Dù đã hơn 40 năm nhưng tôi vẫn nhớ như in từng chi tiết những ngày lịch sử đó...".
Có nguồn dư luận cho rằng, ngày 30/4/1975, Chuẩn tướng Tư lệnh Sư đoàn 25 Bộ binh ngụy đã cải trang thành một nhà thầu dân sự xây dựng doanh trại để lẩn ra đường cái bắt xe khách trốn về Sài Gòn. Dù vậy, ông ta vẫn bị một nữ du kích Củ Chi bắt sống khi đang nép người dưới ruộng lúa?
Phóng viên đã tìm gặp và trò chuyện cùng bà Lê Thị Sương, nguyên là Chính trị viên của Đội nữ du kích Củ Chi. Bà thường được gọi là "dì Năm Sương" hoặc "dì Năm du kích". Bà Sương sống trong một ngôi nhà cấp bốn nằm phía sau ngôi chợ nhỏ có tên gọi là chợ Lô Sáu (xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, TP HCM).
Ngay sau câu hỏi về sự kiện "bắt sống Tư lệnh Sư đoàn 25 ngụy", bà trả lời rất nhanh: "Không đúng như vậy. Tôi là người tiếp nhận sự đầu hàng của ông Lý Tòng Bá chứ không bắt sống".
Bằng giọng nói chậm rãi, chân chất và thân thiện, bà bày tỏ: "Lịch sử là phải chính xác, có sao nói vậy chứ không nên nói oan. Dù đã hơn 40 năm nhưng tôi vẫn nhớ như in từng chi tiết những ngày lịch sử đó...".
Thời điểm đó, Huyện đội Củ Chi yêu cầu Đội nữ du kích Củ Chi chia thành 2 đội. Đội 1 do Đội trưởng Võ Thị Trong chỉ huy, tháp tùng Trung đoàn Đất Thép tiến vào giải phóng Sài Gòn. Đội 2 chia thành 2 toán thọc 2 cánh vòng cung vào giải phóng huyện lị Củ Chi. Một toán do bà Năm Hường phối hợp với Huyện đội. Bà Năm Sương được lệnh chỉ huy một toán tháp tùng lực lượng Huyện đội Củ Chi và lực lượng bộ đội Trung đoàn 48 (Sư 320) tiến đánh đầu não chỉ huy Sư đoàn 25 Ngụy tại căn cứ Đồng Dù rồi giải phóng thị xã.
Sáng sớm ngày 29/4/1975, Trung đoàn 48 QGP đánh thốc vào Sở chỉ huy của Chuẩn tướng Lý Tòng Bá. lúc đầu, Lý Tòng Bá lệnh cho binh sĩ nguyj phản công quyết liệt. Tuy nhiên, đến trưa, không chịu nổi sức mạnh áp đảo của QGP, Lý Tòng Bá cùng thuộc hạ bỏ chạy khỏi sở chỉ huy.
Chiều 29/4/1975, bà Năm Sương cùng đồng đội đã vào đến trung tâm huyện lị Củ Chi tiếp quản trụ sở hành chính của ngụy . Lúc này, Quân Ngụy Sài gòn đã tháo chạy bỏ trụ sở trống không. Theo sự chỉ đạo từ trước, bà Năm Sương dùng xe jeep đi phát loa kêu gọi "ngụy quân, ngụy quyền" ra trình diện chính quyền cách mạng tại Rạp hát Củ Chi (nay là trụ sở Công an huyện Củ Chi).
Khoảng 9 giờ sáng ngày 30/4/1975, hàng trăm ling ngụy lục tục kéo vào rạp hát. Bà Năm Sương yêu cầu các sĩ quan ngồi riêng một bên và các hạ sĩ quan ngồi một bên. Lần lượt từng người tiến lên chiếc bàn giấy để bà ghi "phiếu trình diện". Những hạ sĩ quan và binh sĩ được ghi phiếu trước. Sĩ quan được ghi phiếu sau. Người cuối cùng có vẻ phốp pháp nhất khai nhận mình là Chuẩn tướng Lý Tòng Bá - Tư lệnh Sư đoàn 25.
Ghi "phiếu trình diện" xong, bà câu lưu những sĩ quan cấp tá tại Rạp hát Củ Chi để đề phòng bất trắc. Sau đó, bà đi vận động người dân trong Hội Mẹ chiến sĩ (lực lượng dân nguyện tiếp tế lương thực cho cách mạng) nấu cơm đưa vào cho Lý Tòng Bá và các thuộc hạ ăn. Nhớ đến chi tiết này, bà Năm Sương cười: "Có lẽ mấy ổng sợ tụi tôi đầu độc nên không ai chịu ăn mặc dù ai cũng có vẻ đói meo. Thấy vậy, tôi ăn mỗi món một chút để chứng minh thức ăn không có độc. Tôi còn nói, chính sách của chính quyền cách mạng là không đánh người ngã ngựa, mấy ông cứ yên tâm ăn đi. Thấy tôi ăn, mấy ổng mới chịu ăn".
Sau khi ăn xong, Lý Tòng Bá rụt rè hỏi: "Thưa bà, liệu sĩ quan như tụi tôi có bị giết?". Bà Năm Sương nói: "Nếu ai biết ăn năn hối cải sẽ được chúng tôi đối xử tốt". Lý Tòng Bá lại nói: "Thưa bà, chúng tôi là quân nhân chỉ biết cầm súng đánh giặc". Bà Năm Sương đối đáp ngay: "Anh bảo là anh cầm súng đánh giặc nhưng bây giờ anh đã biết giặc là ai chưa? Nếu chưa, tôi sẽ chỉ cho anh biết". Lý Tòng Bá trả lời: "Chưa". Bà Năm Sương nói tiếp: "Anh là sĩ quan cấp tướng mà không nhận biết được ai là giặc thì quá dở. Tôi chỉ cho anh biết nè. Giặc là kẻ cầm súng đi xâm lược nước khác. Giặc là kẻ hùa theo kẻ xâm lược bắn giết đồng bào mình". Lý Tòng Bá lặng người.
Thấy vậy, thuộc cấp của Lý Tòng Bá khều y bảo: "Thôi, ông đuối lý rồi, xuống đây ngồi với tụi tôi". Lý Tòng Bá không biết nói gì thêm, trở về chỗ ngồi rồi im lặng suy nghĩ đến suốt buổi.
Chiều hôm đó, bà Năm Sương trưng dụng xe quân sự vừa tịch thu chở hết số sĩ quan chỉ huy Sư đoàn 25 ngụy vào căn cứ Đồng Dù bàn giao cho Cục Chính trị Sư đoàn 320.
Kết thúc câu chuyện này, bà Năm Sương nhấn mạnh: "Chúng ta chiến thắng bằng sức mạnh chính nghĩa, vì vậy ta phải ghi nhận lịch sử đúng và chính xác. Đúng là Lý Tòng Bá đã tháo chạy khỏi căn cứ trước áp lực quân sự của ta nhưng đích thân ông ta dẫn các sĩ quan thuộc quyền ra trình diện chứ không phải bị tôi bắt lúc lẩn trốn. Khi ra trình diện, ông ta vẫn mặc bộ quân phục nhưng đã tháo bỏ quân hàm. Khi tôi bàn giao ông ta cho bộ đội, ông ta vẫn mặc bộ đồ đó"./.
(Ảnh bà Sương và Chuẩn tướng Lý Tòng Bá).
Môi Trường ST.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét