Thứ Hai, 29 tháng 11, 2021

Tự do sáng tạo không phải là sự tùy tiện

           Như rất nhiều quốc gia văn minh khác, ở Việt Nam, tự do sáng tạo nghệ thuật luôn gắn liền với ý thức, trách nhiệm của nghệ sĩ đối với xã hội, và là sự tự ý thức. Chính vì thế, tình trạng một số sản phẩm phản văn hóa, phi nghệ thuật bị cơ quan chức năng xử phạt, thậm chí thu hồi, cấm phát hành, khiến dư luận đang đặt ra câu hỏi về trách nhiệm xã hội của những nghệ sĩ này.

            Từ khi Ðảng Cộng sản Việt Nam ra đời và tổ chức, lãnh đạo cách mạng Việt Nam, nghệ thuật luôn được quan tâm, chú trọng tạo điều kiện phát triển và trên thực tế đã đạt được nhiều thành tựu, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, xây dựng đời sống văn hóa mới. Tuy nhiên, dù luôn được quan tâm, chú trọng, đề cao, dành nhiều công sức để phát triển nghệ thuật, thì vẫn phải thừa nhận công tác lãnh đạo, quản lý văn hóa nói chung, nghệ thuật nói riêng vẫn còn có lúc có khi chưa đáp ứng kịp nhu cầu thực tiễn, còn tồn tại một số bất cập. Vì thế, Nghị quyết số 05-NQ/TW (1987) về "Ðổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật, phát huy khả năng sáng tạo, đưa văn học, nghệ thuật và văn hóa phát triển lên một bước mới" đã được ban hành.

             Và không thể phủ nhận, sau 34 năm, Nghị quyết số 05-NQ/TW và nhiều văn bản, chính sách kế thừa, đã phát huy tinh thần đổi mới để thúc đẩy tự do sáng tạo của nghệ sĩ, với sự ra đời nhiều tác phẩm nghệ thuật có giá trị tư tưởng-nghệ thuật cao, có tiếng vang trong nước và quốc tế. Tuy nhiên gần đây, thực tế hoạt động nghệ thuật cho thấy, trong khi tác phẩm chất lượng cao có xu hướng chững lại, thì xuất hiện một số sản phẩm nghệ thuật dường như bị tầm thường hóa, "thiên chức" của nghệ thuật có chiều hướng bị thay thế bằng việc đề cao chức năng giải trí. Thậm chí, có hiện tượng nhân danh đổi mới, sáng tạo để che đậy động cơ thiếu trong sáng, thậm chí vi phạm pháp luật.

              Những hành vi đó thật đáng bị lên án, và chúng ta là những người thưởng thức nghệ thuật cũng cần phải có cái nhìn “nghiêm khắc” hơn và thẳng tay loại bỏ những sản phẩm “rác” để bảo đảm môi trường nghệ thuật lành mạnh, đem đến cho công chúng tác phẩm có giá trị.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét