Thứ Ba, 30 tháng 11, 2021

Góc khuất của gia đình quân nhân

 Thời chiến tranh, nhiều bộ đội đã từng “nuôi con bằng kẹo, nuôi vợ bằng thư”. Đến thời bình, dù đời sống của nhân dân nói chung đã được cải thiện rõ rệt, nhưng nhiều gia đình quân nhân vẫn còn khó khăn. Đặc biệt, còn có những góc khuất ít người biết đến.

Từ những câu chuyện buồn...

“Anh ơi, em lại bị vợ bỏ rồi”-H., cậu em cùng quê, công tác ở Quân khu 1 cuối tuần qua gọi điện thông báo với tôi một tin buồn như vậy. H. là cán bộ đại đội, đóng quân ở một huyện miền núi, xa quê hương đến hơn 200km. Người vợ đầu tiên của H. là cô bạn cùng học phổ thông, làm việc ở doanh nghiệp gần nhà.

Hồi mới cưới, gia đình H. rất phấn khởi vì có cô con dâu vừa ngoan, vừa hiền. Thế nhưng gần 5 năm sau khi kết hôn, cô con dâu vẫn chưa sinh nở vì thời gian hai vợ chồng ở bên nhau rất ít. Đã vậy, tiền lương chồng gửi về chẳng đáng là bao. Cô con dâu vừa phải chăm sóc bố mẹ già, vừa phải chịu tiếng là “không biết đẻ” nên chán nản xin ly hôn.

Góc khuất của gia đình quân nhân
Hạnh phúc của gia đình quân nhân. Ảnh: NGUYỄN LÂN 

Người vợ thứ hai của H. là một cô gái gần đơn vị. Bố mẹ cô ấy thương chàng sĩ quan không có nhà ở nên đã cho ở rể. “Do nhiệm vụ quản lý chiến sĩ nên có khi hằng tháng trời, em mới được về thăm vợ một ngày cuối tuần. Lấy nhau hơn 3 năm mà vẫn chưa có con. Đi khám bệnh, bác sĩ nói cả hai đều bình thường. Lương đại úy sau khi trừ tiền ăn, tiền gửi về cho bố mẹ, tiền chi tiêu cá nhân, mỗi tháng em cũng chỉ đưa cho vợ trên dưới 1 triệu đồng. Có lẽ vì thế mà vợ em bỏ”-H. nói với tôi nghẹn ngào trong điện thoại.

Trong toàn quân, sĩ quan bị vợ bỏ như H. không phải hiếm. Điều đáng lo ngại hơn là tình trạng nam quân nhân tuổi ngoài 30 vẫn chưa lấy được vợ đang có chiều hướng gia tăng. Cán bộ tiểu đoàn, đại đội, trung đội ở các đơn vị đủ quân có rất ít thời gian để giao lưu với người khác giới. Trong khi cuộc sống ngoài doanh trại luôn sôi động, các cô gái thời nay rất khó chấp nhận người yêu mà cả năm trời không gặp mặt.

Một trợ lý chính trị của trung đoàn thuộc Quân đoàn 3, đóng quân ở Tây Nguyên, có vợ ở Thái Bình tâm sự với tôi: “Đơn vị cho đi tranh thủ em cũng không dám đi vì tiền lương tích cóp không đủ để mua vé máy bay, tiền mua quà về quê và “quà quê” khi trở lại đơn vị. Mỗi năm em chỉ dám nghỉ phép một lần...”.

... đến những chính sách cần được sửa đổi

Gia đình quân nhân có những đặc điểm chung của gia đình Việt Nam nhưng cũng có những đặc điểm riêng do có những thành viên là quân nhân. Trước hết là cường độ, thời gian lao động, bám nắm đơn vị của quân nhân nhiều hơn lao động bình thường, nhất là cán bộ cơ sở ở các đơn vị bộ đội chủ lực.

Họ dường như không có thời gian dành cho gia đình do phải thường xuyên làm nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, công tác xa nhà. Gánh nặng gia đình thường đổ lên vai người vợ có chồng là bộ đội. Nhất là trong những đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua, có cán bộ quân đội 6 tháng trời chưa được về thăm gia đình, vợ con.

Thực tế, thời gian qua, có rất nhiều tấm gương sáng của gia đình quân nhân hạnh phúc, nuôi dạy con tốt. Nhiều cháu học sinh có bố hoặc mẹ là bộ đội đã giành thứ hạng cao trong các kỳ thi học sinh giỏi trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có không ít gia đình quân nhân có hoàn cảnh khó khăn cả về kinh tế và lĩnh vực tình cảm tinh thần.

Những năm qua, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với quân đội và hậu phương quân đội đã có nhiều thay đổi, bảo đảm ngày càng tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội và gia đình quân nhân. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung của xã hội thì chính sách xã hội đối với quân đội và gia đình quân nhân vẫn còn những bất cập. 

Trong điều kiện thời bình, với cơ cấu và cơ chế kinh tế mới, đã xuất hiện sự so bì về đời sống của cán bộ, chiến sĩ, hậu phương quân đội và các lĩnh vực kinh tế-xã hội, vì vậy, rất cần việc rà soát lại các chính sách đối quân đội và hậu phương quân đội.

Trước mắt, cần nghiên cứu, đề xuất ban hành và triển khai thực hiện chặt chẽ, đầy đủ các chế độ, chính sách theo quy định của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, Luật Nghĩa vụ quân sự, nhất là các chính sách về tiền lương, chính sách về nhà ở, đất ở, xây dựng nhà công vụ đối với cán bộ quân đội...

Đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với một số loại hình đơn vị sự nghiệp quân đội. Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội theo hướng bảo đảm quyền lợi tối đa cho các đối tượng tham gia và thực hiện tốt vai trò “trụ cột” của chính sách an sinh xã hội. Đã đến lúc cần ban hành các chính sách đặc thù có tính đột phá đối với các cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ có yêu cầu đặc thù cao; lực lượng làm nhiệm vụ ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo...

Từng bước nghiên cứu, đề xuất chính sách đột phá, góp phần thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ trong quân đội. Nghiên cứu, triển khai lồng ghép các chính sách xã hội, chính sách bảo trợ xã hội đối với gia đình quân nhân.

ĐỖ PHÚ THỌ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét