Thứ Ba, 30 tháng 11, 2021
Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 12
Từ tháng 12, phí trước bạ với ôtô lắp ráp trong nước được giảm 50%; chứng chỉ tin học, ngoại ngữ được bãi bỏ; công an xã được giao thêm trách nhiệm...
Giảm 50% phí trước bạ với ôtô lắp ráp trong nước
Nghị định 103/2021 quy định mức thu lệ phí trước bạ với ôtô sản xuất lắp ráp trong nước nêu rõ, từ ngày 1/12 năm nay đến 31/5 năm sau, lệ phí trước bạ nộp lần đầu với ôtô, rơ moóc hoặc sơmi rơ moóc được kéo bởi ôtô và các loại xe tương tự sản xuất, lắp ráp trong nước được giảm 50%.
Giảm nửa phí trước bạ không giúp giảm giá xe, nhưng sẽ kích cầu thị trường xe trong nước. Để lăn bánh một mẫu ôtô mới, người mua cần thêm nhiều khoản phí khác ngoài tiền mua xe như phí trước bạ (10-12% giá xe niêm yết), phí đăng kiểm, phí bảo trì đường bộ, bảo hiểm trách nhiệm dân sự, phí ra biển số.
Hiện lệ phí trước bạ xe con được tính theo tỷ lệ phần trăm từng loại xe và từng địa phương khi đăng ký. Chẳng hạn, mức phí trước bạ lần đầu với ôtô con tại Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng... là 12% giá trị xe; TP HCM 10%, Hà Tĩnh 11%... Riêng xe bán tải, phí trước bạ bằng 60% mức thu phí lần đầu với xe con. Từ lần nộp lệ phí trước bạ thứ hai, mức thu lệ phí trước bạ là 2% và áp dụng thống nhất trên toàn quốc.
Cá nhân được vận động quyên góp từ thiện
Nghị định 93/2021 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo có hiệu lực từ 11/12, thay thế Nghị định 64/2008. Văn bản mới quy định, người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ đều có thể vận động quyên góp từ thiện.
Quy định này nhằm khuyến khích cá nhân, tổ chức có điều kiện hỗ trợ các trường hợp, địa phương bị ảnh hưởng bởi thiên tai, sự cố, dịch bệnh; cùng chính quyền khắc phục khó khăn trong bối cảnh ngân sách eo hẹp. Tuy nhiên, khi vận động, người dân phải thông báo với UBND cấp xã nơi cư trú và công khai trên phương tiện thông tin truyền thông về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận (đối với tiền), địa điểm tiếp nhận (đối với hiện vật) và thời gian phân phối.
Cá nhân phải mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại theo từng cuộc vận động để tiếp nhận, quản lý toàn bộ tiền đóng góp tự nguyện; phải có biên nhận các khoản quyên góp nếu nhà hảo tâm yêu cầu. Sau khi kết thúc thời gian tiếp nhận, cá nhân không được phép nhận thêm tiền ủng hộ (thông báo đến nơi mở tài khoản về việc dừng tiếp nhận khoản đóng góp tự nguyện).
Cá nhân làm từ thiện không buộc phải kiểm toán nhưng phải công khai trên phương tiện truyền thông về số tiền, hiện vật huy động được sau 15 ngày từ khi kết thúc tiếp nhận. Việc sử dụng ra sao, cho đối tượng nào phải công khai sau 30 ngày khi kết thúc phân phối. Nội dung này còn phải niêm yết 30 ngày tại trụ sở UBND cấp xã nơi người làm từ thiện cư trú.
Công an xã xác minh sơ bộ tin báo tội phạm
Theo quy định hiện hành, công an xã chỉ có trách nhiệm tiếp nhận tin tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, lấy lời khai ban đầu và chuyển ngay tin báo kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Nhưng từ hôm nay, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự quy định công an xã có thẩm quyền kiểm tra, xác minh sơ bộ đối với tin báo trước khi chuyển cơ quan điều tra, tương đương với nhiệm vụ của đơn vị cùng cấp là công an phường, thị trấn, đồn công an.
Lực lượng Công an xã Lâm Giang, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái đến từng nhà dân để tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân. Ảnh: CAND
Công an xã Lâm Giang, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, đến từng nhà dân để tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân. Ảnh: CAND
Việc giao thêm trách nhiệm cho công an xã được cho là đáp ứng yêu cầu thực tiễn, xử lý kịp thời, nhanh chóng các sự việc ngay tại địa bàn cơ sở, khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Hai năm qua, Bộ Công an đã điều động khoảng 45.000 công an chính quy xuống 100% xã, đạt tỷ lệ trung bình 5,2 công an chính quy trên mỗi xã. Từ ngày 1/10/2017 đến tháng 6/2021, công an xã đã xử lý hơn 283.000 tin báo tố giác tội phạm (chiếm trên 60%), chủ yếu những vụ xảy ra ở địa bàn cơ sở như trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng...
Bỏ quy định đào tạo, bồi dưỡng Ngoại ngữ, Tin học, Tiếng dân tộc
Nghị định 89/2021 có hiệu lực từ 10/12 đã bãi bỏ nội dung đào tạo, bồi dưỡng Tiếng dân tộc, Tin học và Ngoại ngữ khi bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức. Nội dung bồi dưỡng hiện chỉ còn: Lý luận chính trị; kiến thức quốc phòng và an ninh; kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước; kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu vị trí việc làm.
Bộ Nội vụ sau đó đã có văn bản đề nghị các bộ, ngành không yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong quy định về trình độ đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức. Thay vào đó, các bộ quản lý chuyên ngành nghiên cứu, quy định về tiêu chuẩn năng lực ngoại ngữ, tin học phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của ngạch, chức danh nghề nghiệp tương ứng.
So với Nghị định 101/2017, Nghị định 89/2021 cũng không còn quy định về hình thức bồi dưỡng tập sự với cán bộ, công chức, viên chức và hình thức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành bắt buộc hàng năm.
Giáo viên chỉ còn một chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành. Trong khi Nghị định 101 thì quy định viên chức phải có chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp hạng IV, III, II, I.
11 thông tin cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia
Theo Quyết định 31/2021 của Thủ tướng, từ ngày 9/12 có 11 loại thông tin phải cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia (dichvucong.gov.vn) nhằm tạo thuận lợi cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính.
11 loại thông tin gồm: Hướng dẫn, hỏi đáp thực hiện thủ tục hành chính, nghĩa vụ tài chính; thông báo về tiếp nhận, trả kết quả, hướng dẫn hoàn thiện, bổ sung hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính; địa chỉ, số điện thoại, thư điện tử hướng dẫn của các cơ quan, cán bộ, công chức có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính...
Thủ tướng yêu cầu dịch vụ công trực tuyến cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia phải đơn giản, thuận lợi, tiết kiệm chi phí và thời gian thực hiện hơn các hình thức thực hiện trực tiếp hoặc qua bưu chính công ích. Thời hạn và kết quả giải quyết dịch vụ công trực tuyến theo đúng quy định của pháp luật hoặc thủ tục hành chính đã được công bố trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. An toàn, an ninh thông tin và bảo vệ dữ liệu cá nhân phải được bảo đảm.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét