Suốt 30 năm chiến tranh giải phóng, mỗi chiến dịch lớn, từng trận quyết chiến chiến lược tạo nên bước ngoặt, cục diện mới để kết thúc chiến tranh và suốt 49 năm xây dựng, bảo vệ Tổ quốc (BVTQ) Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xây dựng QĐND thời kỳ mới, trở thành một quân đội anh hùng đều có công sức, trí tuệ, tài nghệ tham mưu, chỉ huy, quản lý, điều hành của BTTM dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Để có kết quả đó, Đảng ủy, thủ trưởng BTTM luôn lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các mặt công tác, trong đó hết sức quan tâm công tác nghiên cứu, tham mưu phát triển lý luận quân sự, quốc phòng (QS, QP). Với 79 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, đặc biệt là 10 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 9-10-2014 của Bộ Chính trị về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030, BTTM đã chủ trì, phối hợp nghiên cứu, tham mưu với Quân ủy Trung ương (QUTƯ), Bộ Quốc phòng, Đảng, Nhà nước phát triển hệ thống lý luận cơ bản về QS, QP làm cơ sở dẫn đường cho tổ chức thực hiện thắng lợi sự nghiệp BVTQ Việt Nam xã hội chủ nghĩa, với nhiều thành tích tiêu biểu.
Nghiên cứu, tham mưu xây dựng phát triển lý luận về nghệ thuật QS, QP
Đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu được Đảng ủy, thủ trưởng BTTM-Cơ quan Bộ Quốc phòng hết sức quan tâm. Đã có nhiều công trình, đề tài nghiên cứu, phát triển lý luận nghệ thuật QS, QP của BTTM được đánh giá cao, góp phần làm giàu thêm kho tàng lý luận nghệ thuật QS, QP Việt Nam, nhất là nghiên cứu, tham mưu cho QUTƯ, Bộ Quốc phòng nội dung về QS, QP trong xây dựng các Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), nghị quyết đại hội Đảng các nhiệm kỳ, cũng như nghị quyết chuyên đề của Bộ Chính trị, QUTƯ về QS, QP. Nổi bật là nghiên cứu, tham mưu để Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 16-KL/TW ngày 7-7-2017 và Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 1-8-2017 về tổ chức lực lượng và bảo đảm vũ khí, trang bị cho QĐND Việt Nam; tham mưu hoạch định các chiến lược(*), nghị quyết của Bộ Chính trị và của QUTƯ về tổ chức QĐND Việt Nam trong tình hình mới.
Những vấn đề mới về lý luận được bổ sung, phát triển, tiêu biểu như: Xác định các hình thái chiến tranh, nghệ thuật lãnh đạo, chỉ huy, điều hành tác chiến chiến lược, nghệ thuật chiến dịch, chiến lược; phương thức tác chiến (phòng thủ chiến lược, chiến lược tiến công tổng hợp, tác chiến không gian mạng); lý luận tác chiến liên hợp; tổ chức quân đội thời kỳ mới, tiêu chí quân đội hiện đại; sách trắng quốc phòng, đấu tranh quốc phòng; phát triển từ lý luận bạn, thù sang đối tác, đối tượng... Bên cạnh đó, BTTM còn tổ chức nghiên cứu, tham mưu với QUTƯ ban hành các nghị quyết về huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, giáo dục-đào tạo, khoa học quân sự... Từ đây đã hình thành nên hệ thống lý luận nghệ thuật QS, QP rất phong phú, có giá trị định hướng cho cả trước mắt và lâu dài, bảo đảm mọi hoạt động QS, QP luôn đúng đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và đạt hiệu quả cao, góp phần BVTQ trong thời kỳ mới.
|
Khối nữ quân nhân tại Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (tháng 5-2024). Ảnh: TUẤN HUY |
Tham gia nghiên cứu, tham mưu phát triển hệ thống lý luận về BVTQ là công sức, trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, cơ quan chủ trì tham mưu là QUTƯ, Bộ Quốc phòng, cùng các ban, bộ, ngành khác, trong đó cơ quan trung tâm phối hợp, hiệp đồng tổ chức nghiên cứu, tham mưu cho QUTƯ là BTTM-Cơ quan Bộ Quốc phòng.
Dấu ấn nổi bật là đã tham mưu xây dựng Nghị quyết Trung ương 8 khóa IX, XI, XIII về Chiến lược BVTQ trong tình hình mới. Bổ sung, phát triển lý luận về quan điểm, mục tiêu, phương châm, phương thức, sức mạnh BVTQ. Cái mới là định hình được quan điểm chủ động ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; quan điểm “dân là gốc”, trung tâm, chủ thể của sự nghiệp BVTQ; bảo vệ môi trường hòa bình, bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc, nền văn hóa, an ninh phi truyền thống, biển, đảo, không gian mạng, vũ trụ; phương châm giữ “trong ấm, ngoài êm”; “làng giữ làng, bản giữ bản, xã giữ xã, huyện giữ huyện, tỉnh giữ tỉnh”, không trông chờ, ỷ lại. Mở rộng không gian chiến tranh, thu hẹp phạm vi chiến trường; rút ngắn thời gian chiến tranh, đồng thời sẵn sàng đánh lâu dài, phát triển chính sách quốc phòng "4 không"...
Về phương thức BVTQ, bên cạnh phương thức đấu tranh vũ trang, phát triển sức mạnh quốc phòng, lấy sức mạnh quân sự làm nòng cốt, đủ khả năng răn đe và đánh thắng mọi hành động xâm lược, chiến tranh, đã có sự phát triển phù hợp hơn như kết hợp sử dụng nhiều phương thức, nhấn mạnh phương thức đấu tranh phi vũ trang, đấu tranh quốc phòng, coi trọng xây dựng tự bảo vệ; lấy phòng ngừa, giữ vững bên trong là chính, lấy ngoại giao làm mũi nhọn tiên phong trong giải quyết tranh chấp, xung đột quốc tế, BVTQ từ sớm, từ xa.
Về sức mạnh giữ nước “bằng sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; dựa trên nền tảng đường lối chính trị đúng đắn là nhân tố quyết định, sức mạnh quốc phòng là then chốt, sức mạnh quân sự là đặc trưng, trực tiếp là sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang, nòng cốt là QĐND...”.
Tích cực tham gia nghiên cứu, phát triển lý luận về kết hợp KT-XH với quốc phòng, an ninh, đối ngoại
BTTM luôn chủ động tham gia tiến trình nghiên cứu phát triển lý luận về kết hợp KT-XH với quốc phòng, an ninh (QPAN), đối ngoại. Trong các văn kiện đại hội Đảng từ nhiệm kỳ Đại hội XI về trước thường đề cập kết hợp kinh tế với QPAN, từ Đại hội XII đã có sự phát triển rõ hơn, đầy đủ, toàn diện hơn thành kết hợp kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với QPAN và QPAN với kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại.
Đóng góp nổi bật là BTTM-Cơ quan Bộ Quốc phòng đã chủ trì tham mưu với QUTƯ xây dựng, trình Bộ Chính trị ban hành nghị quyết, đề án, đặc biệt là Kết luận về tăng cường tiềm lực QPAN kết hợp với phát triển KT-XH trên hướng chiến lược phía Tây Nam và phía Tây của Tổ quốc; về hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng; nghị quyết về phát triển KT-XH các xã biên giới đất liền, kết hợp với tăng cường củng cố QPAN, đối ngoại.
Tham mưu với QUTƯ ban hành nghị quyết lãnh đạo nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng của Quân đội; về hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng. BTTM-Cơ quan Bộ Quốc phòng còn có nhiều công trình nghiên cứu lý luận, thực tiễn về đối ngoại, tăng cường đoàn kết quốc tế với Lào, Campuchia, Cuba, Trung Quốc, Cộng đồng ASEAN... Sự bổ sung, phát triển lý luận về kết hợp KT-XH với QPAN, đối ngoại làm cho hệ thống lý luận ngày càng đầy đủ, phong phú, toàn diện, phù hợp với thực tiễn, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia.