Đó là con đường chạy ven làng, xưa chỉ rộng đủ cho chiếc xe cải tiến lưu thông, một bên san sát nhà dân, một bên là mương dẫn nước nằm dọc cánh đồng bát ngát. Ngày ấy, mỗi lần tan học, thay vì đi đường cái, lũ trẻ chúng tôi hay chọn đường đồng. Tuy hẹp nhưng đường đồng khá thẳng, lưa thưa người qua lại nên có thể bày đủ trò chơi dọc đường về, và vào mùa lúa trổ đòng đòng, thế nào trên tay mỗi đứa cũng đều có một nắm đẫy thơm lừng...

Nồng nàn mùa lúa chín
Ảnh minh họa: Vnexpress 

Con đường đất năm nào nay đã được đổ bê tông phẳng lì, đủ rộng để xe ô tô 5 chỗ tránh xe máy chạy ngược chiều. Phía dưới ruộng, nước đã ngập ngang thân rạ. Con trai tôi lấy làm lạ với cái xe nổ phành phạch, có thể phăm phăm chạy dưới thửa ruộng ăm ắp nước. Theo vết bánh máy cày, từng vạt ruộng bị lật tung bởi dàn cày bằng thép kéo phía sau. Rạ bật nghiêng, chìm nghỉm, để rồi chẳng bao lâu nữa sẽ mục rữa, làm cho ruộng đồng thêm màu mỡ. Bất giác, tôi lại nhớ đến những ngày sau mùa gặt đi cắt gốc rạ về phơi làm chất đốt. Kỷ niệm của một thời gian khó cứ thế ùa về...

Ngày ấy, mùa gặt đến, lũ trẻ chúng tôi khi thì phụ giúp bố mẹ cắt lúa, lúc lại phăm phăm đuổi theo để chộp lấy những con châu chấu, muồm muỗm từ thửa ruộng đang gặt bay ra. Bởi thế, ngày gặt cũng là lúc bữa cơm gia đình có thêm một món ăn thơm lừng lá chanh, mang vị bùi bùi, béo ngậy.

Sau khi gặt, lúa của các hộ gia đình trong xóm tôi thường được kéo về sân chùa rộng rãi, nơi có những chiếc cối đá lỗ đặt ở đó. Để có những nhành lúa trĩu bông, bao giọt mồ hôi đã lặng lẽ thấm xuống ruộng đồng, nhưng khi lúa đã về đến sân chùa, mồ hôi vẫn lã chã rơi theo từng nhịp đập. Dụng cụ dùng để đập lúa là những chiếc néo có hai cán bằng tre hoặc gỗ, với đoạn dây thừng bện bằng lạt giang xỏ qua hai đầu cán. Đưa hai đầu néo ngoắc chéo vào nhau khiến cho đoạn dây thừng siết chặt vào từng bó lúa, rồi đập mạnh xuống chiếc cối đá lỗ đã úp ngược, màu vàng lấp lánh cứ thế dày lên trên mặt sân chùa...

Lại nhớ những ngày phơi thóc, lũ con trẻ chúng tôi thường được giao phần việc dũi thóc và trông chừng không để gà, vịt vào ăn. Nhớ lắm cái cảm giác bỏng rát bàn chân trên nền sân gạch giữa nắng nóng trưa hè. Nhớ cái ram ráp khi những hạt thóc trườn trên mu bàn chân, rồi lổn nhổn trong từng kẽ ngón. Nhớ cả những lần thót bụng kéo cào, rã rời tay chổi để kịp thu thóc trước lúc trời mưa.

Trên đường đồng, bóng của những chiếc xe đạp đổ dài trong ánh nắng cuối ngày. Những guồng chân đạp chậm rãi của mấy cặp bạn già, những vòng bánh xe thong thả của mấy bà trung tuổi hòa cùng tiếng trò chuyện râm ran, và cả những bóng xe vun vút của lũ trẻ con... tất cả đang làm nên nét sinh động, tươi mới của cánh đồng làng.

Ngước mắt về vùng trời phía sông Thái Bình, những đụn mây trắng hình bắp cải ban nãy đã loang ra, dần ngả màu chì, báo hiệu một cơn mưa sắp đến. Có lẽ, trên những khoảng sân phơi trong làng, thóc đã được thu gom trước khi mưa đổ xuống...

HOÀNG HÀ

nguồn báo quân đội nhân dân