Thứ Hai, 29 tháng 11, 2021

XÂY DỰNG NHÂN CÁCH CỦA MỖI ĐẢNG VIÊN GẮN LIỀN VỚI “6 DÁM”!

       Vừa qua, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ta chủ trương xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực gồm có “6 DÁM”.

      Một là, “Dám nghĩ”: Thể hiện tư duy đổi mới, bứt phá nhằm khai thông, mở lối phát triển để đạt hiệu quả tối ưu trước một vấn đề, một công việc nào đó, nhất là cái mới, việc mới. Những ý tưởng và phương pháp tư duy độc đáo đó sẽ tạo ra cách làm mới, hiệu quả góp phần thay đổi chất lượng phát triển, chất lượng sống của mỗi người, nhiều người. 

    Đối với cán bộ, đảng viên trong bối cảnh, điều kiện hiện nay, dám nghĩ khiến người ta toàn tâm, toàn ý hướng vào tháo gỡ những vấn đề đang đặt ra, những vấn đề chưa có tiền lệ, chưa thành cơ chế, đang là rào cản đối với sự phát triển. Nếu cán bộ, đảng viên không dám nghĩ thì không có cơ sở cho sự bứt phá để phát triển nhanh, bền vững theo mục tiêu Đại hội XIII của Đảng đã xác định.

         Hai là, “Dám nói”: Là thể hiện dũng khí, tính cương trực, thẳng thắn, công tâm khi nhận định, xem xét, phán quyết một vấn đề, một sự việc nào đó. Trước những đòi hỏi từ thực tiễn phát triển của đất nước hiện nay, cán bộ, công chức mới “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” là chưa đủ, mà hơn thế, còn phải “dám nói”. 

Thực tế hiện nay, ở nhiều cấp, ngành có một số cán bộ không thể hiện quan điểm, lập trường, thái độ rõ ràng, thiếu chính kiến dứt khoát trước những sự việc đúng, sai, tốt, xấu... Và, họ ứng xử theo lối “dĩ hòa vi quý”, “gió chiều nào theo chiều ấy”, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, làm cho cái tốt không có điều kiện nảy nở, phát huy, cái sai không được phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời, đấu tranh loại bỏ, làm cho cái mới không được khai phá.

         Ba là, “Dám làm”: Là thái độ và hành động quyết liệt, khẩn trương, chủ động xông pha, tiên phong dấn thân vào những công việc khó, nhiệm vụ phức tạp, những việc chưa có tiền lệ, chưa có trong quy cách, quy định... nhằm làm chuyển biến tình hình theo chiều hướng tích cực, phát triển, vì lợi ích chung; là dám biến ước mơ, dự định thành hiện thực. “Dám làm” không có nghĩa là làm liều, càng không phải là vi phạm pháp luật. Cán bộ, đảng viên phải là con người của hành động, “miệng nói, tay làm”. Đảng và nhân dân ta đồng thuận phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (chưa có tiền lệ), càng đòi hỏi những người cầm lái, vận hành khi đối mặt với mọi khó khăn, thách thức, mới mẻ phải dám làm, dũng cảm đi đầu gương mẫu làm trước và định hướng, tổ chức để nhân dân cùng làm. 

 Bốn là,“Dám chịu trách nhiệm”: Dám chịu trách nhiệm thể hiện bản lĩnh, tinh thần vững vàng của người “đứng mũi chịu sào” trước mọi “sóng to, gió cả”, không lùi bước và luôn sẵn sàng đón nhận cả thành công và chưa thành công, thậm chí đối mặt với những rủi ro ngoài ý muốn. 

          Dám chịu trách nhiệm bao gồm hai yếu tố: Một là, nhận nhiệm vụ và nhận trách nhiệm với nhiệm vụ của mình, đồng thời nỗ lực hết sức mình để hoàn thành nhiệm vụ, không tránh né, đùn đẩy. Hai là, dám chịu trách nhiệm nhận lỗi và sẵn sàng gánh chịu hậu quả xấu đến với mình khi không hoàn thành nhiệm vụ.

         Năm là, “Dám đổi mới sáng tạo”: Đổi mới là thay cái cũ (hay làm cho cái cũ) thành cái mới tốt hơn. Sáng tạo là đưa ra những ý tưởng, sáng kiến ứng dụng vào thực tế mang lại lợi ích cho con người và xã hội. Phẩm chất đổi mới sáng tạo là một chỉnh thể có quan hệ chặt chẽ giữa 2 thành tố: Đổi mới và sáng tạo. Đổi mới phải sáng tạo và sáng tạo hàm chứa đổi mới.

         Đặc trưng giai đoạn tới của công cuộc đổi mới càng đòi hỏi sự đổi mới và sáng tạo. Hơn lúc nào hết, yêu cầu cấp thiết đặt ra đối với cán bộ, đảng viên là dám đổi mới, sáng tạo những mô hình, cách làm đột phá, thậm chí khác biệt nhưng mang lại hiệu quả tốt hơn. Đổi mới, sáng tạo mạnh mẽ hơn là chìa khóa để thực hiện các chủ trương mới của Đảng về chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực khoa học - công nghệ... mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

         Sáu là, “Dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung” là phẩm chất cấu thành bởi bản lĩnh, nghị lực, quyết tâm chính trị và đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên. 

       Bản lĩnh là khả năng đương đầu với khó khăn, giải quyết những vấn đề mới, khó của cuộc sống một cách bình tĩnh, sáng suốt và tỉnh táo. Bản lĩnh còn là lòng dũng cảm, kiên trì, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; là sự tự khẳng định mình, bày tỏ những quan điểm cá nhân, có chính kiến riêng và dám đương đầu với mọi thử thách để đạt điều mong muốn. Nghị lực là sức mạnh tinh thần tạo cho con người sự kiên quyết trong hành động, không lùi bước trước khó khăn, thử thách. 

      Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định, cán bộ, đảng viên của Đảng không chỉ là những người lo trước thiên hạ, mà còn phải khổ trước thiên hạ, còn phải dám hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của nhân dân, của Tổ quốc, của Đảng. Đã tự nguyện làm công bộc của dân, thề suốt đời hy sinh, phấn đấu vì hạnh phúc của nhân dân thì lợi ích của cán bộ, đảng viên phải đặt trong lợi ích chung của dân, của nước. Dám hy sinh lợi ích cá nhân là đòi hỏi cán bộ phải tự giác gác lại những nhu cầu, ham muốn cá nhân ảnh hưởng đến sự nghiệp chung, lợi ích chung; nghiêm khắc với bản thân, không bị mê hoặc bởi tiền tài danh vọng và những cám dỗ tầm thường. 

Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động và dám hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của nhân dân, của Tổ quốc, của Đảng là những phẩm chất cần và đủ, có quan hệ chặt chẽ với nhau và là một chỉnh thể trong nhân cách của người cán bộ, đảng viên ở nước ta hiện nay./.

Yêu nước ST.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét