Tại Việt Nam hiện nay đã có một hệ thống các cơ quan, ngành của
Đảng và Nhà nước có chức năng PCTN, tiêu cực bao gồm: Nội chính, kiểm tra,
thanh tra, công an, kiểm sát, tòa án, kiểm toán, ngân hàng, thuế... Đường lối
xử lý chung đối với tội phạm về tham nhũng trong Bộ luật Tố tụng hình sự là rất
nghiêm minh.
Tuy nhiên, các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và đường lối
xét xử đối với tội phạm tham nhũng cần phải được hướng dẫn, quy định cụ thể hơn
để triển khai thực hiện hiệu quả trên thực tế, nếu không thì chỉ nằm ở những
nguyên tắc chung trong các quy định mà thôi.
Thực tế cho thấy, khâu khó nhất trong chống tham nhũng là phát
hiện tham nhũng, vì hành vi tham nhũng là hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm
đặc biệt. Đặc biệt về chủ thể, về khách thể, về hành vi, về mối quan hệ, về hậu
quả pháp lý nên rất cần một cơ quan chống tham nhũng đặc biệt về mô hình, cơ
cấu tổ chức, nguồn nhân lực, cơ chế hoạt động, nhất là hành lang pháp lý về
thẩm quyền, trách nhiệm trong hoạt động.
Theo quy định của Luật PCTN, Nhà nước ta đã thành lập 3 cơ quan
chuyên trách về chống tham nhũng trong Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Viện
Kiểm sát Nhân dân Tối cao. Nhưng theo báo cáo về công tác PCTN hằng năm thì
hiệu lực, hiệu quả công tác của các cơ quan này chưa cao, chưa đạt như kỳ vọng,
mong muốn của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Chính vì vậy, hiện nay có ý kiến các
chuyên gia cho rằng, cần tiếp tục nghiên cứu để xây dựng mô hình cơ quan nhà
nước chuyên trách về chống tham nhũng phù hợp, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả
cao.
Việc nghiên cứu này có thể sẽ được tiến hành để tiếp tục xây
dựng, hoàn thiện cơ quan PCTN. Tuy nhiên, một điều mà tất cả cán bộ, đảng viên
và nhân dân đều đang nhìn thấy rõ là Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực
(gọi tắt là Ban chỉ đạo) đang thể hiện rất hiệu quả vai trò và rất đúng nguyên
tắc, đúng quy định trong đấu tranh PCTN, tiêu cực. Là vì, chúng ta đang xây
dựng nhà nước pháp quyền XHCN theo nguyên tắc thượng tôn pháp luật.
Thế nhưng, cần phải thấy rằng, Nhà nước ta do Đảng lãnh đạo,
điều này đã được quy định rõ trong Hiến pháp. Trong các cơ quan nhà nước đều có
tổ chức đảng lãnh đạo. Cán bộ lãnh đạo, quản lý của Nhà nước đều là đảng viên.
Vì thế, mô hình Ban chỉ đạo là có căn cứ pháp luật, thể hiện rõ vai trò lãnh
đạo của Đảng trong đấu tranh PCTN, tiêu cực. Nó đúng cả về lý luận và thực
tiễn.
Quy định số 32-QĐ/TW cho thấy, Ban chỉ đạo đã trở thành một cơ
quan chống tham nhũng, tiêu cực đặc biệt về mô hình, cơ cấu tổ chức, nguồn nhân
lực, cơ chế hoạt động, đủ quyền hạn, đủ sức mạnh và lực lượng để xử lý và kiến
nghị xử lý các vụ tham nhũng, vụ tiêu cực phức tạp, liên quan đến những cán bộ
cao cấp và cả những cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Hiệu
quả của Ban chỉ đạo là cơ sở để tiếp tục nghiên cứu, luật hóa vị trí, vai trò,
chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, cơ chế hoạt động, nguồn lực và
tất cả những gì liên quan tới Ban chỉ đạo theo tinh thần nhà nước pháp quyền
XHCN. Mục đích cuối cùng vẫn là nâng cao hiệu quả của công tác PCTN, tiêu cực.
Trong cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo ngày 18-11-2021, Tổng Bí
thư Nguyễn Phú Trọng kết luận rõ rằng: “Ủy ban Kiểm tra có lợi thế là đi kiểm
tra dấu hiệu vi phạm. Điều lệ cho phép, có dấu hiệu vi phạm là đi kiểm tra. Đấy
là răn đe”.
Cũng tại cuộc họp trên, Thường trực Ban chỉ đạo đã thống nhất đưa việc xử lý hành vi tiêu cực của cán bộ, đảng viên trong 3 vụ án, vụ việc vào diện Ban chỉ đạo theo dõi chỉ đạo. Như thế, trong các vụ án, vụ việc trên chưa cần xác định có hành vi tham nhũng hay không, mà chỉ cần có dấu hiệu hành vi tiêu cực thì Ban chỉ đạo đã đưa vào diện theo dõi chỉ đạo. Điều này minh chứng thêm cho hiệu lực, hiệu quả trên thực tế của Ban chỉ đạo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét