Từ tình hình
hoạt động chống phá của các thế lực thù địch đối với sinh viên thời gian qua,
để phòng, chống chiến lược “diễn biến hòa bình” về tư tưởng, văn hóa trong sinh
viên ở các trường đại học, cao đẳng, cần thực hiện một số giải pháp cơ
bản sau:
Một là, tăng
cường giáo dục lý luận chính trị cho sinh viên
Hiện nay, ở các
trường đại học, cao đẳng của nước ta, các môn lý luận chính trị như: triết học
Mác - Lênin, kinh tế chính trị Mác - Lênin, chủ nghĩa xã hội khoa học, tư tưởng
Hồ Chí Minh, lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam là những môn học bắt buộc. Tuy
nhiên, thời lượng các môn học này bị cắt giảm, trong khi đó phương pháp giảng
dạy chậm được đổi mới. Do đó, để tăng cường giáo dục lý luận chính trị cho sinh
viên hiện nay, trước hết cần đổi mới đồng bộ cả nội dung và chương trình đào
tạo. Đổi mới nội dung chương trình cần được tiến hành theo hướng giảm dần những
kiến thức kinh viện, hàn lâm; tăng dần những kiến thức thực tiễn. Phương pháp
giảng dạy cần đổi mới theo hướng kết hợp hài hòa các phương pháp giảng dạy
thuyết trình truyền thống với phương pháp giảng dạy tích cực, hiện đại; mạnh
dạn chuyển hướng theo mô hình “lớp học đảo ngược” bằng cách tăng dần vị thế làm
chủ lớp học của sinh viên để phát huy tính chủ động, sáng tạo, tích cực của
sinh viên. Mô hình này đã được áp dụng có hiệu quả ở nhiều trường đại học nên
cần tiếp tục được nhân rộng để phát huy tối đa tính chủ động, sáng tạo của sinh
viên trong quá trình học tập lý luận chính trị.
Các môn lý luận
chính trị vốn rất khô khan nên để kích thích sự hào hứng, tích cực của sinh
viên cần mạnh dạn đổi mới cả cách thức quản lý lớp học, cách thức kiểm tra, thi
cử. Thay dần hình thức thi viết truyền thống bằng thi vấn đáp, hùng biện, trắc
nghiệm trực tuyến... Việc tăng cường giáo dục lý luận chính trị cho sinh viên
là công cụ đầu tiên để trang bị cho họ nền tảng lý luận vững chắc, giúp cho
sinh viên có lập trường tư tưởng vững vàng, có ý thức chính trị đúng đắn, có
khả năng phân biệt những luận điệu xuyên tạc, sai trái, tránh bị lôi kéo, mua
chuộc bởi các thế lực thù địch.
Hai là, phát
huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức Đoàn Thanh niên và Hội Sinh viên trong các
học viện, nhà trường
Tổ chức Đoàn
Thanh niên và Hội Sinh viên là trường học của sinh viên. Đó là môi trường giáo
dục và rèn luyện sinh viên cả về tri thức, đạo đức, tác phong, kỹ năng... Do
đó, để góp phần phòng, chống chiến lược “diễn biến hòa bình” về tư tưởng, văn
hóa trong sinh viên cần đặc biệt quan tâm đến phát huy vai trò của tổ chức Đoàn
Thanh niên, Hội Sinh viên trong các học viện, trường đại học, cao đẳng.
Trước hết, cần
đổi mới nội dung hoạt động của tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên theo
hướng hiệu quả, thiết thực. Nội dung hoạt động phải phong phú, sinh động với
mục tiêu là giáo dục cho sinh viên sống và làm việc theo pháp luật, giữ gìn bản
sắc văn hóa dân tộc; làm cho sinh viên thấm nhuần quan điểm, đường lối của
Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; hiểu biết và trân trọng truyền
thống dân tộc cũng như truyền thống của nhà trường, nơi sinh viên đang theo
học, định hướng đạo đức nghề nghiệp, từ đó giúp họ thấu hiểu và kiên định với
sự lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn.
Ngoài ra, tổ chức Đoàn Thanh niên và Hội Sinh viên cần tăng cường giáo dục cho
sinh viên ý thức công dân, trách nhiệm với cộng đồng và xã hội, nhất là trách
nhiệm trong đấu tranh chống những biểu hiện tiêu cực, phản động.
Trong bối cảnh
của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, khi các thế lực thù địch đang tìm
mọi cách lôi kéo, mua chuộc sinh viên trên các trang mạng xã hội phản động,
trách nhiệm của Đoàn Thanh niên và Hội Sinh viên là phải nhanh chóng nắm bắt
tâm lý, tư tưởng của sinh viên; phát hiện và xử lý kịp thời những biểu hiện sai
trái, lệch lạc trong tư tưởng, lối sống; chú trọng đến việc định hướng dư luận
để giúp sinh viên có những nhận thức đúng đắn về các hiện tượng xã hội, nhất là
những hiện tượng tiêu cực được nhiều người quan tâm.
Phát huy vai trò của cán bộ đoàn, cán bộ
hội trong tuyên truyền, vận động sinh viên tích cực tham gia sinh hoạt đoàn,
sinh hoạt hội để kịp thời nắm bắt tư tưởng, tình cảm, tâm lý của họ. Bản thân
mỗi cán bộ đoàn, cán bộ hội phải thực sự gương mẫu cả trong học tập và trong
sinh hoạt; cả trong đạo đức và trong lối sống để tạo tầm ảnh hưởng và sức lan
tỏa tích cực trong sinh viên.
Ba là, chú
trọng chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho sinh viên.
Ở Việt Nam hiện
nay, đời sống vật chất và tinh thần của sinh viên còn khá nghèo nàn, đơn điệu.
Biểu hiện của tình trạng này là sự thiếu thốn điều kiện sinh hoạt, học tập, ít
có cơ hội được tiếp cận các hoạt động văn hóa, văn nghệ... Đây là một trong
những kẽ hở để các thế lực thù địch thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”
về tư tưởng, văn hóa. Do đó, để góp phần phòng, chống chiến lược “diễn biến hòa
bình” phải chú ý đến việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho sinh
viên.
Trước hết, lãnh
đạo các nhà trường cần quan tâm, tạo điều kiện cho sinh viên, nhất là sinh viên
có hoàn cảnh khó khăn về điều kiện ăn, ở trong các ký túc xá; các giảng đường,
thư viện được trang bị các thiết bị dạy học hiện đại; điều kiện sinh hoạt của
sinh viên gắn với các khu văn hóa, thể thao... Đó là những môi trường thuận lợi
để sinh viên phát huy năng lực của mình trong học tập và rèn luyện. Điều đó góp
phần giúp sinh viên có tâm lý an tâm, thoải mái, hứng khởi, tin tưởng vào môi
trường học tập, tránh xa những thói hư tật xấu; tránh bị lôi kéo, dụ dỗ, mua
chuộc...
Các tổ chức
chính trị - xã hội trong các nhà trường, nhất là Công đoàn, Đoàn Thanh niên,
Hội Sinh viên... cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ trong tổ chức các hoạt
động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, giúp cho sinh viên có đời sống văn
hóa tinh thần phong phú, hướng đến những giá trị sống tích cực. Giáo dục sinh
viên theo hướng tạo điều kiện cho sinh viên tham gia nhiều hơn vào các hoạt
động vì cộng đồng như các phong trào xung kích, tình nguyện, hướng nghiệp, khởi
nghiệp... Những hoạt động thiết thực này sẽ giúp cho sinh viên có định hướng
sống rõ ràng, hạn chế tiếp xúc với những lối sống, văn hóa lệch lạc, thiếu chuẩn
mực.
Bốn là, phát
huy tính tích cực, chủ động của sinh viên trong học tập và rèn luyện.
Để có thể phòng,
chống chiến lược “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa không thể
không chú ý phát huy tính tích cực, chủ động của mỗi sinh viên trong học tập và
rèn luyện, bởi lẽ bản thân mỗi sinh viên chính là chủ thể quan trọng nhất trong
việc làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch.
Mỗi sinh viên
cần nêu cao ý thức và trách nhiệm trong học tập và rèn luyện; trước tiên là học
tập lý luận chính trị để trang bị cho mình nền tảng lý luận vững chắc, tăng
cường khả năng “miễn dịch” trước các âm mưu của các thế lực thù địch. Khắc phục
triệt để tình trạng lười học, học qua loa, đối phó, gian lận trong thi cử.
Ngoài ra, mỗi sinh viên cần nêu cao tinh thần cảnh giác, tỉnh táo trước những
chiêu bài mua chuộc của các thế lực thù địch; luôn có ý thức trách nhiệm khi
tham gia các trang mạng xã hội, nhất là những trang mạng có nội dung chính trị
- xã hội. Không bình luận, chia sẻ những bài viết có nội dung bôi nhọ, hạ bệ
danh dự của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Không tham gia vào các cộng đồng mạng
có dấu hiệu tiêu cực như chống đối, phản bác, biểu tình... Bên cạnh đó, mỗi
sinh viên cũng cần tích cực tham gia vào các chương trình do nhà trường, Đoàn
Thanh niên và Hội Sinh viên tổ chức như cuộc thi “Ánh sáng soi đường”, thi cán
bộ đoàn giỏi các cấp, thi sinh viên thanh lịch, thi tìm hiểu về pháp luật...
Những cuộc thi đó chính là sân chơi để sinh viên nâng cao ý thức chính trị cho
bản thân.
Sinh viên là đối tượng hướng tới nhiều nhất của các thế lực thù địch khi thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” về tư tưởng, văn hóa ở Việt Nam. Để phòng, chống chiến lược đó, cần có sự kết hợp của nhiều biện pháp, cách thức, trong đó có những giải pháp cơ bản nêu trên. Những giải pháp này sẽ góp phần xây dựng đội ngũ sinh viên vững vàng về tri thức và lập trường chính trị, tư tưởng, kiên định trước mọi sự lôi kéo, chống phá ngày càng tinh vi của các thế lực thù địch.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét