những lực lượng chuyên trách bảo vệ bí mật nhà nước, có chức năng tham mưu cho Đảng, Nhà nước về công tác cơ yếu, thực hiện hoạt động cơ yếu; góp phần bảo đảm tuyệt đối bí mật, an toàn, chính xác, kịp thời thông tin phục vụ sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, chỉ đạo, chỉ huy của lực lượng vũ trang nhân dân trong mọi tình huống; chủ động phòng ngừa, tham gia đấu tranh với các hoạt động thám mã gây phương hại đến an ninh quốc gia, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân”. Đồng thời, trước bối cảnh trong nước và thế giới, tình hình lộ lọt bí mật nhà nước, nguy cơ mất an toàn thông tin ngày càng gia tăng, Nghị quyết 56-NQ/TW ngày 05/3/2020 của Bộ Chính trị ban hành Chiến lược phát triển ngành Cơ yếu Việt Nam đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045 đã xác định: “phải có chủ trương, giải pháp đột phá nhằm bảo đảm tuyệt đối bí mật thông tin lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước. Xây dựng ngành Cơ yếu Việt Nam cách mạng, chính quy, tiến thẳng lên hiện đại là giải pháp then chốt, quyết định. Đây là nhiệm vụ cơ bản, cấp thiết, là trách nhiệm của toàn Đảng và cả hệ thống chính trị, trong đó, lực lượng cơ yếu giữ vai trò nòng cốt”.

Quản lý nhà nước về lực lượng cơ yếu bao gồm quản lý về tổ chức cơ yếu, người làm việc trong tổ chức cơ yếu, thực hiện chế độ, chính sách đối với người làm việc trong tổ chức cơ yếu.

Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản rất quan trọng, có ý nghĩa đột phá về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước, gắn với tinh giản biên chế. Thực hiện chủ trương, đường lối, quan điểm, mục tiêu của Đảng, quy định của pháp luật về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tổ chức của lực lượng cơ yếu cũng cần tiếp tục được rà soát, sắp xếp, kiện toàn bảo đảm “khoa học, thống nhất, chặt chẽ”, phù hợp với mô hình tổ chức của hệ thống chính trị và vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của ngành Cơ yếu.

 Đồng chí Vũ Ngọc Thiềm, Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ chủ trì Phiên họp Ban Soạn thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật An toàn thông tin mạng về mật mã dân sự

Quá trình rà soát, điều chỉnh phải bảo đảm khách quan, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và vị trí, vai trò của mỗi cơ quan, tổ chức; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của từng tổ chức, khắc phục triệt để tình trạng trùng lặp, chồng chéo; bảo đảm nguyên tắc kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển và nguyên tắc một việc chỉ giao cho một cơ quan, tổ chức chủ trì thực hiện, chịu trách nhiệm chính, cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm phối hợp, đáp ứng yêu cầu tổ chức tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nâng cao năng lực quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện tốt các mặt hoạt động của công tác cơ yếu.

Nguồn nhân lực là nguồn lực “đặc biệt” của mỗi quốc gia, trong đó chất lượng thể hiện qua các yếu tố cơ bản như: Trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ; phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống; kỹ năng nghề nghiệp; độ tuổi, sức khỏe… Ngành Cơ yếu Việt Nam trong thời gian qua luôn được Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chú trọng đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của ngành khoa học - kỹ thuật cơ mật đặc biệt. Yếu tố tiên quyết, có ý nghĩa quyết định là phải xây dựng được đội ngũ cán bộ, nhân viên cơ yếu có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và Nhân dân, có chuyên môn, nghiệp vụ giỏi, tinh thần năng động, khát vọng cống hiến và quyết tâm đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, nỗ lực hành động vì lợi ích chung.

Trong đó, đặc biệt chú trọng xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ cán bộ quản lý các cấp vững mạnh, đóng vai trò nòng cốt, gương mẫu, đi đầu trong các hoạt động; cán bộ làm công tác tham mưu có năng lực nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, dự báo xu thế phát triển, đề xuất chủ trương, giải pháp giải quyết các vấn đề mới, các nhiệm vụ khó, trọng điểm của ngành Cơ yếu; cán bộ làm công tác nghiên cứu, giảng dạy và đội ngũ chuyên gia đầu ngành có khả năng tiếp thu tri thức, những thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến, khai thác và làm chủ hoàn toàn các trang thiết bị mật mã hiện đại.

Cùng với kiện toàn về tổ chức và xây dựng đội ngũ cán bộ, thời gian tới, ngành Cơ yếu Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với cấp thẩm quyền các cơ chế, chính sách đãi ngộ mới, mang tính chất đột phá, tương xứng với tính chất của ngành khoa học - kỹ thuật cơ mật đặc biệt, thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia, một mặt để giữ nguồn nhân lực chất lượng cao hiện đang công tác trong Ngành, mặt khác để thu hút, tuyển dụng được các chuyên gia, nhà khoa học tài năng trong và ngoài nước vào công tác, cống hiến cho ngành Cơ yếu.

Quản lý nhà nước về hoạt động mật mã để bảo vệ thông tin bí mật nhà nước

Trong suốt chặng đường xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, phát triển, một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, có ý nghĩa quyết định, khẳng định vị trí, vai trò, trách nhiệm của ngành Cơ yếu Việt Nam, đó chính là bảo vệ thông tin bí mật nhà nước dùng mật mã. Việc thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động mật mã để bảo vệ thông tin bí mật nhà nước bao gồm tổng thể các nội dung trọng tâm sau: Về thông tin bí mật nhà nước cần được mã hóa, hoạt động khoa học và công nghệ mật mã, chuyển giao công nghệ mật mã, quy chuẩn kỹ thuật, kiểm định, đánh giá sản phẩm mật mã, triển khai, giải thể mạng liên lạc cơ yếu; về sản xuất, cung cấp, quản lý, sử dụng sản phẩm mật mã, điện mật cơ yếu, bảo đảm ngân sách, cơ sở vật chất, kỹ thuật, an ninh, an toàn cho hoạt động mật mã để bảo vệ thông tin bí mật nhà nước.

Trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các công nghệ vật liệu mới, công nghệ vi điện tử, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo sẽ thúc đẩy lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông phát triển, đạt được những thành tựu vượt bậc; sự xuất hiện máy tính lượng tử với các thuật toán lượng tử sẽ tạo ra bước đột phá trong khoa học mã thám, chúng có khả năng làm suy giảm độ an toàn, thậm chí phá vỡ hoàn toàn các thuật toán mật mã phổ biến hiện nay...

Để đáp ứng yêu cầu bảo đảm bảo tuyệt đối bí mật thông tin lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, chỉ huy của lực lượng vũ trang và bảo mật, an toàn thông tin phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành của các cơ quan Đảng, Nhà nước và các ngành, các cấp trong hệ thống chính trị, nhất là phục vụ nhiệm vụ xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, ngành Cơ yếu Việt Nam phải có giải pháp tổng thể, đột phá trong nghiên cứu các thuật toán mật mã an toàn dựa trên một số cách tiếp cận mới, có khả năng kháng lượng tử để sẵn sàng thay thế các thuật toán mật mã đang sử dụng khi máy tính lượng tử ra đời. Đồng thời, tập trung nâng cao trình độ, tiềm lực khoa học và công nghệ đáp ứng tốt yêu cầu nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các sản phẩm mật mã, sản phẩm bảo mật và an toàn thông tin chuyên dụng, tiên tiến, hiện đại, đồng bộ với công nghệ cao, có khả năng tích hợp vào hệ thống công nghệ thông tin - viễn thông, đủ sức ngăn chặn, đối phó có hiệu quả với các loại hình tấn công sử dụng công nghệ cao trong mọi tình huống. Trong đó cần triển khai làm tốt một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao năng lực nghiên cứu, sản xuất trang thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ mật mã; tập trung nghiên cứu, phát triển các sản phẩm mật mã cốt lõi, kết hợp với huy động tiềm lực khoa học - công nghệ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật trên nguyên tắc giữ bí mật tuyệt đối mật mã cơ yếu; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị, dây chuyền công nghệ nhằm nâng cao năng lực cho các cơ sở sản xuất của Ngành, đáp ứng yêu cầu sản xuất các sản phẩm mật mã, sản phẩm bảo mật, an toàn thông tin tiên tiến, hiện đại, có hàm lượng khoa học - công nghệ cao.

Ngành Cơ yếu Việt Nam cần tiếp tục tập trung phát triển hệ thống kỹ thuật mật mã tích hợp đa dịch vụ, hiện đại, tự động hóa để đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành, quản lý tập trung, thống nhất; xây dựng các trung tâm tích hợp dữ liệu, cung cấp dịch vụ mật mã, phân phối, triển khai, giám sát, hỗ trợ kỹ thuật từ xa và được tích hợp vào hệ thống công nghệ thông tin - viễn thông quan trọng quốc gia đối với tất cả các trang thiết bị, sản phẩm mật mã, sản phẩm bảo mật, an toàn thông tin của Ngành trong thời gian tới.

Quản lý nhà nước về hoạt động chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ

Cải cách hành chính, phát triển Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số là xu thế tất yếu, khách quan đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng trong tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Chuyển đổi số góp phần giảm thủ tục hành chính và giúp chính quyền các cấp nâng cao năng lực quản lý, điều hành hiệu quả. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước rất coi trọng và xem chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; việc chuyển đổi số được xác định là nội dung quan trọng trong các mục tiêu, quan điểm phát triển và đột phá chiến lược của đất nước. Nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng và văn bản quy phạm pháp luật được ban hành, trong các văn bản này đều giao nhiệm vụ cho Ban Cơ yếu Chính phủ giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước, phát triển, cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ.

Nghị quyết 56-NQ/TW ngày 05/3/2020 của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển ngành Cơ yếu Việt Nam đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045, xác định: “Lực lượng cơ yếu chủ trì triển khai sản phẩm mật mã để bảo vệ thông tin bí mật nhà nước, hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ; phát triển, mở rộng hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ tiên tiến, hiện đại” và “Mục tiêu đến năm 2025, bảo đảm cán bộ, công chức được sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ”.

Nghị quyết 27/NQ-CP ngày 11/8/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 56-NQ/TW ngày 05/3/2020 của Bộ Chính trị, xác định: “Ban Cơ yếu Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu phát triển, mở rộng hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ hiện đại, đồng bộ, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu cung cấp, quản lý và sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong cơ quan Đảng, Nhà nước, xây dựng Chính phủ điện tử; bảo đảm cán bộ, công chức, viên chức được sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ; phối hợp với các cơ quan chủ quản hệ thống thông tin quan trọng quốc gia trong việc giám sát an toàn thông tin mạng, giải pháp phòng chống mã độc, kết hợp giải pháp bảo mật, an toàn thông tin dùng mật mã, chữ ký số chuyên dùng Chính phủ”.

Điều 24 Luật Giao dịch điện tử quy định về dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ, xác định: “Chính phủ quy định chi tiết Điều này và Điều 50 quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giao dịch điện tử, xác định: “Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước về giao dịch điện tử trong lĩnh vực cơ yếu, chữ ký số chuyên dùng công vụ trên cơ sở tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chữ ký số theo quy định của pháp luật”.

Tại Khoản 3 Điều 19 Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015, quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ về lĩnh vực cơ yếu, xác định: “Xây dựng và phát triển hệ thống thông tin mật mã quốc gia, hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng, hệ thống giám sát an toàn thông tin trên mạng công nghệ thông tin trọng yếu của các cơ quan Đảng, Nhà nước; quản lý hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng mật mã”.

Trên cơ sở chủ trương của Đảng và nhiệm vụ được giao, Ban Cơ yếu Chính phủ giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thống nhất quản lý, triển khai hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp về cơ cấu tổ chức; xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật; thiết lập, vận hành, phát triển hạ tầng kỹ thuật; nghiên cứu, phát triển khoa học - công nghệ; bảo đảm cung cấp dịch vụ, hỗ trợ kỹ thuật và kiểm tra, đánh giá tình hình ứng dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trên phạm vi toàn quốc.

Đồng thời, thường xuyên rà soát, nghiên cứu, đề xuất cấp thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý về chữ ký số chuyên dùng công vụ, tạo cơ sở pháp lý thống nhất, thuận lợi để quản lý, cung cấp, sử dụng chữ ký số, chứng thư chữ ký số, dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ; giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về cơ yếu; góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về giao dịch điện tử; bảo đảm xác thực, an toàn thông tin trong việc ứng dụng chữ ký số chuyên dùng công vụ trong các hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành và tác nghiệp.

Bên cạnh đó, phải thiết lập hạ tầng kỹ thuật được đồng bộ, hiện đại, được kiểm soát chặt chẽ, làm chủ mật mã đảm bảo an toàn nghiêm ngặt đáp ứng các yêu cầu cao về an toàn và bảo mật thông tin; bảo đảm cung cấp kịp thời đáp ứng 100% yêu cầu của các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, nhằm ứng dụng hiệu quả trong thực tế, tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao hiệu quả công việc, đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để đơn giản hóa thủ tục hành chính về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ; tăng tính công khai, minh bạch, góp phần tích cực trong cải cách hành chính, phát triển Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số.

Quản lý nhà nước về mật mã dân sự

Mật mã dân sự là kỹ thuật mật mã và sản phẩm mật mã được sử dụng để bảo mật hoặc xác thực đối với thông tin không thuộc phạm vi bí mật nhà nước. Sản phẩm mật mã dân sự là các tài liệu, trang thiết bị kỹ thuật và nghiệp vụ mật mã để bảo vệ thông tin không thuộc phạm vi bí mật nhà nước.

Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 đã giao Chính phủ “ban hành Danh mục sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự và quy định chi tiết kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự”; “ban hành Danh mục sản phẩm mật mã dân sự xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép và quy định chi tiết xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự”.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, thời gian tới, Ban Cơ yếu Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước về mật mã dân sự, có trách nhiệm xây dựng dự thảo tiêu chuẩn quốc gia đối với sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố và hướng dẫn thực hiện; xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự, chỉ định và quản lý hoạt động của tổ chức chứng nhận sự phù hợp đối với sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự; quản lý chất lượng sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự; chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự và sử dụng mật mã dân sự, xử lý vi phạm về mật mã dân sự theo quy định của pháp luật.

Trong suốt chặng đường gần 80 năm xây dựng và phát triển, ngành Cơ yếu Việt Nam được rèn luyện, thử thách qua các cuộc kháng chiến oanh liệt giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đã tích lũy, đúc rút được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, ngày càng nâng cao bản lĩnh chính trị, trí tuệ và trình độ nghiệp vụ trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế. Với những thành tích vẻ vang và chiến công to lớn, ngành Cơ yếu Việt Nam đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương Sao vàng (năm 2005), Huân chương Hồ Chí Minh (năm 1985 và 2015), nhiều tập thể, cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. Những phần thưởng cao quý đó là sự đánh giá và ghi nhận của Đảng, Nhà nước đối với sự hy sinh, cống hiến của lớp lớp cán bộ, nhân viên ngành Cơ yếu Việt Nam, đồng thời là sự cổ vũ, động viên lớn lao để tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Tiếp bước những thành tựu vẻ vang và phát huy truyền thống “Trung thành, tận tụy, đoàn kết, kỷ luật, sáng tạo” của ngành Cơ yếu Việt Nam, trước yêu cầu và thử thách ngày càng lớn về việc đáp ứng nhu cầu bảo đảm bảo mật, an toàn thông tin của các ngành, các cấp, các cơ quan thuộc hệ thống chính trị, cán bộ, nhân viên cơ yếu cần nỗ lực cố gắng, vượt qua mọi khó khăn, chủ động tham mưu, tổ chức triển khai, làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình xây dựng, phát triển Ban Cơ yếu Chính phủ - Cơ quan mật mã quốc gia và ngành Cơ yếu Việt Nam “cách mạng, chính quy, tiến thẳng lên hiện đại”, góp phần xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới của cách mạng./.