Kết quả nổi bật của
cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng thời gian qua cho thấy mấy điều: Thứ
nhất, đấu tranh phòng, chống tham nhũng “không có vùng cấm” hoàn toàn là sự
thật. Thứ hai, tài sản bị tham nhũng được thu hồi rất tích cực. Thứ ba, quy
định của Đảng, pháp luật của Nhà nước ngày càng được thắt chặt để ngăn chặn
hành vi tham nhũng. Thứ tư, nhân dân ta và dư luận quốc tế ngày càng tin tưởng
vào hiệu quả của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam.
Từ đó khẳng định: Đảng hoàn toàn có thể lãnh
đạo công tác phòng, chống tham nhũng hiệu quả, tạo đồng thuận xã hội, chứ không
phải bất khả thi như một vài luồng ý kiến từng lo ngại.
Ngày 16-9-2021, Tổng
Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Quy định số 32-QĐ/TW về chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban chỉ đạo Trung ương về
phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (sau đây gọi tắt là Ban chỉ đạo) thay thế Quy
định số 211-QĐ/TW ngày 25-12-2019 của Bộ Chính trị khóa XII về chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban chỉ đạo Trung ương về
phòng, chống tham nhũng.
Đây là một bước chuyển
lớn trong hoạt động của Ban chỉ đạo khi mở rộng phạm vi chỉ đạo, không chỉ tập
trung vào nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, mà còn là cả phòng, chống tiêu cực,
coi đây là hai loại án. Trong đó nội hàm của phòng, chống tiêu cực được xác
định cụ thể vào việc phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối
sống.
Để cụ thể hóa hơn nữa
làm cơ sở cho việc xử lý vi phạm, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Quy định
số 37-QĐ/TW ngày 25-10-2021 về những điều đảng viên không được làm. Quy định
này thay thế Quy định số 47-QĐ/TW ngày 1-11-2011 của Ban Chấp hành Trung ương
khóa XI. Trong 19 điều đảng viên không được làm theo Quy định số 37 điều chỉnh
gần như đầy đủ những thói hư, tật xấu mà không ít cán bộ, đảng viên mắc phải
trong suốt thời gian qua.
Sự mở rộng phạm vi là
cơ sở để Ban chỉ đạo chỉ đạo xử lý các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính
trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, bảo đảm sự trong sạch, tăng
cường sức chiến đấu cho Đảng.
Những năm gần đây, Tổ
chức Minh bạch quốc tế (TI) ghi nhận Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) của Việt
Nam có xu hướng cải thiện tích cực. Theo công bố đầu năm 2021, xếp hạng CPI của
Việt Nam năm 2020 đứng thứ 104/180 nước. Điều này phản ánh kết quả các nỗ lực
của Đảng và Nhà nước ta trong việc đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng,
đặc biệt là việc truy tố, xét xử hàng loạt vụ án tham nhũng lớn.
Theo nghiên cứu mới
nhất của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm 2019, tỷ lệ doanh
nghiệp đồng ý với nhận định "chi trả hoa hồng là cần thiết để có cơ hội
thắng thầu" chỉ còn 41,2%, tiếp tục giảm so với con số 48,4% của năm 2018
và mức 54,9% của năm 2017.
Năm 2019 có 54,1%
doanh nghiệp phản ánh về việc tồn tại hiện tượng nhũng nhiễu khi cán bộ nhà
nước, địa phương giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, giảm so với
con số 58,2% của năm 2018. Nếu so với con số 70% doanh nghiệp phản ánh phải trả
chi phí không chính thức vào năm 2006, thì con số 53,6% của năm 2019 cho thấy
đã có bước tiến lớn trong nỗ lực của chính quyền các địa phương.
Dù vậy, tình trạng
nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn
chặn triệt để. Tham nhũng trên nhiều lĩnh vực còn nghiêm trọng, phức tạp, với
biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội, vẫn là một trong những
nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta.
Điều đáng lưu ý là có
rất nhiều cán bộ cấp cao, cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý đã
bị kỷ luật Đảng, bị pháp luật xử lý. Trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng
này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tình trạng một bộ phận không nhỏ
cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản
lý, cán bộ cấp cao còn thiếu tu dưỡng rèn luyện, suy thoái về tư tưởng chính
trị, đạo đức, lối sống, tiêu cực, tham nhũng.
Giai đoạn vừa qua,
việc không ít cán bộ, đảng viên nhúng chàm bị xử lý vì tham nhũng là cần thiết,
là đích đáng, thế nhưng cũng rất chua xót. Qua các vụ án tham nhũng, mất mát
tiền bạc, vật chất đã đau xót, nhưng mất mát con người, mất mát niềm tin còn đau
xót hơn nhiều.
Những cán bộ, đảng
viên có hành vi xấu xa kia có thể không phải là con người tồi tệ, xấu xa ngay
từ khi bước vào đội ngũ. Họ có thể cũng đã có những nỗ lực phấn đấu, những đóng
góp tích cực được ghi nhận, như vậy mới được quy hoạch, bổ nhiệm lên các chức
vụ cao hơn.
Nhưng chính vì không
giữ được sự rèn luyện, tu dưỡng, và cũng bởi luật pháp và những quy định ràng
buộc cán bộ, đảng viên còn sơ hở nên họ đã gục ngã bởi những “viên đạn bọc
đường”.
Cũng có thể, có những người ngay từ khi bước vào đội ngũ cán bộ, công chức thì phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống đã có vấn đề, nhưng vì không kịp thời được phát hiện, chấn chỉnh, ngăn chặn, lại được nâng đỡ “không trong sáng”, nhờ chạy chức, chạy quyền, chạy thành tích mà có được cơ hội thăng tiến, để rồi khi đã ngồi vào vị trí có “quyền sinh, quyền sát” thì bắt đầu tác oai tác quái, tham nhũng, thao túng, lạm quyền làm rối loạn, suy yếu cơ quan, đơn vị, gây mất niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, để lại hậu quả kéo dài.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét