Dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác phòng, chống
tham nhũng của Nhà nước ta đã và đang đạt được những kết quả quan trọng, tạo được
hiệu ứng tích cực, lan toả mạnh mẽ trong toàn xã hội; được cán bộ, đảng viên và
Nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao; được quốc tế ghi nhận.
Trước thành quả đó, một số phần tử (thù địch, phản động)
lợi dụng bôi nhọ, xuyên tạc công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng,
Nhà nước ta. Chúng tự vẽ ra cái gọi “Chống tham nhũng là “đấu đá” hay “thanh trừng
nội bộ”.
Tham nhũng, tiêu cực, lãng phí không phải bây giờ mới
có, mà đây là căn bệnh xấu đã có từ lâu đời trong xã hội, đe dọa đến sự tồn
vong của chế độ. Thực tế đã chứng minh, ở đâu có quyền lực, ở đó có tham nhũng.
Chống tham nhũng trong bất cứ thời đại nào cũng là để giữ ổn định chính trị,
phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với chế độ.
Đối với Việt Nam, ngay từ khi nước Việt Nam mới
thành lập, Đảng và Bác Hồ đã kiên quyết trong công cuộc phòng, chống tham
nhũng. Và vụ án Trần Dụ Châu nổi tiếng trong lịch sử năm 1950 là một minh chứng
(Trần Dụ Châu - nguyên Đại tá, Cục trưởng Cục Quân nhu, tiền thân của Tổng Cục
hậu cần đã bị tử hình). Việc nghiêm khắc xử lý vụ án Trần Dụ Châu hơn nửa thế kỷ
trước vẫn là bài học quý cho việc chống tham nhũng, lãng phí hiện nay. Chúng ta
đã và đang tiếp tục đạt được kết quả bước đầu trong việc đẩy mạnh chống tham
nhũng nhằm làm trong sạch Đảng, trong sạch bộ máy. Công tác chống tham nhũng được
ví như một thân cây khi có con sâu, con mọt cần phải loại bỏ ra khỏi thân cây,
giữ cho cây khỏe mạnh, phát triển tốt hơn. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng
nhắc nhở “quan liêu, tham ô, lãng phí là tội ác, phải tẩy sạch nó, phải thực hiện
cần, kiệm, liêm, chính để đẩy mạnh thi đua sản xuất và tiết kiệm để đưa kháng
chiến đến thắng lợi, kiến quốc đến thành công, để xây dựng thuần phong mỹ tục
trong toàn dân, toàn quốc”.
Vì vậy, việc chống tham nhũng không phải bây giờ
chúng ta mới làm, mà đã làm từ lâu, làm thường xuyên và hiện nay đang được Đảng,
Nhà nước ta lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và đạt được những kết quả rất quan trọng,
như phát biểu kết luận Hội nghị Toàn quốc tổng kết 8 năm công tác phòng chống
tham nhũng của Tổng bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Từ
sau khi thành lập Ban Chỉ đạo đến nay, nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng,
công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã được lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt,
bài bản, đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả cụ thể rất quan
trọng, toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan toả mạnh
mẽ trong toàn xã hội và thực sự "đã trở thành phong trào, xu thế", được
cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, được quốc tế ghi
nhận”.
Với tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ,
từ năm 2013 đến nay, các cơ quan tố tụng trong cả nước đã khởi tố, điều tra,
truy tố, xét xử sơ thẩm hơn 11.700 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế, trong đó
có 1.900 vụ án tham nhũng, với gần 4.400 bị cáo, trong đó có 18 cán bộ diện
Trung ương quản lý bị xử lý hình sự (1 Uỷ viên Bộ Chính trị, 7 Uỷ viên, nguyên
Uỷ viên Trung ương Đảng, 4 bộ trưởng, nguyên bộ trưởng, 7 sĩ quan cấp tướng
trong lực lượng vũ trang...). Qua đó, tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn
chặn, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội,
củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Theo
kết quả điều tra dư luận xã hội do Ban Tuyên giáo Trung ương tiến hành mới đây,
tuyệt đại đa số ý kiến người dân (93%) bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng
trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Điều đó khẳng định công tác chống tham
nhũng hiện nay của Đảng, Nhà nước ta là nhiệm vụ rất quan trọng và được tiến
hành thường xuyên, nhằm làm trong sạch tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước, không
phải cuộc “đấu đá” hay “thanh trừng nội bộ” như một số kẻ rêu rao trên mạng xã
hội nhằm là nhiễu loạn thông tin, đánh lừa dư luận, làm giảm niềm tin của Nhân
dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.
Cuộc đấu tranh chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước
ta với việc kiểm tra, điều tra, xử lý kỷ luật và hình sự những cán bộ sai phạm
chính là một tâm điểm mà kẻ địch tìm mọi cách để lợi dụng. Lựa chọn vào tâm điểm
này, trước hết chúng nhằm vào tâm lý của người dân vốn dĩ rất bức xúc trước các
biểu hiện, hành vi tham ô, tham nhũng, quan liêu, cửa quyền... của bộ phận cán
bộ, công chức.
Với thủ đoạn không mới, nhưng rất thâm hiểm, khi
chúng ta xử lý kỷ luật một số đảng viên vi phạm liên quan đến tham nhũng, nhưng
chưa xử lý theo quy định pháp luật, thì một số trang mạng cho đó là kiểu kỷ luật
“vuốt ve”, “mị dân” chỉ xử lấy cớ chứ sự thực “Đảng vẫn bao che, dung túng”; đến
khi chúng ta xử lý hình sự những đảng viên này theo luật thì chính những trang
mạng này lại quay ngoắt ngòi bút rêu rao rằng chúng ta “thanh trừng nội bộ”, “ẩu
đả phe phái”... Đặc biệt, chúng còn sử dụng một số hình ảnh, clip được cài đặt
tự động trên các trang Zalo, Facebook, YouTobe... có tốc độ lan truyền lớn. Mục
đích của các đối tượng chính là đánh vào lòng tin người dân, làm cho người dân
tin những thông tin, hình ảnh các đối tượng tung ra, từ đó gây hoài nghi đối với
các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Mỗi chúng ta hãy là người dùng mạng xã hội thông
thái. Khi tìm hiểu thông tin trên mạng xã hội nên chọn những trang thông tin
chính thống, những trang tin cậy, những tờ báo chính thống, uy tín. Biết đặt ra
nghi vấn đối với các thông tin nhận được; không tò mò bấm xem các tin, bài giật
tít câu view. Chủ động kiểm chứng thông tin nhận được từ các nguồn không tin tưởng;
không chia sẻ khi chưa kiểm chứng thông tin...; mọi hoạt động trên các trạng mạng
xã hội cần hết sức cẩn trọng, đừng vô tình làm người tuyên truyền cho các thế lực
thù địch./.NVS
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét