Thứ Hai, 29 tháng 11, 2021

Những người thầy không chuyên

 “Những người thầy không chuyên” – đó là câu nói vui của các chiến sĩ Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 88, Sư đoàn 302 khi được chúng tôi hỏi về cán bộ đơn vị. Tuy là câu nói vui nhưng quả thật, đó chính là những từ ngữ chính xác nhất dành cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm nhiệm vụ quản lý, chỉ huy, huấn luyện và giáo dục bộ đội tại các đơn vị cơ sở.


Cán bộ tiểu đội, trung đội luôn theo sát, uốn nắn từng động tác cho chiến sĩ. 
Đại tá Vũ Anh Tuấn, Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 302 chia sẻ: “Ai đã trải qua quân ngũ, chắc hẳn sẽ không thể nào quên những ngày tháng huấn luyện chiến sĩ mới, tuy vất vả nhưng đầy niềm vui. Những ngày tháng ấy, khi bước chân vào đơn vị, lính trẻ như một tờ giấy trắng, cán bộ phải hướng dẫn từng việc làm dù là nhỏ nhất như: xếp đặt ba lô, nội vụ sao cho đẹp, phơi khăn mặt, quần áo sao cho thống nhất, rồi từ mang mặc quần áo, đi giày dép cho đến xếp hàng, ăn cơm, ngủ nghỉ… những việc tưởng chừng đơn giản ấy lại chính là bài học đầu tiên và cũng là bài học theo chiến sĩ trong suốt cuộc đời quân ngũ.

Rồi khi quen dần với Quân đội, chiến sĩ sẽ được cán bộ trung đội, đại đội dạy về chính trị, huấn luyện quân sự, điều lệnh theo hướng tăng dần từ thấp đến cao. Đó là quá trình biến một người công dân trở thành người lính có đủ phẩm chất, trình độ để đáp ứng yêu cầu sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống. Những bài học ấy, có lẽ không một thầy cô nào ở các trường học bên ngoài có thể truyền thụ cho chúng ta khi còn học sinh, sinh viên. Để bộ đội thích nghi với môi trường mới đặc thù, ngoài truyền dạy kiến thức, cán bộ đơn vị còn thường xuyên tâm sự, chỉ bảo, giúp đỡ như người bạn, người anh trong gia đình.

Ngoài vai trò một người thầy không chuyên, cán bộ đơn vị còn là người chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho chiến sĩ; quan tâm, hỏi thăm, động viên lúc chiến sĩ đau ốm, bệnh tật hoặc nhớ nhà, nhớ người yêu… kịp thời nắm bắt tư tưởng, tình cảm và những khó khăn, vướng mắc của bộ đội để giải quyết kịp thời. Điều đó giúp bộ đội yên tâm hơn, vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Người cán bộ lại giống như người mẹ đang lo lắng, chăm sóc cho chính đứa con của mình.

Rồi những khi bộ đội vi phạm các quy định hoặc vi phạm kỷ luật, ngoài việc xử lý kỷ luật theo điều lệnh. Cán bộ các cấp còn gặp gỡ, nắm nguyên nhân, động viên tư tưởng và làm tốt công tác giáo dục để bộ đội hiểu rõ hơn về kỷ luật và các quy định để không tái phạm. Khi bộ đội phấn đấu tốt, khắc phục được khuyết điểm thì kịp thời biểu dương, khen ngợi, bộ đội sẽ thêm niềm tin, động lực để phấn đấu và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Đó chính là thể hiện được sự nghiêm minh, nhưng cũng là sự quan tâm, dạy dỗ như một người cha.

Có thể nói, người cán bộ trực tiếp quản lý, giáo dục bộ đội phải đảm nhiệm rất nhiều vai, vừa là người thầy, vừa là cha mẹ, đồng thời là người anh, người bạn với bộ đội. Cán bộ tốt, gương mẫu, nhiệt tình và trách nhiệm thì sẽ đào tạo ra những quân nhân ưu tú, sẵn sàng xung kích nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, chấp hành nghiêm pháp luật, kỷ luật. Ngược lại, người cán bộ không tốt, thiếu an tâm tư tưởng hoặc thường xuyên vi phạm kỷ luật thì bộ đội cũng sẽ học những cái xấu và làm theo.

Thiếu tá Đào Viết Cường, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 6 cho biết thêm: “Cán bộ ở đơn vị cơ sở là người rất vất vả, khi vừa phải quản lý quân số, duy trì kỷ luật, lại phải vừa chuẩn bị giáo án, bài giảng, thục luyện giáo án, chuẩn bị vật chất cho nhiệm vụ huấn luyện. Khi đơn vị làm nhiệm vụ diễn tập, cán bộ phải theo sát mọi hoạt động của bộ đội, nhất là khi bộ đội ngủ nghỉ trong rừng, cán bộ phải thường xuyên kiểm tra để tránh những điều đáng tiếc xảy ra”.

Quả thật, có trải qua cương vị cán bộ tại đơn vị cơ sở, trực tiếp làm nhiệm vụ quản lý, giáo dục, rèn luyện bộ đội, mới thấy hết được những vất vả mà đội ngũ cán bộ phải trải qua. Các anh thực sự xứng đáng và được trân trọng là những “Người thầy” áo lính.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét