Thứ Hai, 1 tháng 11, 2021
'Chủ tịch, Bí thư tỉnh ủy nên trả lời tin nhắn của dân'
Trưởng Ban tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp mong lãnh đạo địa phương khi nhận được tin nhắn của người dân "hãy trả lời", cố gắng giải quyết khiếu nại từ cơ sở.
Thông tư 04 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình tiếp công dân có hiệu lực từ 15/11. VnExpress phỏng vấn ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương về nội dung này.
- Thông tư sắp có hiệu lực thi hành nêu rõ người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải trực tiếp tiếp công dân để lắng nghe, giải quyết và chỉ đạo giải quyết khiếu nại, tố cáo. Thực trạng việc tiếp dân của người đứng đầu hiện nay ra sao, thưa ông?
- Năm 2021, 22,3% số lượt tiếp dân của thủ trưởng cơ quan hành chính các cấp được ủy quyền, phân công tiếp thay. Nếu áp dụng quy định của Luật Tiếp công dân là Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải tiếp công dân định kỳ mỗi tháng một ngày và tiếp công dân đột xuất trong những vụ việc gay gắt, phức tạp thì số lãnh đạo địa phương tiếp dân định kỳ giảm rõ rệt.
Việc này có một phần nguyên nhân nhiều nơi giãn cách xã hội trong Covid-19. Một số lãnh đạo địa phương không tiếp dân ở trụ sở nhưng xuống vùng dịch để giải quyết bức xúc hàng ngày của người dân.
Dù vậy, ở một số địa phương, đoàn giám sát của Quốc hội trước đây đánh giá là người đứng đầu tiếp dân không đúng định kỳ, ủy quyền cho cấp phó, thậm chí ủy quyền cho giám đốc cấp Sở. Cán bộ Sở chỉ tiếp hình thức để báo cáo Chính phủ, trong khi đó mục tiêu Chủ tịch tiếp dân là để đưa ra chủ trương, biện pháp giải quyết ngay vấn đề chứ không phải để ghi điểm, ghi danh.
Một số địa phương lãnh đạo tiếp dân xong thì ra thông báo "từ chối tiếp dân" vì "đã giải quyết hết thẩm quyền". Vì thế, người dân lại lên Trụ sở tiếp công dân Trung ương.
Cán bộ tiếp dân phải giải quyết đến cùng vụ việc chứ không phải hết thẩm quyền. Xét cho cùng, người dân có lên trung ương thì thẩm quyền giải quyết vẫn là chủ tịch địa phương đó.
- Báo cáo giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mới đây nêu đích danh bốn Chủ tịch cấp tỉnh không tiếp dân ngày nào trong 18 tháng, gồm Bình Dương, Đăk Nông, Thừa Thiên - Huế, TP HCM. Những địa phương này sau đó đã có giải trình. Ông nhìn nhận thế nào về việc này?
- Các tỉnh giải trình về việc lãnh đạo có một số buổi tiếp dân, một số buổi ủy quyền cho cấp dưới. Tuy nhiên, theo quy định, người đứng đầu phải trực tiếp tiếp dân, không nên ủy quyền.
Theo Luật Tiếp công dân, Chủ tịch UBND cấp tỉnh không phải chỉ tiếp dân để giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Là thủ trưởng cơ quan hành chính, anh có đủ thẩm quyền giải quyết những bức xúc của dân, nếu giao cho cấp dưới như Phó chủ tịch hay Giám đốc Sở thì họ chỉ "ghi nhận" rồi "báo cáo".
Theo thống kê, cấp ủy chính quyền địa phương nào tăng cường công tác tiếp dân và người đứng đầu quan tâm đến việc này, đa số sự việc khiếu nại tố cáo ở địa phương đó sẽ ít, không có bức xúc. Vì vậy, Chủ tịch không chờ đến lịch mới tiếp dân mà nên tiếp dân đột xuất với những việc phức tạp, cần giải quyết ngay để tránh làm nóng tình hình.
Hiện, chế tài chính quyền xử lý người đứng đầu không tiếp dân chưa có, nhưng tôi nhiều lần đề nghị, cần phải đánh giá và có giải pháp xử lý lãnh đạo không hoàn thành nhiệm vụ, kiểm điểm cuối năm theo nguyên tắc Đảng.
- Người đứng đầu không tiếp dân theo quy định gây tác động thế nào đến các vụ khiếu kiện, khiếu nại vượt cấp, kéo dài?
- Lãnh đạo các tỉnh, thành không tiếp dân, không quan tâm đến quyền lợi của dân thì người dân sẽ bức xúc, khiếu kiện vượt tuyến lên trung ương. Vì vậy, việc giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài cần có quyết tâm chính trị cao; người đứng đầu phải nhận thức rõ trách nhiệm.
Chẳng hạn, có lần Tổ Công tác của Thủ tướng do Phó thủ tướng Trương Hòa Bình làm tổ trưởng đến kiểm tra tại mội địa phương, cả bí thư và chủ tịch tỉnh cùng hứa sẽ tiếp dân, giải quyết dứt điểm một việc phức tạp. Thế nhưng, người dân nhiều lần đến đề nghị gặp họ nhưng đều không được, thay vào đó là cán bộ không thuộc thẩm quyền được cử tiếp. Đến nay, sự việc này vẫn chưa giải quyết xong mặc dù có chỉ đạo của Phó thủ tướng.
Rất nhiều vụ việc Ban Tiếp công dân trung ương có văn bản xuống đề nghị đối thoại nhưng người dân vẫn rất "khó gặp" lãnh đạo địa phương. Họ nói "sao lên đây gặp cán bộ dễ thế mà về địa phương gặp Phó Chủ tịch thôi cũng khó khăn?".
Hay tại một tỉnh, khi Tổng Thanh tra Chính phủ gặp dân, có sự tham gia của lãnh đạo địa phương, người dân nói "8 năm rồi mới được gặp Phó Chủ tịch. Nếu như không có cuộc tiếp của Tổng Thanh tra, người dân chắc không bao giờ gặp được Chủ tịch, Phó Chủ tịch".
- Vừa qua, TP HCM tổ chức chương trình trực tuyến "dân hỏi - thành phố trả lời". Ông đánh giá như thế nào về phương thức này?
- Tôi cho rằng đây là mô hình rất hiệu quả, không chỉ trong thời gian chống dịch, mà nếu sau này áp dụng cũng rất hay. Chúng tôi cũng đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ tăng cường tiếp dân tại Trụ sở tiếp dân Trung ương phía Nam; và tiếp dân trực tuyến.
Nếu Chủ tịch hoặc lãnh đạo địa phương tiếp dân, chúng tôi đề nghị trực tuyến ba bên, giữa trụ sở tiếp dân Trung ương, lãnh đạo địa phương và người dân. Khi "ba mặt một lời", việc vận động thuyết phục người dân sẽ dễ dàng hơn, thống nhất cao hơn. Khi đó, người dân cũng không cần lên trụ sở tiếp dân Trung ương, đỡ vất vả, tốn kém.
Chúng tôi cũng kiến nghị Tổng Thanh tra rà soát, xây dựng các nghị định của Chính phủ để thực hiện cơ sở dữ liệu quốc gia về giải quyết khiếu nại tố cáo. Có như vậy, người dân mới biết việc mình khiếu nại đang được giải quyết ở khâu nào. Các cơ quan Nhà nước, đại biểu Quốc hội, truyền thông, báo chí sẽ nắm được các vụ việc dân đang khiếu nại, tố cáo. Điều này cũng sẽ tránh việc chuyển đơn lòng vòng, gây khó khăn cho người dân, phức tạp thêm tình hình.
- Hơn 10 năm phụ trách công tác tiếp dân Trung ương, kinh nghiệm tiếp dân của ông là gì?
- Đó là chịu khó lắng nghe, tìm hiểu những bức xúc và giải quyết thấu đáo. Tôi mong muốn lãnh đạo các địa phương khi nhận được tin nhắn của người dân hãy trả lời, không có thời gian nghe điện thoại nên trả lời tin nhắn. Chỉ cần lãnh đạo địa phương làm tốt việc này, tình hình khiếu nại, tố cáo và sự bức xúc của người dân giảm đi rõ rệt, bởi người dân thấy được tôn trọng. Người dân liên lạc được với một ông lãnh đạo dù chưa biết kết quả ra sao nhưng họ mừng và tin tưởng.
Ở trụ sở tiếp công dân trung ương, lúc nào dân gọi tôi cũng nghe. Bạn bè nhắn tin có thể tôi không trả lời khi đang bận, nhưng người dân nhắn tin bao giờ cũng hồi đáp. Một lần khoảng 23h, tôi nhận được cuộc gọi người dân khóc, kể nhiều lần mang theo văn bản của trung ương đến trụ sở tiếp dân của tỉnh nhưng không những không được tiếp mà còn bị lực lượng chức năng lôi đi.
Tôi hướng dẫn họ tiếp tục đến trụ sở tiếp dân với thái độ bình tĩnh, ôn hòa, đưa văn bản của trụ sở tiếp công dân trung ương ra và đề nghị họ tiếp theo văn bản này.... Nếu có cán bộ trong quá trình tiếp dân mà vi phạm luật hoặc có thái độ không đúng mực thì có thể viết đơn gửi cho chủ tịch, bí thư và gửi cho tôi.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét