Thứ Ba, 2 tháng 7, 2024

 Không thể xuyên tạc tinh thần quốc tế trong sáng của những chiến sĩ “mũ nồi xanh” Quân đội nhân dân Việt Nam

Thời gian qua, cùng với những định kiến thiếu thiện cảm trên các lĩnh vực, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị không ngừng xuyên tạc, chống phá chủ trương hội nhập quốc tế, đối ngoại quốc phòng ngày càng sâu rộng của Đảng, Nhà nước ta, trong đó có nhiệm vụ Quân đội tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Đây là vấn đề không mới nhưng rất nguy hiểm, cần chủ động nhận diện và kiên quyết đấu tranh bác bỏ.

Quán triệt sâu sắc đường lối đối ngoại của Đảng, nhất là quan điểm: Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, những năm qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, cấp ủy, chỉ huy các cấp toàn quân đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác đối ngoại quốc phòng, đạt nhiều kết quả quan trọng, trở thành điểm sáng trong tổng thể hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế của đất nước. Tiêu biểu là Bộ Quốc phòng đã chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước cử lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Và chính những chiến sĩ “mũ nồi xanh” ấy bằng những việc làm cụ thể, đã và đang không ngừng tỏa sáng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế trong sáng; xứng đáng vai trò là những “sứ giả hòa bình”, làm lan tỏa hình ảnh tốt đẹp về Quân đội nhân dân Việt Nam, về đất nước và con người Việt Nam trên trường quốc tế.

Thế nhưng với bản chất phản động, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị cố tình xuyên tạc, bóp méo sự thật. Họ cho rằng: việc cử lực lượng Quân đội tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là không cần thiết và cho đó là việc “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”. Hơn thế, họ còn lập luận: chủ trương cử lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là tham gia liên minh quân sự; hay hoạt động của các chiến sĩ “mũ nồi xanh” Quân đội nhân dân Việt Nam là sự can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, v.v. Từ suy diễn đó, họ hồ đồ kết luận, việc Quân đội tham gia hoạt động trên là không tuân thủ chính sách quốc phòng “bốn không” của Việt Nam, v.v.

Trước hết, cần khẳng định, những luận điệu trên là hoàn toàn sai trái; xuyên tạc hoạt động mang đầy ý nghĩa nhân văn trên tinh thần tích cực, chủ động, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế của Việt Nam. Mục đích của những luận điệu trên không ngoài ý đồ gây nghi ngờ, hoang mang trong nhân dân, hạ thấp uy tín, hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”, xuyên tạc bản chất, truyền thống tốt đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam. Sâu xa hơn, đó còn là sự chống phá đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta; phủ nhận tinh thần quốc tế vô sản trong sáng của Việt Nam, hòng phá hoại nền tảng tư tưởng, đường lối, quan điểm của Đảng, làm mất lòng tin của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam. Bởi vậy, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân cần nêu cao cảnh giác, chủ động nhận diện, vạch trần và kiên quyết đấu tranh bác bỏ những luận điệu sai trái đó.

Nữ quân nhân Quân đội nhân dân Việt Nam công tác tại Phái bộ MINUSCA và thiếu niên Cộng hòa Trung Phi. Nguồn: Cục GGHB Việt Nam

1. Minh chứng từ lịch sử

Năm 1939, với tư tưởng chính trị cực hữu, độc tài và đàn áp đối lập,... chủ nghĩa phát xít, đứng đầu là liên minh Đức - Ý - Nhật đã tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược trên khắp các châu lục. Theo số liệu thống kê, chỉ trong 02 năm từ khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, hầu hết các quốc gia ở châu Âu; các quốc gia, vùng lãnh thổ ở Đông Á, Đông Nam Á; các nước và thuộc địa của các nước tư bản châu Âu ở châu Phi đều bị phát xít Đức và đồng minh xâm lược hoặc chấp nhận trở thành “chư hầu” của chủ nghĩa phát xít.

Để ngăn chặn chiến tranh, ngày 01/01/1942, tại Washington, đại diện lãnh đạo 26 quốc gia ký bản “Tuyên bố Liên hợp quốc”, cam kết cùng nhau chống lại chủ nghĩa phát xít trên thế giới. Thực hiện Tuyên bố này, quân đội các nước đồng minh, nhất là Hồng quân Liên Xô đã chiến đấu quả cảm, không những chặn đứng các đợt tiến công của phát xít Đức, mà còn chủ động nắm vững thời cơ thực hành phản công đánh bại quân Đức trên toàn mặt trận và thừa thắng tiến thẳng vào sào huyệt của đế chế Đức, buộc phát xít Đức và đồng minh đầu hàng vô điều kiện. Như vậy, với tinh thần đoàn kết quốc tế trong chiến đấu, các nước đồng minh chống phát xít đã làm nên chiến thắng vĩ đại, chấm dứt cuộc chiến tranh tàn khốc nhất trong lịch sử loài người, tiêu diệt hoàn toàn chủ nghĩa quân phiệt và chủ nghĩa phát xít, lập lại hòa bình trên toàn thế giới. Từ minh chứng lịch sử cho thấy, để giải quyết khủng hoảng, duy trì một thế giới hòa bình và phát triển, cần có sự chung tay, góp sức của tất cả các quốc gia, dù lớn hay nhỏ. Đó cũng là tuyên bố và cam kết của các nước được thể hiện trong Hiến chương Liên hợp quốc năm 1945; là một trong những cơ sở cho việc hình thành một cơ chế đặc biệt - hoạt động gìn giữ hòa bình, được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc triển khai lần đầu tiên vào năm 1948.

Trung thành, vận dụng và phát triển sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về tinh thần quốc tế của giai cấp công nhân, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao tinh thần quốc tế trong sáng, thủy chung. Cùng với những tuyên bố ủng hộ sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, chống áp bức, bóc lột, vì hòa bình, tiến bộ xã hội trên thế giới, thì chủ trương “thêm bạn, bớt thù”, “giúp bạn là tự giúp mình”, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia, dân tộc trên thế giới và phương châm chiến lược “kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại” trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc được thể hiện rất rõ trong tư tưởng Hồ Chí Minh và luôn là quan điểm nhất quán của Đảng ta.

Ngay sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á được thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã điện thư gửi đại diện các quốc gia thành viên thường trực Liên hợp quốc, bày tỏ nguyện vọng gia nhập tổ chức quốc tế lớn nhất này. Trong thư, Người viết: “Nhân dân Việt Nam mong muốn hợp tác với Liên hợp quốc vì sự nghiệp tạo ra nền hòa bình lâu dài trên toàn thế giới”1. Cùng với đó là đường lối lãnh đạo, chỉ đạo chiến tranh của Đảng về đoàn kết chiến đấu giữa quân đội và nhân dân Việt Nam, Lào, Campuchia trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược; cũng như việc cử các chuyên gia Việt Nam sang giúp nước bạn xây dựng cơ sở chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh, v.v. Tinh thần “giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình”2, là những minh chứng sinh động khẳng định tinh thần đoàn kết quốc tế, tương trợ giúp đỡ vô tư, trong sáng chống kẻ thù chung, khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng và phát triển đất nước của ba nước Đông Dương. Đặc biệt, biểu hiện trách nhiệm quốc tế trong sáng, thủy chung của Việt Nam còn được thể hiện khi hàng vạn cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam đã hy sinh xương máu của mình trong cuộc chiến tranh chống lại Tập đoàn phản động Pôn Pốt - Iêng-xa-ri, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng, hồi sinh đất nước Chùa Tháp từ bên bờ vực của sự diệt vong. Ghi nhận sự đóng góp cao cả này, Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen khẳng định: “Chúng ta có thể hỏi rằng trên thế giới này, có đất nước nào đã giúp nhân dân Campuchia, đặc biệt là giải phóng khỏi chế độ diệt chủng Pôn Pốt và ngăn cản sự quay lại của chúng? Câu trả lời chính là nhân dân và Quân đội Việt Nam,… Bộ đội Việt Nam chính là đội quân nhà Phật”3. Điều đó càng làm sáng tỏ sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa với Bạn và tinh thần quốc tế trong sáng của Quân đội và nhân dân Việt Nam.

2. Cử lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc - chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta trong bối cảnh mới

Trung tướng Phạm Trường Sơn thăm, làm việc với lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam tại Phái bộ UNISFA. Nguồn: qdnd.vn

Kế thừa và phát huy truyền thống đoàn kết quốc tế trong sáng, quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng thời kỳ đẩy mạnh hội nhập quốc tế, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã chủ động, tích cực tham mưu với Đảng, Nhà nước thực hiện có hiệu quả vai trò, trách nhiệm của Việt Nam đối với các vấn đề quốc tế mà Việt Nam ký kết; trong đó có việc cử lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Bằng lộ trình, kế hoạch cụ thể, phù hợp thực tiễn phát triển của đất nước, tình hình khu vực và thế giới, việc cử lực lượng vũ trang tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc được Việt Nam tiến hành bài bản4, đạt được hiệu quả tích cực, được nhân dân trong nước đồng tình ủng hộ, cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Trên cơ sở tuân thủ nguyên tắc: “... Bảo đảm độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; phù hợp với lợi ích quốc gia, dân tộc, điều kiện và khả năng của Việt Nam; tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia; chỉ tham gia hoạt động hỗ trợ khắc phục hậu quả chiến tranh, duy trì hòa bình sau xung đột, vì mục đích nhân đạo trên cơ sở đề nghị của Liên hợp quốc; chỉ triển khai ở quốc gia, khu vực đã được Liên hợp quốc thành lập phái bộ và tại các cơ quan của Liên hợp quốc”5, từ năm 2014 đến tháng 5/2024, Việt Nam đã cử hơn 800 lượt cán bộ, nhân viên tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình tại các phái bộ của Liên hợp quốc, gồm: Nam Sudan (UNMISS), Cộng hòa Trung Phi (MINUSCA), khu vực Abyei (UNISFA), Phái bộ Huấn luyện của Liên minh châu Âu tại Cộng hòa Trung Phi. Đặc biệt, cùng với cử lực lượng tham gia hình thức cá nhân hoạt động độc lập, Quân đội nhân dân Việt Nam đã cử 02 đội hình đơn vị (gồm: 05 Bệnh viện dã chiến cấp 2 và Đội Công binh số 1, số 2) thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại các khu vực ở châu Phi - nơi còn nhiều khó khăn, bất ổn.

Mặc dù hoạt động ở môi trường đặc thù, đa phương cùng nhiều sĩ quan, nhân viên các quốc gia trên thế giới, song bằng tinh thần nhiệt huyết và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực công tác tốt, đội ngũ sĩ quan, nhân viên “mũ nồi xanh” của Quân đội nhân dân Việt Nam luôn khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, không những được Liên hợp quốc, chỉ huy Phái bộ ở các địa bàn ghi nhận “là hình mẫu” cho nhiều nước khác, mà còn được chính quyền, nhân dân nước sở tại đánh giá cao thông qua việc tích cực tham gia thực hiện nhiều chương trình y tế nhân đạo, cứu trợ thiên tai, cứu hộ, hỗ trợ người dân vùng nông thôn nghèo khó và các trẻ em mồ côi, tàn tật, các dự án phát triển cộng đồng cho người dân bản địa, giúp giảm bớt nghèo đói, cải thiện điều kiện sống. Theo đánh giá của Liên hợp quốc, tỷ lệ sĩ quan Việt Nam công tác tại các phái bộ Liên hợp quốc đạt xuất sắc và đặc biệt xuất sắc là trên 30% (trong khi đó tỷ lệ bình quân của Liên hợp quốc chỉ là 01% - 02%). Hàng trăm sĩ quan “mũ nồi xanh” của Quân đội nhân dân Việt Nam ở nhiều vị trí, được chỉ huy các phái bộ Liên hợp quốc khen thưởng. Các Bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam với năng lực chuyên môn tốt, tinh thần trách nhiệm cao, luôn là chỗ dựa tin cậy về chăm sóc sức khỏe cho nhân viên Liên hợp quốc tại địa bàn và người dân địa phương. Đội công binh số 1, số 2 sau thời gian triển khai tại Phái bộ An ninh lâm thời của Liên hợp quốc ở khu vực Abyei (UNISFA), được Chỉ huy Phái bộ đánh giá đã góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo của Phái bộ6. Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết nhiệm kỳ công tác tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh: Với truyền thống hào hùng của dân tộc và của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, các cán bộ, chiến sĩ Đội Công binh số 1 và Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 đã góp phần tô thắm thêm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”, cùng với hình ảnh chiến sĩ “mũ nồi xanh” và lá cờ đỏ sao vàng, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam, Quân đội nhân dân Việt Nam trên trường quốc tế và trong mắt bạn bè thế giới.

Đội Công binh Việt Nam cung cấp nước sạch cho người dân Abyei. Nguồn: qdnd.vn

Cùng với đó là những minh chứng sống động thông qua sự ghi nhận, đánh giá của các quan chức Liên hợp quốc, chỉ huy các phái bộ Liên hợp quốc; của chính quyền, người dân địa phương và bạn bè quốc tế về hiệu quả hoạt động của lực lượng “mũ nồi xanh” của Quân đội đội nhân dân Việt Nam. Trong chuyến thăm Việt Nam, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã phát biểu “Việt Nam là một đối tác quan trọng của Liên hợp quốc, đã có nhiều đóng góp thực chất và hiệu quả trong tham gia lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và trên cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc”. Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách các hoạt động hòa bình - Jean Pierre Lacroix đánh giá “Những hoạt động Việt Nam tiến hành gần đây nhằm củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động gìn giữ hòa bình rất đáng làm hình mẫu cho nhiều nước khác”; đồng thời, bày tỏ “Tôi đã tới thăm khu vực Abyei và Nam Sudan, nơi lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam đang thực hiện tại các Phái bộ và đã được chứng kiến, nghe kể về những gì Bệnh viện dã chiến cấp 2 và Đội Công binh của các bạn đã góp phần hỗ trợ cuộc sống của các cộng đồng dân cư nước sở tại”. Tại Phái bộ MINUSCA, khi trao tặng giấy khen cho Trung tá Nguyễn Thị Liên, Trung tướng Daniel Traore, Chỉ huy trưởng lực lượng quân sự Phái bộ phát biểu “Lòng nhân từ, bác ái và thiện chí của cô thể hiện những giá trị cốt lõi của Liên hợp quốc. Cô xứng đáng là Đại sứ tuyệt vời của Việt Nam”. Đại úy Danso Agyei Aduse Poku, Chỉ huy căn cứ tạm thời, tiểu đoàn bộ binh Ghana tại khu vực Rumamier ghi nhận “Cuộc sống của chúng tôi tốt lên từ khi có các bạn xuất hiện. Nhiều công trình mới được xây dựng. Chúng tôi được khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí. Mọi người rất thân thiện và hòa đồng”. Tại Bentiu (Cộng hòa Nam Sudan) phát biểu tại buổi chia tay Bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam, Quyền trưởng văn phòng hỗ trợ thực địa phái bộ UNMISS - Bà Jana Kony, chia sẻ: “Người dân tại UNMISS nói rằng làm ơn đừng đi, nhưng nếu các bạn phải rời đi, hãy đảm bảo rằng các bạn sẽ quay trở lại,... khi các bạn rời đi hãy biết rằng các bạn được tôn trọng”, v.v.

Tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc - bước hiện thực hóa đường lối hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng của Đảng, Nhà nước và Quân đội ta. Những đóng góp và thành công trên chặng đường 10 năm qua của các chiến sĩ “mũ nồi xanh” Quân đội nhân dân Việt Nam là minh chứng rõ ràng cho thấy, việc triển khai lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Từ chủ trương đúng đắn đến những kết quả “biết nói” thông qua sự ghi nhận, đánh giá cao của Liên hợp quốc và hàng loạt các hoạt động thiết thực, hiệu quả mang nhiều ý nghĩa nhân văn, nhân ái sâu sắc đối với người dân trên các địa bàn, khu vực có sự hiện diện của lực lượng “mũ nồi xanh” Quân đội nhân dân Việt Nam đã bác bỏ hoàn toàn mọi luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch; góp phần bảo vệ vững chắc đường lối và mục tiêu đối ngoại của Đảng, Nhà nước; nâng cao vị thế, uy tín và vai trò của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế, góp phần xây dựng môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác, cùng phát triển của mọi quốc gia trên thế giới.

Nguồn: XUÂN CƯỜNG – NGHIÊM HẠNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét