Hồi ấy, đất nước đã thống nhất nhưng nghĩa vụ quân sự vẫn như những năm chiến tranh. Có người ở Trường Sa cả chục năm liền, thiếu thốn, gian khổ lắm chứ không như bây giờ. Ở đảo hầu như không có khái niệm thời gian, chỉ biết mặt trời mọc là thêm một ngày, mặt trời lặn là đã qua một ngày. Nhưng ngày ấy là ngày nào? Chịu!
Đảo hồi ấy đã được đất liền chăm chút chu đáo. Hầu như tiểu đội nào cũng có lịch, mỗi người lính còn có thêm một cuốn lịch con trong túi nhưng chỉ quên xé hay đánh dấu là chịu rồi. Mở đài, thi thoảng bắt được làn sóng chập chờn, gặp buổi tường thuật bóng đá thì biết chắc là chiều chủ nhật. Nhưng một tháng có đến 4 chủ nhật, vậy chủ nhật nào? Chịu! Chính trị viên đành chọn một ngày để thống nhất toàn đảo. Ngày ấy lại biệt lập hoàn toàn với đất liền.
Tướng Cương bảo: “Tớ đâu có muốn đày đọa các cậu. Giá trị gì mấy cái hòn đá cằn cỗi này mà phải gìn giữ? Nhưng đây là Tổ quốc của mình, là máu thịt của mình. Có phải chúng ta giữ mấy hòn đá hoang dại này đâu mà là giữ biển đấy! Mất đảo là mất biển, mà biển lại bao bọc suốt từ Bắc đến Nam. Tất cả kẻ thù đánh ta đều đi từ đường biển vào. Thế nên chúng ta phải giữ đảo, giữ biển. Khổ mấy cũng phải giữ, có chết cũng phải giữ! Thế nên chúng mày mới phải chịu cảnh này”.
“Tớ già rồi, ngoài 70 rồi, lẽ ra được ở nhà an thú tuổi già, vậy mà vẫn phải lọ mọ lặn lội sóng gió ra đây với chúng mày, vẫn phải làm tư lệnh. Tất nhiên tớ biết, các cậu vất vả hơn tư lệnh nhiều, khổ hơn tư lệnh nhiều vì tư lệnh còn được ở đất liền. Hay là các cậu vào đất liền, làm tư lệnh thay tớ, để tớ giữ đảo cho? Ở đây có cậu nào làm được tư lệnh không, xung phong nào! Cậu nào làm được tư lệnh, tớ sẽ báo cáo quân chủng, báo cáo Bộ Chính trị cho thay ngay Giáp Văn Cương”.
Ông tâm tình: “Còn việc về phép của các cậu, chúng tớ có tiếc gì đâu. Nhưng Bộ Tư lệnh nghèo quá, đất nước nghèo quá. Chúng ta vừa qua chiến tranh, còn hàng triệu bà mẹ liệt sĩ thiếu ăn, hàng triệu trẻ con không có trường học. Đưa một cậu về phép, Bộ Tư lệnh phải xuất 20 tấn dầu cả tàu ra, tàu về, rồi tàu lại ra. Mà dầu thì ta không có, phải mua của nước ngoài, rất đắt. Mỗi đứa bớt một lần về phép thì một trăm bà mẹ liệt sĩ có được đến mấy tháng ăn...”.
Thế rồi ông khóc. Lính cũng khóc: “Thôi, chúng con hiểu rồi. Bố đừng nói nữa, chúng con thương bố lắm”. Tướng Cương bảo: “Chẳng ai nỡ làm cái việc táng tận lương tâm là cắt phép của các cậu. Nhưng hôm nay tớ phải làm cái việc táng tận lương tâm ấy đấy. Cắt phép. Còn nếu cậu nào có thể tự túc về được thì tớ cho đi ngay, bất cứ lúc nào. Có ai bơi được về đất liền không? Không à? Trai trẻ gì mà kém thế! Tớ mà trẻ trai như các cậu là tớ trốn đấy”. Thế là tướng với lính cười bò. Cười mà nước mắt giàn giụa.
Vậy đấy, và Tổ quốc sẽ không bao giờ bị ''trôi dạt'' bởi chúng ta đã có những vị tướng như thế, những người lính như thế./.
Môi Trường ST.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét