Thứ Hai, 1 tháng 11, 2021

'Nhận nhầm' trợ cấp

Điện thoại tôi "nổ" tin nhắn liên tục sau khi tổ trưởng dân phố đăng thông báo về đợt cuối nhận trợ cấp Covid lên nhóm chat “khu phố”. Người đăng ký nhiều, người hỏi thông tin cũng nhiều. Tổ trưởng trả lời không xuể. Tôi quay sang hỏi người nhà: "Bà ngoại mình cũng tính là được nhận trợ cấp đấy nhỉ?". Lập tức, mấy cặp mắt nhìn tôi chằm chằm: "Bà có lương hưu, nhà mình cũng chưa đói nên đừng có đăng ký". Tôi rụt lại, nhưng lòng vẫn băn khoăn vì cảm thấy bị thiệt so với nhà khác. Họ đăng ký quá trời kìa! Tôi quay sang hỏi ông chú lao động tự do: "Chú đăng ký một suất nhé". Chú khinh khỉnh: "Muốn bị cười vào mặt hả? Có nhà cho thuê mà vẫn đi nhận trợ cấp, đã đói đâu". Em tôi nghe kể chuyện, tặc lưỡi kết luận, rằng nhà chị rõ là gàn dở, công ty em hai vợ chồng giám đốc khai là thất nghiệp nên được nhận cả ba đợt. Mà công ty vẫn hoạt động, trả lương nhân viên đều. Tôi bắt đầu thấy tức trong lòng. Tháng tám, tôi hòa vào dòng người lên phường "đòi" trợ cấp của khu phố. Trong trụ sở uỷ ban, một anh quát lớn: "Công bằng ở đâu?". Vì theo anh, nhà nghèo nhất khu phố chưa có đồng nào mà thằng X. làm cùng công ty anh có thất nghiệp đâu mà cả nhà được nhận hỗ trợ. Người phụ trách ra sức giải thích rằng mình chỉ làm theo quy định. Tiếng chị lọt thỏm giữa những âm thanh inh ỏi khác. Vài người nhao nhao "chúng tôi ở nhà bốn tháng, đói rồi... Phân chia cái kiểu gì mà để cho người không xứng đáng được nhận, còn người đáng nhận lại bị gạt ra bên lề?". Chị cán bộ bị bủa vây bởi những cơn bức xúc. Tôi sợ hãi lùi dần ra khi tốp người cứ càng lúc càng tụ lại gần. Cơn kích động đã làm người ta quên hết thảy 5K, an toàn dịch bệnh. Lời kêu gọi "mọi người bình tĩnh, có gì trình bày lịch sự" của tôi vo ve như tiếng muỗi kêu. Sau một hồi nghe đủ kiểu lý lẽ tuôn như thác đổ, tôi bỗng thấy mọi người "đấu tranh" là đúng. Con người vốn có hội chứng sợ bị bỏ lỡ - FOMO. Ở giữa đám đông kích động, những người hiền lành nhất cũng sẽ dễ dàng nổi xung. Đấy là quy luật lây lan xúc cảm trong Tâm lý học - bị cảm xúc mạnh mẽ của người khác gây ảnh hưởng, làm lệch hướng suy nghĩ và nhận định của bản thân. Trong đầu tôi nghĩ: Mình khác họ chỗ nào? Đóng thuế đầy đủ, các loại phí ủng hộ khu phố năm nào cũng góp, sao giờ lại không được nhà nước bù đắp gì trong đại dịch? Mình không rất cần tiền nhưng đủ tiêu chuẩn thì phải cho mình nhận, rồi mang đi chia sẻ lại cho ai kệ mình chứ. Máu nóng bốc lên phừng phừng khi tôi mở mạng xã hội, nhiều người đăng ảnh khoe tiền và "cảm ơn chính phủ". Rồi thêm vài người cho biết, đồng nghiệp cũ được hẳn ba lần. Anh bạn nhà khá giả hôm trước còn đi phát gạo cứu các khu phong tỏa được nhận tiền trợ cấp. Cô đồng nghiệp ngày nào cũng chụp hình đăng đồ ăn ngon cũng được nhận tiền. Mấy bạn hôm trước than khóc em không bán hàng được cũng đã cầm tiền trong tay... Mọi người đều được, tại sao không có tôi? Tôi và đoàn người "đấu tranh" với cán bộ khu phố không nhìn thấy những gương mặt nghèo khổ thực sự cần tiền. Chúng tôi chỉ nhìn thấy sự bất bình của bản thân. Cuộc đòi quyền lợi ôn hòa hơn khi mọi người được hẹn bảy giờ sáng hôm sau quay lại điền hồ sơ bổ sung. Ai nấy hoan hỉ ra về. Tôi chưa kịp về thì một cụ già tiến vào ủy ban hỏi "phần gạo chú bộ đội cho, mấy cháu mang tặng người khác khó khăn giùm được không?". Thấy cụ lọm khọm, tóc bạc, tôi chỉ chị cán bộ phường, bảo chị giúp ông làm giấy tờ nhận trợ cấp nè. Ông cụ phản ứng: "Tôi vẫn sống bằng lương hưu". Tôi giải thích, gói trợ cấp hơn bảy ngàn tỷ lận, ai cũng có phần nên ông lấy đi, không thì lại rơi vào tay những người không xứng đáng. Cụ ông cười: "Thế nào là xứng đáng và thế nào là không xứng đáng?". Tôi trả lời, ai nghèo hoặc khổ thật sự thì xứng đáng. "Thế ai nghèo khổ thật sự nào?", cụ hỏi. Nghĩ lại, tôi chưa đến mức đói rách, nhưng người ta hoàn cảnh giống tôi mà được lợi hơn thì tôi tự thấy tôi khổ, nên phải đi đòi trợ cấp để tránh sự bất công. Số tiền tôi nhận được có thể sẽ dành tặng ai đó trong đoàn đi bộ từ Sài Gòn về quê, có thể cho ai đó vừa thoi thóp trở về từ bệnh viện dã chiến, cho một em bé vừa trở thành mồ côi trong những ngày đại dịch quét qua. Tôi ngoan cố tranh luận với cụ, dẫn chứng rằng "có người giàu đã khai gian". "Nên cô cũng khai gian để được nhận chứ gì? Vậy mới là công bằng, đúng không?", giọng ông nhẹ nhàng, nhưng từng đợt gai ốc tôi nổi lên không ngừng. Và đến hôm nay, hàng nghìn người bị phát hiện "nhận nhầm" hỗ trợ. Nhiều người có việc làm, khá giả, không khó khăn đã khai thông tin không trung thực để nhận tiền hỗ trợ Covid, các quận huyện đang phải thu hồi. Trong những ngày nước sôi lửa bỏng, nhiều người bị đứt bữa, đói ăn, lãnh đạo Thành phố đã chủ trương chi hỗ trợ thật nhanh trên tinh thần phát nhầm còn hơn bỏ sót, không phân biệt thường trú, tạm trú hay lưu trú. Những chị cán bộ như ở khu phố tôi đã chịu áp lực rất lớn từ cả cấp trên và bà con cư dân ở địa bàn. Câu hỏi về lẽ phải và trách nhiệm phát nhầm trợ cấp trong tình huống này có lẽ không nên đẩy về phía những người như chị. Việc phát nhầm và nhận nhầm trợ cấp còn do chính những người thụ hưởng. Trong tâm lý so bì, chỉ nhờ vào vài lời khai là được tiền, lòng tham có thể trỗi dậy. Tôi có cần một triệu đồng đó? Một triệu không phải chuyện sống chết, cái tôi cần hơn là cảm giác được quan tâm, cảm giác mình không bị thiệt. Có lẽ nào hỗ trợ chỉ được đánh giá là công bằng khi ta có phần trong đó? Có bao nhiêu trong số những người nói "nhận trợ cấp rồi về chia cho người nghèo" đã thật sự đi chia cho người nghèo? Có bao nhiêu người nghĩ lại và đem trả những đồng tiền không thuộc về mình? Nếu chưa làm thì hôm nay cơ hội ấy vẫn còn.

'Chủ tịch, Bí thư tỉnh ủy nên trả lời tin nhắn của dân'

Trưởng Ban tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp mong lãnh đạo địa phương khi nhận được tin nhắn của người dân "hãy trả lời", cố gắng giải quyết khiếu nại từ cơ sở. Thông tư 04 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình tiếp công dân có hiệu lực từ 15/11. VnExpress phỏng vấn ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương về nội dung này. - Thông tư sắp có hiệu lực thi hành nêu rõ người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải trực tiếp tiếp công dân để lắng nghe, giải quyết và chỉ đạo giải quyết khiếu nại, tố cáo. Thực trạng việc tiếp dân của người đứng đầu hiện nay ra sao, thưa ông? - Năm 2021, 22,3% số lượt tiếp dân của thủ trưởng cơ quan hành chính các cấp được ủy quyền, phân công tiếp thay. Nếu áp dụng quy định của Luật Tiếp công dân là Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải tiếp công dân định kỳ mỗi tháng một ngày và tiếp công dân đột xuất trong những vụ việc gay gắt, phức tạp thì số lãnh đạo địa phương tiếp dân định kỳ giảm rõ rệt. Việc này có một phần nguyên nhân nhiều nơi giãn cách xã hội trong Covid-19. Một số lãnh đạo địa phương không tiếp dân ở trụ sở nhưng xuống vùng dịch để giải quyết bức xúc hàng ngày của người dân. Dù vậy, ở một số địa phương, đoàn giám sát của Quốc hội trước đây đánh giá là người đứng đầu tiếp dân không đúng định kỳ, ủy quyền cho cấp phó, thậm chí ủy quyền cho giám đốc cấp Sở. Cán bộ Sở chỉ tiếp hình thức để báo cáo Chính phủ, trong khi đó mục tiêu Chủ tịch tiếp dân là để đưa ra chủ trương, biện pháp giải quyết ngay vấn đề chứ không phải để ghi điểm, ghi danh. Một số địa phương lãnh đạo tiếp dân xong thì ra thông báo "từ chối tiếp dân" vì "đã giải quyết hết thẩm quyền". Vì thế, người dân lại lên Trụ sở tiếp công dân Trung ương. Cán bộ tiếp dân phải giải quyết đến cùng vụ việc chứ không phải hết thẩm quyền. Xét cho cùng, người dân có lên trung ương thì thẩm quyền giải quyết vẫn là chủ tịch địa phương đó. - Báo cáo giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mới đây nêu đích danh bốn Chủ tịch cấp tỉnh không tiếp dân ngày nào trong 18 tháng, gồm Bình Dương, Đăk Nông, Thừa Thiên - Huế, TP HCM. Những địa phương này sau đó đã có giải trình. Ông nhìn nhận thế nào về việc này? - Các tỉnh giải trình về việc lãnh đạo có một số buổi tiếp dân, một số buổi ủy quyền cho cấp dưới. Tuy nhiên, theo quy định, người đứng đầu phải trực tiếp tiếp dân, không nên ủy quyền. Theo Luật Tiếp công dân, Chủ tịch UBND cấp tỉnh không phải chỉ tiếp dân để giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Là thủ trưởng cơ quan hành chính, anh có đủ thẩm quyền giải quyết những bức xúc của dân, nếu giao cho cấp dưới như Phó chủ tịch hay Giám đốc Sở thì họ chỉ "ghi nhận" rồi "báo cáo". Theo thống kê, cấp ủy chính quyền địa phương nào tăng cường công tác tiếp dân và người đứng đầu quan tâm đến việc này, đa số sự việc khiếu nại tố cáo ở địa phương đó sẽ ít, không có bức xúc. Vì vậy, Chủ tịch không chờ đến lịch mới tiếp dân mà nên tiếp dân đột xuất với những việc phức tạp, cần giải quyết ngay để tránh làm nóng tình hình. Hiện, chế tài chính quyền xử lý người đứng đầu không tiếp dân chưa có, nhưng tôi nhiều lần đề nghị, cần phải đánh giá và có giải pháp xử lý lãnh đạo không hoàn thành nhiệm vụ, kiểm điểm cuối năm theo nguyên tắc Đảng. - Người đứng đầu không tiếp dân theo quy định gây tác động thế nào đến các vụ khiếu kiện, khiếu nại vượt cấp, kéo dài? - Lãnh đạo các tỉnh, thành không tiếp dân, không quan tâm đến quyền lợi của dân thì người dân sẽ bức xúc, khiếu kiện vượt tuyến lên trung ương. Vì vậy, việc giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài cần có quyết tâm chính trị cao; người đứng đầu phải nhận thức rõ trách nhiệm. Chẳng hạn, có lần Tổ Công tác của Thủ tướng do Phó thủ tướng Trương Hòa Bình làm tổ trưởng đến kiểm tra tại mội địa phương, cả bí thư và chủ tịch tỉnh cùng hứa sẽ tiếp dân, giải quyết dứt điểm một việc phức tạp. Thế nhưng, người dân nhiều lần đến đề nghị gặp họ nhưng đều không được, thay vào đó là cán bộ không thuộc thẩm quyền được cử tiếp. Đến nay, sự việc này vẫn chưa giải quyết xong mặc dù có chỉ đạo của Phó thủ tướng. Rất nhiều vụ việc Ban Tiếp công dân trung ương có văn bản xuống đề nghị đối thoại nhưng người dân vẫn rất "khó gặp" lãnh đạo địa phương. Họ nói "sao lên đây gặp cán bộ dễ thế mà về địa phương gặp Phó Chủ tịch thôi cũng khó khăn?". Hay tại một tỉnh, khi Tổng Thanh tra Chính phủ gặp dân, có sự tham gia của lãnh đạo địa phương, người dân nói "8 năm rồi mới được gặp Phó Chủ tịch. Nếu như không có cuộc tiếp của Tổng Thanh tra, người dân chắc không bao giờ gặp được Chủ tịch, Phó Chủ tịch". - Vừa qua, TP HCM tổ chức chương trình trực tuyến "dân hỏi - thành phố trả lời". Ông đánh giá như thế nào về phương thức này? - Tôi cho rằng đây là mô hình rất hiệu quả, không chỉ trong thời gian chống dịch, mà nếu sau này áp dụng cũng rất hay. Chúng tôi cũng đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ tăng cường tiếp dân tại Trụ sở tiếp dân Trung ương phía Nam; và tiếp dân trực tuyến. Nếu Chủ tịch hoặc lãnh đạo địa phương tiếp dân, chúng tôi đề nghị trực tuyến ba bên, giữa trụ sở tiếp dân Trung ương, lãnh đạo địa phương và người dân. Khi "ba mặt một lời", việc vận động thuyết phục người dân sẽ dễ dàng hơn, thống nhất cao hơn. Khi đó, người dân cũng không cần lên trụ sở tiếp dân Trung ương, đỡ vất vả, tốn kém. Chúng tôi cũng kiến nghị Tổng Thanh tra rà soát, xây dựng các nghị định của Chính phủ để thực hiện cơ sở dữ liệu quốc gia về giải quyết khiếu nại tố cáo. Có như vậy, người dân mới biết việc mình khiếu nại đang được giải quyết ở khâu nào. Các cơ quan Nhà nước, đại biểu Quốc hội, truyền thông, báo chí sẽ nắm được các vụ việc dân đang khiếu nại, tố cáo. Điều này cũng sẽ tránh việc chuyển đơn lòng vòng, gây khó khăn cho người dân, phức tạp thêm tình hình. - Hơn 10 năm phụ trách công tác tiếp dân Trung ương, kinh nghiệm tiếp dân của ông là gì? - Đó là chịu khó lắng nghe, tìm hiểu những bức xúc và giải quyết thấu đáo. Tôi mong muốn lãnh đạo các địa phương khi nhận được tin nhắn của người dân hãy trả lời, không có thời gian nghe điện thoại nên trả lời tin nhắn. Chỉ cần lãnh đạo địa phương làm tốt việc này, tình hình khiếu nại, tố cáo và sự bức xúc của người dân giảm đi rõ rệt, bởi người dân thấy được tôn trọng. Người dân liên lạc được với một ông lãnh đạo dù chưa biết kết quả ra sao nhưng họ mừng và tin tưởng. Ở trụ sở tiếp công dân trung ương, lúc nào dân gọi tôi cũng nghe. Bạn bè nhắn tin có thể tôi không trả lời khi đang bận, nhưng người dân nhắn tin bao giờ cũng hồi đáp. Một lần khoảng 23h, tôi nhận được cuộc gọi người dân khóc, kể nhiều lần mang theo văn bản của trung ương đến trụ sở tiếp dân của tỉnh nhưng không những không được tiếp mà còn bị lực lượng chức năng lôi đi. Tôi hướng dẫn họ tiếp tục đến trụ sở tiếp dân với thái độ bình tĩnh, ôn hòa, đưa văn bản của trụ sở tiếp công dân trung ương ra và đề nghị họ tiếp theo văn bản này.... Nếu có cán bộ trong quá trình tiếp dân mà vi phạm luật hoặc có thái độ không đúng mực thì có thể viết đơn gửi cho chủ tịch, bí thư và gửi cho tôi.

Yêu cầu bảo vệ vững chắc chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới

 

Yêu cầu bảo vệ vững chắc chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới

Hiện nay, trong điều kiện Đảng ta là đảng cầm quyền, lãnh đạo đất nước thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động. Do đó, trước âm mưu, thủ đoạn chống phá của kẻ thù, chúng ta phải đấu tranh trên trận địa tư tưởng, lý luận của Đảng, bảo vệ đến cùng những thành quả tư tưởng, lý luận mà C.  Mác, Ph. Ăng-ghen, V.I. Lê-nin và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dày công nghiên cứu, đúc kết và kiểm nghiệm trong thực tiễn. Cần nêu cao nhận thức và thực hiện những yêu cầu cơ bản như sau:

1- Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, động viên, khích lệ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thi đua lao động, hoàn thành mọi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới và phát triển đất nước. Áp dụng phương châm: “Lấy thành tựu phát triển kinh tế - xã hội làm chỗ dựa vững chắc cho nền tảng tư tưởng của Đảng”. Bởi lẽ, chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ có thể tồn tại và phát triển khi đem lại những giá trị thực tiễn cho cách mạng Việt Nam, và đến lượt mình, những giá trị thực tiễn của cách mạng nước ta lại góp phần rất quan trọng trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

2- Đẩy mạnh nghiên cứu, học tập, giáo dục và phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Cần tuyên truyền, phổ biến rộng rãi những giá trị đích thực của các nguyên lý, luận điểm của C. Mác, Ph. Ăng-ghen, V.I. Lê-nin và Chủ tịch  Hồ Chí Minh; đồng thời, bổ sung, làm rõ thêm những vấn đề về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay. Coi trọng việc đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ cán bộ lý luận, nhất là các chuyên gia đầu ngành trong hoạt động đấu tranh tư tưởng, lý luận. Bản thân những nhà nghiên cứu mác-xít, những người làm công tác lý luận nên nghiên cứu nghiêm túc và kỹ lưỡng những tác phẩm nguyên bản của C.  Mác, Ph. Ăng-ghen, V.I.  Lê-nin..., từ đó phát hiện những vấn đề mới, cách tiếp cận mới để giải quyết bài toán thực tiễn của xã hội hiện đại đang đặt ra; tránh lối nghiên cứu “tầm chương trích cú”, kinh viện, và áp dụng lý luận vào thực tiễn một cách máy móc, thiếu sáng tạo, làm cho chủ nghĩa Mác  - Lê-nin ngày càng bị xơ cứng, xa rời thực tiễn.

3- Tăng cường đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái, thù địch. Nâng cao ý thức, trách nhiệm chính trị của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân; phát huy ý thức tự giác, hành động tích cực và trách nhiệm tự thân của mỗi người trong đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hơn nữa tính chiến đấu, tính chủ động, tính thuyết phục và hiệu quả của công tác tư tưởng, lý luận. Quan tâm nghiên cứu các học thuyết chính trị ngoài mác-xít trên tinh thần vừa phê phán, vừa tiếp thu những giá trị hợp lý của các học thuyết ấy, nhằm góp phần phát triển, bổ sung và làm phong phú thêm cho hệ tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và giải quyết tốt hơn những vấn đề thực tiễn đang đặt ra.

Tránh lối tư duy máy móc, giáo điều chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh đến mức xem đó là vùng “cấm kỵ”, không thể bổ sung, phát triển được gì nữa; hoặc đóng cửa, biệt lập với các trào lưu tư tưởng tiến bộ khác, làm chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh ngày càng mất dần sức sống, sức chiến đấu và giảm tính thuyết phục./.

 

Nhận diện âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, chống phá chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh

 

Nhận diện âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, chống phá chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh

Trong lịch sử nhân loại, hiếm có học thuyết, tư tưởng nào mà trong suốt quá trình hình thành và phát triển lại chịu nhiều sự đả kích, xuyên tạc, bóp méo của các thế lực chống đối như chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Những luận điệu công kích, chống phá của các thế lực thù địch, phản động rất đa dạng, song về cơ bản, tập trung theo hai hướng:

Thứ nhất, phủ nhận, hạ thấp vai trò và ý nghĩa thời đại của chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Các thế lực thù địch, phản động viện dẫn lý do thời đại máy hơi nước và chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh đã kết thúc, nhường chỗ cho thời đại của các cuộc cách mạng về khoa học và công nghệ hiện đại, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thời đại của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Chúng xuyên tạc rằng ngày nay, chủ nghĩa Mác - Lê-nin không bắt kịp và phản ánh đúng sự phát triển của lực lượng sản xuất và khoa học, công nghệ hiện đại; cả ba vị lãnh tụ của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đều xuất phát từ bối cảnh lịch sử của phương Tây, vì vậy, lý luận của các ông không thể giải quyết được các vấn đề có tính lịch sử và thời đại của các nước phương Đông, nhất là ở Việt Nam. Họ còn xoáy sâu vào những hạn chế mang tính lịch sử trong quan điểm của các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, để công kích và xuyên tạc, như dự báo chưa chính xác về việc nổ ra cách mạng vô sản trong thời đại của mình (chủ yếu là quan điểm của C.  Mác và Ph. Ăng-ghen); đánh giá không đầy đủ về sức sống tương đối lâu dài của chủ nghĩa tư bản, dự đoán quá sớm về tiến trình chiếm lĩnh lịch sử của chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới; chưa đánh giá đầy đủ về vị trí, tầm quan trọng của vấn đề dân tộc trong quan hệ với lợi ích giai cấp; hệ thống quan điểm về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội còn chưa đầy đủ...

Để chỉ ra sự phi lý của những luận điệu phủ nhận và xuyên tạc nêu trên, cần thấy rõ rằng, chủ nghĩa Mác - Lê-nin là hệ thống tri thức thuộc ngành khoa học xã hội, khoa học nhân văn, vì thế, nó mang đặc trưng tích lũy, kế thừa, chứ không mang đặc trưng thay thế như những tri thức thuộc ngành khoa học - kỹ thuật và công nghệ. Do vậy, nói chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã lỗi thời là một sự quy chụp không có căn cứ. Hơn nữa, sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng sản xuất và khoa học, công nghệ hiện đại ngày nay vốn không thể xóa bỏ được những mâu thuẫn cố hữu của chủ nghĩa tư bản; ngược lại, nó làm cho những mâu thuẫn đó càng thêm sâu sắc. Điều này được biểu hiện cụ thể trong xã hội tư bản chủ nghĩa hiện đại, như mâu thuẫn giữa tư bản và lao động tiếp tục tồn tại và gia tăng, khoảng cách giàu - nghèo mở rộng, phân phối của cải không công bằng, nạn thất nghiệp tăng lên, nhiều vấn đề xã hội trở nên trầm trọng... Trong khi đó, theo quan điểm của chủ nghĩa Mác  - Lê-nin, ở xã hội xã hội chủ nghĩa, sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng sản xuất và khoa học, công nghệ sẽ góp phần nâng cao năng lực, phẩm chất và cơ hội phát triển tự do, toàn diện cho con người, đồng thời là cơ sở cho việc thực hiện nguyên tắc phân phối xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa. Ngoài ra, chủ nghĩa Mác - Lê-nin là một học thuyết mở, luôn tiếp nhận những thành tựu lý luận mới và không ngừng hoàn thiện để phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Do đó, trách nhiệm của các đảng cộng sản, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động là tiếp tục phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin gắn với điều kiện, đặc điểm của quốc gia, dân tộc mình, khắc phục những hạn chế lịch sử của nó do tính thời đại chi phối...

Thứ hai, các thế lực thù địch, phản động tập trung tấn công tư tưởng Hồ Chí Minh trên nhiều phương diện. Họ xuyên tạc rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh không có tư tưởng của riêng mình hoặc tư tưởng của Người không được coi là một hệ thống. Dựa vào những luận điểm của Người có tính bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin và bao hàm sự kế thừa những giá trị tư tưởng tiến bộ của nền cộng hòa Pháp và Mỹ, các thế lực thù địch, phản động quy kết rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một người theo chủ nghĩa cộng hòa và chủ nghĩa hòa bình hơn là một người theo chủ nghĩa cộng sản. Tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ là tư tưởng về cách mạng giải phóng dân tộc, không có tư tưởng về đấu tranh giai cấp, về cách mạng xã hội chủ nghĩa, không mang bản chất mác-xít, thậm chí đối lập với chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Trên thực tế, đây là một sự xuyên tạc vô căn cứ, bởi tư tưởng Hồ Chí Minh là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào điều kiện lịch sử của Việt Nam, là sự kết hợp nhuần nhuyễn chủ nghĩa Mác - Lê-nin với giá trị truyền thống của dân tộc và tinh hoa văn hóa của nhân loại. Chủ nghĩa Mác  - Lê-nin trong tư tưởng Hồ Chí Minh đã được chuyển hóa thành hệ thống thế giới quan, phương pháp luận, nhân sinh quan khoa học, cách mạng, sinh động, giàu tính thực tiễn, có giá trị dẫn đường cho thành công của cách mạng Việt Nam.

 

Mỹ thừa nhận sai lầm khi rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu

 

Mỹ thừa nhận sai lầm khi rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có bình luận về quyết định trước đây của chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc rút nước này khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo thế giới trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu diễn ra ngày 1/11 tại Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có bình luận về quyết định trước đây của chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc rút nước này khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Tổng thống Biden nói: "Tôi nghĩ mình không nên đưa ra lời xin lỗi nhưng thực sự, tôi phải xin lỗi cho thực tế rằng Mỹ - dưới thời chính quyền trước - đã rời khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Cuộc gặp của chúng ta tại Glasgow hôm nay không phải kết thúc một hành trình. Đây mới chỉ là vạch xuất phát. Chúng ta có các công cụ lẫn tài nguyên. Tôi nghĩ chúng ta cần phải đưa ra những lựa chọn."

Cũng trong bài phát biểu, Tổng thống Biden khẳng định Mỹ sẽ không tụt hậu trong cuộc chiến này mà sẽ thể hiện vai trò dẫn dắt và những cam kết khí hậu không chỉ dừng ở lời nói mà được thể hiện bằng hành động.

Ông tin rằng Mỹ có thể hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 giảm từ 50 đến 52% lượng khí phát thải so với năm 2005.

Cuối bài phát biểu, Tổng thống Biden cho rằng lịch sự thế giới đang ở thời khắc quan trọng.

Nhắc tới các thảm họa thiên nhiên như cháy rừng, hạn hán hay lũ lụt, ông nhấn mạnh: "Biến đổi khí hậu đang tàn phá thế giới. Nó không chỉ là giả thuyết, nó đang phá hủy cuộc sống và sinh kế của mọi người. Chúng ta có khả năng đầu tư và xây dựng một tương lai sử dụng năng lượng sạch, quá trình đó sẽ tạo ra hàng triệu việc làm và cơ hội trên thế giới. Mỗi ngày trì hoãn, cái giá vì không hành động sẽ tăng lên. Hãy để đây là thời điểm chúng ta đưa ra câu trả lời cho lịch sử, tại Glasgow này"./.

 

Bộ đội giúp dân trong đại dịch: 'Không thể nào kể hết được'

 Bí thư Thành ủy TP.HCM yêu cầu các lực lượng rà soát từng trường hợp cụ thể để đưa tro cốt người mất trong đại dịch COVID-19 về với gia đình, người thân một cách nhanh nhất.

Chiều 1-11, Bộ Tư lệnh TP.HCM đã tổ chức hội nghị sơ kết công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP. Đến dự hội nghị có Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi.


Lo cho người mất vì COVID-19: Chủ động, chu toàn

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy, Bí thư Đảng ủy Quân sự TP.HCM, cho rằng đợt bùng phát dịch lần thứ tư đã trải qua những thời khắc cam go, khốc liệt và cũng chịu nhiều đau thương, mất mát, tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội của TP.HCM.

Theo ông Nên, đây là lần đầu tiên sau hơn 40 năm, Bộ Quốc phòng có đợt huy động lực lượng nhiều nhất lịch sử từ sau chiến tranh biên giới Tây Nam với hơn 190.000 cán bộ, chiến sĩ quân đội, quân y đã tham gia cùng TP.HCM chống dịch, trong đó có hơn 36.000 cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ của Bộ Tư lệnh TP.HCM. Cùng với các lực lượng khác, họ đã âm thầm, lặng lẽ suốt ngày đêm đến từng ngõ hẻm để chăm sóc, cứu người, mang từng gói thuốc an sinh cho người dân.

Điểm lại nhiều việc làm giúp người dân trong đại dịch, Bí thư Thành ủy cho rằng “không thể nào kể hết được” và đó là những hình ảnh đầy xúc động. Có những chiến sĩ khi làm nhiệm vụ bị nhiễm nhưng ngay khi khỏi bệnh đã đăng ký tiếp tục quay trở lại giúp dân. Họ sẵn sàng nhận và thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao như tiếp nhận thi hài, tổ chức hỏa táng và chuyển tro cốt các nạn nhân tử vong do COVID-19 đến từng gia đình, người thân.

“Hình ảnh những người lính đứng trang nghiêm tiễn biệt khi mang từng hũ đựng tro cốt đến các gia đình đã mang lại cảm xúc sâu lắng trong lòng mỗi người. Đó là một trong những phần việc mà Bộ Tư lệnh đã chủ động và thực hiện chu toàn trong đợt bùng phát dịch vừa qua” - ông Nên nói và gửi lời cám ơn đến các chiến sĩ lực lượng vũ trang, bởi họ đã “vì nhân dân phục vụ”.

Người đứng đầu Đảng bộ TP.HCM cho biết đến nay TP.HCM đã trải qua hơn một tháng cơ bản kiểm soát được dịch, từng bước trở lại bình thường mới. Một trong những phần việc trong thời gian này, ông Nguyễn Văn Nên đề nghị lực lượng quân đội cùng phối hợp với Sở Y tế, Sở LĐ-TB&XH cùng các cơ quan liên quan tập trung rà soát từng trường hợp người dân không may qua đời do dịch bệnh. “Hiện tại, còn một số gia đình chưa tìm được người thân của mình, cũng có những phần tro cốt chưa biết địa chỉ để giao kịp thời” - ông Nên nói và đề nghị các lực lượng cố gắng tối đa không để sót bất kỳ trường hợp nào.

Bí thư Thành ủy đề nghị lực lượng quân đội cùng các đơn vị liên quan sớm triển khai, thực hiện chặt chẽ, kịp thời và chu đáo để đưa tro cốt đến từng gia đình, người thân. “Điều này thể hiện sự thấu cảm, chia sẻ với từng gia đình có thân nhân qua đời trong đại dịch” - ông Nên nói.

“Chúng tôi khắc ghi, nhớ mãi hình ảnh này”

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM TĂNG CHÍ THƯỢNG nóiChưa bao giờ nhân viên ngành y tế có tình cảm rất đặc biệt với các chiến sĩ lực lượng vũ trang như trong thời gian chống dịch, đặc biệt là các chiến sĩ Bộ Tư lệnh TP.HCM đã gắn bó suốt với ngành y tế từ đầu dịch đến bây giờ.

Có lẽ xúc động nhất, ấn tượng nhất là cảnh những người chiến sĩ chăm sóc thi hài. Đó là thời điểm dịch bùng phát dữ dội, chưa bao giờ nhân viên y tế đứng trước cảnh rất nhiều bệnh nhân tử vong trong bệnh viện mà thi hài chưa kịp xử lý. Anh em y bác sĩ gần như bấn loạn. Nếu không có phương án xử lý thi hài của Bộ Tư lệnh thì chúng tôi cũng không biết phải xử lý tình huống này như thế nào. Chúng tôi khắc ghi, nhớ mãi hình ảnh này.

Tích cực giúp dân lúc khó khăn nhất

Đối với công tác an sinh xã hội, ông Nguyễn Văn Nên đề nghị từng cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang tích cực tham gia hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn, nhất là những người già cả neo đơn cần chỗ dựa, các trẻ nhỏ mồ côi cần nơi đỡ đầu là nhóm đối tượng cần đặc biệt quan tâm.

Theo ông Nên, đến thời điểm này, Tổ chức Y tế Thế giới cùng các chuyên gia và nhà khoa học cũng chưa biết được khi nào thì hết dịch. Mặc dù TP.HCM đang ở mức độ 2 - nguy cơ trung bình, tuy nhiên nếu chủ quan thì rất khó khăn, hậu quả không lường trước được. Do vậy, ông đề nghị lực lượng quân đội tại từng địa phương cần phối hợp với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể vận động người dân nâng cao ý thức phòng chống dịch, nhận thức sâu sắc vai trò của người dân trong bảo vệ chính mình và cộng đồng.

“Người dân cần hiểu đúng về dịch bệnh để không quá lo sợ nhưng cũng không quá chủ quan” - ông Nên nói và đề nghị dứt khoát không để dịch bùng phát trở lại.

Mệnh lệnh từ trái tim người lính

Theo Bí thư Thành ủy, qua đợt bùng phát dịch lần thứ tư, lực lượng vũ trang đã thấy rõ hơn hai bài học. Bài học đầu tiên là sự gương mẫu của người chỉ huy, lãnh đạo. Theo đó, người chỉ huy khi ra trận sẽ tạo xung lực, động lực mạnh mẽ để cán bộ, chiến sĩ làm theo.

Bài học thứ hai là sự chấp hành mệnh lệnh của cấp trên, ý thức chấp hành kỷ cương, kỷ luật quân đội. “Ngoài việc chấp hành mệnh lệnh của chỉ huy, lãnh đạo, có một mệnh lệnh khác xuất hiện trong đợt bùng phát dịch COVID-19 vừa qua - đó là mệnh lệnh từ trái tim người lính” - ông Nên nhấn mạnh.

“Các chiến sĩ đã hành động bằng mệnh lệnh từ trái tim để ứng phó, hỗ trợ người dân bất kỳ thời gian, địa điểm. Tất nhiên chúng ta không thể làm tròn mọi việc vì số lượng đông, nhu cầu nhiều, nỗ lực cỡ nào cũng không thể làm hoàn hảo nhưng người dân TP thấu hiểu, thông cảm, lượng thứ đối với tình huống đó” - ông Nên nói.

36.200 cán bộ, chiến sĩ, dân quân tham gia chống dịch

Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh TP.HCM, trong đợt dịch lần thứ tư vừa qua, Bộ Tư lệnh đã phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan chức năng tham mưu thiết lập, phục vụ tại 101 bệnh viện điều trị COVID-19 với quy mô 61.093 giường.

Bộ Tư lệnh TP.HCM đã huy động 36.200 cán bộ, chiến sĩ, dân quân (trong đó có 1.200 cán bộ) tham gia phục vụ tại các trung tâm cách ly, bệnh viện dã chiến, điểm phong tỏa và các chốt kiểm soát dịch.

Bộ Tư lệnh cũng phối hợp với công an và các lực lượng thiết lập 263 chốt trên địa bàn TP.HCM; tổ chức đưa người dân đang tạm trú, sinh sống trên địa bàn TP về lại quê nhà tại các tỉnh, thành trong cả nước. Đồng thời, tiếp nhận, cấp phát trên 1,93 triệu túi an sinh, trên 283.000 túi thuốc điều trị F0 tại nhà, các đơn vị đã hỗ trợ bốc xếp, tiếp nhận trên 15.636 tấn lương thực, thực phẩm, cấp phát trên 2 triệu túi an sinh, hỗ trợ giao trên 277.140 đơn hàng...

--------------

FT-TG.st



LUẬN ĐIỆU SAI TRÁI VỀ CÔNG CUỘC PHÒNG, CHỐNG DỊCH CỦA VIỆT NAM

 


Những ngày qua, hình ảnh các chiến sỹ bộ đội, công an có mặt trên các tuyến phố để tham gia đảm bảo công tác phòng chống dịch; không quản khó khăn, vất vả đi mua thực phẩm, mang đến phát cho từng hộ dân; tận tình mang từng bình đựng tro cốt người xấu số vì dịch bệnh đến tận tay thân nhân của họ… Những người lính thời bình luôn sẵn sàng đồng hành và có mặt để hỗ trợ người dân trong những hoàn cảnh khó khăn nhất. Cùng với lực lượng y bác sỹ, lực lượng quân đội, công an,… đang gồng mình nỗ lực để giúp các địa phương đẩy lùi dịch bệnh và để đảm bảo cho người dân “không ai bị đói, bị rét”, “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Thế nhưng, trên không gian mạng, nhiều người vẫn cố tình bôi nhọ những hình ảnh đẹp ấy và nực cười hơn còn cho rằng việc quay phim, chụp ảnh những người lính cầm từng bao gạo đến nhà dân chỉ để làm “màu”. Thậm chí, sau khi Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị tăng cường các lực lượng tham gia phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam, ngay lập tức trên các trang mạng xã hội đã xuất hiện những bài viết xuyên tạc cho rằng: Quân đội là phải canh gác bảo vệ biên giới; rằng đối diện với công an, quân đội là dân chứ có phải là giặc đâu mà cầm súng giương nòng lên; rằng cho quân đội vào là để trấn áp dân ra đường”(!?)… Đây là những luận điệu xuyên tạc , cố tình hiểu sai chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, vin vào đó để phá hoại công cuộc phòng, chống dịch của đất nước.

Tổ chức khủng bố Việt Tân còn cắt gép nhiều hình ảnh xe bọc thép tung lên mạng để xuyên tạc rằng: “Hà Nội huy động lực lượng quân đội vào Sài Gòn để dẹp loạn nếu dân đói làm loạn… Quân đội sẽ đàn áp nếu dân đói xuống đường biểu tình, đòi quan chức mở kho lương. Quân đội hiện diện khắp đường phố Sài Gòn là để răn đe dân chứ không phải chống dịch!”. Chúng cố tình không hiểu rằng, khi dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp và khó lường, số ca lây nhiễm tiếp tục tăng lên mỗi ngày với con số hàng nghìn, nếu không quyết tâm siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch thì hậu quả sẽ thật khó lường. Sự có mặt của quân đội, công an đã và sẽ góp phần nâng cao tính kỷ luật trong chống dịch, người dân sẽ tuân thủ và chấp hành tốt hơn. Bằng kinh nghiệm của mình, chắc chắn lực lượng quân đội sẽ cùng các lực lượng khác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, điều tiết và cung cấp lương thực, thực phẩm để người dân an tâm chống dịch, để các địa phương sớm khống chế dịch bệnh, đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tại các tỉnh phía Nam, đặc biệt là tại TP Hồ Chí Minh, Chính phủ quyết định việc thực hiện giãn cách ở mức độ cao hơn ở các địa phương này. Lợi dụng việc này, một số đài như: RFA, RFI, BBC, số đối tượng phản động đã đăng các bài viết với nội dung lên án, phê phán cách thức, biện pháp phòng, chống dịch.

Các thế lực này xuyên tạc rằng, việc thực hiện siết chặt giãn cách ở TP Hồ Chí Minh là “biện pháp sai lầm, phi khoa học”, cho rằng quyết định này sẽ là thảm họa; không thể coi “chống dịch như chống giặc”, virus nó vô hình lan truyền trong không khí, việc chốt chặt, lập hàng rào thép gai, nhốt dân… làm sao ngăn chặn được virus mà “để tra tấn dân”, từ đó vu cáo cách làm này “chỉ làm dịch lan rộng, dân chưa chết vì dịch bệnh thì đã chết vì đói”.

Việc áp dụng giãn cách xã hội là một trong những giải pháp hữu hiệụ để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh được hầu hết các nước trên thế giới áp dụng. Thực tế 3 đợt dịch trước ở Việt Nam đã chứng minh, thực hiện thông điệp 5K, áp dụng giãn cách xã hội vẫn là giải pháp chủ đạo để ngăn chặn sự lây lan bệnh, cùng với nỗ lực tiêm phòng vaccine. Đây là cách thức khoa học, đúng đắn đã được các cấp chính quyền quyết liệt thực hiện, được nhân dân đồng tình ủng hộ, qua đó đã hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Nhiều nước trên thế giới cũng áp dụng quyết liệt phương pháp này và đã thành công ở từng mức độ cụ thể, cùng với việc tăng cường tiêm chủng vaccine.

Rõ ràng, những lời lẽ xuyên tạc, bịa đặt này là nhằm phủ nhận những kết quả của Việt Nam trong cuộc chiến với COVID-19, đồng thời vẽ nên một bức tranh với những gam màu tối về Việt Nam trong đại dịch, sâu xa hơn là nhằm làm suy giảm niềm tin của Nhân dân với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta./.NVS

 

Những luận điệu xuyên tạc, hạ thấp uy tín lãnh đạo của Đảng, Nhà nước Việt Nam

 


Như chúng ta đã biết, bên cạnh các thế lực phản động, thù địch luôn có dã tâm phá hoại sự nghiệp cách mạng Việt nam, thì một số cá nhân, trong đó có người từng đứng trong hàng ngũ của Đảng, vì bất mãn cá nhân hoặc bị mua chuộc bởi lợi ích vật chất đã phản bội Tổ quốc, phản bội nhân dân, chà đạp lịch sử dân tộc. Phủ nhận công lao to lớn của các lãnh tụ của Đảng là một trong những thủ đoạn mà chúng sử dụng lâu nay nhằm gián tiếp hạ thấp uy tín, vai trò của Đảng. Các bậc tiền bối của Đảng như Hồ Chí Minh, Trần Phú, Lê Hồng Phong, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn… là những tên tuổi mà các đối tượng thù địch, bất mãn thường xuyên tập trung xuyên tạc, bôi nhọ.

Các luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ của chúng thường biểu hiện ở những khía cạnh sau: Xuyên tạc đời tư cá nhân, “nghe hơi nồi chõ” - dựng chuyện để hùa theo rồi quy kết bịa đặt rằng “các lãnh tụ đều có nhiều vợ, nhiều con”, “có nhiều người tình” cả ở trong và ngoài nước (giọng điệu của các đối tượng Bùi Tín, Hoành Tranh, Sophie Quinn Judge…); Xuyên tạc mối quan hệ giữa các lãnh tụ trong quá trình lãnh đạo cách mạng, bằng những giọng điệu phản động, bịa đặt; Xuyên tạc và phủ nhận công lao, sự nghiệp cách mạng của các lãnh tụ. Chúng rêu rao rằng con đường cách mạng vô sản ở Việt Nam là sự “chọn đại, sai lầm” của những người lãnh đạo, khiến gây ra chiến tranh, nghèo đói, “huynh đệ tương tàn, Bắc Nam chia rẽ” (giọng điệu của các đối tượng Bùi Tín, Việt Thường, Trương Gia Kiểng…); “Thần thánh hóa” tung hô các lãnh tụ tiền bối nhằm đối lập với cán bộ đảng viên hiện nay. Đây là một dạng luận điệu không kém phần thâm độc, bởi chúng “lập lờ đánh lận con đen” muốn quy hiện tượng thành bản chất, cho rằng “một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên, kể cả cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước tha hóa, biến chất và vi phạm” là cái “phổ biến” và “tất yếu” của một Đảng duy nhất cầm quyền (giọng điệu của các đối tượng Tiến Hồng, Lê Kỳ Sơn…).

Thực chất những luận điệu nêu trên không chỉ nhằm hạ thấp thanh danh, uy tín lãnh tụ của Đảng qua các thời kỳ, mà qua đó, âm mưu sâu xa, nham hiểm của chúng là từ chỗ làm xói mòn niềm tin của nhân dân đối với các lãnh tụ để dẫn đến nghi ngờ, dao động rồi mất niềm tin vào Đảng, Nhà nước và chế độ.

Bóp méo sự thật lịch sử, bôi nhọ nhân phẩm các bậc lãnh đạo tiền bối để “mượn gió bẻ măng” chống phá Đảng, Nhà nước; phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng; phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc… là thủ đoạn mà các thế lực thù địch, thành phần bất mãn đã, đang và sẽ còn sử dụng. Những hành động đó luôn đi ngược lại với lợi ích của quốc gia - dân tộc và các tầng lớp nhân dân Việt Nam. Bằng cái nhìn khách quan, bằng các tư liệu lịch sử chính thống và bằng tiếng nói của lương tri, chúng ta kiên quyết, kiên trì đấu tranh bác bỏ những luận điệu sai trái, phản động đó.

Bịa đặt trắng trợn, cắt xén tư liệu, suy diễn một chiều, “nhào nặn” lẫn lộn thật-giả... là những “thủ thuật” của một vài “nhà dân chủ” tự xưng ở hải ngoại vẫn “nhai đi nhai lại” lâu nay. Ở chừng mực nào đó, trong một số thời điểm nhất định, những cái gọi là “thông tin bí mật” kiểu đó dường như cũng ít nhiều “hấp dẫn” một bộ phận “cư dân mạng” thiếu hiểu biết, non kém bản lĩnh. Dù vậy thì những chiêu trò “câu laike”, xuyên tạc hòng “mưa dầm thấm lâu” cũng không thể đánh lừa được đa số người đọc, người xem có tri kiến./. NVS