Thứ Ba, 2 tháng 7, 2024

Chi bộ đặc biệt như thế

 CHI BỘ ĐẶC BIỆT Ở CÔN ĐẢO


Chi bộ đầu tiên ở Nhà tù Côn Đảo ra đời gắn liền với hoạt động của đồng chí Nguyễn Hới (nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, Ban Chấp hành TW lâm thời Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định). Ngay khi mới ra đảo bị giam ở Banh II (trại tù), Nguyễn Hới đã bàn bạc với một số đồng chí gần gũi rằng cần thiết phải thành lập ngay một tổ chức hạt nhân cộng sản để lãnh đạo trong tù. Cuối năm 1931, khi bọn chúa ngục chuyển những người tù chính trị mang án khổ sai và án tù về Banh I thì nhóm hạt nhân được hình thành do Nguyễn Hới đứng đầu.


 Chi bộ Đảng ở Côn Đảo ra đời vào khoảng đầu năm 1932 tại khám Chỉ Tồn, Banh I, lúc đầu có chừng 20 đảng viên, đồng chí Nguyễn Hới làm bí thư, chi ủy có các đồng chí Tôn Đức Thắng, Tống Phúc Chiểu, Tạ Uyên, Tống Văn Trân… Đồng chí Phan Đình Khải (tức Lê Đức Thọ) khi bị đày sang Banh I cũng được bổ sung vào chi ủy. Chi bộ xác định những nhiệm vụ chủ yếu là:

 - Lãnh đạo đấu tranh trong tù.

 - Giáo dục, bồi dưỡng lý luận cho nhau.

 - Tuyên truyền, giác ngộ binh lính, giám thị.

 - Liên hệ với Đảng ở đất liền và tổ chức trốn.


 Hoạt động trong tù, chi bộ đặt lên hàng đầu lòng trung thành vô hạn với Đảng, xem như tiêu chuẩn quan trọng nhất của đảng viên. Bất cứ ai giữ cương vị nào trong Đảng khi bị bắt phải giữ vững khí tiết, vào tù không giao động cầu an, không ngán ngại đấu tranh mới được tổ chức vào chi bộ.


Năm 1933, Chi ủy được bổ sung nhiều cán bộ có năng lực như Ngô Gia Tự, Phạm Hùng, Lê Văn Lương, Nguyễn Chí Diễu, Trần Quang Tặng… Năm 1935, đồng chí Nguyễn Duy Trinh làm bí thư chi bộ thay đồng chí Ngô Gia Tự đã vượt ngục và không trở về (1934). Các đồng chí Tạ Uyên và Tống Văn Trân vượt ngục thành công về tham gia chỉ đạo cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ (1940). Chi bộ tổ chức học tập văn hóa, chính trị và lý luận Mác – Lênin một cách bài bản cho anh em tù chính trị. Nhận được tin tức và tài liệu Đại hội lần thứ nhất của Đảng ta (1935) tại Ma Cao (Trung Quốc), trong đó có bổ sung vào Điều lệ Đảng thêm một loại hình tổ chức đảng là “chi bộ đặc biệt” (có thể tổ chức trong những điều kiện đặc biệt), chi bộ Đảng trong nhà tù Côn Đảo đổi tên thành chi bộ đặc biệt Côn Đảo.


Cuối năm 1941, đồng chí Phạm Hùng làm bí thư, thay đồng chí Nguyễn Duy Trinh vừa mãn án. Một số đồng chí có năng lực được bổ sung vào cấp ủy như Trần Ngọc Danh, Võ Sỹ, Văn Viên. Chi bộ tập trung mọi nỗ lực vào hoạt động cứu tế tù nhân. Bác Tôn, đồng chí Lê Văn Lương vẫn ở trong chi ủy. Toàn bộ công tác trung tâm của chi bộ đặc biệt trong thời kỳ này là đấu tranh chống khủng bố và cứu tế tù nhân.


 Sau khi Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), Chi ủy đã tích cực chỉ đạo đấu tranh chống bọn thân Nhật, chống bọn Tơrốtkít và lãnh đạo thành công cuộc Cách mạng Tháng Tám, giành chính quyền tại Côn Đảo, đưa hơn 2000 tù chính trị trở về tham gia kháng chiến.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét