Khi thực hiện
“diễn biến hòa bình” về tư tưởng, văn hóa ở Việt Nam, một trong những đối tượng
mà các thế lực thù địch hướng tới nhiều nhất là sinh viên đang theo học tại các
trường đại học, cao đẳng. Sinh viên thuộc nhóm thanh niên có độ tuổi từ 18 đến
24 - 25. Như vậy, sinh viên vừa là một bộ phận của thanh niên, vừa là một bộ
phận của đội ngũ trí thức trong tương lai. “Sinh viên là đại biểu của một nhóm
xã hội đặc biệt gồm những người đang trong quá trình chuẩn bị tri thức để trở
thành chuyên gia, hoạt động lao động trong một lĩnh vực nhất định thuộc các
ngành kinh tế, văn hóa, xã hội hoặc sinh viên là những người đang học tập ở các
trường cao đẳng, đại học trong và ngoài nước”.
Sinh viên Việt Nam xuất thân
từ các giai tầng khác nhau của mọi miền đất nước, tập trung về các trung tâm
kinh tế, chính trị, các thành phố, thị xã để học tập. Đại đa số họ mới tốt
nghiệp trung học phổ thông, vừa ra khỏi sự quản lý trực tiếp của gia đình để
sống tự lập. Do hơn 80% sinh viên Việt Nam xuất thân từ nông thôn nên khi vào
học tại các trường đại học, cao đẳng, đa số sinh viên sống tập thể trong ký túc
xá, hoặc ở trọ xung quanh các trường đại học, cao đẳng. Sinh viên là lớp người
rất năng động, luôn chủ động, tích cực trong việc chuẩn bị hành trang cho tương
lai của mình. Bên cạnh những gì sinh viên chịu ảnh hưởng do tiếp nhận sự trao
truyền, giáo dục của thế hệ trước, họ luôn có lựa chọn của riêng mình và thế hệ
mình. Ngoài ảnh hưởng từ cộng đồng, gia đình hay quốc gia - dân tộc, trong thời
đại toàn cầu hóa, họ còn chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố văn hóa, tri thức,
kinh nghiệm, giá trị và lựa chọn của các cộng đồng và cá nhân khác trên thế
giới. Với những điều kiện đó, sinh viên thường có xu hướng thử nghiệm nhiều khả
năng, nhiều lựa chọn, ngay cả khi họ còn chưa chuẩn bị đủ tốt cho những thử
nghiệm đó, vì đối với họ, dù có phạm sai lầm vẫn có cơ hội làm lại, thử nghiệm
lại. Vì vậy, phần đông sinh viên thường có xu hướng mạnh dạn, chủ động đưa ra
sự lựa chọn của bản thân, mạnh dạn đương đầu với những khó khăn, dám thử nghiệm,
làm khác lối mòn của thế hệ trước, coi đó như một phương thức để khẳng định tư
cách “người lớn” của mình.
Đó là nguyên nhân thường dẫn
đến những “lệch chuẩn” trong ứng xử văn hóa của sinh viên. Khi những thử nghiệm
bị thất bại, những “lệch chuẩn” bị lên án thì sinh viên dễ rơi vào tình trạng
bi quan, chán nản, mất phương hướng nhưng vì bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, họ
cũng dễ dàng vượt qua. Đây là đặc điểm tâm lý đặc trưng của lứa tuổi thanh niên
nói chung và sinh viên nói riêng mà không phải lứa tuổi nào cũng có.
Hơn nữa, sinh viên thường khá
nhanh nhạy trong việc tiếp thu các thông tin mới, cũng như những luồng tư tưởng
mới trong xã hội. Song, do còn có giới hạn về trình độ nhận thức và kinh nghiệm
sống nên khả năng phân tích và chọn lọc thông tin có những hạn chế. Trong thực
tế, nhiều sinh viên ít quan tâm đến những vấn đề chính trị - xã hội, lập trường
tư tưởng chưa vững vàng nên dễ dao động, dễ bị lôi kéo...
Thời gian qua, “do ảnh hưởng
của nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, do sự bùng phát của lối sống thực
dụng chạy theo danh lợi bất chấp đạo lý đã dẫn đến những tiêu cực trong xã hội
ngày càng phổ biến. Những biểu hiện xa rời mục tiêu chủ nghĩa xã hội chưa được
khắc phục, sự chống phá của các thế lực phản động quốc tế nhằm thực hiện âm mưu
“diễn biến hòa bình” đã tác động không nhỏ đến đời sống đạo đức công dân, ảnh
hưởng lớn đến tâm tư, tình cảm, ý chí phấn đấu của sinh viên, thanh niên trí
thức. Hậu quả là đã có một bộ phận thanh niên, trong đó có không ít sinh viên
phai nhạt niềm tin, lý tưởng, mất phương hướng phấn đấu, không có chí lập thân,
lập nghiệp; chạy theo lối sống thực dụng, sống thử, sống dựa dẫm, thiếu trách
nhiệm, thờ ơ với gia đình và xã hội, sa vào nghiện ngập, thiếu trung thực, gian
lận trong thi cử, chạy điểm, chạy trường, mua bằng cấp. Đây là những biểu hiện
không thể coi thường”.
Với một số đặc điểm đó nên
sinh viên là đối tượng mà các thế lực thù địch hướng tới khi thực hiện chiến
lược “diễn biến hòa bình” nhằm mục tiêu chống phá cách mạng nước ta.
Những âm mưu và thủ đoạn của
các thế lực thù địch trong chiến lược “diễn biến hòa bình” về tư tưởng, văn hóa
đối với sinh viên thời gian vừa qua là tập trung vào một số vấn đề như: thâm
nhập vào tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Hội Sinh viên nhằm phá
vỡ các tổ chức này; đưa các xuất bản phẩm đồi trụy, phản động vào đời sống tinh
thần của sinh viên; lợi dụng tín ngưỡng, mê tín dị đoan để thực hiện chiến lược
“diễn biến hòa bình” về tư tưởng, văn hóa. Nhiều đối tượng đã len lỏi vào các
ký túc xá sinh viên, giảng đường, đến các hội thảo khoa học, thông qua
internet... lôi kéo, kích động, nhằm tạo sự bất ổn về chính trị tư tưởng, làm
cơ sở cho những vụ gây rối trật tự an ninh trong đời sống sinh viên và trong xã
hội thời gian qua. Hơn nữa, nếu như trước kia, các thế lực thù địch lợi dụng
các hình thức chống phá truyền thống như tuyên truyền “rỉ tai” với mục đích
“mưa dầm thấm lâu” bằng tờ rơi, báo chí, phát thanh... thì ngày nay, các thế
lực thù địch đã triệt để lợi dụng mạng xã hội để tấn công vào thanh niên. Chúng
ra sức đăng tải các bài viết, blog, hình ảnh, clip... trên mạng xã hội để đưa
các thông tin bịa đặt, xuyên tạc, vu khống. Những nội dung mà các thế lực thù
địch thường xuyên hướng đến sinh viên là:
Thứ nhất,
lấy sự thất bại của mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và các nước
Đông Âu làm cái cớ để xuyên tạc, phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở
Việt Nam nhằm làm lung lạc tinh thần, lung lay ý chí, khiến cho thanh niên,
sinh viên hoài nghi về sự lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt
Nam, từ đó phai nhạt lý tưởng, mất mục tiêu phấn đấu.
Thứ hai,
phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Các thế lực thù địch cho
rằng Đảng Cộng sản Việt Nam tuy có những thành công trong lãnh đạo đấu tranh
giải phóng dân tộc song hiện tại đã mất đi vai trò lãnh đạo của mình bởi lẽ
việc lựa chọn phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa là một sự
“kéo lùi lịch sử”; “tránh chỗ sáng tìm chỗ tối”, “không tuân theo quy luật
khách quan”... Sự phủ nhận trắng trợn đó nhằm làm phai nhạt lý tưởng của thanh
niên, phai nhạt lòng trung thành với Đảng và không còn mục tiêu phấn đấu đứng
trong hàng ngũ của Đảng.
Thứ ba,
“bôi nhọ”, “hạ bệ” các đồng chí lãnh đạo của cách mạng Việt Nam trong đấu tranh
giải phóng dân tộc cũng như xây dựng đất nước. Các thế lực thù địch đã lợi dụng
những hạn chế, thiếu sót, tha hóa của một số cán bộ lãnh đạo để quy chụp công
tác cán bộ của Đảng. Chúng còn cho rằng việc Đảng ta đẩy mạnh công tác phòng,
chống tham nhũng thời gian qua chỉ là “che mắt thế gian”... Điều đó nhằm khiến
cho thanh niên mất niềm tin vào Đảng, vào các cán bộ lãnh đạo của Đảng, từ đó
hoài nghi, dao động về lập trường tư tưởng, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Thứ tư,
thổi phồng những thành tựu của chủ nghĩa tư bản hiện đại, tuyên truyền, cổ xúy
lối sống phương Tây với những biểu hiện thực dụng, coi trọng các giá trị vật
chất, lối sống cá nhân, vị kỷ... lôi kéo, mua chuộc nhằm làm cho sinh viên quên
những giá trị truyền thống tốt đẹp, có biểu hiện sính ngoại, sẵn sàng vì lợi
ích cá nhân trước mắt mà đánh đổi lợi ích, sự nghiệp lâu dài.
Với những chiêu bài tinh vi đó của các thế lực thù địch, có sinh viên do còn mơ hồ về chính trị, thiếu kinh nghiệm sống nên bị mắc mưu. Ở một số địa phương, một số sinh viên đã bị các phần tử phản động lôi kéo, tham gia biểu tình chống chính quyền. Trong những ngày chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, một số sinh viên bị kích động đã lập các blog cá nhân đăng tải nội dung cổ xúy cho các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, từ đó có các bình luận xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và toàn xã hội... Cũng có sinh viên bị các phần tử phản động lôi kéo trên mạng xã hội bằng cách tham gia bình luận, chia sẻ các bài viết nói xấu, xuyên tạc, bóp méo sự thật về Đảng, Nhà nước và nhân dân ta... Điều đó khiến cho tình hình chính trị, tư tưởng của sinh viên trở nên rất phức tạp, khó kiểm soát, khó nắm bắt. Đây là một thách thức không nhỏ đối với công tác tư tưởng, văn hóa, rèn luyện, giáo dục.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét