Trong thời gian qua, công tác dân vận của các cơ quan Nhà nước và chính quyền các cấp đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần ổn định tình hình chính trị - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và phát triển kinh tế của các địa phương, của đất nước.
Dân vận và công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng nước ta; là điều kiện quan trọng bảo đảm cho sự lãnh đạo của Đảng và củng cố, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Nghị quyết Trung ương số 25-NQ/TW khóa XI về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” đã xác định: “Công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của mọi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên các đoàn thể nhân dân, cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang” với cơ chế thực hiện là “Đảng lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, Mặt trận, đoàn thể làm tham mưu và nòng cốt”. Cơ chế này đã thể hiện rõ tầm quan trọng của chính quyền các cấp trong việc tổ chức thực hiện và sự thành công của công tác dân vận.
Trong thời gian qua, công tác dân vận của các cơ quan Nhà nước và chính quyền các cấp đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần ổn định tình hình chính trị - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và phát triển kinh tế của các địa phương, của đất nước. Đó là, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã nâng cao nhận thức, xác định tầm quan trọng của công tác dân vận chính quyền thông qua việc đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước về công tác dân vận, về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Từ nhiều năm qua, công tác dân vận được chú trọng, nhiều chủ trương về công tác dân vận được ban hành, triển khai, lan tỏa sâu rộng đến cán bộ, đảng viên. Trên cơ sở đó, các cấp chính quyền cũng đã nâng cao nhận thức, thường xuyên quán triệt, lãnh, chỉ đạo, ban hành kế hoạch, chương trình thực hiện công tác dân vận; đề cao đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, xây dựng và thực hiện phong cách dân vận của cán bộ, công chức, viên chức và người thừa hành công vụ: “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”.
Điểm nổi bật là việc thay đổi nhận thức từ một “chính quyền hành chính, mệnh lệnh” thành “chính quyền phục vụ” nhân dân với nhiều mô hình hiệu quả. Nhiều địa phương đã thực hiện tốt, phát huy có hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở nhằm thực hiện tốt dân chủ trong nhân dân, tạo đồng thuận cao nhằm thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Từ phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, nay thêm 2 thành tố mới là “Dân giám sát, “Dân thụ hưởng” đã đi vào đời sống thực tiễn hàng ngày đã góp phần thúc đẩy người dân tham gia tích cực vào việc giải quyết các vấn đề dân sinh cùng với chính quyền các cấp. Công tác đối thoại, giải quyết khiếu nại, tố cáo và bức xúc, kiến nghị chính đáng của nhân dân đã được chính quyền các cấp tập trung thực hiện trong thời gian qua. Các cơ quan nhà nước, người đứng đầu các cơ quan nhà nước thực hiện đúng trách nhiệm tổ chức tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân theo đúng pháp luật; đặc biệt các cấp chính quyền tập trung giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo tồn đọng, các vụ khiếu kiện kéo dài, phức tạp, đông người, nhất là tại các địa phương trọng điểm. Công tác cải cách hành chính đã được các địa phương, đơn vị nỗ lực thực hiện trong nhiều năm qua, gắn liền với Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước theo hướng dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, phục vụ nhân dân, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Các cấp chính quyền thực hiện công khai, minh bạch các thủ tục hành chính, cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch…, tạo điều kiện cho công dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có hiệu quả; giải quyết nhanh nhất các hồ sơ hành chính của công dân, doanh nghiệp, không để xảy ra việc nhũng nhiễu, tiêu cực. Nhiều địa phương đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ thông tin; thực hiện công khai, dân chủ các quy trình về điều hành, quản lý, xử lý và giải quyết các thủ tục, các chế độ, chính sách liên quan đến người dân và doanh nghiệp…
Công tác dân vận chính quyền đi vào từng ý thức trách nhiệm, hành động của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của Nhà nước ta, của chính quyền địa phương là một minh chứng sống động cho bản chất ưu việt của Nhà nước ta: Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Thực tiễn từ các nền chính trị và hành chính các quốc gia khác trên thế giới cho thấy, không phải Nhà nước, Chính phủ nào cũng thể hiện rõ được bản chất ưu việt này. Dù vậy, các thế lực thù địch vẫn ra sức bóp méo, làm sai lệch bản chất của Nhà nước ta qua các luận điệu xuyên tạc, tìm kiếm các tiêu cực tồn tại đâu đó để nói xấu Đảng và Nhà nước ta, làm mất lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Thực tiễn cũng cho thấy, công tác dân vận của chính quyền trong thời gian qua vẫn còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế. Tình trạng khiếu kiện đông người, khiếu kiện kéo dài ở những dự án, công trình trọng điểm vẫn còn xảy ra hoặc chưa được giải quyết dứt điểm; vẫn còn nhiều vụ việc gây bức xúc trong Nhân dân; tinh thần “chính quyền phục vụ” ở một số cán bộ, công chức địa phương, sở ngành còn chưa được sâu sắc; vẫn còn tình trạng quan liêu, phiền hà, sách nhiễu với Nhân dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc; công tác nắm tình hình nhân dân, sâu sát đời sống, thấu hiểu tâm tư nguyện vọng Nhân dân của đội ngũ cán bộ công chức, nhất là cấp chính quyền cơ sở còn nhiều khó khăn, hạn chế; việc ban hành các chủ trương, chính sách của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp có nơi có lúc còn chưa sâu sát với tình hình thực tiễn, chưa đáp ứng, đảm bảo về quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân, dẫn đến thiếu khả thi, không hiệu quả...
Nguyên nhân của những hạn chế là do cấp ủy, chính quyền một số địa phương, đơn vị chưa quan tâm đúng mức, chưa nhận thức đầy đủ về công tác dân vận của chính quyền; một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức còn xa dân, quan liêu, nhũng nhiễu gây bức xúc trong Nhân dân; chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm với Nhân dân. Công tác kiểm tra, giám sát, chế tài về công tác dân vận của chính quyền chưa thường xuyên, chưa tạo hiệu quả như yêu cầu…
Tổng kết 25 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển năm 2011), Đảng ta tổng kết rút ra một bài học quan trọng có giá trị làm quan điểm chỉ đạo công tác dân vận trong thời kỳ mới: “Sự nghiệp Cách mạng là của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Chính Nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử. Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của Nhân dân. Sức mạnh của Đảng là gắn bó mật thiết với Nhân dân. Quan liêu, tham nhũng sẽ dẫn tới tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của của đất nước, của chế độ xã hội chủ nghĩa và của Đảng”[1]. Tiếp tục bổ sung và phát triển những quan điểm nói trên, tại Đại hội XII, nhìn lại 30 năm đổi mới, Đảng ta đã bổ sung, làm rõ thêm: “Phải luôn luôn quán triệt quan điểm "dân là gốc", vì lợi ích của Nhân dân, dựa vào Nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của Nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc”[2]. Đại hội XIII xác định: “Thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng”. Như vậy, yêu cầu đối với công tác dân vận đòi hỏi cao hơn; đồng thời bổ sung thêm trong quan điểm “dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng”. Đây là bước phát triển mới trong tư duy, lý luận của Đảng về vai trò của Nhân dân và công tác dân vận trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Động lực thúc đẩy phong trào Nhân dân là phát huy quyền làm chủ, đáp ứng lợi ích thiết thực của Nhân dân; kết hợp hài hòa các lợi ích; quyền lợi phải đi đôi với nghĩa vụ công dân; chú trọng lợi ích trực tiếp của người dân; huy động sức dân phải đi đôi với bồi dưỡng sức dân; những gì có lợi cho dân thì hết sức làm, những gì có hại cho dân thì hết sức tránh. Công tác dân vận cần quán triệt tinh thần kết hợp hài hòa lợi ích xã hội, tập thể và cá nhân; trong đó quan tâm, coi trọng lợi ích trực tiếp, lợi ích thiết thân của người dân, cá nhân lao động. Lợi ích chung của sự phát triển xã hội được thể hiện một phần quan trọng qua lợi ích chính đáng của mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng. Công tác dân vận cần làm cho mỗi người quan tâm tới quyền làm chủ, tới lợi ích chính đáng của mình; lấy đó làm động lực trực tiếp thúc đẩy hoạt động của họ, góp phần thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thực hiện nhiệm vụ của tổ chức.
Phương thức lãnh đạo công tác dân vận của Đảng phải gắn liền với công tác xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Mọi quan điểm, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước phải phù hợp với lợi ích của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải gương mẫu để Nhân dân tin tưởng, noi theo. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mất thiết giữa Nhân dân với Đảng. Lòng tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo Đảng và Nhà nước chỉ được củng cố, tăng cương và nâng lên khi Đảng, Nhà nước thực sự trong sạch vững mạnh; khi những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước xuất phát từ ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, vì lợi ích của Nhân dân.
Quan tâm đến công tác dân vận chính quyền, chính là xây dựng một Chính phủ, một nền hành chính vì Nhân dân phục vụ. Thước đo của công tác dân vận chính quyền chính là sự hài lòng của người dân, ý nghĩa hơn là xây dựng lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp. Làm tốt công tác dân vận chính quyền, chính là tạo ra mạch nối quan trọng để thắt chặt hơn nữa mối quan hệ máu thịt của Đảng, Nhà nước với Nhân dân.