Thứ Ba, 3 tháng 9, 2024

Coi trọng liêm sỉ, biết giữ thể diện và uy tín trước dân là trách nhiệm chính trị của cán bộ, đảng viên hiện nay

 Lịch sử nhân loại cho thấy, khi văn hóa đạo đức liêm, chính suy đồi có thể kìm hãm, thậm chí là nguyên nhân gây ra suy sụp cả một chế độ xã hội, một vương triều... Bởi vậy, việc trang bị tri thức về văn hóa đạo đức cùng với văn hóa chính trị, giáo dục văn hóa đạo đức liêm chính và văn hóa chính trị cho mọi cán bộ, công chức, viên chức, trước hết cho cán bộ, đảng viên là nhiệm vụ hết sức cần thiết và cấp bách để chúng ta có được một xã hội đề cao các giá trị đạo đức liêm, chính, dân chủ, pháp quyền, công bằng, nhân văn.

  Sự nguy hại của tính bất liêm, bất chính

Trong lịch sử xã hội loài người, người cầm quyền hay tất cả những người trong bộ máy công quyền của một chế độ xã hội đang ở thời kỳ thịnh vượng, đang phát triển đều cần có và đều đòi hỏi các đức tính quan trọng là liêm, chính. Hàn Phi (280-233 trước Công nguyên), thời Trung Hoa cổ đại khi bàn về nguy cơ thói hám lợi của người đời cũng nói rằng: “Ham lợi nhỏ tức là hại đến lợi lớn”. Còn xét trên bình diện xã hội rộng lớn hơn, thì một đất nước, như Mạnh Tử (372-289 trước Công nguyên) cho rằng, nếu mà “ai cũng tham lợi, thì nước lâm nguy”. Đó đều là những bài học về sự liêm, chính mà người đời xưa nhắc nhở và chúng ta cần ghi nhớ.

Tháng 6-1949, nhằm giáo dục tinh thần và đạo đức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài “Cần, kiệm, liêm, chính” dưới bút danh Lê Quyết Thắng, trong đó Người giải thích rất rõ nội dung của các khái niệm này. Bài báo ra đời cách đây đã 75 năm, song những chỉ dẫn dễ hiểu mà hết sức sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về các đức tính cần, kiệm, liêm, chính vẫn giữ nguyên giá trị giáo dục rất thiết thực đối với mỗi cán bộ, đảng viên ngày nay, đặc biệt là đối với cán bộ lãnh đạo các cấp đang giữ những trọng trách trong hệ thống chính trị ở nước ta.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét