Thứ Hai, 29 tháng 11, 2021

WHO cảnh báo 'hậu quả nghiêm trọng' do Omicron

WHO cảnh báo rằng biến chủng Omicron có khả năng cao lây lan rộng hơn trên toàn cầu, có thể gây "những hậu quả nghiêm trọng".

"Omicron có số lượng đột biến chưa từng có, trong đó một số đột biến liên quan đến nguy cơ thay đổi quỹ đạo đại dịch", Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết trong báo cáo kỹ thuật được ban hành hôm nay, gửi tới 194 quốc gia thành viên.

WHO nói rằng những người đã được tiêm vaccine vẫn có thể nhiễm biến chủng Omicron, dù tỷ lệ nhỏ và có thể dự đoán. Họ cũng cho rằng cần có những nghiên cứu sâu hơn để hiểu rõ khả năng Omicron kháng vaccine và dữ liệu sẽ được công bố những tuần tới.

"Với những đột biến có thể né tránh hệ miễn dịch và có khả năng lây lan mạnh, nguy cơ Omicron phát tán ở cấp độ toàn cầu là cao. Tùy thuộc vào các đặc điểm đó, có thể có thêm các làn sóng Covid-19 mới trong tương lai, tiềm ẩn nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng", WHO cảnh báo.

Tổ chức này yêu cầu các quốc gia áp dụng cách tiếp cận dựa trên đánh giá rủi ro để "điều chỉnh biện pháp đi lại quốc tế một cách kịp thời", với nhiều khuyến nghị sắp được đưa ra. Tuy nhiên, WHO cho hay vẫn chưa thể chắc chắn về khả năng thoát miễn dịch của Omicron.

WHO đã xếp Omicron, được phát hiện lần đầu ở Nam Phi, là biến chủng "đáng lo ngại". Biến chủng mới đã xuất hiện tại hàng loạt quốc gia châu Âu và hai ca đầu tiên cũng được ghi nhận tại Bắc Mỹ. Hàng loạt quốc gia đã áp dụng biện pháp siết xuất nhập cảnh và cách ly, xét nghiệm người về từ châu Phi.

Israel phải đóng cửa biên giới và Nhật cấm người nước ngoài nhập cảnh do lo ngại lây lan diện rộng. Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) từ ngày 29/11 bắt đầu cấm chuyến bay từ Nam Phi và khu vực lân cận. 4 nước Đông Nam Á gồm Malaysia, Thái Lan, Philippines và Singapore đã siết đi lại với các nước phía nam châu Phi, yêu cầu cách ly người nhập cảnh trong những ngày qua.

Anh cũng cấm nhập cảnh đối với người đến từ Nam Phi và 5 nước láng giềng. Những động thái tương tự đã được áp dụng tại Australia, Ấn Độ, Iran, Brazil và Canada.

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa kêu gọi các nước lập tức bỏ lệnh cấm đi lại "bất hợp lý", trong khi Tổng thống Malawi Lazarus Chakwera cáo buộc phương Tây đang tạo ra hiệu ứng "ám ảnh" quá đà với người dân châu Phi khi đóng biên giới. Lãnh đạo WHO châu Phi Matshidiso Moeti cũng cho rằng áp dụng lệnh cấm đi lại với châu Phi sẽ là đòn tấn công vào đoàn kết toàn cầu.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét