Chủ Nhật, 28 tháng 11, 2021

KỶ NIỆM 201 NĂM NGÀY SINH FRIEDRICH ENGELS (28/11/1820-28/112021)

LÝ LUẬN MARXIST VỀ CHIẾN TRANH VÀ QUÂN ĐỘI - CỐNG HIẾN VĨ ĐẠI CỦA ENGELS

201 năm đã trôi qua, kể từ ngày Friedrich Engels chào đời, sau đó trở thành nhà bác học, người thầy vĩ đại của giai cấp vô sản, người cùng với Karl Marx sáng lập Chủ nghĩa Marx-hệ tư tưởng của giai cấp công nhân.

Engels là người đầu tiên nghiên cứu, trình bày một cách hệ thống các vấn đề lý luận cơ bản về chiến tranh và quân đội, để lại những cống hiến đặc biệt xuất sắc trong kho tàng lý luận của Chủ nghĩa Marx-Lenin, nhất là việc luận giải sâu sắc về nguồn gốc, bản chất, tính chất, nguyên nhân của chiến tranh, phân loại và khái quát các quy luật của chiến tranh; sự hình thành, phát triển của quân đội, khởi nghĩa vũ trang và đấu tranh cách mạng; khẳng định chiến tranh và quân đội là một hiện tượng chính trị-xã hội, mang tính lịch sử.

Theo Engels, nhận thức các vấn đề lý luận về chiến tranh và quân đội phải xuất phát từ điều kiện lịch sử cụ thể; phải dựa vào cơ sở kinh tế, xã hội; xem các yếu tố ấy là nền “gốc” chi phối các mối quan hệ giai cấp và nhà nước, chiến tranh và quân đội; giữa các vấn đề ấy với các hiện tượng khác để xác định tính chất, bản chất của chiến tranh và cách mạng xã hội; xác định vai trò của quân đội với tư cách là công cụ bạo lực của giai cấp, nhà nước đã sinh ra, nuôi dưỡng và sử dụng nó.

Với phương pháp luận chiến sắc sảo, Engels đã bác bỏ các quan điểm sai trái về bạo lực của chủ nghĩa duy tâm, tôn giáo phản động và chủ nghĩa duy vật siêu hình. Qua đó, trình bày một cách đầy đủ, sâu sắc, hệ thống lý luận Marxist về bạo lực, khởi nghĩa vũ trang, đấu tranh giai cấp, cách mạng xã hội; mối quan hệ giữa bạo lực với phương thức sử dụng bạo lực trong đấu tranh giai cấp, chiến tranh và cách mạng xã hội.

Phân tích nguồn gốc, bản chất của chiến tranh và của quân đội, Engels chỉ ra sai lầm của các nhà lý luận tư sản là “theo đuôi chủ nghĩa duy tâm”, “vào hùa với tôn giáo phản động”.

Theo Engels, việc xuất hiện xung đột vũ trang giữa các bộ lạc nguyên thủy là sự kế tục và là một bộ phận tất yếu trong cuộc đấu tranh chung của người nguyên thủy nhằm bảo vệ sự sống, xác lập các điều kiện sinh tồn và thỏa mãn các nhu cầu về kinh tế mà bản thân họ mưu cầu, muốn có, cần nó để tồn tại. Các xung đột vũ trang xuất hiện thời ấy đều mang tính chất ngẫu nhiên.

Engels khẳng định, chiến tranh chỉ xuất hiện khi các điều kiện sản sinh ra nó đã chín muồi, được hình thành với ý nghĩa là tiền đề tất yếu khách quan. Chiến tranh lần đầu tiên xuất hiện trong chế độ chiếm hữu nô lệ, khi chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất đã hình thành, ở đó quan hệ giai cấp và nhà nước gắn chặt với nhau, cùng với nó là quân đội hình thành, tạo nên bộ máy đàn áp giai cấp.

Chiến tranh là “người bạn đường” của các giai cấp bóc lột, là kết quả phát triển chín muồi của các quá trình kinh tế, xã hội diễn ra trong lòng xã hội bóc lột. Engels khẳng định: Chừng nào chế độ xã hội còn dựa trên cơ sở chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, còn có người áp bức, bóc lột người thì chừng ấy, chiến tranh vẫn còn diễn ra.

Nguyên nhân xảy ra chiến tranh là do phương thức sản xuất bóc lột với các quan hệ kinh tế-xã hội sản sinh ra bạo lực vũ trang của giai cấp này chống lại bạo lực của giai cấp khác. Chiến tranh là “biện pháp” thực hiện mục tiêu chính trị của giai cấp, phương thức giải quyết các mâu thuẫn vốn có trong lòng xã hội có giai cấp đối kháng và mâu thuẫn về lợi ích kinh tế không thể điều hòa được.

Engels nhấn mạnh bản chất của chiến tranh là sự tiếp tục của chính trị bằng bạo lực vũ trang; là sự phản ánh chính sách đối nội mà trước đó giai cấp cầm quyền đã thực thi các biện pháp tiến hành chiến tranh để bảo vệ quyền lực chính trị và lợi ích kinh tế của nó. Như vậy, bản chất của chiến tranh gồm hai yếu tố cơ bản quy định: Đó là, mục tiêu của đường lối chính trị và sự tiếp tục đường lối chính trị bằng bạo lực vũ trang.

Chính trị quyết định chiến tranh về mọi mặt, trước hết là quyết định về nguồn gốc xuất hiện, bản chất, tính chất, tiến trình và kết cục của chiến tranh. Chính trị định ra mục đích, phương hướng và tác động đến tiến trình của chiến tranh bằng việc điều chỉnh các mục tiêu chiến lược; thông qua chiến lược, các kế hoạch và quy định những nội dung, hình thức, phương thức cụ thể của đấu tranh vũ trang.

Mục tiêu, đường lối chính trị do một cơ quan lãnh đạo chính trị cao nhất trong nhà nước nắm giữ; đồng thời là cơ quan lãnh đạo tối cao về quân sự. Chiến tranh được quy định bởi mục tiêu chính trị, do chính trị chi phối, quyết định về mọi mặt; song, chiến tranh cũng tác động trở lại đối với chính trị.

Engels đã chỉ ra sự phụ thuộc của chính trị vào chiến tranh, nhất là khi các hoạt động quân sự diễn biến không phù hợp với mục tiêu, kế hoạch và lợi ích mà chính trị đã xác định. Vì lẽ đó, các lực lượng chủ mưu tiến hành chiến tranh buộc phải điều chỉnh mục tiêu, xác định lại phương hướng, đề xuất nhiệm vụ mới cho phù hợp. Chiến tranh có thể làm thay đổi đường lối chính trị và cả ban lãnh đạo chính trị.

Vì lẽ đó, Engels nhấn mạnh: Chiến tranh là sự tiếp tục của chính trị bằng phương thức bạo lực vũ trang. Bạo lực vũ trang là phương tiện và là dấu hiệu đặc trưng của chiến tranh. Trong đó, đấu tranh vũ trang được coi là hình thức cơ bản nhất; không có đấu tranh vũ trang thì không thể gọi là chiến tranh với đúng nghĩa của nó.

Engels chỉ ra rằng, mọi cuộc chiến tranh dù đa dạng, phức tạp đến đâu thì nó vẫn phải tuân theo những quy luật khách quan. Quy luật của chiến tranh, một mặt giống các quy luật xã hội, mặt khác, có những đặc trưng riêng chỉ chiến tranh mới có. Nó gắn liền với quân đội, quân sự, vũ khí, trang bị, bạo lực vũ trang, v.v..

Quan điểm của Engels về chiến tranh và quân đội là những hiện tượng chính trị-xã hội mang tính lịch sử có ý nghĩa thế giới quan và phương pháp luận sâu sắc. Vladimir Ilyich Lenin khẳng định: Chính Engels và Marx đã đặt nền móng cho lý luận Marxist về chiến tranh và quân đội; nhờ đó, đã chấm dứt sự lũng đoạn trong giải thích sai lầm của chủ nghĩa duy tâm, tôn giáo về vai trò của Thượng đế, của Chúa trời trong chiến tranh, sức mạnh của quân đội.

Trong đó, những cống hiến đặc biệt xuất sắc của Engels là hoàn thiện lý luận Marxist về chiến tranh, quân đội, đến nay nó vẫn còn nguyên giá trị, nhất là việc nhận thức và luận giải bản chất, tính chất các cuộc chiến tranh hiện đại. Nhờ Engels, chủ nghĩa Marx hoàn bị hơn, sâu sắc hơn, trở thành công cụ nhận thức vĩ đại để giai cấp vô sản nhận thức và cải tạo thế giới. Đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, nhận thức và vận dụng sáng tạo những chỉ dẫn của Marx và Engels về chiến tranh và quân đội vào sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc và bảo vệ Tổ quốc là thành tựu to lớn, cần phát huy hơn nữa trong giai đoạn mới./.

Yêu nước ST.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét